Tuy nhiên, còn cách hiểu chưa thống nhất về thời điểm “kể từ ngày có căn cứ xác định tài sản, giấy tờ tạm giữ thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án”. Có quan điểm cho rằng, trong hạn 10 ngày mà Chấp hành viên xác định tài sản đó là của người phải thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế để bảo đảm thi hành án. Quá thời hạn 10 ngày, Chấp hành viên không xử lý tài sản đó theo Khoản 5 Điều 68 Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 là vi phạm pháp luật.
Còn theo quan điểm khác, thời gian 10 ngày theo Khoản 5 Điều 68 được tính từ ngày Chấp hành viên hay Tòa án xác định tài sản tạm giữ đó thuộc quyền sở hữu của ai. Nếu kể từ ngày xác định được chủ sở hữu tài sản trong thời hạn 10 ngày mà Chấp hành viên không ra quyết định trả lại tài sản hay ra quyết định cưỡng chế tài sản là vi phạm quy định của Luật THADS.
Có thể nói, việc quy định thời hạn áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án là cần thiết. Sau khi hết thời hạn quy định thì Chấp hành viên buộc phải tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để thi hành án. Điều này sẽ đảm bảo việc thi hành án được thực hiện liên tục, nhanh chóng, bảo vệ quyền lợi cho đương sự. Tuy nhiên, quy định thời hạn áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án với thời hạn nhất định, thực tế đã gây ra không ít khó khăn cho Chấp hành viên khi giải quyết việc thi hành án.
Trên thực tế, việc tạm giữ tài sản của đương sự thường được áp dụng với tài sản là động sản như xe máy, ô tô, phương tiện vận tải... Song song với việc xây dựng kế hoạch thực hiện biện pháp tạm giữ tài sản, Chấp hành viên vẫn tiếp tục phối hợp cùng chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan để giáo dục, vận động đương sự tự nguyện thi hành án, giải thích rõ cho người phải thi hành án hiểu hậu quả pháp lý nếu không tự nguyện thi hành án.
Do vậy, không phải trường hợp nào khi đã tiến hành áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án cũng sẽ dẫn đến việc cưỡng chế thi hành án vì mặc dù khi Chấp hành viên chấm dứt áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án nhưng các bên đương sự vẫn có thể tiến hành các thỏa thuận về biện pháp và thời gian thi hành án.
Trong trường hợp các bên đương sự đã thỏa thuận được phương thức và thời gian thi hành án mà thời gian đó dài hơn thời hạn áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án thì Chấp hành viên vẫn không thể ra quyết định cưỡng chế vì phải tôn trọng sự thỏa thuận của các đương sự. Đồng thời Chấp hành viên cũng không có căn cứ để ra quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án tự nguyện yêu cầu chấm dứt áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án và chịu trách nhiệm về yêu cầu đó. Dẫn tới một số trường hợp Chấp hành viên có thể vi phạm thời hạn áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án. Trường hợp này, biện pháp bảo đảm thi hành án có còn hiệu lực thi hành nữa hay không? Đây là vấn đề còn vướng mắc, cần hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ.