Sign In

Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục thi hành án dân sự nhằm rút ngắn thời gian tổ chức, giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự

16/12/2023

1. Khó khăn, vướng mắc, bất cập của quy định pháp luật hiện hành về trình tự, thủ tục thi hành án ảnh hưởng tới thời gian tổ chức thi hành án, chi phí thi hành án dân sự tại Việt Nam
2.1. Luật THADS hiện hành quy định về quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chưa phù hợp ảnh hưởng tới thời gian tổ chức, chi phí THADS, cụ thể:
a) Đối với người được thi hành án
- Trong xác minh điều kiện thi hành án: Luật THADS sửa đổi năm 2014 đã quy định chuyển nhiệm vụ xác minh điều kiện thi hành án sang cho Chấp hành viên và ngân sách nhà nước phải chịu chi phí. Đương sự vẫn có quyền cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án và được xét miễn, giảm phí thi hành án nếu thông tin chính xác. Nội dung này chưa thực sự phù hợp với nguyên tắc chung về dân sự và tạo ra áp lực lớn đối với Chấp hành viên, cơ quan THADS và ngân sách nhà nước. Số lượng vụ việc mà đương sự chủ động xác minh, cung cấp thông tin cho cơ quan THADS cũng không nhiều, đồng thời, quy định này cũng ảnh hưởng lớn đến sự giảm sút số lượng vụ việc mà đương sự sử dụng dịch vụ xác minh của Thừa phát lại – vì hoạt động này có thu phí. Người được thi hành án coi trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án là của Chấp hành viên, cơ quan THADS, nên không có nhu cầu sử dụng dịch vụ của Thừa phát lại.
- Một số quy định của Luật THADS chưa phát huy vai trò, trách nhiệm và sự chủ động của người được thi hành án nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình thi hành án mà thay vào đó lại giao trách nhiệm thực hiện cho Chấp hành viên.  Ví dụ, việc yêu cầu tuyên bố vô hiệu liên quan đến giao dịch đối với tài sản thi hành án nhằm trốn tránh thi hành án để bảo vệ quyền lợi của mình; việc nhận tài sản để trừ vào tiền thi hành án; việc áp dụng biện pháp bảo đảm…
- Chưa quy định về cơ chế kết thúc việc tổ chức thi hành án trong trường hợp cơ quan THADS đã thông báo quyền của người được thi hành án nhưng họ không thực hiện để bảo vệ quyền của mình.
b) Đối với người phải thi hành án
- Quy định của Luật THADS hiện hành chưa tạo ra cơ chế phù hợp, chặt chẽ để người phải thi hành án kê khai tài sản, thu nhập. Do đó, việc xác minh điều kiện thi hành án rất khó khăn, cơ quan THADS chủ yếu xác minh thông qua các tài sản là bất động sản bắt buộc phải đăng ký.
- Một số quy định của Luật THADS chưa hướng tới việc xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của người phải thi hành án; chưa có cơ chế để buộc người phải thi hành án phải tự giác thực hiện nghĩa vụ của mình và phải chịu hậu quả nếu không thực hiện, mà thay vào đó lại giao trách nhiệm thực hiện cho Chấp hành viên. Ví dụ, việc yêu cầu Tòa án xác định, phân chia quyền sở hữu, sử dụng tài sản; khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp có tranh chấp hoặc giao dịch dân sự vô hiệu về tài sản liên quan đến thi hành án…
- Pháp luật THADS quy định để tổ chức cưỡng chế thì cơ quan THADS tạm ứng kinh phí từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục để thực hiện tạm ứng còn kéo dài, gây ảnh hưởng phần nào đến tiến độ thi hành án. Bên cạnh đó, việc tạm ứng kinh phí từ ngân sách lại chưa tạo áp lực cho đương sự, thúc đẩy họ tự nguyện thi hành, trong khi nhiều vụ việc chi phí cưỡng chế lớn, ảnh hưởng đến cả người được thi hành án và người phải thi hành án sau khi thu được tiền, tài sản từ cưỡng chế.
- Việc chịu phí thi hành án hiện nay quy định cho người được thi hành án là chưa phù hợp. Vì thực tế người được thi hành án là người được hưởng quyền lợi theo bản án, quyết định nhưng vì người phải thi hành án không tự nguyện thi hành nên họ phải yêu cầu thi hành án và phải chịu phí thi hành án là không hợp lý. Quy định như hiện nay sẽ không khuyến khích người phải thi hành án tự nguyện thi hành án, mà ngược lại dẫn đến việc họ cố tình chây ỳ, trốn tránh việc thi hành án hoặc kéo dài thời gian tổ chức thi hành án.
c) Đối với người tham gia THADS khác
Một số bản án, quyết định về tín dụng, ngân hàng tuyên xử lý tài sản bảo đảm của người thứ ba (người có quyền, nghĩa vụ liên quan) do người phải thi hành án không có khả năng thực hiện nghĩa vụ. Khi đó, về bản chất, người thứ ba đã chuyển hóa thành người phải thi hành án. Tuy nhiên, pháp luật THADS chưa quy định rõ, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của họ trong quá trình thi hành án, dẫn đến còn cách hiểu, áp dụng khác nhau chưa thống nhất. Bên cạnh đó, chưa có quy định về những người tham gia THADS khác, như người đại diện, người phiên dịch…
d) Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành đề cao quyền thỏa thuận của đương sự trong hầu hết các giai đoạn THADS, nhất là khi xử lý tài sản để thi hành nhưng không quy định về hậu quả pháp lý, chế tài nếu không thực hiện theo thỏa thuận, dẫn đến đương sự lợi dụng quy định này để khiếu nại, tố cáo khi không nhận được thông báo hoặc thực hiện thỏa thuận để kéo dài thời gian, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thi hành án. Một số quy định Chấp hành viên phải thông báo cho đương sự quyền thỏa thuận là chưa phù hợp với hoạt động THADS.
2.2. Các quy định về trình tự, thủ tục tổ chức thi hành án chưa rõ, chưa đầy đủ dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện; có trình tự, thủ tục chưa quy định rõ thời hạn phải hoàn thành cũng như kết thúc thực hiện ở từng khâu, giai đoạn, công việc dẫn đến kéo dài tời gian tổ chức thi hành án, dễ xảy ra vi phạm ho ặc tiêu cực, tốn kém chi phí. Cụ thể:
- Các quy định về thụ lý thi hành án chưa rõ, quy định thời gian quá ngắn để ra quyết định thi hành án mà chưa xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan THADS trong việc thẩm định hồ sơ, xác định thẩm quyền; không có quy định về việc trả lại đơn yêu cầu thi hành án trong trường hợp người nộp đơn không sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu hoặc không thực hiện theo yêu cầu của cơ quan THADS.
- Có quá nhiều các văn bản phải thực hiện việc thông báo cho đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (phải thông báo tất cả các thông báo, quyết định về thi hành án cho đương sự); thủ tục về thông báo thi hành án có quy định mang tính tùy nghi dễ bị đương sự lợi dụng để gây khó khăn cho cơ quan THADS, kéo dài thời gian tổ chức thi hành án (có những văn bản phải tống đạt nhiều lần do đương sự cố tình vắng mặt; có trường hợp không tống đạt được trực tiếp hoặc pháp luật quy định phải đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng thì phải thực hiện trên 2 số liên tiếp, chưa kể thời gian phải thực hiện việc ủy thác tư pháp...); chưa có quy định về việc ủy quyền cho Thừa phát lại thực hiện việc thông báo.
- Chưa xác định đúng bản chất của biện pháp bảo đảm thi hành án là biện pháp có tính chất khẩn cấp và tạm thời; chưa xác định đúng bản chất của biện pháp cưỡng chế kê biên cũng chỉ là biện pháp khẩn cấp tạm thời mà chưa phải là cưỡng chế thi hành án.
- Chưa xác định đúng bản chất của biện pháp cưỡng chế thi hành án là biện pháp tác động trực tiếp đến quyền con người (quyền tài sản, quyền nhân thân) của người phải thi hành án để xác định đúng các biện pháp cưỡng chế; cơ chế kiểm soát đối với việc áp dụng biện pháp này để bảo đảm quyền con người.
