Sign In

Miễn, giảm khoản tiền lãi chậm thi hành án thực hiện thế nào cho đúng?

08/06/2017

Miễn, giảm khoản tiền lãi chậm thi hành án thực hiện thế nào cho đúng?
Miễn, giảm thi hành án là một quy định nhằm xem xét, xóa bỏ hoặc giảm bớt một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước đối với người phải thi hành án khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Việc được xem xét miễn, giảm một mặt là quyền của người phải thi hành án, mặt khác là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, trong đó bao gồm cơ quan thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, Tòa án nhân dân.Trong thực tiễn rà soát, xây dựng hồ sơ miễn, giảm thi hành án trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành nhận thấy còn có những cách hiểu không thống nhất, dễ dẫn đến bỏ sót những trường hợp lẽ ra có đủ điều kiện, điều này gây ảnh hưởng đến chính sách của Nhà nước không được thực hiện một cách triệt để cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến người phải thi hành án.
Cá nhân tôi trong quá trình thực hiện xin phân tích và đưa ra quan điểm đối với một số quy đinh còn chưa có sự thống nhất về cách hiểu, cách áp dụng để các đồng chí, đồng nghiệp quan tâm cùng thảo luận.
Về điều kiện để được xem xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách Nhà nước. Điều 61 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi bổ sung năm 2014 đã quy định rất rõ:
 “ 1. Người phải thi hành án được xét miễn nghĩa vụ thi hành án khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Không có tài sản hoặc có tài sản nhưng tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng;
b) Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị dưới 2.000.000 đồng hoặc hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng.
2. Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước được xét miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị dưới 5.000.000 đồng hoặc hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.
3. Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước mà thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì được xét giảm một phần nghĩa vụ thi hành án khi có một trong các điều kiện sau đây:
a) Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, mỗi lần giảm không quá một phần tư số tiền còn lại phải thi hành án;
b) Hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ trên 100.000.000 đồng, mỗi lần giảm không quá một phần năm số tiền còn lại phải thi hành án nhưng tối đa không quá 50.000.000 đồng.
4. Người phải thi hành án đã tích cực thi hành được một phần án phí, tiền phạt nhưng lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục thi hành được phần nghĩa vụ còn lại hoặc lập công lớn thì được xét miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại.
5. Người phải thi hành án quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này chỉ được xét miễn hoặc giảm một lần trong 01 năm đối với mỗi bản án, quyết định.
Quyết định thi hành án lần đầu là căn cứ để xác định thời hạn xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.
6. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn Điều này.”
Trong quy định trên thì “đã thi hành được một phần” và “thi hành được một phần án phí, tiền phạt” đã được giải thích tại khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/9/2015 hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu, nộp ngân sách Nhà nước (gọi tắt là Thông tư 12). Theo đó, người phải thi hành án bên cạnh các điều kiện về thời gian tổ chức thi hành, số tiền còn phải thi hành thì còn phải thực hiện được ít nhất 1/50 (một phần năm mươi) khoản thu nộp ngân sách nhà nước hoặc khoản án phí.
Điều kiện để được xem xét miễn, giảm khoản thu nộp ngân sách nhà nước như đã quy định ở trên là đã rõ ràng, dễ áp dụng. Tuy nhiên, vấn đề cần trao đổi ở đây nằm ở quy định tại Điều 2 Thông tư 12 giải thích các khoản thuộc diện được xét miễn, giảm thi hành án như sau: “ Các khoản thu, nộp cho ngân sách nhà nước thuộc diện được xét miễn, giảm thi hành án gồm tiền phạt, truy thu tiền, tài sản thu lời bất chính, án phí, lệ phí Tòa án, tịch thu sung quỹ nhà nước, các khoản thu, nộp khác cho ngân sách nhà nước được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; lãi chậm thi hành án đối với khoản được miễn, giảm (nếu có)”.
Xuất phát từ quy định này, có ý kiến cho rằng:
Thứ nhất, cho rằng lấy số tiền còn phải thi hành (bao gồm tiền phạt, truy thu tiền, tài sản thu lời bất chính, án phí, lệ phí Tòa án, tịch thu sung quỹ nhà nước, các khoản thu, nộp khác cho ngân sách nhà nước) đã được xác định cụ thể trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để làm căn cứ xác định có đủ điều kiện về định lượng xem xét miễn, giảm hay không. Nếu được xem xét miễn, giảm đối với số tiền cụ thể thì số tiền lãi chậm thi hành án cũng sẽ được miễn theo.
Cách hiểu này trước đây quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự như sau:“Khoản thu nộp cho ngân sách nhà nước được xét miễn, giảm là khoản nghĩa vụ được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án. Khi khoản nghĩa vụ được xác định trong bản án, quyết định được miễn, giảm thì phần lãi chậm thi hành án trên số tiền được miễn, giảm đương nhiên được miễn.” Tuy rằng Nghị định 58/2009/NĐ-CP đã hết hiệu lực pháp luật, nhưng bên cạnh đó tại Điều 2 Thông tư 12 cũng đã nêu các khoản thu, nộp ngân sách nhà nước thuộc diện được xét miễn, giảm thi hành án gồm …. lãi chậm thi hành án đối với khoản được miễn, giảm (nếu có). Tức là về mặt logic, đã xác định khoản được miễn, giảm thì lãi chậm thi hành án đối với các khoản đó (nếu có) cũng sẽ được miễn, giảm theo.
Thứ hai, cho rằng, quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP như đã dẫn ở trên là rất cụ thể, rõ ràng tuy nhiên Nghị định 58/2009/NĐ-CP đã không còn hiệu lực pháp luật, thay thế vào đó là Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 không có bất kỳ quy định nào về việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự. Cũng tại Thông tư số 12 xác định khoản thu, nộp cho ngân sách nhà nước được xét miễn, giảm bao gồm cả khoản lãi chậm thi hành án. Tức là khi xây dựng hồ sơ đề nghị miễn, giảm thi hành án, cơ quan thi hành án cần xác định cả khoản tiền lãi tính đến thời điểm đề nghị miễn, giảm.
Điều này là không có lợi đối với người phải thi hành án khi trải qua thời gian tối thiểu 05 năm hoặc 10 năm, số tiền lãi chậm thi hành án phát sinh rất lớn, cùng với số tiền gốc chưa thi hành sẽ vượt quá định lượng về nghĩa vụ còn phải thi hành để được xem xét miễn, giảm. Thực tế có nhiều trường hợp số tiền phạt còn lại phải thi hành là 10 triệu đồng cùng với lãi chậm thi hành án. Thời gian tổ chức thi hành đã đủ 10 năm, đến nay người phải thi hành án nộp được 500.000 đồng. Nếu chỉ tính số tiền phạt còn lại là 9.500.000 đồng thì đủ điều kiện miễn thi hành án theo điểm b khoản 2 Điều 61 Luật Thi hành án dân sự, nhưng nếu phải xác định cả tiền lãi chậm thi hành án tính đến thời điểm đề nghị miễn, giảm thì tổng số tiền lại vượt quá 10 triệu đồng, do đó lại không đủ điều kiện miễn theo điểm b khoản 2 Điều 61 đã nêu ở trên.
Cá nhân tôi ủng hộ cách hiểu theo loại ý kiến thứ nhất vì ngoài lý do đã phân tích ở trên thì còn bởi lý do các quy định về miễn, giảm thi hành án hiện nay tại Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 và Thông tư số 12 có phần tạo điều kiện thuận lợi hơn đối với người phải thi hành án so với Nghị định số 58/2009/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 10/2010/TTLT-BTP-BTC-BCA-VKSNDTC-TANDTC. Cụ thể là trước đây, người phải thi hành án cần phải thi hành tối thiểu 1/20 khoản phải thi hành nhưng giá trị không được thấp hơn mức án phí không có giá ngạch thì nay người phải thi hành án chỉ phải thi hành ít nhất 1/50 khoản thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc khoản án phí phải thi hành theo bản án, quyết định của Tòa án.
Trên đây là hai ý kiến áp dụng khác nhau về vấn đề có xác định khoản tiền lãi chậm thi hành án tính đến thời điểm đề nghị miễn, giảm cùng với khoản thu, nộp ngân sách nhà nước để làm căn cứ xác định điều kiện miễn, giảm thi hành án hay không, thống nhất áp dụng đúng sẽ góp phần tháo gỡ một lượng án không nhỏ đối với cơ quan thi hành án dân sự hiện nay. Rất mong nhận được các ý kiến trao đổi, góp ý vào địa chỉ hòm thư tunglt.hdg@moj.gov.vn.
                                                          Lương Thanh Tùng

Các tin đã đưa ngày: