Sign In

Một số sai sót thường gặp trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự

22/09/2016

Một số sai sót thường gặp trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự
Hiện nay Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi bổ sung năm 2014); Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định cụ thể về trình tự thi hành án. Qua kiểm tra, theo dõi, về cơ bản các đơn vị đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật, tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số lãnh đạo Chi cục có lúc chưa sát sao trong công tác chỉ đạo, điều hành, chưa chú trọng công tác tự kiểm tra; một số Chấp hành viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chưa thật sự chủ động, kiên quyết trong xử lý công việc, nghiên cứu văn bản không kỹ nên khi áp dụng còn lúng túng, sai sót. Qua tổng hợp, có thể thấy những sai sót thường gặp trong quá trình tổ chức thi hành án như sau:
1. Việc xác minh điều kiện thi hành án:
          Thứ nhất, Chậm  xác minh điều kiện thi hành án. Theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật THADS: “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh…”.
          Thứ hai, Nội dung xác minh còn chung chung, chưa rõ ràng, đầy đủ, cụ thể về tài sản, thu nhập; không xác minh trực tiếp tại nơi có tài sản, tại địa chỉ của người phải thi hành án mà chỉ xác minh tại UBND xã, phường; đối với  các tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm thì phải xác minh tại cơ quan có chức năng đăng ký tài sản, giao dịch đó (khoản 4 Điều 44 Luật THADS; khoản 1 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015).
          Thứ ba, Chậm xác minh lại theo định kỳ. Theo quy định tại khoản 2  Điều 44 Luật THADS: “ Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 06 tháng một lần Chấp hành viên phải xác minh thi hành án, trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện mà đang chấp hành hình phạt tù từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ thì xác minh ít nhất 01 năm một lần…”
2. Thông báo về thi hành án:
         Chưa hoặc chậm thông báo Quyết định thi hành cho đương sự. Theo quy định tại khoản 2Điều 39 Luật Thi hành án dân sự; Điều 12 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015:“Việc thực hiện thông báo phải thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản...”
3. Việc ra quyết định chưa có điều kiện thi hành án
        Thứ nhất, Không, chậm ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày xác định có căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 44a  Luật THADS Thủ trưởng cơ quan thi hành án phải ra quyết định về việc chưa có điều kiện”.(khoản 4 Điều 9 nghị định 62/NĐ-CP ngày 18/7/2015).
        Thứ hai, Không gửi Quyết định về việc chưa có điều kiện cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xác minh để niêm yết: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định chưa có điều kiện cơ quan thi hành án phải gửi quyết định về việc chưa có điều kiện cho UBND cấp xã nơi xác minh để niêm yết công khai”.(khoản 2 Điều 44a Luật THADS; khoản 1 Điều 11 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015).
4. Lập hồ sơ đề nghị miễn, giảm
        Chưa kịp thời lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách theo quy định tại Điều 61, 62  Luật Thi hành án dân sự; Điều 4 Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TADNTC-VKSNDTC ngày 15/9/2015.
5. Thông báo về việc chấp hành xong nghĩa vụ dân sự
        Chưa ra thông báo về việc chấp hành xong nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự. Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT ngày 10/5/2012:“Trường hợp người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt tiền, tịch thu tài sản, án phí các nghĩa vụ dân sự khác trong bản án hình sự thì Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Chi cục Thi hành án dân sự huyện thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp nơi cơ quan thi hành án có trụ sở trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày người bị kết án chấp hành xong nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự”.
6. Giải pháp khắc phục
Trong những năm qua, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã thường xuyên quán triệt, chấn chỉnh chỉ đạo Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thành phố khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thi hành án tuy nhiên một số tồn tại vẫn thường xuyên lặp đi, lặp lại. Trong thời gian tới, đề nghị Chi cục thi hành án dân sự các huyện, thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau:
+ Thường xuyên chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ Chấp hành viên, công chức thi hành án; thực hiện nghiêm túc chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên, gắn với việc thực hiện đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
+ Lãnh đạo các phòng chuyên môn, lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thành phố cần nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo điều hành, nâng cao tinh thần trách nhiệm đồng thời tăng cường công tác kiểm tra và tự kiểm tra; thường xuyên kiểm tra đối với chấp hành viên kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các tồn tại, thiếu sót.
+ Tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo thi hành án dân sự; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong công tác thi hành án để tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành; các vụ việc trọng điểm kéo dài. Đối với các trường hợp bản án, quyết định tuyên chưa rõ cần kịp thời có văn bản đề nghị Tòa án giải thích kịp thời.
+ Thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư về công tác thi hành án dân sự.

                                                                                              Phạm Thị Linh Điệp
                                                                    Trưởng phòng Kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo 

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: