Sign In

TP. HCM: Ký kết Quy chế phối hợp tăng cường công tác quản lý hoạt động thừa phát lại

26/10/2023

TP. HCM:  Ký kết Quy chế phối hợp tăng cường công tác quản lý hoạt động thừa phát lại

Chiều 26.10, tại trụ sở, Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã diễn ra Lễ ký kết Quy chế phối hợp tăng cường công tác quản lý hoạt động thừa phát lại Các đơn vị tham gia ký kết liên ngành gồm: Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự Thành phố, Viện kiểm sát Thành phố, Toà án nhân dân Thành phố và Hội liên hiệp Thừa phát lại (TPL)Thành phố.

Dự buổi lễ ký kết có Ông Huỳnh Văn Hạnh - Giám đốc Sở Tư pháp; Ông Trần Phương Hồng, Phó Cục trưởng Cục THADS TP; Ông Võ Quang Huy -  Phó Viện trưởng VKSND TP, Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Chánh án TANDTP và Đại diện Hội TPL Thành phố Hồ Chí Minh

    

Theo đó, Sở Tư pháp sẽ là cơ quan cho phép thành lập, chuyển đổi, sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng chấm dứt hoạt động văn phòng TPL lại trên địa bàn thành phố; cấp, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, thu hồi giấy đăng ký hoạt động của văn phòng TPL; thanh tra, xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động TPL.
Toà án nhân dân hai cấp (Thành phố và sẽ cung cấp thông tin về số lượng và chất lượng của vi bằng được sử dụng làm chứng cứ trong xét xử tại toà án.
VKSND Thành phố và VKSND quận/huyện/thành phố Thủ Đức sẽ cung cấp thông tin về tình hình tuân thủ pháp luật trong hoạt động của các văn phòng TPL trên địa bàn mà VKS có thông tin qua các hoạt động kiểm sát của ngành.
Cục THADS TP và Chi cục THADS trực thuôc sẽ cung cấp thông tin về việc thực hiện các công việc về THADS của TPL theo đề nghị của Sở Tư pháp hoặc các cơ quan, đơn vị có liên quan.

    

Hội TPL Thành phố sẽ cung cấp các thông tin liên quan đến kết nạp, khai trừ hội viên; khen thưởng, xử lý kỷ luật hội viên; Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hội viên; Các thông tin về TPL, văn phòng TPL bị khởi kiện; TPL bị khởi tố, truy tố, xét xử....

Sau lễ ký kết, Sở Tư pháp cũng tổ chức cuộc họp liên ngành để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thừa phát lại.

Theo báo cáo của Sở Tư pháp trong thời gian qua, Sở Tư pháp với tư cách là cơ quan giúp Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quản lý nhà nước về Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố đã có nhiều nỗ lực, chủ động, sáng tạo để vừa tăng cường quản lý nhà nước, vừa tạo điều kiện hỗ trợ cho tổ chức và hoạt động Thừa phát lại. Hiện nay, với những kết quả đạt được cũng như nhu cầu của xã hội đối với các hoạt động của Thừa phát lại ngày càng nhiều, UBND TP đã cho phép thành lập thêm 11 Văn phòng Thừa phát lại, tới nay toàn Thành phố có 22 Văn phòng Thừa phát lại; trong thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục cho phép thành lập thêm 17 Văn phòng Thừa phát lại tại các địa bàn chưa có Văn phòng Thừa phát lại để phân bổ đều khắp trên địa bàn Thành phố.

 

    

Từ tháng 02-2020 đến tháng 9-2023, Sở Tư pháp đã tiếp nhận, kiểm tra và thực hiện vào sổ đăng ký 111.725 vi bằng theo yêu cầu của các văn phòng TPL, với doanh thu trên 111 tỉ đồng. Các văn phòng TPL trên địa bàn TP thực hiện việc tống đạt tổng cộng 462.046 văn bản giấy tờ theo yêu cầu của Tòa án và Cơ quan THADS; về xác minh điều kiện thi hành án một vụ việc; về trực tiếp tổ chức thi hành án hai vụ việc.

Việc triển khai thực hiện chế định TPL trên địa bàn TP.HCM được thực hiện đúng chủ trương, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp, huy động được nguồn lực xã hội trong việc xã hội hóa một số lĩnh vực bổ trợ tư pháp đem lại hiệu quả nhất định.
Bên cạnh đó, hoạt động TPL trên địa bàn Thành phố nhìn chung đi vào nề nếp, thể hiện đúng vai trò, lợi ích của chế định TPL trong đời sống xã hội, đặc biệt trong hoạt động tống đạt, lập vi bằng được người dân và các cơ quan, tổ chức tin tưởng sử dụng.

        

 Tại buổi làm việc, đại diện một số văn phòng TPL cũng chia sẻ những khó khăn đang gặp phải. Vấn đề lớn nhất mà các văn phòng TPL nêu ra vẫn là vấn đề doanh thu và kinh phí để duy trì hoạt động của văn phòng như: công việc mà TPL thực hiện so với những năm trước đây giảm đi rõ rệt, đặc biệt là công tác xác minh điều kiện thi hành án và tống đạt văn bản, trong khi số lượng văn phòng TPL tăng lên (năm 2020 là 11 đến nay là 22). Nhiều cơ quan THADS hoặc toà án trong năm 2023 không tiếp tục ký hợp đồng tống đạt văn bản với các văn phòng TPL hoặc các cơ quan này chưa có nhu cầu cho nên dẫn đến việc không đủ kinh phí để duy trì hoạt động.
Ngoài ra còn một số địa phương không hợp tác khi các TPL thực hiện hoạt động tống đạt hoạt động thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án.
                                                                                                                 Cẩm Tú

Các tin đã đưa ngày: