Như vậy, tất cả các nội dung trong quyết định của bản án, quyết định dân sự được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự. Tuy nhiên, trong trường hợp bản án, quyết định dân sự tuyên hủy quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thì việc áp dụng thủ tục thi hành án dân sự có một số bất cập, vướng mắc, cụ thể thông qua vụ việc sau:
Bản án số 01/2018/DS-ST ngày 03 tháng 5 năm 2018 của Tòa án nhân dân tỉnh NA, đã căn cứ Điều 34, Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Điểm b khoản 2 Điều 193 Luật Tố tụng hành chính, quyết định: “Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Võ Thanh B, bà Nguyễn Thị T: Tuyên hủy một phần Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sô O 239025 do UBND huyện TC cấp ngày 31/12/1997. Buộc UBND huyện TC tiến hành đo đạc, chỉnh lý và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Võ Thanh B và bà Nguyễn Thị T”.
Đây là bản án dân sự nên theo quy định tại Điều 1 Luật Thi hành án dân sự nội dung trên được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự, thuộc trường hợp ra quyết định thi hành án theo yêu cầu; người phải thi hành án là UBND huyện TC; các khoản phải thi hành: (i) hủy một phần Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số O 239025 , (ii) đo đạc, chỉnh lý và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Võ Thanh B và bà Nguyễn Thị T. Như vậy, nghĩa vụ phải thi hành là buộc thực hiện công việc nhất định, trường hợp UBND huyện TC không tự nguyện thi hành thì cơ quan THADS phải thực hiện thủ tục cưỡng chế theo quy định tại Điều 118 Luật Thi hành án dân sự. Công việc này phải do chính người phải thi hành án (UBND huyện TC) thực hiện, Chấp hành viên không thể giao cho người khác làm thay, theo quy định thì sau khi áp dụng biện pháp phạt tiền mà người phải thi hành án vẫn không thi hành thì Chấp hành viên đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khó khăn, bất cập:
Thứ nhất, quyết định hủy một phần Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và buộc đo đạc, chỉnh lý và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là hủy một phần quyết định hành chính trái pháp luật và buộc cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của Luật Tố tụng hành chính. Trường hợp này, nếu được giải quyết bằng bản án, quyết định về vụ án hành chính thì được thi hành theo thủ tục thi hành án hành chính, tuy nhiên, ở đây do được giải quyết trong vụ việc dân sự nên thực hiện theo thủ tục thi hành án dân sự. Như vậy, cùng một nội dung nhưng được thực hiện bởi hai thủ tục khác nhau.
Thứ hai, do thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự nên Chấp hành viên là chủ thể tổ chức thi hành mà không có sự tham gia của Tòa án và Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án như trong thủ tục thi hành án hành chính.
Thứ ba, thực tiễn để Chấp hành viên cưỡng chế buộc cơ quan nhà nước thực hiện hủy quyết định hành chính và buộc thực hiện nhiệm vụ, công vụ là không khả thi.
Từ vụ việc trên, để áp dụng thống nhất, khắc phục những bất cập, hạn chế trên, theo tôi trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự và xây dựng Luật Thi hành án hành chính cần điều chỉnh phạm vi tổ chức thi hành án đối với trường hợp bản án, quyết định dân sự của Tòa án tuyên hủy quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền theo hướng áp dụng thủ tục thi hành án hành chính để thi hành.
Nguyễn Hồng Trung
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An