Quản lý kho vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự

18/01/2018
Kho vật chứng là một trong những cơ sở vật chất quan trọng trong việc tập trung, lưu giữ, bảo quản vật chứng, đồ vật và tài liệu khác đã thu thập được của các vụ án để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Vấn đề bảo quản vật chứng và quản lý kho vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, xã hội và pháp lý, góp phần đảm bảo thực thi pháp luật hiệu quả, toàn diện. Để đảm bảo chất lượng công tác quản lý kho vật chứng và áp dụng thống nhất các quy định về quản lý kho vật chứng trong thi hành án dân sự Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 01/2017/TT-BTP ngày 23/01/2017 về việc quản lý kho vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự.


Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự đã có 03 Điều quy định về giao nhận, bảo quản, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ, đó là Điều 11 về giao nhận vật chứng, tài sản; Điều 12 về bảo quản vật chứng, tài sản và Điều 13 về xử lý đối với vật chứng, tài sản tạm giữ và một số vấn đề liên quan đến án phí, tiền phạt. Tuy nhiên, trước những thay đổi về thể chế trong các lĩnh vực pháp luật khác nhau và trước yêu cầu của tình hình thực tiễn, những quy định về kho vật chứng và bảo quản tài sản tại kho vật chứng trong thi hành án dân sự nêu trên là chưa đầy đủ và đã bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định.
Ngoài ra, Điều 6 Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18/02/2002 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 70/2013/NĐ-CP ngày 02/7/2013 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý kho vật chứng quy định: “Mỗi Cục thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và mỗi chi cục thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được tổ chức một kho vật chứng để phục vụ công tác xét xử và thi hành án. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định việc thành lập, quy mô, tiêu chuẩn xây dựng kho vật chứng và quy định nội quy kho vật chứng thuộc các cơ quan thi hành án dân sự.” Thực hiện quy định này, Bộ Tư pháp cần thể chế hóa việc thành lập, quy mô, tiêu chuẩn xây dựng và nội quy kho vật chứng thuộc các cơ quan thi hành án dân sự.
Bên cạnh đó, việc quản lý, xử lý vật chứng, tài sản bị kê biên, tạm giữ là một vấn đề quan trọng đảm bảo hiệu quả xét xử và kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ của các cơ quan thi hành án dân sự. Việc quản lý, xử lý vật chứng của các cơ quan thi hành án dân sự mặc dù đã được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật1 tuy nhiên, thực tiễn quản lý vật chứng trong thi hành án dân sự cũng còn không ít vấn đề vướng mắc, bất cập[1] sau đây:
(i) Về kho vật chứng: nhiều cơ quan thi hành án dân sự chưa có kho vật chứng, phải thuê, mượn kho dẫn đến khó khăn trong việc tiếp nhận, quản lý vật chứng, dễ gây mất mát, thất lạc vật chứng; chưa có các công cụ, máy móc, phương tiện cần thiết để cân, đong, đo, đếm, kiểm tra vật chứng; các trang thiết bị bảo quản vật chứng; chưa có quy chuẩn kỹ thuật sắp xếp kho vật chứng nên khó khăn trong việc quản lý, bảo quản các loại vật chứng;
(ii) Về thủ kho vật chứng: chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn nghiệp vụ; việc đào tạo bồi dưỡng... Thủ kho vật chứng;
(iii) Về xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ: Chưa có quy trình xử lý thống nhất và phù hợp đối với những vật chứng, tài sản đặc thù, vật chứng tồn đọng; kinh phí thực hiện việc bảo quản, xử lý vật chứng, v.v.
Những vấn đề vướng mắc, bất cập này cần phải được điều chỉnh để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về thi hành án dân sự nói chung và quản lý, xử lý vật chứng trong thi hành án dân sự nói riêng. Do đó, Bộ Tư pháp cần có những quy định cụ thể để khắc phục các vướng mắc, khó khăn nêu trên.
Để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự một cách an toàn và có hiệu quả, nhằm bảo quản tốt nhất tài sản của công dân và của Nhà nước, ngày 23/01/2017, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 01/2017/TT-BTP quy định về quản lý kho vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/03/2017, với các nội dung cơ bản như sau:
1. Kho vật chứng và nguyên tắc quản lý, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự
Yêu cầu đối với kho vật chứng được quy định tại Điều 4 Thông tư số 01/2017/TT-BTP, bao gồm:
- Kho vật chứng phải bảo đảm yêu cầu về quy mô, tiêu chuẩn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; có đầy đủ các trang thiết bị cần thiết để bảo quản vật chứng tài sản, tạm giữ; bảo đảm các yêu cầu về an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường và các yêu cầu khác trong việc bảo quản vật chứng, tài sản tạm giữ.
- Trường hợp chưa có kho vật chứng hoặc số lượng vật chứng, tài sản tạm giữ quá lớn mà kho không thể đáp ứng được, cơ quan thi hành án dân sự có thể thuê kho để bảo quản.
Kho thuê phải đáp ứng các yêu cầu về trang thiết bị, an ninh, an toàn quy định tại khoản 1 Điều này; việc bảo quản, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ tại kho thuê thực hiện tương tự như tại kho vật chứng của cơ quan thi hành án dân sự.
- Căn cứ vào điều kiện thực tế của từng đơn vị, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự bố trí phòng hoặc khu vực làm việc của Thủ kho vật chứng và Bảo vệ kho vật chứng. Trường hợp kho vật chứng nằm trong trụ sở cơ quan thi hành án dân sự thì Bảo vệ cơ quan có trách nhiệm bảo vệ kho vật chứng.
Nguyên tắc quản lý, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự được quy định tại Điều 3 Thông tư số 01/2017/TT-BTP, bao gồm các nội dung sau đây:
- Vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự do cơ quan có thẩm quyền chuyển giao theo quy định của pháp luật hoặc tài sản do cơ quan thi hành án dân sự kê biên, tạm giữ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 58, Điều 68 và khoản 1 Điều 115 Luật Thi hành án dân sự phải được bảo quản tại kho vật chứng, tài sản tạm giữ (sau đây gọi chung là kho vật chứng) của cơ quan thi hành án dân sự. Đối với vật chứng, tài sản tạm giữ không thể vận chuyển, di dời về bảo quản tại kho vật chứng của cơ quan thi hành án dân sự thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ký hợp đồng thuê trông giữ, bảo quản theo quy định của pháp luật.
- Vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự phải được bảo quản an toàn và được xử lý kịp thời, theo quy định của pháp luật. Mọi hành vi xâm phạm, phá hủy niêm phong, sử dụng trái phép, chuyển nhượng, thêm bớt, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại và các hành vi khác làm hư hỏng hoặc thay đổi hiện trạng vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự đều bị xử lý theo quy định.
- Không sử dụng kho vật chứng của cơ quan thi hành án dân sự vào mục đích khác.
- Người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật mới được ra, vào kho vật chứng.
2. Trách nhiệm quản lý, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự
Thông tư số 01/2017/TT-BTP đã có nhiều quy định mới về trách nhiệm trong việc quản lý, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự, cụ thể như sau:
2.1. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự trong việc giao nhận, bảo quản, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ
Thông tư số 01/2017/TT-BTP đã quy định cụ thể về trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự trong việc giao nhận, bảo quản, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ[2], bao gồm:
- Đề xuất việc xây dựng, cải tạo, sửa chữa kho vật chứng; thực hiện việc thuê kho vật chứng bảo đảm quy mô, diện tích theo quy định; quy định định mức, tiêu chuẩn sử dụng, diện tích làm việc của Thủ kho, Bảo vệ kho vật chứng.
- Chỉ đạo và tổ chức việc giao nhận, bảo quản và xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ bảo đảm đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định.
- Chỉ đạo và tổ chức kiểm tra, kiểm kê, tổng hợp báo cáo về việc bảo quản vật chứng, tài sản tạm giữ theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự (sau đây gọi tắt là Thông tư số 01/2016/TT-BTP).
- Khen thưởng hoặc trình cấp có thẩm quyền khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc; xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc giao nhận, bảo quản xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ theo quy định của pháp luật.
- Chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ tồn đọng.
- Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, nơi cụm kho vật chứng được xây dựng có trách nhiệm làm đầu mối đảm bảo an ninh, an toàn và vệ sinh môi trường xung quanh khu vực cụm kho; ban hành quy chế phối hợp trong việc bảo vệ cụm kho vật chứng (nếu thấy cần thiết).
2.2. Trách nhiệm của Chấp hành viên
Điều 7 Thông tư số 01/2017/TT-BTP quy định Chấp hành viên có trách nhiệm sau đây:
- Đề xuất, lập lệnh nhập kho trình Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự hoặc người được Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự uỷ quyền để nhập kho vật chứng, tài sản tạm giữ đối với tài sản kê biên đảm bảo thi hành án được bảo quản theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 58 và khoản 1 Điều 115 Luật Thi hành án dân sự.
- Lập giấy đề nghị xuất kho và lệnh xuất kho vật chứng, tài sản tạm giữ trình Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự hoặc người được Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự uỷ quyền để xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ theo quy định.
- Phối hợp với Kế toán nghiệp vụ, Thủ kho, Bảo vệ trong việc giao nhận, bảo quản, kiểm tra, kiểm kê, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường.
2.3. Trách nhiệm của kế toán nghiệp vụ thi hành án trong tiếp nhận, bảo quản và xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ
Trách nhiệm của kế toán nghiệp vụ thi hành án trong tiếp nhận, bảo quản và xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ được quy định tại Điều 8 Thông tư số 01/2017/TT-BTP, bao gồm:
- Thu thập, xử lý thông tin, số liệu; kiểm tra giám sát tình hình quản lý vật chứng, tài sản tạm giữ theo quy định của Bộ Tài chính hướng dẫn về kế toán nghiệp vụ thi hành án.
- Lập các chứng từ về việc giao nhận, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ.
- Định kỳ hàng tháng, quý, năm phối hợp với Thủ kho vật chứng tiến hành việc đối chiếu, kiểm kê, đánh giá tình hình, kết quả bảo quản, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ.  
2.4. Trách nhiệm của Thủ kho vật chứng
Thông tư số 01/2017/TT-BTP quy định về việc bố trí Thủ kho vật chứng và trách nhiệm của Thủ kho vật chứng[3] như sau:
- Căn cứ vào biên chế được giao, quy mô kho, tình hình, số lượng vật chứng, tài sản tạm giữ thường xuyên phải lưu giữ trong kho vật chứng, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự bố trí Thủ kho vật chứng.
Căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự bố trí thủ kho vật chứng chuyên trách hoặc thủ kho vật chứng kiêm nhiệm. Thủ kho vật chứng chuyên trách, được tuyển dụng đúng vị trí việc làm, được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý, bảo quản, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ. Thủ kho vật chứng kiêm nhiệm phải được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý, bảo quản, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ.
- Thủ kho vật chứng có trách nhiệm:
+ Thực hiện việc xuất, nhập kho và bảo quản vật chứng tài sản tạm giữ theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;
+ Lập giấy đề nghị nhập kho, xuất kho; lệnh nhập kho, xuất kho; biên bản giao nhận vật chứng, tài sản tạm giữ khi cơ quan có thẩm quyền chuyển giao hoặc cần trích xuất để phục vụ cho hoạt động tố tụng để Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự hoặc người được Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự uỷ quyền xem xét, quyết định việc nhập kho, xuất kho;
+ Phối hợp với Chấp hành viên, kế toán kiểm tra các thủ tục, giấy tờ cần thiết khác của người giao, gồm các thông tin: chủng loại, số lượng, trọng lượng, đặc điểm của vật chứng, tài sản tạm giữ cần nhập kho; lý do, thời gian nhập kho; họ và tên, chức vụ của người giao; chữ ký của Thủ trưởng và đóng dấu cơ quan thụ lý vụ việc; giấy tờ tùy thân của người giao vật chứng, tài sản tạm giữ;
+ Tiếp nhận, xác định tình trạng, đặc điểm vật chứng, tài sản tạm giữ, tình trạng niêm phong (nếu có) khi tiếp nhận và nhập kho vật chứng theo quy định. Việc kiểm tra hiện trạng vật chứng, tài sản tạm giữ phải đối chiếu với biên bản thu giữ ban đầu;
+ Xuất kho vật chứng, tài sản tạm giữ để xử lý theo quy định của pháp luật bảo đảm đúng danh sách do Chấp hành viên lập và lệnh xuất kho của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự hoặc người được Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự uỷ quyền;
+ Thực hiện việc dán nhãn vật chứng, tài sản tạm giữ; ghi rõ tên của vụ việc; cơ quan, đơn vị, cá nhân chuyển giao vật chứng, tài sản tạm giữ; sắp xếp, bố trí vị trí bảo quản riêng biệt, tránh nhầm lẫn;
+ Lập thẻ kho đối với từng vật chứng, tài sản tạm giữ; ghi chép, cập nhật đầy đủ tình hình vào sổ kho theo dõi vật chứng, tài sản tạm giữ;
+ Báo cáo kịp thời cho Thủ trưởng cơ quan khi phát hiện vật chứng, tài sản tạm giữ bị mất, hư hỏng, thiếu hụt, thay đổi hiện trạng niêm phong và thực hiện các công việc khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
+ Phối hợp với Chấp hành viên, kế toán thực hiện việc kiểm kê vật chứng, tài sản tạm giữ; kiểm tra bảo đảm sự an toàn, chắc chắn của các kệ, giá, trang thiết bị dùng để cất giữ, bảo quản vật chứng, tài sản tạm giữ, tránh trường hợp gãy, đổ, mất an toàn.
2.5. Trách nhiệm của Bảo vệ kho vật chứng
Thông tư số 01/2017/TT-BTP quy định về chế độ làm việc và trách nhiệm của Bảo vệ kho vật chứng[4] như sau:
- Bảo vệ kho vật chứng là người được tuyển dụng vào làm việc tại cơ quan thi hành án dân sự địa phương theo chế độ hợp đồng, có nhiệm vụ bảo vệ, canh gác, bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn kho vật chứng.
- Bảo vệ kho vật chứng có trách nhiệm phối hợp với Thủ kho vật chứng trong việc kiểm kê, báo cáo Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự về việc vật chứng bị mất, hư hỏng; chịu trách nhiệm trước pháp luật và Thủ trưởng đơn vị về an ninh, an toàn khu vực kho vật chứng.
- Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Bảo vệ kho vật chứng do Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự nơi Bảo vệ kho vật chứng làm việc quy định.
2.6. Những nội dung về tiếp nhận, bảo quản, kiểm kê và xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự
Một là, việc tiếp nhận vật chứng, tài sản tạm giữ trong một số trường hợp đặc thù[5], được thực hiện như sau:
- Đối với vật chứng, tài sản tạm giữ không thể di chuyển về kho vật chứng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Quy chế quản lý kho vật chứng ban hành kèm theo Nghị định số 18/2002/NĐ-CP và Nghị định số 70/2013/NĐ-CP, cơ quan thi hành án dân sự nhận chuyển giao từ cơ quan điều tra tại nơi đang bảo quản vật chứng, tài sản tạm giữ và đề nghị cơ quan điều tra chuyển giao  các loại tài liệu, giấy tờ liên quan đến việc giao bảo quản vật chứng, tài sản tạm giữ.
Cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục giao cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp vật chứng, tài sản hoặc người thân thích của họ hoặc chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức nơi có vật chứng, tài sản tạm giữ trông giữ, bảo quản. Trường hợp các cá nhân, tổ chức nêu trên không tiếp tục nhận trông giữ, bảo quản vật chứng, tài sản tạm giữ thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thuê tổ chức, cá nhân khác trông giữ, bảo quản.
- Đối với vật chứng phải bảo quản tại cơ quan, tổ chức chuyên trách được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8 Quy chế quản lý kho vật chứng ban hành kèm theo Nghị định số 18/2002/NĐ-CP và Nghị định số 70/2013/NĐ-CP, cơ quan thi hành án dân sự đề nghị cơ quan điều tra chuyển giao biên bản bàn giao vật chứng từ cơ quan điều tra sang cơ quan chuyên trách và các tài liệu liên quan để cơ quan thi hành án theo dõi, ra quyết định xử lý vật chứng theo bản án, quyết định của Tòa án.
- Đối với các vật chứng, tài sản tạm giữ quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 8 Quy chế quản lý kho vật chứng ban hành kèm theo Nghị định số 18/2002/NĐ-CP và Nghị định số 70/2013/NĐ-CP, khi Tòa án chuyển giao bản án, quyết định, cơ quan thi hành án dân sự yêu cầu cơ quan đang bảo quản các vật chứng, tài sản tạm giữ chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự (kể cả tài liệu, giấy tờ liên quan đến vật chứng, tài sản tạm giữ).
Hai là, việc bảo quản, kiểm kê vật chứng, tài sản tạm giữ; trích xuất vật chứng được quy định tại Điều 12 Thông tư số 01/2017/TT-BTP, được thực hiện như sau:
- Việc bảo quản, kiểm kê vật chứng, tài sản tạm giữ; trích xuất vật chứng thực hiện theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 01/2016/TT-BTP. Vật chứng, tài sản tạm giữ là loại mau hỏng hoặc có thể bị trích xuất hoặc thuộc vụ việc đã có bản án, quyết định của Tòa án phải được bảo quản, sắp xếp ở vị trí thuận lợi, dễ dàng cho việc xử lý.
- Đối với vật chứng, tài sản tạm giữ giao cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc người thân thích của họ hoặc chính quyền địa phương, tổ chức, cá nhân khác, nơi có vật chứng, tài sản tạm giữ bảo quản theo quy định, định kỳ hàng tháng, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm kiểm tra việc bảo quản vật chứng, tài sản tạm giữ. Việc kiểm tra vật chứng, tài sản phải được lập biên bản, ghi rõ giờ, ngày, tháng năm kiểm tra; tên, số lượng và tình trạng của từng loại vật chứng, tài sản, có chữ ký của kế toán, thủ kho và Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự và người được giao bảo quản.
Trường hợp xét thấy việc bảo quản vật chứng, tài sản tạm giữ không đảm bảo an toàn thì phải yêu cầu tổ chức hoặc cá nhân được giao (hoặc thuê) bảo quản có biện pháp khắc phục, bảo đảm an toàn hoặc xem xét, giao (hoặc thuê) tổ chức, cá nhân khác bảo quản.
Ba là, việc xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ trong một số trường hợp đặc thù[6], được thực hiện như sau:
- Đối với vật chứng là chất độc, hóa chất nguy hiểm, ma túy (số lượng lớn) hoặc các loại vật chứng đặc thù khác phải tiêu hủy, nếu xét thấy việc tiêu hủy có thể dẫn đến mất an toàn và ảnh hưởng đến môi trường, cơ quan thi hành án dân sự phải lập kế hoạch (bao gồm cả kinh phí xử lý), phối hợp với các cơ quan chuyên môn có liên quan tiến hành thuê tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để tiến hành tiêu hủy theo quy định.
Trường hợp có nhiều tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thì có thể tổ chức đấu thầu để lựa chọn.
- Đối với vật chứng, tài sản tạm giữ tồn đọng từ 01 năm trở lên, chưa xử lý (trừ trường hợp vật chứng, tài sản tạm giữ đang phải bảo quản theo quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền), cơ quan thi hành án dân sự phối hợp với cơ quan Công an, Tòa án, Viện kiểm sát cùng cấp và các cơ quan chức năng để xác định tình trạng, lập danh sách vật chứng, tài sản tạm giữ còn tồn đọng, chưa xử lý và tiến hành xử lý như sau:
+ Đối với các vật chứng, tài sản tạm giữ mà vụ án bị đình chỉ thì cơ quan thi hành án dân sự đề nghị cơ quan đã ra quyết định đình chỉ vụ án ra quyết định xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ để tiến hành xử lý theo quy định.
+ Đối với các vật chứng, tài sản tạm giữ mà Tòa án chưa chuyển giao bản án, quyết định; Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra chưa chuyển giao tài liệu liên quan đến vật chứng, tài sản tạm giữ thì cơ quan thi hành án dân sự đề nghị các cơ quan có liên quan nêu trên chuyển giao để tiến hành xử lý theo quy định.
+ Đối với trường hợp không có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ hoặc không có tài liệu liên quan đến vật chứng, tài sản tạm giữ thì  tổ chức họp liên ngành với các cơ quan có liên quan ở địa phương (Công an, Kiểm sát, Tòa án, Tài chính) thống nhất phương án, biện pháp xử lý.
Trường hợp không thống nhất được phương án, biện pháp xử lý thì báo cáo cơ quan thi hành án dân sự cấp trên trực tiếp hoặc cơ quan quản lý thi hành án dân sự để được chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết.
Bốn là, việc xử lý trường hợp vật chứng, tài sản tạm giữ bị mất, hư hỏng được thực hiện theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 01/2017/TT-BTP. Theo đó, khi phát hiện vật chứng, tài sản tạm giữ đang lưu giữ, bảo quản tại kho vật chứng bị mất, hư hỏng, không còn giá trị, biến chất nguy hiểm, có thể gây mất an toàn thì xử lý như sau :
- Đối với vật chứng, tài sản tạm giữ bị mất thì phải làm rõ trách nhiệm và phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xác minh làm rõ và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để xem xét, xử lý kỷ luật hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân vi phạm.
- Đối với tang vật, tài sản tạm giữ bị hư hỏng, không còn giá trị sử dụng thì thực hiện tiêu hủy theo quy định tại khoản 3 Điều 126 Luật THADS và điểm b khoản 2, khoản 3 Điều 13 Thông tư 01/2016/TT-BTP.
- Đối với tang vật, tài sản tạm giữ bị biến chất nguy hiểm, có thể gây mất an toàn thì phối hợp với các cơ quan chuyên môn để trao đổi, thống nhất phương án và tiến hành xử lý, đảm bảo an toàn đối với con người và vệ sinh, môi trường.
3. Một số khó khăn, vướng mắc và kiến nghị
Thực tiễn quản lý vật chứng trong thi hành án dân sự hiện nay cũng còn không ít vấn đề khó khăn, vướng mắc, có thể kể tới một số bất cập như sau:
Thứ nhất, tình trạng thiếu kho vật chứng của các cơ quan thi hành án dân sự. Hiện nay, vẫn còn rất nhiều cơ quan thi hành án dân sự chưa có kho vật chứng; nhiều cơ quan phải thuê, mượn kho vật chứng dẫn đến khó khăn trong việc tiếp nhận, quản lý, xử lý vật chứng, tài sản, thậm chí rất dễ gây mất mát, thất lạc vật chứng. Nhiều cơ quan phải sử dụng phòng làm việc để bảo quản vật chứng dẫn đến nhiều vấn đề phức tạp phát sinh [7].
Thứ hai, tại các cơ quan thi hành án dân sự chưa có các công cụ, máy móc, phương tiện cần thiết để cân, đong, đo, đếm, kiểm tra vật chứng, tài sản tạm giữ; đặc biệt là thiếu các các trang thiết bị kiểm tra, bảo quản vật chứng, thực hiện việc kiểm tra, bảo quản vật chứng chưa bảo đảm sự thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Thứ ba, chưa có quy chuẩn kỹ thuật, bảo đảm việc sắp xếp kho vật chứng một cách khoa học nên khó khăn trong việc quản lý, bảo quản các loại vật chứng, phần nào ảnh hưởng đến tâm lý làm việc của cán bộ, công chức cơ quan thi hành án, đặc biệt là những người có trách nhiệm được giao bảo quản kho vật chứng.  Ngoài ra, kho vật chứng còn sử dụng chung với kho tài liệu, hồ sơ lưu trữ, hoặc bảo quản chung các công cụ hỗ trợ thi hành án với vật chứng nên rất dễ xảy ra thất thoát, hư hỏng, có thể ảnh hưởng đến công tác xét xử của Tòa án.
Thứ tư, về thủ kho vật chứng: Hiện nay, hầu hết các thủ kho vật chứng đều kiêm nhiệm cả các công việc khác như công tác văn thư, thủ quỹ, v.v.; nhiều trường hợp chưa được qua đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ quản lý kho; chế độ phụ cấp thấp, trong khi trách nhiệm lại cao nên không thu hút được người làm việc trong lĩnh vực này. Việc đào tạo bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý kho vật chứng chưa được thực hiện thường xuyên dẫn đến tình trạng còn co cán bộ thủ kho chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng cơ bản về sắp xếp, bảo quản kho vật chứng.
Thứ năm, với một số loại vật chứng là các tài sản đặc thù như vật chứng là pháo nổ[8], một số loại vật chứng đặc biệt (heroin, ma túy; chất độc hại) hoặc tang vật cồng kềnh như ô tô, gỗ…) hiện vẫn chưa có phương án bảo quản thích hợp. Đối với công cụ hỗ trợ trong thi hành án dân sự, nhiều công cụ như: bình xịt hơi cay, gậy điện, dùi cui điện... có thể được bảo quản trong kho vật chứng, chưa đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, đặc biệt là các yêu cầu mới về bảo quản công cụ hỗ trợ theo quy định tại Điều 9 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2018. Theo đó, Luật này quy định “Kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải được bố trí, thiết kế, xây dựng đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, phòng, chống cháy, nổ, bảo đảm môi trường theo quy định; có nội quy, phương án bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy, kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và phương tiện bảo đảm an toàn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.
Do đó, trong thời gian tới cần nghiên cứu xem xét bổ sung việc xây dựng kho vật chứng cho các cơ quan Thi hành án dân sự trên cơ sở phù hợp với đặc điểm của từng địa phương do đặc thù của các cơ quan khác nhau hoặc ở các địa phương khác nhau (tùy thuộc vào số lượng vụ án và điều kiện kinh tế xã hội).  Ngoài ra, cần nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cùng cấp cũng như trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn có liên quan như Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong việc xây dựng, quản lý, giao nộp và bảo quản vật chứng đáp ứng yêu cầu xét xử và thi hành án. Đối với các loại tài sản đặc thù như chất dễ cháy, nổ hoặc các tài sản phải bảo quản trong những điều kiện riêng về nhiệt độ, độ ẩm, v.v. cần có phương án bố trí phù hợp, đảm bảo an toàn và không ảnh hưởng đến chất lượng của vật chứng, tài sản. Đặc biệt cần quan tâm đến bộ phận quản lý công cụ hỗ trợ thi hành án để đảm bảo thực hiện đúng các quy định pháp luật mới về bảo quản vật chứng và công cụ hỗ trợ[9].
Về công tác đào tạo và biên chế, cần bổ sung kịp thời biên chế thủ kho vật chứng theo quy định, bảo đảm đủ về nhân sự, điều chỉnh tăng chế độ phụ cấp  đáp ứng yêu cầu công việc và thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn chuyên sâu cho cán bộ làm công tác thủ kho, quản lý kho để trang bị cho cán bộ thủ kho những kiến thức cần thiết và quan trọng trong việc sắp xếp, bảo quản vật chứng và quản lý kho vật chứng. Đồng thời cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc bảo quản vật chứng và quản lý kho vật chứng tại cơ sở để đảm bảo chất lượng công tác quản lý kho vật chứng tại các cơ quan thi hành án.
ThS. Hoàng Thị Thanh Hoa và ThS.Nguyễn Văn Nghĩa
 

1 Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Thi hành án dân sự; Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự; Quy chế quản lý kho vật chứng ban hành kèm theo Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18/02/2002 của Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 70/2013/NĐ-CP ngày 02/7/2013; Thông tư 91/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thi hành án, v.v.
[1] Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp, Tờ trình về dự thảo Thông tư quản lý kho vật chứng, tài sản tạm giữ tại các cơ quan thi hành án dân sự, tr.1-2.
[2] Điều 6 Thông tư số 01/2017/TT-BTP
[3] Điều 9 Thông tư số 01/2017/TT-BTP
[4] Điều 10 Thông tư số 01/2017/TT-BTP
[5] Điều 11 Thông tư số 01/2017/TT-BTP
[6] Điều 13 Thông tư số 01/2017/TT-BTP
[7] Xem thêm: Thục Quyên, Bảo quản hàng chục kg pháo nổ trong phòng làm việc, http://baophapluat.vn/tu-phap/bao-quan-hang-chuc-kg-phao-no-trong-phong-lam-viec-266472.html, trc. 08.12.2017

[8] Hoài Thu, Cục thi hành án dân sự lo lắng về an toàn trong bảo quản vật chứng là chất nổ, http://www.baonghean.vn/thoi-su-chinh-tri/201710/cuc-thi-hanh-an-dan-su-lo-lang-ve-an-toan-trong-bao-quan-vat-chung-la-chat-no-2852506/, trc: 08/12/2017

 
[9] Xem thêm Điều 8, Điều 9 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017