Hiện nay tất cả các cơ quan thi hành án dân sự trong tỉnh đã bố trí địa điểm tiếp công dân và công khai, minh bạch nội quy tiếp công dân, lịch tiếp công dân để người dân biết và thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình; phân công Thẩm tra viên hoặc cán bộ thường trực tiếp dân để tiếp nhận, giải đáp những thắc mắc, đề nghị, kiến nghị, phản ánh của nhân dân, tham mưu giúp lãnh đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo.
Đối với những vụ việc đã được các cơ quan thi hành án dân sự giải quyết theo đúng quy định pháp luật, nhưng người dân không đồng ý, lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự trực tiếp đối thoại với người dân, phối hợp với các ngành liên quan để thống nhất, đưa ra các biện pháp giải quyết, đảm bảo quyền, lợi ích của công dân. Thông qua đối thoại, tiếp công dân, lãnh đạo các đơn vị có điều kiện lắng nghe, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, ý kiến của người dân liên quan trực tiếp tới hoạt động của đơn vị mình; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để người dân biết và thực hiện. Đồng thời kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tổ chức đối thoại với công dân liên quan đến khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự
Để công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt hiệu quả cao, các cơ quan thi hành án dân sự bố trí cán bộ có đủ phẩm chất đạo đức, có năng lực chuyên môn, nắm vững chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, am hiểu thực tế, có khả năng vận động, thuyết phục quần chúng làm công tác tiếp công dân. Tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại. Nhờ vậy, nhiều vụ, việc đã được giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở và người dân hiểu, tự nguyện rút đơn.
Hàng năm, các cơ quan thi hành án dân sự luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc quá trình giải quyết của các chi cục, nhằm nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị đối với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Thi hành án dân sự.
Năm 2019, các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã tiếp nhận 157 đơn gồm: 83 đơn đề nghị, kiến nghị, phản ánh, 58 đơn khiếu nại, 16 đơn tố cáo. Trong tổng số đơn khiếu nại, tố cáo đã nhận có 44 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan THADS (gồm 35 đơn kiếu nại và 09 đơn tố cáo), tăng 24 đơn, tăng 120% đơn so với cùng kỳ năm 2018.
Kết quả: đã xử lý, giải quyết 156/157 đơn đề nghị, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo đạt ty lệ 99,3%. Trong tổng số đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan THADS đã giải quyết xong 43/44 đơn khiếu nại, tố cáo (còn 01 đơn tố cáo chuyển kỳ sau). Tỷ lệ giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đạt 97,7%.
Tuy nhiên, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo vẫn còn một số hạn chế như: Năng lực, trình độ của một số cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế; Một số đương sự, chủ yếu là người phải thi hành án lợi dụng việc khiếu nại tố cáo với mục đích trì hoãn, kéo dài, chống đối thi hành nghĩa vụ thi hành án. Thanh Hóa là tỉnh có địa bàn rộng, giao thông khó khăn, cơ cấu dân cư phức tạp, trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức pháp luật ở một số nơi còn hạn chế là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc khiếu nại, tố cáo.
Để công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo trong thời gian tới đạt hiệu quả cao, Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự và các Chi cục Thi hành án dân sự trong tỉnh cần tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo tại đơn vị. Thực hiện nghiêm túc chế độ Thủ trưởng cơ quan trực tiếp tiếp công dân định kỳ. Tăng cường đối thoại trực tiếp, giải quyết triệt để khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, hạn chế phát sinh những vụ việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phức tạp, kéo dài. Thường xuyên rà soát, tổng hợp những sai sót, vi phạm thường gặp để rút kinh nghiệm chung. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn,tinh thần trách nhiệm của cán bộ làm công tác Thi hành án dân sự nói chung, tiếp công dân nói riêng; tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu tại các chi cục Thi hành án dân sự trong tỉnh.
Cao Thanh Thủy- Phòng KNTC