- Trong cưỡng chế thi hành án, các quy định liên quan đến thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án còn nhiều bất cập:
+ Đối với việc định giá tài sản thi hành án: (i) Việc định giá tài sản kê biên tiến hành sau khi kê biên ít nhất 05 ngày làm việc, dẫn đến cơ quan THADS phải huy động lực lượng cưỡng chế để kê biên, định giá 02 lần gây tốn kém và mất thời gian (Khoản 2, Điều 98); (ii) quy trình định giá tài sản còn đang bị kéo dài và lệ thuộc vào đương sự, cần phải cho đương sự thỏa thuận về giá, lựa chọn tổ chức thẩm định giá, không thỏa thuận được, Chấp hành viên mới tiến hành lựa chọn và ký kết với tổ chức thẩm định giá để định giá tài sản (Khoản 2, Điều 98); (iii) việc giảm giá nhiều lần mới đấu giá thành tài sản dẫn đến Chứng thư thẩm định giá đối với tài sản kê biên không còn hiệu lực; (iv) Việc Chấp hành viên phải xác định giá trên cơ sở xin ý kiến của các cơ quan chuyên môn bị ách tắc, kéo dài do không có quy định về thời hạn thực hiện và trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn liên quan ...
+ Đối với bán đấu giá tài sản thi hành án: Về bản chất, việc đấu giá tài sản thi hành án có tính chất cưỡng chế, bắt buộc để thực hiện bản án, quyết định của Tòa án, khác với tính chất đấu giá tài sản tự nguyện trong quan hệ pháp luật dân sự, do đó, việc bán đấu giá tài sản thi hành án cũng có những điểm đặc thù, khác với bán đấu giá tài sản thông thường. Tuy nhiên, các quy định về bán đấu giá tài sản thi hành án còn bất cập, chưa phù hợp với bản chất cưỡng chế bán tài sản trong thi hành án, nhiều thủ tục dẫn đến kéo dài quá trình tổ chức thi hành án và dễ sai phạm. Quy định Luật THADS hiện hành quy định phải bán tài sản đến khi giá trị tài sản thấp hơn hoặc bằng chi phí cưỡng chế thi hành án mà chưa có quy định bắt buộc người được thi hành án phải nhận tài sản để trừ vào tiền thi hành án là chưa phù hợp, dẫn đến kéo dài thời gian tổ chức thi hành án, ảnh hưởng đến cả quyền và lợi ích hợp pháp của người được và người phải thi hành án, tốn kém chi phí của ngân sách nhà nước;
- Chưa có cơ chế giải quyết đối với trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án hoặc đương sự không thực hiện theo yêu cầu của cơ quan THADS.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS năm 2014 đã bãi bỏ cơ chế “Trả đơn yêu cầu thi hành án” theo quy định Luật THADS năm 2008. Như vậy, những trường hợp người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án nhưng cơ quan THADS vẫn phải tiếp tục theo dõi, xác minh định kỳ và xếp loại việc chưa có điều kiện thi hành án. Nhà nước vẫn phải chi phí một khoản ngân sách không nhỏ về nhân lực, vật lực để theo dõi, xác minh định kỳ; đồng thời, dẫn đến hiểu không đúng về năng lực quản lý của nhà nước trong quá trình tổ chức thực thi bản án, quyết định của Tòa án (khi vụ việc chưa có điều kiện thi hành án tồn từ năm này qua năm khác với số lượng lớn). Trong khi đó, trên thực tế, việc trả lại đơn không làm mất đi hiệu lực của bản án, quyết định và quyền của đương sự. Bởi lẽ, theo quy định của Luật THADS năm 2008, sau khi ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thì trách nhiệm của người được thi hành án phải theo dõi, phát hiện người phải thi hành án có tài sản, điều kiện thi hành án thì tiếp tục yêu cầu cơ quan THADS tổ chức thi hành án để đảm bảo quyền và lợi ích của mình.
- Một số quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan THADS đang được xây dựng theo hướng “bao cấp” dẫn đến Nhà nước phải chi trả các khoản chi phí chưa phù hợp, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước như: chi phí liên quan đến việc xác minh; chi phí cho việc theo dõi và tổ chức thi hành án “đến cùng” đối với vụ việc đương sự không còn tài sản hay không có điều kiện thi hành[1]. Bởi lẽ, đây là việc làm để bảo vệ quyền lợi của các cá nhân, nên cá nhân phải nộp các chi phí liên quan. Nhà nước không thể chi trả phần chi phí này cho những việc không phải là lợi ích tập thể, cộng đồng, lợi ích chung của xã hội.
2.3. Luật THADS hiện hành chưa phân tách và có trình tự, thủ tục đặc thù cho một số loại việc đặc thù
(a) Hình phạt, biện pháp tư pháp về tiền, tài sản và nghĩa vụ tài sản khác trong bản án hình sự”
Thực tiễn tổ chức thi hành án các loại việc này theo quy trình của Luật THADS hiện hành, đã và đang phát sinh một số bất cập lớn, cụ thể như sau:
- Đương sự lợi dụng quy định của Luật THADS để tẩu tán tài sản hoặc kéo dài quá trình tổ chức thi hành án, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta. Cụ thể: Hiện nay một loạt các vụ việc thi hành án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo, mặc dù Bản án đã tuyên kê biên tài sản để bảo đảm thi hành án nhưng cơ quan THADS chưa thể xử lý tài sản do quy định về quyền thỏa thuận phân chia tài sản giữa người phải thi hành án với các đồng chủ sở hữu quy định tại Điều 74 Luật THADS[2] hoặc quy định về quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu phân chia tài sản còn có quan điểm chưa thống nhất đối với tài sản đã bị tuyên kê biên để bảo đảm thi hành án[3]. Việc thực hiện theo quy trình chung về thỏa thuận phân chia tài sản đối với các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế một mặt kéo dài quá trình tổ chức thi hành án, mặt khác chứa đựng nguy cơ đương sự tẩu tán tài sản, không bảo đảm việc thu hồi kịp thời, thu hồi tối đa tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế;
- Tài sản đã bị bản án tuyên kê biên để bảo đảm thi hành án giảm giá nhiều lần trong trường hợp bồi thường cho nhà nước không áp dụng quy định người được thi hành án được nhận tài sản để cấn trừ nghĩa vụ của người phải thi hành án, dẫn đến không thu hồi được tài sản cho nhà nước hoặc thu hồi được nhưng bị thất thoát do tài sản bị giảm giá nhiều lần.
(b) Thi hành án có yếu tố nước ngoài
Chưa có quy định trình tự, thủ tục riêng để áp dụng cho những việc THADS có yếu tố nước ngoài, dẫn đến còn khó khăn vướng mắc nên việc tổ chức thi hành các loại việc này chưa đạt hiệu quả. Hiện nay, việc tổ chức thi hành đối với loại việc này mới chỉ có quy định tại Điều 181 Luật THADS. Trên thực tế, việc thi hành án có yếu tố nước ngoài gặp rất nhiều vướng mắc, bất cập điển hình như: Thời gian tống đạt các văn bản về THADS kéo dài (thời gian tống đạt đối với 01 văn bản thông thường là mất 06 tháng, có những trường hợp đặc biệt thì mất tới 01 năm); chưa xác định rõ “khái niệm” THADS có yếu tố nước ngoài; chưa quy định trách nhiệm cụ thể của cơ quan THADS trong hoạt động tương trợ tư pháp; trong việc thi hành nghĩa vụ gắn với nhân thân, tiền, tài sản trong khi đó người phải thi hành án đang ở nước ngoài không có tài sản ở Việt Nam...
Có thể tham khảo nội dung tóm tắt một số vấn đề có thể phát sinh trong quá trình áp dụng pháp luật THADS có thể dẫn đến việc THADS bị kéo dài theo đường link sau đây: 
https://docs.google.com/document/d/1gVqZvQMJgJDoidVWt0UHHK2Pc6-I6JhHhYbUBYWQe88/edit?usp=sharing
2. Đề xuất giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật về trình tự, thủ tục nhằm rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí tổ chức thi hành án dân sự trong thời gian sắp tới
          Để giải quyết những vấn đề vướng mắc nêu trên, trong thời gian tới, cần đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật về trình tự, thủ tục THADS theo hướng dân chủ, công bằng, văn minh, pháp quyền, hiện đại, nghiêm minh, dễ tiếp cận, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, cắt giảm, đơn giản hóa tối đa các khâu trung gian, quy trình, thủ tục gây phiền hà cho đương sự, khó khăn cho tác nghiệp của Chấp hành viên; phân tách và quy định cụ thể thủ tục thi hành đối với một số bản án, quyết định đặc thù nhằm đảm bảo sự thống nhất, phù hợp trong hệ thống pháp luật, tính hiệu lực, hiệu quả, hợp lý trong quá trình tổ chức thi hành án; tạo lập cơ sở pháp lý cần thiết để từng bước thực hiện xã hội hóa một số hoạt động THADS; triển khai việc chuyển đổi số, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thi hành án góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả THADS theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022, cụ thể:
3.1. Hoàn thiện các quy định về quyền, nghĩa vụ của đương sự theo hướng:
- Hoàn thiện các quy định hiện hành về quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo hướng tăng cường vai trò, trách nhiệm và tính chủ động của người được thi hành án; tăng nghĩa vụ và chế tài áp dụng đối với người phải thi hành án.
- Hoàn thiện quy định về xác minh điều kiện thi hành án, trong đó cần quy định rõ trình tự, thủ tục để người được thi hành án thực hiện quyền xác minh; trách nhiệm chi trả chi phí khi yêu cầu xác minh bổ sung; ii) cách thức để người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ kê khai; iii) trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan trong cung cấp thông tin về tài sản, tài khoản của người phải thi hành án; iv) các lệnh/ quyết định mà cơ quan THADS cần ban hành và trình tự, thủ tục thi hành để thực hiện xác minh kịp thời, hiệu quả.
- Về chi phí cưỡng chế thi hành án: nghiên cứu sửa đổi quy định về việc tạm ứng chi phí cưỡng chế từ người được thi hành án, và người phải thi hành án phải được biết rõ các loại chi phí này. Việc cân đối lợi ích giữa tự nguyện thi hành án với cưỡng chế thi hành án khi đó sẽ tạo ra động lực nhiều hơn cho người phải thi hành án để không phải áp dụng biện pháp cưỡng chế. Đồng thời, cần có các quy định để hỗ trợ người phải thi hành án tối đa hóa giá trị tài sản nếu họ buộc phải bán đấu giá để thi hành án.
- Nghiên cứu phương án quy định người phải thi hành án chịu phí thi hành án để tăng cường trách nhiệm của họ trong quá trình THADS.
3.2. Hoàn thiện các quy trình tổ chức thi hành án từ thụ lý đến ra quyết định thi hành án, thông báo, xác minh, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, áp dụng biện pháp cưỡng chế, thanh toán tiền thi hành án và kết thúc việc thi hành án theo hướng quy định rõ các bước, các trình tự, thủ tục nhằm rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án. Trong đó:
- Hoàn thiện các quy định về thụ lý thi hành án, xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan THADS trong việc thẩm định hồ sơ, xác định thẩm quyền; quy định chung về tiêu chí vụ việc được đưa ra tổ chức thi hành án; quy định cơ chế giải quyết trong trường hợp người nộp đơn không sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu hoặc không thực hiện theo yêu cầu của cơ quan THADS.
- Quy định rõ các văn bản phải thực hiện việc thông báo cho đương sự; hoàn thiện các thủ tục về thông báo thi hành án theo hướng không quy định bắt buộc cơ quan thi hành án phải thực hiện thông báo mà cần có cơ chế cho thỏa thuận tống đạt văn bản, giấy tờ giữa cơ quan THADS và Văn phòng Thừa phát lại.
- Nghiên cứu quy định về người đại diện cho Nhà nước trong việc thi hành án chủ động, thu cho Ngân sách nhà nước.
- Hoàn thiện các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục liên quan đến việc công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong thi hành án và có hình thức ghi nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
- Xác định đúng bản chất của các biện pháp bảo đảm chính là biện khẩn cấp tạm thời và xác định Chấp hành viên chỉ áp dụng các biện pháp này theo yêu cầu của đương sự, chỉ chủ động áp dụng trong một số trường hợp nhất định. Chuyển thành biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản thành biện pháp khẩn cấp tạm thời để đảm bảo tương thích, đồng bộ với Bộ luật Tố tụng dân sự và đảm bảo đúng bản chất của loại biện pháp này. Đồng thời, bổ sung một số biện pháp khẩn cấp tạm thời khácbổ sung một số các quy định liên quan đến việc thay đổi nêu trên.
- Hoàn thiện hơn nữa các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản THADS phù hợp với thực tiễn và bản chất việc cưỡng chế bán tài sản; đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, thống nhất, có điểm dừng. Trong đó:
Quy định rõ điều kiện đối với tài sản THADS đưa ra bán đấu giá (tài sản đã được xác định là của người phải thi hành án; tài sản sạch và đã được giao cho tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo quản tài sản, quy định về hồ sơ pháp lý để xác định tài sản THADS đủ điều kiện đưa ra đấu giá );
+ Giới hạn số lần bán đấu giá tài sản trong trường hợp bán đấu giá không thành thì người được thi hành án phải nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, nếu họ không nhận thì có cơ chế xử lý phù hợp và có văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền để ngăn chặn các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản.
- Rà soát toàn bộ trình tự, thủ tục tổ chức đấu giá tài sản THADS, rút ngắn thời hạn thực hiện một số trình tự, thủ tục định giá, đấu giá:
+ Cần nghiên cứu để bỏ quyền định giá, quyền thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá, tổ chức đấu giá của các đương sự khi đưa tài sản ra đấu giá. Thực tiễn cho thấy quyền lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, người phải thi hành án là trái ngược nhau nên rất khó có tiếng nói chung trong việc thỏa thuận để xác định giá tài sản kê biên, lựa chọn tổ chức định giá, tổ chức đấu giá và dẫn đến kéo dài tiến trình định giá, đấu giá tài sản;
+ Xây dựng quy trình kê biên tài sản và định giá tài sản trong một buổi tổ chức cưỡng chế để rút ngắn tiến trình xử lý tài sản, giảm chi phí cưỡng chế trong việc huy động lực lượng của cơ quan THADS;
- Xây dựng cơ chế giải quyết việc thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án hoặc đương sự không thực hiện theo yêu cầu của cơ quan THADS...
- Hoàn thiện các quy định về các khoản phí, chi phí; tạm ứng và nghĩa vụ nộp các khoản phí, chi phí trong THADS, đặc biệt là các loại chi phí mà ngân sách nhà nước phải chi trả cho việc theo dõi và tổ chức thi hành án “đến cùng” đối với vụ việc đương sự không còn tài sản hay không có điều kiện thi hành…
3.3. Bên cạnh việc hoàn thiện trình tự, thủ tục chung về THADS, cần bổ sung trình tự, thủ tục thi hành án đối với một số loại việc cụ thể như: Thi hành phần dân sự trong bản án hình sự, nhất là đối với các vụ việc tham nhũng; Thi hành bản án, quyết định có yếu tố nước ngoài; thủ tục cơ quan THADS thực hiện tương trợ tư pháp tại Việt Nam./.
Phạm Thị Hiền - Vụ NV1 Tổng cục THADS

[1] Vụ việc chưa có điều kiện thi hành phải theo dõi đến cùng, có thể là mãi mãi trong khi bản chất người phải thi hành án không có tài sản.
[2] Tài sản của Nguyễn Văn Dương và vợ thỏa thuận chia đôi tài sản tại quận Ngũ Hành Sơn trong vụ Phan Sào Nam, Tòa án từ chối do đương sự đã tự thỏa thuận việc phân chia tài sản; tài sản trong vụ Công ty Gang thép Thái Nguyên, Tòa án từ chối do Chấp hành viên chưa hướng dẫn các đương sự tự thỏa thuận phân chia tài sản
[3] Điển hình là 22/28 tài sản tại Đà Nẵng trong vụ Phan Văn Anh Vũ


Theo Cổng thông tin điện tử Tổng cục THADS

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: