Sáng nay (22/4), tại trụ sở Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thi hành án dân sự 06 tháng đầu năm 2014 bằng hình thức giao ban trực tuyến tại 07 điểm cầu: Hà Nội, Yên Bái, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Đăk Lăk, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, Lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban tư pháp của Quốc Hội, Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Văn phòng chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng, các đơn vị thuộc bộ, các Cục Thi hành án dân sự và Lãnh đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Tổng cục.
Báo cáo sơ kết công tác 06 tháng đầu năm, Phó Tổng cục trưởng Mai Lương Khôi cho biết, năm 2014 là năm thứ hai toàn cơ quan Thi hành án dân sự tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án, trong đó có hai chỉ tiêu quan trọng là thi hành án xong đạt tỷ lệ trên 88% về việc và 77% về tiền. Trước bối cảnh tình hình kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, sản xuất kinh doanh chưa khởi sắc trở lại, thị trường bất động sản trầm lắng, Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương đã bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ, Chương trình công tác của Bộ Tư pháp, Kế hoạch công tác trọng tâm của Ngành Thi hành án dân sự và chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp để triển khai tương đối đồng bộ các mặt công tác, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ thi hành án, góp phần giữ vững an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, xã hội.
Năm 2014, toàn cơ quan Thi hành án dân sự có 04 nhiệm vụ lớn đã được đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp yêu cầu hoàn thành tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai công tác năm 2014: (1) tổ chức thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ về thi hành án dân sự theo Nghị quyết của Quốc hội; (2) tiếp tục kiện toàn tổ chức cán bộ; (3) xây dựng Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung; (4) tập trung triển khai tốt việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại 13 địa phương được lựa chọn. Phát biểu chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã được toàn cơ quan Thi hành án dân sự quán triệt sâu sắc ngay tại Hội nghị, đồng thời, dành thời gian tập trung thảo luận về những kết quả đã đạt được, những hạn chế, tồn tại và khó khăn, vướng mắc, trên cơ sở đó đề ra biện pháp tháo gỡ, những giải pháp để thực hiện và hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2014. Trong bối cảnh tình hình kinh tế đất nước năm 2014 được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, lần đầu tiên, Tổng cục đã chủ động báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp đối với công tác thi hành án dân sự. Tại cuộc họp ngày 14/10/2013, sau khi nghe Tổng cục Thi hành án dân sự báo cáo tình hình thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm 2013, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã có Nghị quyết chỉ đạo đối với công tác thi hành án dân sự năm 2014, trong đó nhấn mạnh,“Các định mức chỉ tiêu công tác thi hành án dân sự năm 2014 do Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự giao phải cao hơn định mức chỉ tiêu thi hành án dân sự đã được Quốc hội xác định trong Nghị quyết trước đây của Quốc hội”. Nhận thức đầy đủ và nghiêm túc sự chỉ đạo của Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp, Tổng cục đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố tập trung và quyết tâm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao; tổ chức triển khai Kế hoạch công tác năm 2014 ngay từ những ngày đầu năm, không để phát sinh tâm lý nghỉ “xả hơi”; tập trung chấn chỉnh, khắc phục các sai phạm, hạn chế đến mức thấp nhất việc để xảy ra sai phạm trong năm 2014.
Trước đó, để bảo đảm tính liên tục trong công tác chỉ đạo, điều hành, ngay sau khi kết thúc năm 2013, Tổng cục đã có văn bản chỉ đạo và tạm giao chỉ tiêu thi hành án dân sự cho các địa phương; đồng thời, chủ động xây dựng phương án, tham mưu cho Bộ trưởng có Quyết định số 3005/QĐ-BTP ngày 06/12/2013 về việc giao chỉ tiêu thi hành án dân sự năm 2014 cho hệ thống các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương. Cùng ngày, Tổng cục trưởng cũng đã, ban hành Quyết định số 3428a/QĐ-TCTHADS giao chỉ tiêu nhiệm vụ thi hành án cụ thể cho các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương và chỉ đạo các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương giao chỉ tiêu đến từng đơn vị, từng chấp hành viên trong toàn quốc.
Xác định việc thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ thi hành án được giao trong năm 2014 là hết sức khó khăn, chính vì vậy, toàn cơ quan Thi hành án dân sự tiếp tục đổi mới công tác quản lý, điều hành theo hướng sâu sát, quyết liệt hơn trên tất cả các mặt công tác; tiếp tục quán triệt, thực hiện phương châm “hướng về cơ sở, phấn đấu để Tổng cục thực sự là chỗ dựa vững chắc cho các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương, Cục là chỗ dựa vững chắc cho các Chi cục”. Trong thời gian trước và sau Tết Nguyên đán đến nay, Tổng cục đã ban hành hàng loạt văn bản quán triệt, chỉ đạo các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, bắt tay ngay vào công việc; tập trung tổ chức thi hành án, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ được giao. Cùng với việc ra các văn bản đôn đốc nhắc nhở, Tổng cục đã thường xuyên duy trì chế độ giao ban để kịp thời nắm bắt tình hình, đưa ra giải pháp, hướng xử lý, giúp các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đồng thời, tổ chức các Đoàn công tác làm việc tại một số địa phương có lượng án lớn, có khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thi hành án hoặc còn nhiều, tồn tại, hạn chế trong công tác tổ chức cán bộ. Kết quả đạt được đã có sự đột phá so với năm 2013 và những năm trước đây: Về việc, tính đến ngày 31/3/2013, đã thụ lý tổng số 513.758việc, trong đó, số thụ lý mới là 274.880 việc, tăng 26.535 việc (10,68%) ) so với cùng kỳ năm 2013; về tiền, tổng số thụ lý là 73.582 tỷ 676 triệu 581 nghìn đồng tăng 24.763 tỷ 888 triệu 504 nghìn đồng (50,73%) so với cùng kỳ năm 2013, trong đó, số thụ lý mới là 32.021 tỷ 522 triệu 704 nghìn đồng, tăng 11.613 tỷ 795 triệu 483 nghìn đồng (57%) so với cùng kỳ năm 2013.
Về công tác xây đựng đề án, văn bản, Từ ngày 01/10/2013 đến 31/3/2014, Tổng cục đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành 02 Nghị định; 03 Thông tư liên tịch; 01 Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; 01 Nghị quyết của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp; 01 Quy chế phối hợp liên ngành Trung ương. Đặc biệt, hiện nay Tổng cục đang tập trung cao độ cho công tác chỉnh lý, hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2008.
Công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ được quan tâm chú trọng và ngày càng bảo đảm chặt chẽ, bài bản, hiệu quả và kịp thời hơn, qua đó, từng bước khắc phục tình trạng chậm trả lời các văn bản xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của các địa phương; một số vụ án lớn hoặc có khó khăn, vướng mắc đã được tập trung chỉ đạo giải quyết, như: Vụ Docimexco (Đồng Tháp), vụ ông Trần Kia (Bạc Liêu), vụ Nga - Học (Quảng Ngãi)... Tại địa phương, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã quan tâm chỉ đạo khắc phục những vi phạm về chuyên môn nghiệp vụ theo tinh thần Nghị quyết số 37 của Quốc hội; thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các Chi cục. Một số địa phương (Nam Định, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, Đăk Lăk, Bắc Giang...) đã giải quyết xong hầu hết các công văn xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ; chỉ đạo các Chi cục có biện pháp tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện giải quyết.
Công tác tổ chức cán bộ tiếp tục được chú trọng, quan tâm sâu sát, đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý tiếp tục được kiện toàn ở cả Tổng cục và địa phương, nhất là tập trung xử lý đối với những cán bộ quản lý tại những nơi có nhiều sai phạm và yếu kém. Tại cơ quan Tổng cục, hiện có 04 Lãnh đạo Tổng cục (Tổng Cục trưởng và 03 Phó Tổng Cục trưởng), 25 Lãnh đạo cấp Vụ (Chánh Văn phòng, 05 Vụ trưởng và 01 Phó Giám đốc Trung tâm được giao phụ trách, 18 Phó Vụ trưởng và tương đương). Toàn cơ quan Thi hành án dân sự tiếp tục chấn chỉnh, siết chặt kỷ cương kỷ luật trong công tác tổ chức cán bộ, đã kiên quyết thay 06 Cục trưởng và 01 Phó Cục trưởng, do yếu kém về năng lực chuyên môn, sa sút về phẩm chất đạo đức, hiện nay, trong toàn quốc có 60/63 Cục trưởng, 03 đơn vị Phó Cục trưởng giao Quyền Cục trưởng, 63 đơn vị đã bổ nhiệm Phó Cục trưởng, với tổng số 129 người. Việc kiện toàn tổ chức bộ máy thi hành án dân sự ở địa phương cũng được quan tâm; đã chia tách, thành lập mới 05 Chi cục Thi hành án dân sự, nâng tổng số Chi cục Thi hành án dân sự lên 705 đơn vị; đã chỉ đạo thành lập 63 Phòng Tổ chức cán bộ, đồng thời, hướng dẫn tiêu chí và chỉ đạo thành lập 17/63 Phòng Tài chính kế toán thuộc Cục Thi hành án dân sự. Các mặt công tác khác tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh...
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Kết quả thi hành án xong về việc và về tiền, tuy cao hơn so với cùng kỳ năm 2013 nhưng, chưa có sự đột phá, chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều địa phương có lượng việc và tiền phải thi hành lớn nhưng, kết quả đạt thấp, nhất là về tiền; công tác xây dựng đề án, văn bản về thi hành án dân sự (chủ yếu ở Tổng cục) còn chậm so với yêu cầu, chất lượng chưa cao, phải chỉnh sửa nhiều lần, trong đó có mốt số văn bản, đề án rất quan trọng, một số địa phương (cấp tỉnh) chưa xây dựng, ban hành Quy chế phối hợp liên Ngành trong thi hành án dân sự; công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành ở một số đơn vị, địa phương còn chưa quyết liệt, thiếu sâu sát, cá biệt có nơi giao chỉ tiêu chưa đúng, không phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội tại địa phương, dẫn đến còn lúng túng trong triển khai thực hiện; công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ của Tổng cục đối với một số trường hợp còn chưa kịp thời, chất lượng hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu và “Chưa thực sự là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của các Cục, Chi cục”, nhất là chỉ đạo giải quyết đối với những vụ án lớn, phức tạp, ngược lại, có trường hợp, cấp dưới có biểu hiện thụ động, chưa tích cực, linh hoạt trong việc giải quyết hoặc không kịp thời xin ý kiến hướng dẫn ngay khi phát sinh vướng mắc, gây khó khăn cho công tác hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ của cấp trên; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều bất cập, chưa có sự đột phá và chưa tập trung chỉ đạo giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Tại địa phương chất lượng giải quyết còn thấp, một số Cục trưởng còn thiếu trách nhiệm, cơ quan cấp trên phải xác minh, giải quyết lại, gây lãng phí, tốn kém, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, đơn vị; việc triển khai công việc liên quan thí điểm chế định Thừa phát lại, nhất là việc thành lập và đưa các Văn phòng Thừa phát lại vào hoạt động còn chậm so với yêu cầu. Công tác đôn đốc thi hành án hành chính còn nhiều tồn tại...
Nhiệm vụ trọng tâm công tác 06 tháng cuối năm 2014 của Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương là tập trung chỉ đạo sát sao hơn nữa và có các giải pháp quyết liệt trong việc tổ chức thi hành án, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội và Bộ Tư pháp giao năm 2014; hoàn thành việc xây dựng các đề án, văn bản quy phạm pháp luật theo đúng Chương trình, Kế hoạch công tác năm 2014, trong đó tập trung vào việc hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 cũng như khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành sau khi Luật được thông qua; chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức Hội nghị sơ kết việc triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại; tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong toàn cơ quan, tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch kiểm tra năm 2014 nhằm kịp thời chấn chỉnh sai phạm, khắc phục tồn tại, yếu kém; tập trung giải quyết, nâng cao chất lượng và tiến độ công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, các đơn vị chuyên môn thuộc Tổng cục, thuộc Cục quan tâm chỉ đạo, giúp các Cục, Chi cục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình giải quyết những vụ án lớn, phức tạp; tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp công dân, phân loại, xử lý đơn thư và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, nhất là tại các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương...
Buổi chiều cùng ngày, Hội nghị sẽ tiếp tục với các ý kiến đóng góp của đại diện các cơ quan, Ban, Ngành, các bài tham luận của cơ quan Thi hành án dân sự địa phương...