Lớn mạnh trên nhiều lĩnh vực
Trong những năm qua, Đảng đã quan tâm ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về lĩnh vực Tư pháp như Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Gần đây nhất, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn hiện nay.
Đồng thời, để nâng cao công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành các Chỉ thị về công tác THADS như: Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 về tăng cường công tác THADS; Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính...
Thể chế hóa đường lối của Đảng, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn và tiếp thu tinh hoa pháp lý của các nền pháp luật tiên tiến trên thế giới, pháp luật về THADS đã không ngừng được xây dựng, sửa đổi, bổ sung và từng bước hoàn thiện. Đến nay, lĩnh vực THADS được điều chỉnh bởi 01 đạo luật chuyên ngành là Luật THADS và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, từ đó tạo được hành lang pháp lý đảm bảo cho công tác THADS hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Cùng với việc hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy hệ thống THADS cũng không ngừng lớn mạnh theo hướng tập trung, chuyên sâu, phân định rõ cơ quan quản lý nhà nước về THADS và cơ quan THADS; đội ngũ chấp hành viên được tập trung chuẩn hóa và kiện toàn; công tác hướng dẫn nghiệp vụ được chú trọng. Hiện nay, toàn hệ thống THADS có 11.191 công chức, viên chức và người lao động, trong đó có 4.005 Chấp hành viên, 839 Thẩm tra viên và 6349 công chức, viên chức, người lao động. Cán bộ, công chức làm công tác THADS luôn nêu cao tinh thần không ngại khó, không ngại khổ, khắc phục điều kiện, hoàn cảnh, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong sự nghiệp đổi mới và xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Nhờ đó, kết quả thi hành án về việc và về tiền đều vượt chỉ tiêu đề ra, tăng dần qua từng năm. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được chú trọng, hoạt động nề nếp, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa. Tiếp nối thành tích 70 năm truyền thống, 05 năm của nhiệm kỳ vừa qua, toàn hệ thống đã đạt được thành tích to lớn: so với năm 2016, năm 2020, số tiền thi hành xong tăng trên 24 nghìn tỷ đồng (tăng 84,82% về tiền). Tính cả nhiệm kỳ 2016-2020, các cơ quan THADS đã thi hành xong trên 2,8 triệu việc (tăng 20,33% so với nhiệm kỳ trước), thu được số tiền hơn 205 nghìn tỷ đồng…
Tính riêng 9 tháng đầu năm 2021, kết quả thi hành án cơ bản giữ được nhịp so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, về việc, trong số có điều kiện đã thi hành xong 375.338 việc, đạt tỉ lệ 63,93%, tăng 1,16% so với cùng kỳ năm 2020. Về tiền, trong số có điều kiện thi hành đã thi hành xong hơn 35.235 tỷ 965 triệu đồng, đạt tỷ lệ 23,31%. Kết quả này thể hiện sự khẩn trương, nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành, đổi mới phương thức tổ chức công việc phù hợp, chủ động thực hiện các biện pháp để bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch công tác của các cơ quan THADS địa phương.
Công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự, tham nhũng trong những năm qua cũng có nhiều chuyển biến khả quan. Cụ thể, từ năm 2013 đến năm 2019, đã thu được số tiền, tài sản trên 32.174 tỷ đồng; năm 2020, đã thi hành được số tiền, tài sản trên 15.417 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Hệ thống THADS đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả tổ chức tín dụng ngân hàng. Các cơ quan THADS địa phương đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan hữu quan, các cổ chức tín dụng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh nhằm nâng cao tỷ về xử lý nợ xấu cho các tổ chức tín dụng, góp phần giải phóng nguồn lực kinh tế bị “đóng băng” trong các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại trị giá lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, công tác tham mưu quản lý nhà nước về thi hành án hành chính của Hệ thống THADS ngày càng được hoàn thiện, có những chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng vào kết quả, hiệu quả thi hành án nói chung của toàn hệ thống. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động THADS cũng luôn được đổi mới, cải cách và hiện đại hóa để đáp ứng nhu cầu của xã hội, mong muốn của người dân như: xây dựng và áp dụng các phần mềm thụ lý, tổ chức THADS, báo cáo thống kê, quản lý văn bản, theo dõi người phải thi hành án chưa có điều kiện, quy trình ISO, áp dụng cơ chế một cửa, hỗ trợ nộp đơn trực tuyến, đơn giản hóa các thủ tục hành chính…. tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm
Bên cạnh những thuận lợi, công tác THADS hiện nay vẫn còn phải đối mặt với những khó khăn, vướng mắc nhất định. Trong đó, không ít bất cập xuất phát từ việc pháp luật THADS chưa được hoàn thiện, thiếu đồng bộ, chưa thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan như quy định về vấn đề ủy thác thi hành án, xác minh tài sản, truy thu tài sản bất minh, xử lý tài sản là quyền sử dụng đất...
Mặc dù pháp luật quy định Chấp hành viên có nhiều quyền trong quá trình thi hành án (quyền kê biên, cưỡng chế, xử lý tài sản của người phải thi hành án...) nhưng thực tế để thực hiện các quyền được pháp luật quy định thì Chấp hành viên chủ yếu phải phụ thuộc vào sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Mặt khác, một số công chức làm công tác THADS còn thiếu kinh nghiệm; tại một số đơn vị thủ trưởng cơ quan chưa nhận thức đúng vị trí, vai trò của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nên chưa chú trọng gắn công tác tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo để nâng cao hiệu quả công tác này.
Một số bản án, quyết định của Tòa án tuyên chưa rõ, chưa sát thực tế, gây khó khăn cho các cơ quan thi hành án. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan chưa nhịp nhàng, hiệu quả. Công tác theo dõi thi hành án hành chính chưa thực sự phát huy hiệu quả trên thực tế do cơ quan THADS tham gia vào quá trình thi hành án hành chính với vai trò là cơ quan thực hiện chức năng theo dõi mà chưa được giao nhiều thẩm quyền khác nên hiệu lực, hiệu quả tác động của các cơ quan THADS đối với công tác thi hành án hành chính phần nào bị hạn chế…
Để khắc phục những bất cập nêu trên, thời gian tới, hệ thống THADS sẽ tập trung triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả THADS, theo dõi thi hành án hành chính, tiếp tục giảm án tồn đồng thời nâng cao tỷ lệ thi hành xong hoàn toàn về việc và về tiền, rút ngắn thời gian THADS.
Theo đó, toàn hệ thống cần quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước trong hoạt động THADS, thi hành án hành chính, nhất là chủ trương mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã xác định. Nghiên cứu, tổng kết đánh giá việc tổ chức thực hiện pháp luật về THADS, hành chính để chuẩn bị các nội dung để góp phần “Nghiên cứu, ban hành Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có Chiến lược cải cách tư pháp” theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đề ra, tiến tới sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật THADS, hành chính.
Cùng với đó, tổ chức triển khai hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng trong Ngành Tư pháp và trong Hệ thống THADS.
Tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Hệ thống THADS. Tổ chức thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ, bám sát các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống THADS, bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Chỉ đạo thực hiện tốt công tác phối hợp với các ngành liên quan, với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác THADS. Tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Bộ Tư pháp, Tổng cục, Cục THADS địa phương theo phương châm “hướng về cơ sở”; củng cố, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và lề lối làm việc; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật…
Kim Quy
Nguồn: baophapluat.vn
Theo CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