Tại buổi làm việc với các Chi cục, tổ công tác đã nghe báo cáo kết quả công tác thi hành án dân sự 7 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 5 tháng cuối năm 2023 của các đơn vị. Nhìn chung, tỉ lệ giải quyết án trong 7 tháng đầu năm ở cả 4 đơn vị còn thấp. Ba đơn vị có tỷ lệ giải quyết về tiền ở mức báo động là: Như Thanh 5.83%, Như Xuân 7.13%, Đông Sơn 8.22%. Bên cạnh đó tỷ lệ giải quyết án tồn đọng, án tín dụng ngân hàng chưa cao, hiện các đơn vị đều có những vụ án tín dụng, án dân sự có giá trị lớn, mới thụ lý chưa kịp phân loại án.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, đề xuất của, đồng chí Phó cục trưởng Lê Bá Ngàn đã có những kết luận, chỉ đạo chung đối với 4 Chi cục, đồng chí yêu cầu 4 đơn vị phải tập trung giải quyết một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Yêu cầu lãnh đạo các Chi cục phải phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành, phải nắm chắc nội dung, tiến độ thực hiện và kết quả giải quyết công việc của từng Chấp hành viên; có biện pháp và giải pháp cụ thể, kịp thời chỉ đạo để Chấp hành viên hoàn thành nhiệm vụ được phân công. Chú trọng và đẩy nhanh tiến độ thi hành án đối với các vụ án tín dụng ngân hàng, án có điều kiện, tích cực xây dựng, áp dụng biện pháp đảm bảo thi hành án đối với các vụ việc có điều kiện thi hành.
2. Các Chi cục phải chủ động hơn nữa trong vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo THADS huyện, phải vận dụng tối đa sự quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, làm tốt công tác phối hợp với Công an 2 cấp, Tòa án, VKSND huyện trong việc xác minh, xử lý tài sản thi hành án. Kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc về Cục trong quá trình tổ chức thi hành án và các nhiệm vụ khác để lãnh đạo Cục nắm bắt, chỉ đạo. Cần tham mưu cho UBND huyện thành lập Tổ công tác giải quyết các vụ án theo Kết luận 618 ngay trong tháng 5 đúng như Kế hoạch và chỉ đạo của Cục. Chú trọng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai hoạt động đối với tổ công tác liên ngành, phối hợp chặt chẽ với Công an xã để nắm bắt, xác minh kịp thời điều kiện thi hành án, tăng cường áp dụng các biện pháp bảo đảm, cưỡng chế.
3. Lãnh đạo các đơn vi phải tập trung chỉ đạo các Chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án, không để dồn việc vào các tháng cuối năm đối với các vụ việc có khả năng giải quyết xong. Công tác xác minh phải được thực hiện thường xuyên, liên tục ngay từ khi thụ lý để phân loại án, đối với các vụ việc chưa có điều kiện phải ra quyết định ngay theo quy định, tuyệt đối không để lượng án chưa có điều kiện tăng bất thường về các tháng cuối năm;
4. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công tác tại đơn vị các Chấp hành viên phải xây dựng Kế hoạch công tác cá nhân hàng tháng, theo từng vụ việc, thời gian và tiến độ hoàn thành, báo cáo Chi cục trưởng để theo dõi chỉ đạo.
Bên cạnh những chỉ đạo chung đối với 4 Chi cục, đồng chí Phó cục trưởng đã có những kết luận ở các vụ việc điển hình, những ý kiến chỉ đạo đến từng Chi cục, cụ thể:
+ Đối với Như Xuân: yêu cầu lãnh đạo Chi cục chỉ đạo cán bộ, công chức phải dốc sức, phối hợp với Chấp hành viên, tập trung cao độ để kịp thời xác minh đối với vụ việc Công ty TNHH chế biến lâm sản, xuất khẩu Như Xuân phải thi hành cho Ngân hàng TMCP Quân Đội số tiền 22.515.536.000 đồng, yêu cầu Chấp hành viên bám sát vụ việc, theo dõi việc thực hiện thỏa thuận của đương sự, trường hợp người phải thi hành án không thực hiện đúng thỏa thuận thì hoàn thiện hồ sơ, xây dựng kế hoạch cưỡng chế kê biên, thực hiện kê cưỡng chế kê biên tài sản đảm bảo để thi hành án.
+ Đối với Như Thanh: nếu không nỗ lực, không quyết tâm thì đơn vị rất khó để hoàn thành chỉ tiêu, do đó yêu cầu lãnh đạo Chi cục chỉ đạo các Chấp hành viên tập trung cao độ, đẩy nhanh tiến độ tổ chức thi hành án đối với các vụ việc có điều kiện thi hành, nhất định phải nâng cao tỷ lệ thi hành án về việc và tiền trong 5 tháng cuối năm, tiến tới hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ trong năm công tác 2023. Đối với các vụ việc cụ thể: Vụ việc Hà Minh Huệ, Quách Thị Chi còn phải thi hành án cho Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam số tiền 578.393.000 đồng, đây là vụ việc thuộc danh sách án tồn trên 2 năm chưa thi hành theo Kết luận 618, yêu cầu Chấp hành viên bổ sung xác minh, hoàn thiện hồ sơ, xây dựng kế hoạch để cưỡng chế kê biên đảm bảo việc thi hành án. Đối với vụ Công ty TNHH đầu tư trang trại Ao Trời phải trả cho Công ty TNHH MNS FARM Nghệ An (Nay là Công ty TNHH MML FARM Nghệ An) số tiền 14.176.785.347 đồng. Yêu cầu đơn vị phải dốc sức phối hợp với Chấp hành viên tập trung cao độ để xác minh, kịp thời phân loại án. Tham mưu cho Ban chỉ đạo THADS huyện tổ chức họp liên ngành, mời các sở ban ngành liên quan đến việc cấp phép hoạt động của Công ty TNHH đầu tư trang trại Ao Trời, làm rõ tính hợp pháp trong quy trình cách ly khi vào trang trại chăn nuôi của Công ty TNHH đầu tư trang trại Ao Trời để xây dựng phương án thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án.
+ Đối với Nông Cống: hiện tỷ lệ thi hành án về việc và tiền ở tốp trung bình. Số lượng án tín dụng không nhiều, số việc thụ lý hàng năm ở mức trung bình nhưng số vụ việc án tồn theo Kết luận 618 lại nằm ở tốp đầu. Ngoài 8 vụ việc thi hành đều, 6 vụ việc đã ra quyết định chưa có điều kiện thì Chi cục mới thi hành xong 6 vụ việc, đạt tỉ lệ là 41.6% về việc và 20.8% về tiền, tiến độ thực hiện chưa đáp ứng được yêu cầu của Cục đặt ra. Trong các vụ việc án tồn của đơn vị, có những vụ việc thuộc diện án tín dụng ngân hàng có giá trị lớn như vụ: Ông Tuyên, bà Hường hiện còn phải trả nợ cho ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) số tiền: 1.146.786.000 đồng, mặc dù người phải thi hành án có điều kiện thi hành án nhưng vụ việc vẫn kéo dài từ nhiều năm chưa thi hành dứt điểm. Yêu cầu Chấp hành viên theo dõi sát sao, xây dựng kế hoạch thi hành dứt điểm vụ việc, giảm áp lực chỉ tiêu thi hành về tiền cho đơn vị. Đối với các vụ án có điều kiện đề nghị lãnh đạo đơn vị đôn đốc Chấp hành viên bám sát địa bàn, lên kế hoạch đi đôn đốc thi hành án, phối hợp tổ công tác liên ngành có phương án áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế kê biên tài sản để đảm bảo thi hành án, đặc biệt chú trọng việc tổ chức thi hành án tồn theo kết luận 618, đặt mục tiêu giải quyết dứt điểm 90% án tồn trên địa bàn.
+ Đối với Đông Sơn: tuy có lượng án không nhiều nhưng tỉ lệ thi hành xong còn thấp. Trong tổng số 46 việc/ 9.418.134.000 đồng có điều kiện đang thi hành thì số tiền còn phải thi hành tập trung ở 02 vụ việc dân sự với gần 8 tỷ đồng. Nếu Chi cục không phân loại, thi hành được 2 vụ việc này thì tiên lượng sẽ khó hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ. Do đó, để hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ, yêu cầu Chi cục tập trung giải quyết các vụ án tín dụng ngân hàng, lên phương án để giao tài sản đối với những vụ việc đã bán đấu giá thành, đối với những vụ việc chưa kê biên thì xây dựng kế hoạch cưỡng chế kê biên để kịp thời bán đấu giá. Đối với vụ Phạm Gia Long phải trả nợ công dân, đề nghị lãnh đạo đơn vị vừa chỉ đạo, vừa tạo điều kiện và phối hợp với Chấp hành viên bám sát việc xét xử của Tòa án để kịp thời tổ chức thi hành án theo quyết định của Tòa, phối hợp với Văn phòng đăng ký đất đai, Phòng Tài nguyên môi trường để xác minh làm rõ quyền sử dụng tài sản của Phạm Gia Long, làm việc với người được thi hành án, người phải thi hành án, ngân hàng nơi Phạm Gia Long đang thế chấp tài sản để xác định giá trị của tài sản từ đó lựa chọn phương án tổ chức thi hành án, áp dụng biện pháp đảm bảo thi hành án khi đủ căn cứ. Mặt khác yêu cầu đơn vị tập trung xử lý các vụ việc thu cho ngân sách nhà nước, các vụ án tồn theo Kết luận 618. Cũng tại buổi làm việc, sau khi nghe ý kiến, nguyện vọng của các Chấp hành viên, cán bộ, công chức của Chi cục, đồng chí Phó cục trưởng đề nghị đồng chí Chi cục trưởng xem xét phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực của Chấp hành viên, đảm bảo tính công bằng, bình đẳng, đồng thời phải luôn sát sao, đôn đốc Chấp hành viên đảm bảo các Chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ kịp thời, đúng quy định.