Sign In

Khó khăn trong công tác thi hành án dân sự từ thực tiễn một vụ việc

01/07/2015

         Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa đang tổ chức thi hành vụ việc của Công ty TNHH Xây dựng và khách sạn Trường Lâm. Theo nội dung Bản án số 75/2013/KDTM-PT ngày 02/5/2013 của Tòa án nhân dân Tối cao thì “Công ty TNHH Xây dựng và khách sạn Trường Lâm phải trả cho Hội làm vườn Việt Nam 2.030 mđất kèm theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Trung ương Hội làm vườn Việt Nam tại phường Bắc Sơn, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, số A796582 do UBND tỉnh Thanh Hóa cấp ngày 09/5/1994...”
         Trong quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên đã thực hiện đầy đủ các trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật; báo cáo vụ việc với UBND tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Tổng cục Thi hành án dân sự và tiến hành họp Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh với sự tham gia của các cơ quan, ban ngành có liên quan, thống nhất thời gian tiến hành cưỡng chế thi hành án. Trên cơ sở đó, Công an tỉnh trực tiếp xây dựng phương án bảo vệ cưỡng chế, chỉ đạo Công an thị xã Sầm Sơn huy động lực lượng bảo vệ cưỡng chế lên đến hơn 100 người tham gia. Tuy nhiên, trước ngày cưỡng chế, Cục Thi hành án dân sự tỉnh nhận được công văn sô 92/TANDTC-KT ngày 07/4/2014 yêu cầu hoãn việc thi hành án của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao ( văn bản do đại diện Công ty Trường Lâm cung cấp). Cục Thi hành án dân sự tỉnh phải dừng cưỡng chế, ra Quyết định hoãn thi hành án trong thời hạn ba tháng kể từ ngày 07/4/2014. Thời gian hoãn đã hết, Cục Thi hành án dân sự không nhận được văn bản trả lời của Tòa án nhân dân Tối cao, Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra Quyết định tiếp tục thi hành án. Cũng theo thông tin của bên được thi hành án thì ngày 09/9/2014 Tòa kinh tế, Tòa án nhân dân Tối cao đã có buổi làm việc với đại diện Hội làm vườn Việt Nam và Công ty TNHH  Xây dựng và khách sạn Trường Lâm để xem xét, quyết định việc có kháng nghị hay không kháng nghị bản án số 75/2013/KDTM-PT ngày 02/5/2013 theo thủ tục giám đốc thẩm. Tuy nhiên, thời gian kéo dài, Cục Thi hành án cũng đã có văn bản số 07/CTHADS-NV ngày 05/01/2015 đề nghị trả lời về việc xem xét kháng nghị Bản án số 75/KDTM-PT ngày 02/5/2013 nhưng chưa nhận được văn bản trả lời của Tòa án nhân dân Tối cao, vụ việc vẫn tồn đọng.
         Như vậy, rõ ràng vụ việc có điều kiện để thi hành, nhưng việc thi hành án chưa thể kết thúc, nguyên nhân từ chính cơ quan có thẩm quyền yêu cầu hoãn, kháng nghị... Mặc dù thời hạn hoãn đã hết, nhưng bên phải thi hành án cố tình không thi hành với lí do Tòa án nhân dân Tối cao đang xem xét lại bản án, nếu Cục Thi hành án tiếp tục thực hiện việc cưỡng chế thi hành án và đến trước ngày cưỡng chế Tòa án nhân dân Tối cao lại ban hành công văn yêu cầu hoãn thi hành án thì một lần nữa sẽ gây lãng phí về các chi phí liên quan đến việc họp bàn, lập kế hoạch cưỡng chế, lập phương án bảo vệ của Cơ quan thi hành án và quan trọng hơn sẽ làm giảm uy tín của Cơ quan Thi hành án trong việc phối hợp, quan hệ công tác đối với các cơ quan trên địa bàn; tạo sự “ hoài nghi” về tính nghiêm minh của pháp luật đối với các bên đương sự nói riêng và nhân dân nói chung. Điều Chấp hành viên “ mong mỏi” lúc này là sớm nhận được công văn trả lời chính thức của Tòa án nhân dân Tối cao để Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa có thể nhanh chóng tổ chức thi hành dứt điểm vụ việc./.
 
                                                                                                                           Lê Võ Hồng Hạnh
                                                                                                              Phòng Kiểm tra, giải quyết KNTC
 

Các tin đã đưa ngày: