Sign In

Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Quy chế liên ngành số 14

02/11/2015

Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Quy chế liên ngành số 14
Ngày 15/10/2015, Cục Thi hành án dân sự tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện Quy chế số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/10/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh – Trưởng Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh. Tham dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Tòa án nhân dân, Viên kiểm sát nhân dân, Công an tỉnh Quảng Bình, Công an trại giam Đồng Sơn cùng các đồng chí Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Thủ trưởng các phòng chuyên môn thuộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh.
 
Việc triển khai thực hiện Quy chế phối hợp giữa Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Bình và Trại giam Đồng Sơn thuộc Tổng cục Cảnh sát Thi hành án và Hỗ trợ Tư pháp - Bộ Công an đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Mối quan hệ phối hợp được tăng cường ở cấp tỉnh và cấp cơ sở. Các nội dung phối hợp trong công tác thi hành án dân sự được thực hiện có hiệu quả rõ nét, nhất là công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; giải thích sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định; thu tiền, tài sản; đặc xá; cung cấp, trao đổi thông tin, xử lý tình hình cũng như công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ và giải quyết các vấn đề vướng mắc có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị. Những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thi hành án đã được các ngành trao đổi, bàn bạc và quan tâm, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, giải quyết có hiệu quả, góp phần tích cực trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự, của nhân dân và lợi ích của Nhà nước. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện đã thường xuyên quan tâm, quản lý, chỉ đạo sát sao hơn đối với công tác thi hành án dân sự trên địa bàn.

Tuy nhiên, việc thực hiện Quy chế phối hợp vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc. Ở một số trường hợp, việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án thiếu kịp thời, không đồng bộ. Số bản án, quyết định của Tòa án tuyên có sai sót, khó thi hành kéo dài qua nhiều năm vẫn chưa được giải quyết. Nhiều địa phương chưa xây dựng được Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự ở cấp huyện. Kinh phí dành cho các hoạt động liên quan đến công tác phối hợp chưa được cấp có thẩm quyền xem xét cấp kinh phí, trong khi kinh phí hoạt động chuyên môn của các đơn vị chưa đáp ứng, nên hạn chế đến việc tổ chức sơ kết, tổng kết công tác phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự.

Nguyên nhân của các mặt hạn chế là do chưa có cơ chế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các bản án, quyết định của Tòa án trước đây tồn đọng nhiều năm tuyên có sai sót; một số quy định về kê biên, đấu giá tài sản… chưa rõ ràng, thiếu hướng dẫn cụ thể; hệ thống văn bản pháp luật về thi hành án dân sự còn vướng mắc, bất cập, chưa được sửa đổi, bổ sung; một số cơ quan chưa tích cực phối hợp hoặc sự phối hợp chưa đồng bộ, thiếu thống nhất…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng đánh giá cao những kết quả đạt được của việc thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự, như: xây dựng được quy chế phối hợp cấp tỉnh và ở một số huyện; tổ chức việc thực hiện phối hợp chặt chẽ trong từng khâu; phối hợp hiệu quả trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự hoạt động hiệu quả hơn; góp phần tăng cường bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhân dân…Đồng thời, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu trong thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa sự phối kết hợp giữa các cơ quan và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung của Quy chế, thường xuyên tổ chức các hoạt động tổng kết, sơ kết, trao đổi để đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện tình hình cũng như làm rõ các khó khăn, vướng mắc, bất cập. Song song với đó, cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xét xử của hệ thống Tòa án hai cấp; tăng cường sự phối hợp, cung cấp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan hữu quan; tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ và tổ chức kiểm tra đối với cấp huyện về việc triển khai thực hiện Quy chế, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương./.

                                                                                                                        Quang Thành - TCCB

Các tin đã đưa ngày: