Sign In

Một số nội dung cơ bản về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo trong thi hành án dân sự

14/11/2018

Quyền tố cáo là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp, Pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo năm 2011 quy định: Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Theo khoản 2 Điều 3 Thông tư số 02/2016/TT-BTP quy định quy trình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự ( Thông tư số 02/2016/TT-BTP), Tố cáo về thi hành án dân sự ( gọi tắt là THADS) là việc công dân báo cho người có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm Pháp luật của Thủ trưởng cơ quan THADS, chấp hành viên và công chức khác gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức trong THADS.
Vấn đề tố cáo và giải quyết tố cáo trong THADS được quy định tại mục 2 Chương VI ( Các Điều từ 154 đến 159 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 ( Luật THADS); Luật Tố cáo năm 2011; Nghị định 76/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tố cáo năm 2011và được quy định cụ thể tại Mục 3 Thông tư số 02/2016/TT-BTP. 
Theo Điều 30 Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quantổ chứccá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái Pháp luật của cơ quantổ chứccá nhân, theo đó chủ thể thực hiện quyền tố cáo là “Mọi người”.Điều 154 Luật THADS năm quy định người có quyền tố cáo về THADS là công dân. Về khái niệm “Công dân”, có thể hiểu “Công dân” là bộ phận dân cư chủ yếu của một Nhà nước bao gồm những người được xác định lệ thuộc pháp lý đối với Nhà nước đó. Người là công dân của một Nhà nước thì được hưởng đầy đủ những quyền, lợi ích và có những nghĩa vụ do Nhà nước đó quy định. Khái niệm “công dân” được gắn liền với khái niệm quốc tịch. Người là công dân của Nhà nước nào thì có quốc tịch của nước đó. Điều 49 Hiến pháp năm 2013 quy định: Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên giữa khái niệm “công dân” và “mọi người” vẫn có những ý kiến không thống nhất, khái niệm “ công dân” ở đây phải được hiểu là công dân nói chung hay công dân Việt Nam? do đó đây cũng là vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu làm rõ.
Nội hàm khái niệm chủ thể có quyền tố cáo rộng hơn so với chủ thể thực hiện quyền khiếu nại. Tuy nhiên, xét về các loại chủ thể, thì khiếu nại được thực hiện bởi nhiều loại chủ thể hơn, bao gồm cả cá nhân và tổ chức; trong khi đó, tố cáo chỉ có công dân được thực hiện quyền tố cáo, tổ chức không được thực hiện quyền này.
1. Quyền của người tố cáo
Thực tế cho thấy, các hành vi vi phạm pháp luật rất đa dạng và phức tạp, có loại thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan THADS nhưng cũng có những loại thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan khác... Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc tiếp nhận và xử lý tố cáo, Luật THADS quy định người tố cáo cần phải gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Nếu như người khiếu nại được tự mình hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện quyền khiếu nại thì  người tố cáo không được ủy quyền tố cáo. Đây cũng chính là điểm khác biệt cơ bản giữa khiếu nại và tố cáo.
Trường hợp tố cáo trực tiếp thì người tố cáo phải nói rõ họ, tên, địa chỉ của mình và trình bày rõ ràng, trung thực về nội dung tố cáo để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nắm được sự việc, có cơ sở tiến hành thẩm tra, xác minh. Người tố cáo cần phải trình bày sự việc một cách trung thực, khách quan, những nội dung, sự việc nào biết được hoặc thấy được thì phản ánh đúng, không suy diễn hay áp đặt chủ quan, đặc biệt không được vì lợi ích cá nhân lợi dụng tố cáo để làm ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của người khác.
Trong trường hợp khó xác định được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết thì người tố cáo có thể tố cáo bằng đơn với cơ quan nhà nước mà mình cho rằng có thẩm quyền giải quyết. Cơ quan này sẽ có trách nhiệm tiếp nhận đơn, nếu không đúng thẩm quyền thì chuyển đơn tố cáo đó cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Đối với đơn tố cáo, người dân vì lợi ích của nhà nước, của xã hội mà phát hiện, thông báo với cơ quan nhà nước, họ không thể biết được mức độ vi phạm của hành vi vi phạm, thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý hay tố tụng..., nên khi nhận được đơn tố cáo, dù không thuộc thẩm quyền của mình thì các cơ quan cũng phải có trách nhiệm xử lý thông tin đó bằng cách chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và nếu thấy cần thiết thì phải thông tin ngay cho cơ quan chức năng đề nghị ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm, tránh thiệt hại thực tế có thể xảy ra.
* Yêu cầu giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích của mình;
Pháp luật hiện hành không đặt vấn đề bảo vệ người khiếu nại nhưng hết sức chú trọng bảo vệ người tố cáo. Người tố cáo thực hiện quyền tố cáo của mình chính là để thông báo cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những hành vi trái pháp luật, thể hiện trách nhiệm của công dân vì lợi ích chung, lợi ích của cộng đồng. Vì vậy, Nhà nước phải có trách nhiệm giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của người tố cáo, quy định này góp phần bảo vệ người tố cáo trước các nguy cơ bị đe dọa, trù dập, trả thù. Về quyền được yêu cầu giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo. Luật Tố cáo cũng quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm là hành vi: Tiết lộ họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác có thể làm lộ danh tính của người tố cáo (khoản 3 Điều 8 Luật Tố cáo năm 2011).
Khi tiếp nhận, thụ lý giải quyết tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải nghiên cứu, xác định nội dung vụ việc, những thông tin nếu tiết lộ sẽ gây bất lợi cho người Tố cáo để áp dụng biện pháp phù hợp nhằm giữ bí mật thông tin cho người tố cáo. Trường hợp cần thiết có thể lược bỏ họ tên, địa chỉ, bút tích, các thông tin cá nhân khác của người tố cáo ra khỏi đơn tố cáo và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, đồng thời lưu trữ và quản lý thông tin về người tố cáo theo chế độ thông tin mật.Trong quá trình giải quyết tố cáo, nếu có yêu cầu làm việc trực tiếp với người tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, người giải quyết tố cáo phải bố trí thời gian, địa điểm và lựa chọn phương thức làm việc phù hợp để bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo. Trường hợp phát hiện người không có thẩm quyền có hành vi thu thập thông tin về người tố cáo, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm áp dụng biện pháp theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn hoặc xử lý đối với người có hành vi vi phạm (Điều 12 Nghị định số 76/2012/NĐ-CP).
Yêu cầu bảo mật thông tin của người tố cáo cũng được đặt ra với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp thông tin, tài liệu, phối hợp giải quyết tố cáo, thi hành quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết, phù hợp để bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo (Điều 13 Nghị định số 76/2012/NĐ-CP). cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong quá trình tiếp nhận, xử lý, thẩm tra, xác minh, giải quyết tố cáo phải có trách nhiệm giữ bí mật cho người tố cáo. Bên cạnh đó, việc giữ bí mật không chỉ đối với họ, tên, địa chỉ, bút tích mà còn giữ bí mật cả các thông tin khác của người tố cáo.
Trong việc gửi văn bản cho người tố cáo cũng phải đảm bảo không tiết lộ thông tin về người tố cáo và bảo vệ bí mật nhà nước ( khoản 1 Điều 26 Luật Tố cáo năm 2011)
Luật Tố cáo năm 2018đã định nghĩa rất rõ về đối tượng, phạm vi bảo vệ người tố cáo. Cụ thể, Bảo vệ người tố cáo là việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo.
Khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo và người thân của họ đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền phải áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.
1.3. Yêu cầu được thông báo kết quả giải quyết tố cáo
Người tố cáo có quyền yêu cầu được thông báo việc thụ lý giải quyết tố cáo, thông báo chuyển vụ việc tố cáo sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Điều 26 Luật Tố cáo năm 2011 quy định người giải quyết tố cáo phải gửi kết luận nội dung tố cáo cho người bị tố cáo. Trong trường hợp người tố cáo có yêu cầu thông báo kết quả giải quyết tố cáo thì người giải quyết tố cáo gửi thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết tố cáo cho người tố cáo. Thông báo kết quả giải quyết tố cáo phải nêu rõ kết luận nội dung tố cáo, việc xử lý người bị tố cáo, trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước.
1.4. Yêu cầu cơ quantổ chứccá nhân có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe doạ, trù dập, trả thù
Luật Tố cáo và Nghị định số 76/2012/NĐ-CP đã đưa ra rất nhiều quy định về vấn đề bảo vệ người tố cáo: Bảo vệ bí mật cho người tố cáo trong quá trình tiếp nhận, thụ lý, giải quyết tố cáo (Điều 12); bảo vệ tài sản của người tố cáo, người thân thích của người tố cáo; bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm và các quyền nhân thân khác của người tố cáo, người thân thích của người tố cáo (Điều 14) bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người tố cáo, người thân thích của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức (Điều 17) bảo vệ không chỉ người tố cáo mà cả thân thích của người tố cáo; bảo vệ người tố cáo ở nơi cư trú, ở nơi làm việc và nơi có tài sản…
Bên cạnh các quyền được liệt kê ở trên, người tố cáo còn có quyền rút tố cáo và quyền tố cáo tiếp. Về quyền rút tố cáo, Luật Tố cáo năm 2011, Luật THADS chưa có quy định về vấn đề này. Để điều chỉnh các trường hợp rút tố cáo xảy ra trong thực tiễn hoạt động THADS, Thông tư số 02/2016/TT-BTP có quy định thêm về quyền rút tố cáo và quyền tố cáo tiếp của người tố cáo. Người tố cáo được rút một phần hoặc toàn bộ nội dung tố cáo nếu việc rút tố cáo là có căn cứ. Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết nội dung tố cáo đó.
Về quyền rút tố cáo, so với quyền rút khiếu nại cũng có điểm khác biệt cơ bản. Nếu như người khiếu nại được quyền rút khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết khiếu nại thì đối với tố cáo thì trong trường hợp xét thấy hành vi vi phạm pháp luậtvẫn chưa được phát hiện và xử lý hoặc có căn cứ cho rằng việc rút tố cáo do người tố cáo bị đe dọa, ép buộc, thì người giải quyết tố cáo vẫn xem xét, giải quyết tố cáo theo quy định của Pháp luật(Điều 17 Thông tư số 02/2016/TT-BTP).  Do Luật THADS chưa có quy định về vấn đề này nên cần xem xét bổ sung vào Luật THADS quy định về các trường hợp rút đơn tố cáo. Trong đó đình chỉ giải quyết tố cáo trong trường hợp rút tố cáo hành vi không có cơ sở.
Về quyền tố cáo tiếp, Điều 27 Luật Tố cáo năm 2011 quy định người tố cáo có quyền tố cáo tiếp và người có thẩm quyền giải quyết tố cáo chỉ giải quyết khi tố cáo tiếp thuộc một trong các trường hợp sau: Đã quá thời hạn giải quyết tố cáo mà vụ việc chưa được giải quyết hoặc có nội dung tố cáo chưa được giải quyết; tố cáo đã được giải quyết đúng pháp luật, nhưng có tình tiết mới chưa được phát hiện trong quá trình giải quyết tố cáo có thể làm thay đổi kết quả giải quyết tố cáo; khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật .
Luật Tố cáo năm 2018 bổ sung quy định người tố cáo có quyền rút tố cáo, được bồi thường thiệt hại theo quy định(điểm đ, điểm g khoản 1 Điều 9 Luật Tố cáo năm 2018). Theo Điều 33 Luật Tố cáo năm 2018: Người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung Tố cáo hoặc một phần nội dung Tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản. Người tố cáo rút tố cáo nhưng nếu lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi tố cáo của mình, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định.
2. Nghĩa vụ của người tố cáo
Thứ nhất: người tố cáo phải trình bày trung thực, cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo.
Bên cạnh quy định bảo vệ người tố cáo thì pháp luật cũng đề cao trách nhiệm của người tố cáo, đòi hỏi người tố cáo phải trình bày trung thựccung cấp tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo. Việc thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ này không chỉ tăng cường trách nhiệm của người tố cáo, tạo điều kiện cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền có cơ sở tiến hành xác minh, giải quyết tố cáo mà còn có tác dụng ngăn ngừa việc lợi dụng quyền tố cáo để đưa ra những thông tin không đúng, có hại cho người khác, gây mất thời gian, công sức cho cơ quan xem xét, giải quyết.
Thứ hai: người tố cáo phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình
Việc ghi rõ họ tên địa chỉ người tố cáo trong đơn tố cáo để các cơ quan có thẩm quyền liên hệ khi cần thiết, đồng thời nhằm mục đích nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện quyền tố cáo. Bởi vì, bên cạnh những trường hợp tố cáo mang tính xây dựng, tích cực thì cũng có không ít người lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo sai sự thật, tố cáo tràn lan, không có căn cứ, làm tốn kém thời gian và công sức cho các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc xem xét, giải quyết. Luật tố cáo năm 2011 cũng có quy định người tố cáo phải nêu rõ họ tên, địa chỉ và cơ quan, người có thẩm quyền chỉ thụ lý, giải quyết đối với các tố cáo rõ họ, tên, địa chỉ của người tố cáo.
Thứ ba:người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo sai sự thật:
Do tố cáo có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, danh dự của người bị tố cáo nên pháp luật đề cao trách nhiệm của người tố cáo, đòi hỏi người tố cáo phải trung thực và chịu trách nhiệm về việc cố tình tố cáo sai sự thật. Khoản 10, khoản 12 Điều 8 Luật Tố cáo năm 2011 quy định nghiêm cấm hành vi cố ý tố cáo sai sự thật; kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; mạo danh người khác để tố cáo. Lợi dụng việc tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, gây rối an ninh, trật tự công cộng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Trong trường hợp người tố cáo xin rút nội dung tố cáo, nhằm che giấu hành vi vi phạm pháp luật, trốn tránh trách nhiệm hoặc vì vụ lợi, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người tố cáo sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Theo Điều 48 Luật Tố cáo năm 2011: Người Tố cáo và những người khác có liên quan có hành vi quy định tại các khoản 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 và 13 Điều 8 của Luật Tố cáo năm 2011 hoặc vi phạm các quy định khác của Pháp luậtvề tố cáo và giải quyết tố cáo thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó người tố cáo có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra (điểm d khoản 2 Điều 9 Luật Tố cáo năm 2011).
Luật Tố cáo năm 2018 bổ sung quy định người tố cáo có trách nhiệm hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu(điểm d khoản 2 Điều 9 Luật Tố cáo năm 2018). Về những hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo và giải quyết tố cáo, Luật Tố cáo quy định cụ thể và chi tiết hơn về các hành vi bị nghiêm cấm như nghiêm cấm hành vi lợi dụng việc tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích Nhà nước…
 Tuy nhiên, hiện nay, quy định của pháp luật về chế tài trong trường hợp tố cáo sai vẫn chưa đủ mạnh nên vẫn tồn tại tình trạng tố cáo tràn lan, không có cơ sở do đó việc quy định các chế tài cụ thể và nghiêm khắc hơn đối với những trường hợp này là rất cần thiết.
Hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo trong THADS có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ đối với người thực hiện tố cáo mà còn đối với các chủ thể khác. Do đó cần quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân về khiếu nại, tố cáo nói chung và pháp luật về tố cáo trong THADS nói riêng.
Ths. Hoàng Thị Thanh Hoa
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Xuyên 
1. Điều 30 Hiến pháp năm 2013
2. Khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019  cũng quy định rõ: “Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân…”, 
3. Điều 143 Luật THADS
4. TS. Nguyễn Thắng Lợi, Chuyên đề báo cáo trao đổi kinh nghiệm về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo,  Tài liệu bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho Chi cục trưởng Chi cục THADS năm 2017;  trang 184
5. Điều 47 Luật Tố cáo năm 2018
6. TS Nguyễn Thắng Lợi, tlđd, trang 170
7. Chuyên đề: Thực trạng quy định pháp luật về giải quyết Khiếu nại, tố cáo  trong THADS; Tài liệu hội nghị tập huấn  tổ chức tại Cục THADS thành phố Hà Nội tháng 12/2017, trang 334
8. Khoản 2 Điều 9, Khoản 1 Điều 20 Luật Tố cáo năm 2011
9. Điều 8 Luật Tố cáo  năm 2018
10. Mai Thoa; Giải quyết đơn tố cáo cần phải có điểm dừng; https://baomoi.com/giai-quyet-don-thu-to-cao-can-phai-co-diem-dung/c/23075653.epi; tr:26/7/2018
 
Theo Cổng thôn tin TCTHADS - Bộ Tư pháp

Các tin đã đưa ngày: