Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, việc thực hiện Luật Thi hành án dân sự cũng đã bộc lộ một số khó khăn, bất cập cần phải tiếp tục được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu ngày càng cao của xã hội, cụ thể như các quy định cần nghiên cứu thêm như: về mô hình tổ chức, bộ máy của cơ quan THADS. Hệ thống cơ quan THADS tuy đã được kiện toàn về cơ bản, tuy nhiên vẫn chưa ngang tầm với chức năng, nhiệm vụ; cơ cấu tổ chức của các cơ quan THADS vẫn còn nhiều bất cập, làm ảnh hưởng tới hiệu quả tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao; Công tác hoàn thiện thể chế về tổ chức, cán bộ THADS tuy đã được quan tâm, chú trọng nhưng tiến độ thực hiện vẫn còn chậm so với yêu cầu. Chưa có cơ chế gắn kết, phối hợp một cách thống nhất, hiệu quả giữa hoạt động xét xử và thi hành án dân sự. Đặc thù của hoạt động THADS là nhằm đảm bảo thực thi nghiêm chỉnh các bản án, quyết định dân sự có hiệu lực của Tòa án. Tuy nhiên, cơ chế tổ chức, hoạt động hiện nay vẫn mang nặng tính hành chính; hoạt động còn phải phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ, hợp tác của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Vì vậy, trong chừng mực nhất định, tính hiệu quả của quyền lực nhà nước và của hoạt động tổ chức THA bị hạn chế. Bên cạnh đó, các quy định cụ thể về trình tự thủ tục còn tương đối phức tạp rườm rà, chưa hợp lý.
Đơn giản hóa về trình tự thủ tục THADS
Hiện nay quy định về trình tự, thủ tục trong lĩnh vực THADS có thể nói đang bị hành chính hóa, làm giảm đáng kể đến hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Trình tự, thủ tục quá rườm rà, khó áp dụng một cách đầy đủ, chính xác. Trong khi tổ chức thi hành án, chấp hành viên phải ban hành quá nhiều loại quyết định, thông báo về THA, trong đó có những trình tự, thủ tục không cần thiết. Những quy định này làm cho các chấp hành viên mất rất nhiều thời gian và công sức để thực hiện, nhưng không có giá trị thực tế ảnh hưởng rất nhiều đến công tác xác minh tài sản và việc kê biên, xử lý tài sản THA.
Cần có cơ chế, chính sách nhằm minh bạch hóa hơn nữa các nguồn thu nhập, tài sản của người dân và doanh nghiệp. Thực tiễn cho thấy, kết quả xác minh ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả giải quyết việc THA. Kết quả của việc xác minh là tiền đề, cơ sở cho các hoạt động giải quyết hồ sơ thi hành án. Đặc biệt kết quả xác minh là căn cứ để Chấp hành viên tiến hành kê biên xử lý tài sản để đảm bảo việc thi hành án. Hiện nay, vấn đề khó khăn nhất trong xác minh tài sản đó là tính minh bạch và cơ chế quản quản lý tài sản của chúng ta chưa thực sự hiệu quả. Do vậy, Nhà nước cần có thêm các quy định, chính sách nhằm minh bạch hóa hơn nữa các nguồn thu nhập, tài sản của người dân và doanh nghiệp.
Nâng cao hiệu quả của công tác phối hợp: hiện nay cho thấy việc phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc cung cấp thông tin tài sản có lúc, có nơi vẫn chưa kịp thời, thậm chí là còn thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện các yêu cầu cung cấp thông tin của Chấp hành viên cơ quan THADS Hiện nay, mặc dù pháp luật đã quy định khá đầy đủ trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc cung cấp thông tin cũng như biện pháp chế tài trong trường hợp chậm cung cấp hoặc cung cấp không đúng thông tin tài sản cho cơ quan thi hành án. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm trong những trường hợp này là rất hạn chế vì khi xử lý sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mối quan hệ phối hợp. Do vậy, pháp luật cần có những quy định cụ thể, hiệu quả hơn trong việc nâng cao trách nhiệm phối hợp của các cơ quan có liên quan trong công tác THADS.
Có nhiều bất cập trong của pháp luật trong việc kê biên xử lý tài sản THA vì vậy, Cần nghiên cứu đơn giản hóa hơn nữa thủ tục thông báo trong thi hành án dân sự, đặc biệt là trong thủ tục xử lý tài sản thi hành án.
Ví dụ thủ tục thông báo trong việc kê biên xử lý tài sản: Thủ tục thông báo trong trường hợp đương sự đã bỏ địa phương đi nơi khác. Trong trường hợp này, nếu họ vẫn có tài sản là bất động sản ở địa phương thì việc xử lý tài sản của họ gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục. Trong suốt quá trình xử lý tài sản, chấp hành viên phải tiến hành thông báo, niêm yết đầy đủ các văn bản, quyết định về thi hành án cho họ. Để xử lý xong một tài sản này, chấp hành viên phải thông báo, niêm yết các văn bản không dưới 10 lần (nếu tài sản bán đấu giá không thành thì thủ tục này nhiều hơn rất nhiều) và mỗi lẫn như vậy đều phải niêm yết đầy đủ cả 03 nơi (nơi có tài sản, Uỷ ban nhân dân cấp xã, trụ sở cơ quan Thi hành án), có nghĩa là chấp hành viên phải lập thủ tục niêm yết không dưới 30 lần cho việc thông báo.
Bên cạnh thủ tục thông báo thì việc quy định quyền tự thỏa thuận cho đương sự cũng đang còn bất cập, gây mất rất nhiều thời gian cho việc xử lý tài sản. Vì hầu hết các giai đoạn xử lý tài sản Chấp hành viên đều phải thông báo và gành thời gian cho đương sự thỏa thuận, mà thực tế thì điều này không mang đến hiệu quả. Chúng ta đồng ý rằng phải tôn trọng quyền tự thỏa thuận, định đoạt của đương sự trong quá trình thi hành án. Tuy nhiên việc thể hiện quyền này phải được quy định một cách hợp lý hơn.
Quy định về thời hạn ưu tiên mua tài sản chung còn khá dài (Điều 75 Luật THADS) không phù hợp với tính chất của công tác THADS. Hiện nay, theo quy định thì chủ sở hữu tài sản chung được ưu tiên mua tài sản chung trong thời hạn 03 tháng đối với bất động sản và 01 tháng đối với động sản và các lần bán tài sản tiếp theo là 15 ngày. Quy định này được áp dụng từ quy định về quyền định đoạt tài sản chung trong Bộ luật dân sự khi chủ sở hữu chung bán phần tài sản thuộc sở hữu của mình. Chúng tôi cho rằng việc áp dụng là không sai, tuy nhiên thời hạn quá dài không phù hợp với giai đoạn xử lý tài sản để thi hành án gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người được thi hành án.
Tiếp tục kiện toàn và chuẩn hóa đội ngũ Chấp hành viên.
Chấp hành viên – nhân vật trung tâm của hoạt động thi hành án dân sự, người trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án. Do vậy, việc chú trọng nâng cao phẩm chất đạo đức, khả năng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ này là việc làm trọng tâm và thường xuyên của công tác tổ chức cán bộ. Bên cạnh đó lãnh đạo cần thường xuyên thực hiện tốt công tác quản lý giám sát, kiểm tra, xử lý kịp thời những vi phạm của lực lượng này nhằm làm trong sạch, lành mạnh đội ngũ công chức làm công tác THADS.
Nâng cao chất lượng hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại: hiện nay hoạt động của Thừa phát lại chưa hỗ trợ nhiều cho công tác THA, đặc biệt việc tống đạt của một số Văn phòng còn chưa đáp ứng được yêu cầu, trình tự thủ tục còn sai sót và thường xuyên chậm về thời hạn. Điều này, vừa ảnh hưởng đến uy tín của Thừa phát lại đồng thời ảnh hưởng đến cả công tác THA đặc biệt là trong trình tự thủ tục kê biên xử lý tài sản thi hành án cần phải được thực hiện kịp thời, đúng pháp luật.
Ngoài ra, công tác tuyền truyền pháp luật là vấn đề cần được trú trọng: công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự tạo điều kiện cho người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật nói chung và hiểu biết về pháp luật thi hành án dân sự nói riêng.
Như vậy, có thể nói để thực hiện được việc rút ngắn thời gian xác minh, lý tài sản THA trước hết chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp trên. Đặc biệt đối với việc xây dựng thể chế liên quan đến công tác THADS thì vấn đề đầu tiên chúng ta cần phải thay đổi cơ bản tư duy, cách hiểu về giai đoạn THADS. Một điều chúng ta dễ dàng nhận thấy, đó là vì một bên đương sự không tự nguyện thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, nên bên còn lại mới phải yêu cầu đến cơ quan THADS thi hành. Nghĩa là, đã có một bên đương sự không tôn trọng pháp luật, không tự nguyện chấp hành bản án, quyết định của Tòa án. Vì vậy, giai đoạn THA cần phải hiểu là giai đoạn cưỡng chế thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Cần phải hiểu đúng bản chất của việc tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án là giai đoạn cưỡng chế thi hành. Từ đó, pháp luật về thi hành án dân sự cần phải xây dựng các quy định mang tính cưỡng chế tư pháp, mang tính quyền lực bắt buộc với một trình tự, thủ tục thi hành đơn giản, hiệu quả, chứ không phải là các thủ tục hành chính rườm rà và giành quá nhiều quyền không hợp lý cho người phải THA, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người được thi hành án, đồng thời gây khó khăn cho chấp hành viên và cơ quan thi hành án như hiện nay./.
Các giải pháp cơ bản để rút ngắn thời gian xác minh, lý tài sản thi hành án trước hết chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp trên. Đặc biệt đối với việc xây dựng thể chế liên quan đến công tác thi hành án dân sự thì vấn đề đầu tiên chúng ta cần phải thay đổi cơ bản tư duy, cách hiểu về giai đoạn thi hành án dân sự.
|