Sign In

Nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Hệ thống Thi hành án dân sự

04/08/2021

Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Hệ thống Thi hành án dân sự đã đạt được những kết quả nổi bật, góp phần củng cố sự tin tưởng của nhân dân về hiệu quả và quyết tâm của Đảng ta trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực trên các mặt công tác thi hành án dân sự còn hiện hữu và một số tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chưa kịp thời được khắc phục. Trong bài viết này, tác giả nêu lên những kết quả nổi bật trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong Hệ thống Thi hành án dân sự giai đoạn 2013 - 2020, nguy cơ tham nhũng, tiêu cực và tồn tại, hạn chế cần khắc phục; đồng thời thời rút ra bài học kinh nghiệm và đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Bước vào thời kỳ đổi mới, tình trạng tham nhũng đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng trên các lĩnh vực của đời sống, từ chính trị cho đến kinh tế, xã hội. Do vậy, Đảng ta đã chủ trương đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN), lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài[1]. Đến nay, công cuộc PCTN đã đạt nhiều kết quả quan trọng, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực và lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Đối với lĩnh vực thi hành án dân sự (THADS), Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và lãnh đạo, chỉ đạo sát sao trong toàn Hệ thống THADS. Nhờ đó, công tác này thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định, tạo chuyển biến tích cực trong Hệ thống THADS, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp, duy trì và tăng cường niềm tin của nhân dân đối Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, qua thực tiễn có thể thấy, công tác này vẫn còn có những hạn chế chưa được khắc phục, nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực còn nhiều.
1. Nhìn lại công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Hệ thống Thi hành án dân sự giai đoạn 2013 - 2020
1.1. Những kết quả nổi bật
Công tác PCTN, tiêu cực luôn được Tổng cục Thi hành án dân sự quan tâm quán triệt và quyết liệt chỉ đạo thực hiện nghiêm trên tất cả các mặt công tác, nhất là từ sau khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ra đời đến nay. Trong đó, có thể kể đến một số kết quả nổi bật như: Về xây dựng, hoàn thiện thể chế, Tổng cục đã tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành và phối hợp ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân bảo đảm đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp của pháp luật; công tác kiểm tra, tự kiểm tra ngày càng được Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục quan tâm, chú trọng thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng và đã đạt được những kết quả tích cực. Thông qua công tác kiểm tra, nhiều sai phạm được phát hiện và đã có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, giúp các cơ quan THADS địa phương nâng cao chất lượng trong các mặt công tác... Đặc biệt, Tổng cục và các cơ quan THADS đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng như: Thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị; công khai thực hiện chính sách, pháp luật; công khai địa chỉ đường dây nóng, hộp thư điện tử, lịch tiếp công dân và tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân về hành vi tham nhũng, tiêu cực; công khai công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn theo đúng quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; triển khai thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập cá nhân của cán bộ, công chức lãnh đạo, chấp hành viên, thẩm tra viên, niêm yết công khai bản kê khai tài sản, thu nhập; thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của pháp luật về PCTN; nhận diện nguy cơ tham nhũng theo vị trí việc làm; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện quy định về trách nhiệm của người đứng đầu. Bên cạnh đó, các cơ quan THADS đã thu hồi được nhiều tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và tỷ lệ thu hồi được nâng lên rõ rệt qua từng năm. Kết quả trên cho thấy sự chuyển biến rõ nét trong việc thi hành án về tham nhũng, kinh tế là một điểm nhấn tích cực, góp phần củng cố sự tin tưởng của nhân dân về hiệu quả và quyết tâm của Đảng ta trong công cuộc PCTN, tiêu cực.
 1.2. Nguy cơ tham nhũng, tiêu cực và tồn tại, hạn chế cần khắc phục
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực trên các mặt công tác THADS còn hiện hữu và một số tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN, tiêu cực chưa kịp thời được khắc phục.
Một là, nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực: Hoạt động THADS luôn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của các tổ chức, cá nhân có liên quan và thường xuyên gắn với tiền, tài sản của các đương sự. Do vậy, công chức THADS thường xuyên đối mặt với cám dỗ từ tất cả các bên như người được thi hành án, người phải thi hành án và từ những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên nguy cơ xảy ra tiêu cực, tham nhũng là rất lớn. Thực tế, một số đơn thư của công dân phản ánh, tố cáo có trường hợp chấp hành viên - người trực tiếp tổ chức thi hành vụ việc có dấu hiệu như sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, giải quyết không công bằng, không khách quan nhằm trục lợi cá nhân; làm sai lệch hồ sơ vụ việc ngay từ khâu xác minh, cưỡng chế, kê biên tài sản hành án; ký kết với đơn vị thẩm định giá, bán đấu giá không đủ điều kiện hoặc có dấu hiệu câu kết, thông đồng với đơn vị thẩm định giá, bán đấu giá để hạn chế người mua tài sản đấu giá nhằm mục đích dìm giá, hạ giá tài sản thi hành án; chậm kê biên, cưỡng chế tài sản của người phải thi hành án; chậm giao tài sản cho người mua trúng đấu giá nhằm kéo dài thời gian thi hành án... Bên cạnh đó, công tác tổ chức cán bộ cũng có thể xảy ra tham nhũng, tiêu cực ở các khâu như tuyển dụng, điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ; công tác kế hoạch, tài chính dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong việc quản lý tài chính, kế toán, sử dụng tài sản, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý kho vật chứng, tài sản tạm giữ... Những hành vi, biểu hiện của nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực nói trên, nếu không sớm được nhận diện và có biện pháp kiên quyết khắc chế kịp thời, thì chúng ta sẽ không thể ngăn chặn và đẩy lùi được tham nhũng trong lĩnh vực THADS.
Hai là, một số tồn tại, hạn chế cần phải được khắc phục kịp thời: Mặc dù Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan THADS đã quyết liệt thực hiện các giải pháp PCTN theo chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhưng vẫn còn những hạn chế như:
- Tại một số cơ quan THADS địa phương việc thực hiện PCTN, tiêu cực còn chưa đủ mạnh, chưa đi vào chiều sâu nên hiệu quả PCTN, tiêu cực chưa được như kỳ vọng; số vụ việc liên quan đến tiêu cực, tham nhũng vẫn ở mức cao và xảy ra đối với nhiều vị trí công tác từ cán sự, thư ký thi hành án, thủ kho, thủ quỹ cho đến chấp hành viên; tính chất vi phạm trong các vụ việc liên quan đến tiêu cực, tham nhũng ngày càng phức tạp tập trung vào lĩnh vực quản lý tiền, tài sản, tang vật và cả trong nghiệp vụ thi hành án.
- Việc thực hiện chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN có lúc, có nơi còn chưa nghiêm; một số công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý còn có vi phạm liên quan trực tiếp đến việc sử dụng, quản lý tiền, tài sản thi hành án, trong đó, có trường hợp là thủ trưởng cơ quan THADS.
- Hiệu quả công tác kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế; các vụ việc, hành vi tham nhũng chủ yếu được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm sát, điều tra và thông tin báo chí phản ánh; một số vụ việc vi phạm đã kéo dài nhưng chưa kịp thời phát hiện, dẫn đến công chức bị xử lý hình sự.
Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế nêu trên:
- Về nguyên nhân khách quan:
+ Một số quy định của pháp luật về THADS chưa thực sự phù hợp với thực tiễn hoặc chưa được quy định cụ thể dễ bị lợi dụng để thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, hệ thống pháp luật liên quan như các quy định pháp luật về tố tụng hình sự; pháp luật về quản lý, đăng ký tài sản; giải quyết phá sản; thẩm định giá và bán đấu giá tài sản… còn có những nội dung chưa đồng bộ, thống nhất, thậm chí mâu thuẫn, chồng chéo với Luật Thi hành án dân sự, gây khó khăn cho cơ quan THADS trong quá trình tổ chức thi hành án.
+ Cơ chế quản lý tài sản ở nước ta còn chưa chặt chẽ, thống nhất, các giao dịch kinh tế, dân sự hiện nay vẫn chủ yếu thực hiện bằng hình thức thanh toán tiền mặt nên khó kiểm soát được thu nhập, tài sản của tổ chức, cá nhân, khó truy tìm nguồn gốc của tài sản và cũng gây khó khăn cho việc áp dụng các biện pháp phong tỏa, kê biên tài sản của cơ quan có thẩm quyền. Đặc biệt, trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, người phải thi hành án là những chủ thể đặc biệt, có chức vụ, quyền hạn và có trình độ nên có sự chuẩn bị kỹ, đối phó ngay từ khi thực hiện các hành vi phạm tội, chủ động xóa dấu vết, tiêu hủy giấy tờ, chứng từ, che giấu, tẩu tán tài sản.
- Về nguyên nhân chủ quan:
+ Còn trường hợp lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa gương mẫu trong công tác PCTN; người đứng đầu buông lỏng quản lý, thiếu sâu sát, thiếu quyết liệt trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức của một số công chức, chấp hành viên còn chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu tu dưỡng rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong quản lý, cơ chế, chính sách, pháp luật để thực hiện hành vi tham nhũng; lợi dụng nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, vòi vĩnh; cố ý làm trái những quy định, quy trình công tác để vụ lợi.
+ Công tác PCTN thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại một số cơ quan THADS chưa được chú trọng; chưa chủ động kiểm tra, xác minh đối với chấp hành viên, công chức có nhiều đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của người dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Một số trường hợp, việc xử lý đối với cán bộ, công chức, chấp hành viên có hành vi tiêu cực, tham nhũng còn lúng túng, chưa đủ mạnh để cảnh báo, ngăn chặn, răn đe, thậm chí vẫn còn hiện tượng bao che vi phạm.
+ Công tác PCTN trong THADS vừa qua chưa thực sự phát huy được sự tham gia của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và giám sát của người dân.
+ Việc sơ kết, tổng kết công tác PCTN theo từng tháng, quý, năm chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục theo chuyên đề riêng, do đó, chưa kịp thời rút ra những bài học kinh nghiệm và đề ra giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế.
2. Bài học kinh nghiệm
 Từ thực tiễn đấu tranh PCTN, tiêu cực trong Hệ thống THADS thời gian vừa qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới như sau:
Một là, quán triệt đầy đủ, triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN; làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ đảng viên, công chức làm công tác THADS.
Hai là, công tác PCTN, tiêu cực phải được chỉ đạo thường xuyên, liên tục, gắn với quá trình triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của từng đơn vị, cá nhân và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với công tác THADS, nhất là trong các mặt công tác dễ xảy ra sai phạm.
Ba là, kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đức tính liêm chính, nói không với tham nhũng, tiêu cực và phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của cấp ủy Đảng, Lãnh đạo đơn vị, nhất là người đứng đầu trong thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao.
Bốn là, xuất phát từ thực tế trong quy trình tổ chức thi hành án, khâu thẩm định giá, bán đấu giá tài sản dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, do đó, cần tăng cường quản lý nhà nước về công tác này và xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của chấp hành viên, thủ trưởng cơ quan THADS; xây dựng một đội ngũ các bộ, công chức, viên chức “vừa hồng, vừa chuyên”.
Năm là, đối với việc thu hồi tiền và tài sản của các vụ án tham nhũng cần có sự vào cuộc của cơ quan điều tra ngay từ đầu, cần áp dụng các biện pháp phong tỏa, kê biên tiền và tài sản của những đối tượng phạm tội, có như vậy đến cơ quan THADS mới có thể thu hồi tiền, tài sản của các vụ án tham nhũng có hiệu quả.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Hệ thống Thi hành án dân sự trong thời gian tới
Để thực hiện công tác này có hiệu quả, cần phải phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế và thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất, về xây dựng và hoàn thiện thể chế: Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về THADS và pháp luật có liên quan để khắc phục các kẽ hở, hạn chế, bất cập còn tồn tại và tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ, bảo đảm cho công tác thi hành án có hiệu lực, hiệu quả.
Thứ hai, về công tác tổ chức, cán bộ: Lãnh đạo cơ quan, đơn vị thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, điều hành và thực hiện nghiêm quy định về luân chuyển đối với công chức lãnh đạo giữ chức vụ 02 nhiệm kỳ liên tiếp tại một cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò lãnh đạo cấp ủy, tổ chức sinh hoạt theo định kỳ nhằm nhận diện hành vi tiêu cực, tham nhũng và lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng để kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hành vi vi phạm. Đồng thời, chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong Hệ thống THADS, nâng cao chất lượng đánh giá công chức; tinh giảm đối với công chức yếu kém về năng lực và loại ra khỏi Hệ thống THADS những công chức thoái hóa, biến chất.
Thứ ba,  nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực: Khẩn trương đổi mới công tác kiểm tra theo hướng phân cấp rõ ràng giữa Tổng cục, Cục và Chi cục, trong đó cần tăng cường tự kiểm tra, kiểm tra nội bộ và kiểm tra đột xuất. Song song với việc nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, cần phải thực hiện nghiêm việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật, tăng cường đối thoại với công dân; tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin phản ánh, tố cáo, tố giác, tin báo về hành vi tham nhũng, tiêu cực qua đường dây nóng. Khi phát hiện có tham nhũng, tiêu cực phải xử lý nghiêm minh và kịp thời, tiến hành đồng bộ giữa kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước, đoàn thể và kiến nghị xử lý hình sự nếu có dấu hiệu tội phạm.
Thứ tư, công tác PCTN, tiêu cực là một công việc hết sức khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, tổ chức và cá nhân. Do đó, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đồng thời, đề cao vai trò nòng cốt của các cơ quan chuyên trách về PCTN, huy động sức mạnh tổng lực các lực lượng chính trị - xã hội và sự giám sát của nhân dân thì mới có thể đẩy lùi và ngặn chặn hiệu quả hành vi tham nhũng, tiêu cực trong THADS.
Thứ năm, định kỳ sơ kết, tổng kết, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác PCTN; khen thưởng cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng và kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ.
Nguyễn Thị Châm
Tổng cục Thi hành án dân sự
 
[1]. Văn phòng Trung ương Đảng, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Hà Nội, tr. 50.


Theo tạp chí dân chủ và pháp luật

Các tin đã đưa ngày: