Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự (THADS) năm 2014 và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ngày truyền thống THADS đã được tổ chức tại Hà Nội. Đến dự Hội nghị có đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Lê Thị Thu Ba, Phó Trưởng ban chỉ đạo, Ban Cải cách tư pháp Trung ương; đồng chí Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các đồng chí là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Bộ Tư pháp.
Sáng nay (26/12), Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự (THADS) năm 2014 và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ngày truyền thống THADS đã được tổ chức tại Hà Nội. Đến dự Hội nghị có đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Lê Thị Thu Ba, Phó Trưởng ban chỉ đạo, Ban Cải cách tư pháp Trung ương; đồng chí Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các đồng chí là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Bộ Tư pháp.
Hội nghị đã nghe đồng chí Hoàng Sỹ Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS, đọc diễn văn ôn lại quá trình hình thành và phát triển của ngành THADS. Qua đó, công tác THADS có vai trò quan trọng trong hoạt động tư pháp nói chung và quá trình giải quyết vụ án nói riêng. Bản án, quyết định của Tòa án chỉ thực sự có giá trị khi được thi hành trên thực tế. Hoạt động thi hành án là công đoạn cuối cùng, bảo đảm cho bản án, quyết định của Tòa án được chấp hành, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước. Hiện nay, hệ thống THADS được quản lý theo ngành dọc, gồm Tổng cục THADS trực thuộc Bộ Tư pháp, 63 Cục THADS cấp tỉnh, 700 Chi cục THADS cấp huyện với hơn 10.000 công chức, người lao động. 67 năm qua, các cơ quan THADS đã từng bước phát triển, lớn mạnh không ngừng về quy mô, tổ chức, kết quả hoạt động, thực sự trưởng thành, có vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống cơ quan thực thi pháp luật.
Tại Hội nghị, đồng chí Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ngày truyền thống THADS. Theo đó, ngày 19 tháng 7 hàng năm sẽ được lấy là ngày truyền thống của THADS.
|
|
Thay mặt các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã trao Huân chương Lao động hạng Ba và gắn huân chương lên cờ ngành THADS. Đồng chí gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất và biểu dương thành tích của các thế hệ cán bộ, công chức và toàn thể người lao động trong ngành Tư pháp và hệ thống các cơ quan THADS. Nhìn lại chặng đường 67 năm hình thành và phát triển, mặc dù mô hình tổ chức và hoạt động THADS đã trải qua những thay đổi theo yêu cầu và điều kiện cụ thể của từng giai đoạn lịch sử khác nhau, nhưng truyền thống đoàn kết, năng động, vượt khó, tự hoàn thiện, nỗ lực, phấn đấu vươn lên của các thế hệ cán bộ, công chức, người lao động tại các cơ quan THADS luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm, ghi nhận. Đặc biệt, trong 20 năm qua, cùng với quá trình đổi mới toàn diện đất nước và cải cách tư pháp theo các Nghị quyết của Đảng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, hệ thống cơ quan THADS được củng cố, phát triển và đang được hoàn thiện theo hướng tập trung, chuyên trách, chuyên nghiệp về tổ chức, chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, chất lượng và hiệu quả hơn, hoạt động ngày một tốt hơn. Những con số về kết quả thi hành án rất đáng khích lệ cả về số việc và về số lượng tiền được thi hành năm sau đều cao hơn năm trước, các vụ, việc tồn đọng được giảm đều, góp phần bảo vệ công lý, củng cố niềm tin của nhân dân vào chính quyền và nền tư pháp Việt Nam XHCN.
Qua nghiên cứu Báo cáo tổng kết công tác THADS năm 2013, Phó Chủ tịch Quốc hội đặc biệt chú ý đến những cách nghĩ, cách làm mới hiệu quả của ngành. Trong đó, phải kể đến việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, luân chuyển cán bộ; phân loại án; sự kiên quyết và công tâm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là những vụ việc bức xúc, kéo dài; tăng cường công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao cũng như giữa cơ quan THADS với chính quyền địa phương… Đây là những nhân tố quan trọng góp phần để cả hệ thống thi hành án hoàn thành khối lượng công việc (tính theo giá trị tuyệt đối về số việc và tiền đã giải quyết xong) tăng cao so với các năm trước. Năm 2013 cũng là năm mà ngành Tư pháp và các cơ quan thi hành án tích cực triển khai Nghị quyết của Quốc hội và Đề án của Chính phủ về mở rộng thí điểm Thừa phát lại tại 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, góp phần thúc đẩy chủ trương xã hội hóa công tác thi hành án theo Nghị quyết số 49 về Chiến lược cải cách tư pháp. Đồng chí cũng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả tích cực của công tác THADS trong năm 2013.
Bên cạnh đó, công tác THADS, bao gồm cả thi hành án hành chính, còn có những hạn chế và bất cập cần phải có giải pháp tháo gỡ cũng như đề xuất hoàn thiện cơ chế phối hợp với các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát và chính quyền địa phương. Bước sang năm 2014 – năm bản lề của nửa cuối nhiệm kỳ Quốc hội và Chính phủ Khóa XIII, cũng là năm đầu tiên toàn Đảng, Nhà nước và toàn dân triển khai thi hành Hiến pháp sửa đổi với nhiệm vụ trọng tâm là rà soát, sửa đổi hệ thống pháp luật phù hợp với các nguyên tắc và nội dung mới của Hiến pháp, đặc biệt là các luật về tổ chức và hoạt động bộ máy Nhà nước, bao gồm cả các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và chính quyền địa phương; các luật liên quan đến bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân cùng với khâu trọng tâm, đột phá là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Chính vì vậy, Bộ Tư pháp, với chức năng giúp Chính phủ quản lý công tác xây dựng và thi hành pháp luật, công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, cũng đứng trước các thách thức rất lớn.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị công tác THADS cần làm tốt hơn nữa một số nhiệm vụ sau: Một là, tập trung cao độ mọi nguồn lực, phát huy tính sáng tạo, tinh thần đoàn kết, hợp tác trong toàn bộ hệ thống các cơ quan THADS, khắc phục bệnh thành tích để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 37/2012/QH13 và các yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết số 63/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội; đồng thời tập trung chỉ đạo giải quyết các vụ án lớn, phức tạp, các vụ việc thuộc những lĩnh vực nóng, gây ách tắc về kinh tế, bức xúc trong xã hội, tác động xấu đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
|
|
Hai là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các cơ quan thi hành án, chú trọng việc tăng cường phối hợp với các cấp ủy địa phương trong bổ nhiệm, quản lý cán bộ lãnh đạo các Cục, Chi cục THADS theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành nhằm phát hiện sớm và xử lý nghiêm minh các vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật trong thi hành án; hoàn thành trình Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đề án về phòng chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp do ngành Tư pháp quản lý nói chung, công tác THADS nói riêng.
Ba là, trong năm 2014 và năm 2015, Bộ Tư pháp phải quyết tâm cao độ và dành công sức, thời gian lớn cho việc chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với TANDTC, VKSNDTC và nhất là Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND và UBND 13 địa phương tổ chức triển khai thí điểm Thừa phát lại, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ để đưa mô hình này vào hoạt động hiệu quả trên thực tế, hoàn thành các nhiệm vụ theo tiến độ, lộ trình đã được phê duyệt, từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác thi hành án. Các cơ quan thi hành án có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ các Văn phòng Thừa phát lại trong quá trình triển khai các hoạt động liên quan đến thi hành án, coi đó là nhiệm vụ chính trị chung của cả ngành.
|
|
Bốn là, theo tiến độ chung trong Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Hiến pháp, phù hợp với lộ trình triển khai các đề án cải cách tổ chức các cơ quan tư pháp sau khi Bộ Chính trị cho ý kiến kết luận về tổng kết 8 năm việc thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW, Bộ Tư pháp khẩn trương chuẩn bị báo cáo Chính phủ về định hướng lớn sửa đổi Luật THADS và soạn thảo Dự án Luật sửa đổi để trình Quốc hội cho ý kiến, tạo sự đồng bộ về mặt thể chế với Luật Tổ chức các cơ quan tư pháp và các luật tố tụng liên quan.
Phát biểu đáp từ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cảm ơn sự quan tâm của các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đến dự Buổi lễ, đồng thời thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp gửi lời chúc mừng đến toàn thể cán bộ, công chức, người lao động trong ngành THADS. Bộ trưởng khẳng định, những ý kiến chúc mừng, đánh giá, chỉ đạo công tác THADS của Phó Chủ tịch Quốc hội là sự động viên khích lệ to lớn tới toàn thể cán bộ, công chức, người lao động trong ngành THADS để tiếp tục phát huy những kết quả to lớn đã đạt được trong 67 năm qua và hoàn thành xuất sắc hơn nữa nhiệm vụ THADS trong thời gian tới.
Khi Nghị quyết 37 của Quốc hội được thông qua về việc giao nhiệm vụ cho khối tư pháp nói chung và THADS nói riêng, với sự kiện toàn về thể chế, đội ngũ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan đã nhận thức rõ hơn nhiệm vụ trách nhiệm trong công tác này, đến nay công tác THADS đang không còn là điểm nóng trên diễn đàn của Quốc hội. Tuy nhiên, nhìn lại những tồn tại, hạn chế trong 67 năm vẫn còn nhiều, việc mở rộng ra đối với công tác thi hành án hành chính, Luật Tố tụng hành chính sẽ sửa đổi bổ sung, đồng thời Quốc hội đã đưa vào chương trình và qua phiên họp báo cáo Chính phủ đến tháng 2, tháng 3 năm 2014 sẽ báo cáo về Luật sửa đổi bổ sung Luật THADS đòi hỏi sự nỗ lực rất nhiều của mỗi cán bộ, công chức, người lao động.
Bộ trưởng xin ghi nhận tiếp thu 4 ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội, sẽ nỗ lực, cố gắng cao nhất trong năm 2014 và những năm tiếp theo để giải quyết những tồn đọng, nhằm chấp hành nghiêm minh những bản án, quyết định của Tòa án trong giai đoạn phát triển mới của công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; Đề ra những giải pháp quyết liệt để thực hiện trọn vẹn những chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra cũng là mong muốn của Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với công tác này.
Bộ trưởng khẳng định sẽ nghiên cứu, chuẩn bị trong tư thế sẵn sàng để hiến kế cho Quốc hội ban hành Luật THADS cho một thời kỳ mới, ổn định theo hướng chỉ đạo của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.