Theo đó, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (THADS) số 26/2008/QH12 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự số 64/2014/QH13 về thủ tục thi hành án dân sự; hệ thống tổ chức cơ quan quàn lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp, Chấp hành viên cao cấp; Thẩm tra viên thi hành án, Thẩm tra viên chính thi hành án, Thẩm tra viên cao cấp thi hành án; Thư ký thi hành án, Thư ký trung cấp thi hành án; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thì hành án dân sự; việc thi tuyển, tuyển chọn, bổ nhiệm Chấp hành viên; thẻ, công cụ hỗ trợ, trang phục, phù hiệu, cấp hiệu và chế độ đối với Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thư ký thi hành án và người làm công tác thi hành án dân sự. Nghị định được áp dụng đối với cơ quan quản lý THADS, cơ quan THADS, người làm công tác THADS và các cơ quan, tổ chức cá nhân khác có liên quan đến công tác THADS.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành ban hành Nghị định số 33/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS với nhiều điểm mới đáng chú ý như về về thời hiệu yêu cầu thi hành án; về căn cứ từ chối yêu cầu thi hành án; về chủ động ra quyết định thi hành án.
Cụ thể hơn quy định về từ chối yêu cầu thi hành án
Một trong những điểm mới đáng chú ý của Nghị định 33 là nghị định này quy định rõ hơn về việc từ chối yêu cầu thi hành án. Cụ thể, theo Nghị định 33, cơ quan Thi hành án dân sự được từ chối yêu cầu thi hành án đối với bản án, quyết định không xác định rõ khoản phải thi hành hoặc không xác định rõ người phải thi hành án.
“Theo Nghị định 33, chỉ cần một trong hai điều kiện “bản án, quyết định không xác định rõ khoản phải thi hành hoặc không xác định rõ người phải thi hành án” thì cơ quan Thi hành án dân sự được từ chối yêu cầu thi hành án. Trước đây, theo Nghị định 62, phải cần cả 2 điều kiện “bản án, quyết định không xác định cụ thể người phải THA và nghĩa vụ phải thi hành” thì cơ quan Thi hành án dân sự mới được từ chối yêu cầu thi hành án”.
Bổ sung nhiều điểm mới
Một điểm mới khác của Nghị định 33 là Nghị định này quy định rõ hơn trong việc xử lý đối với những trường hợp đương sự cố tình gây cản trở, khó khăn cho công tác thi hành án.
Cụ thể, Nghị định 33 quy định, trường hợp đương sự, người đang quản lý, sử dụng, bảo quản tài sản không thực hiện theo yêu cầu của chấp hành viên thì tùy từng trường hợp cụ thể mà chấp hành viên tổ chức cưỡng chế mở khóa, mở gói; buộc ra khỏi nhà, công trình xây dựng, tài sản gắn liền với đất hoặc các biện pháp cần thiết khác để kiểm tra hiện trạng, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản hoặc giao tài sản cho cá nhân, tổ chức khác bảo quản theo quy định của pháp luật.
Nghị định 62 không có quy định về phương án xử lý trong trường hợp đương sự, người đang quản lý, sử dụng, bảo quản tài sản cố tình chống đối, không hợp tác với cơ quan Thi hành án dân sự trong quá trình giải quyết việc thi hành án. Quy định mới trong Nghị định 33 này sẽ khắc phục tình trạng đương sự cố tình gây cản trở, khó khăn cho công tác thi hành án.
Ngoài ra, Nghị định số 33 cũng đã bổ sung quy định về bảo quản tài sản trong thi hành án. Nghị định số 33 quy định, trường hợp sau khi áp dụng biện pháp cưỡng chế mà không thực hiện được việc giao bảo quản đối với tài sản theo quy định thì thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự có văn bản đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp xã phối hợp, hỗ trợ bảo quản trong thời gian chưa xử lý được tài sản. Quy định này góp phần tăng cường sự phối hợp của chính quyền địa phương trong những trường hợp cá biệt, việc bảo quản tài sản gặp khó khăn.
Quy định về bảo quản tài sản trong thi hành án tại Nghị định 33 không chỉ phù hợp với quy định tại Điều 175 Luật Thi hành án dân sự về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân xã trong thi hành án dân sự, mà còn định hướng được phương án giải quyết, tăng cường sự phối hợp của chính quyền địa phương trong những trường hợp cá biệt, việc bảo quản tài sản gặp khó khăn.