Sign In

KHẢO SÁT THỰC TRẠNG THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TẠI TP. HỒ CHÍ MINH VÀ TỈNH ĐỒNG NAI

02/03/2016

KHẢO SÁT THỰC TRẠNG THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TẠI TP. HỒ CHÍ MINH VÀ TỈNH ĐỒNG NAI
Để có cơ sở thực tiễn trong việc xây dựng Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 144/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 22/9/2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp, trong 02 ngày 01và 02 tháng 3/2016, Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức Đoàn khảo sát về thực trạng thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự tại các cơ quan Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai.
Thành phần tham gia Đoàn khảo sát gồm: Về phía Tổng cục Thi hành án dân sự có ông Nguyễn Văn Lực – Phó Tổng cục trưởng; bà Lê Thị Kim Dung – Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1; bà Văn Thị Tâm Hồng – Thẩm tra viên Vụ Nghiệp vụ 1. Về phía Bộ Tài chính có ông Vũ Khắc Liêm – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế; ông Trần Anh Tuấn – Trưởng phòng Phí, lệ phí - Vụ Chính sách thuế.
          Tại TP. Hồ Chí Minh, Đoàn khảo sát đã trực tiếp làm việc với Lãnh đạo Cục, lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Cục, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện và các Chấp hành viên, Kế toán viên thuộc Cục.
Đoàn khảo sát đã nghe Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh báo cáo tình hình, kết quả thực hiện việc thu, nộp và quản lý phí thi hành án dân sự từ năm 2011đến nay; những khó khăn, vướng mắc trên thực tế khi áp dụng các quy định pháp luật trong việc thu phí thi hành án; cùng nhiều ý kiến trao đổi, đề xuất, kiến nghị của các đại biểu dự họp đối với dự thảo Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 144/2010/TTLT-BTC-BTP.
Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Lực - Phó Tổng cục trưởng  đánh giá cao các ý kiến đóng góp, trao đổi tại cuộc họp đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích, quý báu cho Đoàn khảo sát, đặc biệt là các đề xuất, kiến nghị cho việc xây dựng Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 144/2010/TTLT-BTC-BTP. Theo ông Nguyễn Văn Lực, đặc thù của thi hành án dân sự là sự xung đột lợi ích giữa các bên đương sự nên rất dễ dẫn đến phát sinh mâu thuẫn đối kháng, do đó, thi hành án dân sự là công việc vô cùng khó khăn, phức tạp, chứa đựng nhiều rủi ro, nguy hiểm, có khi ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, danh dự, sức khỏe, tính mạng của công chức khi thực thi nhiệm vụ. Cùng với khối lượng công việc nhiều, áp lực cao, thu nhập thấp, có thể nói thi hành án dân sự là một nghề khó thu hút được lao động. Trong tình hình kinh phí được cấp từ ngân sách cho hoạt động thi hành án dân sự còn hạn chế, chưa đủ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thì việc xem xét, mở rộng cơ chế trong quản lý, sử dụng phí thi hành án dân sự cho các cơ quan thi hành án dân sự địa phương là một trong những giải pháp khả thi, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự.  Ông Nguyễn Văn Lực đề nghị Đoàn khảo sát, đặc biệt là các thành viên thuộc Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét cho các cơ quan thi hành án dân sự địa phương được giữ lại 100% số phí thi hành án dân sự thu được để bổ sung kinh phí hoạt động, chi khen thưởng, phúc lợi cho cán bộ, công chức, người lao động tại cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan quản lý thi hành án dân sự. Đồng thời, mở rộng nội dung chi, giao quyền tự chủ cho Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự; mở rộng thẩm quyền điều hòa phí thi hành án dân sự ở Tổng cục và Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, không khống chế mức chi khen thưởng, phúc lợi cho công chức, người lao động để khuyến khích các đơn vị, cá nhân tích cực tổ chức việc thi hành án, hoàn thành tốt chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Cơ sở cho việc đề nghị này, theo ông Nguyễn Văn Lực, một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan thi hành án dân sự là tổ chức thi hành có hiệu quả các khoản thu về cho ngân sách nhà nước như: án phí, sung công, nộp phạt… Để thu được số tiền này, các cơ quan thi hành án dân sự phải tập trung nhiều nguồn lực và thực hiện nhiều tác nghiệp quan trọng như: xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án... hàng năm, số tiền do các cơ quan thi hành án dân sự thu được là rất lớn và phải nộp 100% vào ngân sách nhà nước. Ngược lại, một số cơ quan, đơn vị khác như Thuế, Hải quan, Công an ... cũng thực hiện nhiệm vụ thu nộp ngân sách nhà nước nhưng được trích để lại một khoản nhất định để bù đắp kinh phí hoạt động. Về lâu dài, ông Nguyễn Văn Lực đề nghị khi xây dựng dự thảo Pháp lệnh Án phí, lệ phí tòa án, cần thiết phải thay đổi về cơ chế thu án phí, đồng thời bổ sung quy định về tỷ lệ trích lại tương xứng đối với khoản tiền nộp vào ngân sách nhà nước do Cơ quan thi hành án dân sự thu được. 

Các tin đã đưa ngày: