Từ nhận định này, Cục thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác thi hành án dân sự năm 2017 là: tăng cường công tác chỉ đạo giải quyết việc thi hành án, tạo bước đột phá trong việc xử lý những vụ việc khó khăn nổi cộm, đặc biệt là những vụ việc tồn đọng ở các Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện với phương châm:
- Tích cực tranh thủ sự chỉ đạo nghiệp vụ từ Tổng cục Thi hành án dân sự và định hướng chỉ đạo, giải quyết những vụ việc thi hành án phức tạp của Cấp ủy và chính quyền địa phương;
- Tăng cường kiểm tra, chỉ đạo, giám sát của lãnh đạo Cục đối với các Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện;
- Tăng cường chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, đốc thúc việc thi hành án của lãnh đạo chi cục đối với các Chấp hành viên thuộc quyền quản lý.
Trên cơ sở của phương châm này Cục thi hành án dân sự đã có sự phân công nhiệm vụ rất cụ thể đối với các đồng chí lãnh đạo Cục trong việc theo dõi phụ trách các Chi cục trực thuộc, kết quả thực hiện nhiệm vụ của các Chi cục được phân công phụ trách chỉ đạo sẽ là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng đồng chí lãnh đạo Cục. Cách thức này cũng được áp dụng đối với lãnh đạo các Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện để tăng cường trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của lãnh đạo đối với địa bàn và các Chấp hành viên mà mình phụ trách.
Trong tháng 3 năm 2017 Cục thi hành án đã hoàn thành việc kiểm tra, chỉ đạo toàn diện đối với 03 Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện có số việc và tiền phải thi hành lớn và có nhiều vụ án phức tạp là Đông Hà - Cam Lộ - Vĩnh Linh; kiểm tra chuyên đề nghiệp vụ tổ chức thi hành án và giải quyết khiếu nại tố cáo ở tất các các Chi cục còn lại. Sau khi kiểm tra xong các Chấp hành viên sẽ tập trung toàn lực để tổ chức thi hành án phấn đấu đến mức cao nhất để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Để đảm bảo cho việc tổ chức thi hành án đúng trình tự quy định của pháp luật và giải quyết những vướng mắc khó khăn phát sinh trong những vụ phức tạp mà cách hiểu, cách áp dụng quy định pháp luật còn chưa thống nhất, Cục thi hành án dân sự tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp liên ngành với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh - Tòa án nhân dân tỉnh để trưng cầu ý kiến chỉ đạo giải quyết, điển hình là các vụ: Công ty TNHH Hồng Kỳ ở Chi cục thi hành án dân sự huyện Đakrông; vụ Đặng Sỹ Quốc – Đặng Thị Lệ Hoa ở Chi cục thi hành án dân sự thành phố Đông Hà; vụ Công ty cổ phần nông sản Tân Lâm.... ý kiến chỉ đạo của Cục thi hành án dân sự sau khi đã được thống nhất trong các cuộc họp liên ngành đã trở thành chổ dựa để các Chấp hành viên; các Chi cục trực thuộc yên tâm thực hiện nhiệm vụ.
Tại phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trong tháng 3 năm 2017 Cục thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị đã báo cáo 06 vụ việc thi hành án khó khăn, phức tạp có ảnh hưởng đến tình hình chính trị - xã hội tại địa phương để xin hướng giải quyết; trong số này Ban nội chính tỉnh ủy đã quyết định đưa 02 vụ: Hồ Văn Hòa – Lê Đình Mong và vụ Công ty TNHH Hồng Kỳ vào diện theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo giải quyết; riêng vụ ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam - chi nhánh tỉnh Quảng Trị với công ty cổ phần nông sản Tân Lâm được Chi cục thi hành án dân sự huyện Cam Lộ đưa ra thi hành từ đầu năm 2014 và tổ chức kê biên tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và rừng cây cao su của công ty để đảm bảo thi hành án, trong quá trình xử lý tài sản gặp rất nhiều vấn đề khó khăn, nhất là vấn đề làm sao phải vừa đảm bảo việc thi hành án thu hồi nợ cho ngân hàng vừa đảm bảo đời sống cho những người dân lao động đã nhận khoán sản xuất trên các lô đất trồng cây cao su này? Khó khăn là như vậy nhưng nhờ sự định hướng xử lý, chỉ đạo sâu sát của Ban nội chính tỉnh ủy; Ban chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh và Ban chỉ đạo thi hành án dân sự huyện Cam Lộ đến nay vụ việc đã được thi hành dứt điểm vừa đảm bảo thu hồi hơn 6 tỷ đồng trả cho ngân hàng vừa đảm bảo được sự ổn định đời sống của người dân lao động.
Việc tăng cường công tác chỉ đạo giải quyết thi hành án, nhất là các vụ việc khó có ảnh hưởng đến tình hình chính trị - xã hội tại địa phương đã mang lại kết quả là: Tạo một bước chuyển rõ nét trong nhận thức về vai trò quan trọng của Cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác thi hành án dân sự; tăng cường sự gắn kết trách nhiệm phối hợp của các cơ quan có liên quan trong công tác thi hành án dân sự với các cơ quan thi hành án dân sự tại địa phương và trách nhiệm của từng cán bộ - Chấp hành viên thi hành án dân sự trong việc thực thi nhiệm vụ; kết quả thi hành án dân sự về việc và tiền của các cơ quan thi hành án dân sự cũng đã đạt tỷ lệ cao hơn so với cùng kỳ của năm 2016, cụ thể: trong 6 tháng đầu năm 2017 các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong 1443 vụ việc; thu cho ngân sách nhà nước tổ chức kinh tế, công dân 27.080.574.000đ.
Trong thời gian tới công tác thi hành án dân sự sẽ ngày càng khó khăn do số lượng vụ việc và số tiền thi hành án ngày càng nhiều, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp, chính vì vậy việc tăng cường công tác chỉ đạo giải quyết thi hành án sẽ đóng một vai trò hết sức quan trọng, mang tính quyết định đảm bảo cho các cơ quan thi hành án hoàn thành nhiệm vụ; để thực hiện tốt nhiệm vụ này thì công tác chỉ đạo thi hành án trong thời gian tới phải thực hiện tốt các giải pháp như sau:
- Bám sát và triển khai đầy đủ kế hoạch công tác, các chỉ đạo, kết luận của lãnh đạo Tổng cục, của Cấp ủy và chính quyền địa phương, kiểm soát chặt chẽ việc thụ lý, ra quyết định thi hành án đối với các vụ việc trọng điểm, có khó khăn, phức tạp cần phải tập trung chỉ đạo .
- Lãnh đạo Cục và các Chi cục thi hành án dân sự phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền trong công tác thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo, coi việc kiểm tra, chỉ đạo là công cụ hữu hiệu, quan trọng để quản lý hoạt động thi hành án dân sự.
- Chú trọng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, thông qua công tác tiếp công dân để thực hiện tốt việc quản lý hoạt động thi hành án đối với Chấp hành viên và các công chức liên quan, đồng thời xem đây là một trong những cơ sở để xác định những vụ việc phức tạp cần phải tập trung chỉ đạo giải quyết.
- Đối với những địa bàn có những vụ việc phức tạp, nổi cộm, lãnh đạo Cục phải chủ động đề xuất với Ban nội chính tỉnh ủy làm việc với Cấp ủy, chính quyền địa phương để phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự.
Nguyễn Tài Ba