Sign In

Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ IV

25/08/2015

Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ IV
Sáng nay – 24/8, Bộ Tư pháp đã long trọng tổ chức Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ IV.
Đến dự Đại hội, về phía khách mời có Phó Trưởng Ban nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền cùng lãnh đạo một số Bộ, ngành ở Trung ương. Về phía Bộ Tư pháp có Bộ trưởng Hà Hùng Cường, các đồng chí lãnh đạo Bộ, nguyên lãnh đạo Bộ qua các thời kỳ cùng 103 tập thể, 122 cá nhân là gương điển hình tiên tiến ngành Tư pháp giai đoạn 2010-2015.

Phát biểu khai mạc Đại hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh trong 70 năm xây dựng và trưởng thành, kể từ ngày thành lập (28/8/1945) đến nay, toàn ngành Tư pháp luôn quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Thấm nhuần lời dạy của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Ngành Tư pháp liên tục tổ chức và đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước với những nội dung và hình thức phong phú, đa dạng, rộng khắp góp phần tạo nên động lực to lớn, cổ vũ, động viên các tập thể, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vượt qua khó khăn, thử thách, nỗ lực vươn lên hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần to lớn vào sự nghiệp kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định qua phong trào thi đua, các lĩnh vực hoạt động của Ngành tư pháp được đẩy mạnh, đạt hiệu quả ngày càng cao hơn. Công tác hoàn thiện thể chế nói chung, thể chế trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ngành nói riêng đạt nhiều kết quả quan trọng. Cơ chế theo dõi thi hành pháp luật được hình thành, bước đầu được triển khai thực hiện có kết quả, thể hiện qua việc phản ứng nhạy bén hơn trước những vấn đề gây bức xúc trong xã hội, nhân dân. Công tác hành chính tư pháp từng bước đi vào nền nếp, giải quyết một khối lượng lớn yêu cầu của người dân trong các lĩnh vực quốc tịch, hộ tịch, lý lịch tư pháp, nuôi con nuôi, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước; công tác xã hội hoá, huy động các nguồn lực xã hội tham gia các dịch vụ công trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp được đẩy mạnh. Công tác thi hành án dân sự đã có sự bền vững về kết quả thi hành án; công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ pháp luật, tư pháp... được thực hiện bài bản, có hiệu quả hơn. Việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ mới được giao như kiểm soát thủ tục hành chính, quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính đạt được một số kết quả rõ rệt. Việc tham gia với vai trò đại diện pháp lý cho Chính phủ trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế bước đầu đạt kết quả khích lệ... Những kết quả nêu trên đã đóng góp thiết thực vào những thành tựu chung về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và tăng cường vị thế đối ngoại của đất nước.

Giai đoạn năm 2010-2015 là những năm đầu toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển và xây dựng nền tảng để đến năm 2020 nước ta trở thành một nước công nghiệp. Để góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và những chủ trương lớn của Đảng, trên cơ sở những bài học kinh nghiệm rút ra từ Đại hội thi đua của Ngành lần thứ III (năm 2010), phát huy truyền thống thi đua yêu nước, toàn ngành Tư pháp trong suốt 70 năm qua, dưới dự lãnh đạo của Đảng, toàn ngành Tư pháp đã dấy lên các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi trong tất cả các lĩnh vực: xây dựng; thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); kiểm tra, rà soát hệ thống hóa, hợp nhất VBQPPL, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; kiểm soát thủ tục hành chính; thi hành án dân sự; phổ biến, giáo dục pháp luật; trợ giúp pháp lý; bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp luật, chức danh tư pháp và nghiên cứu khoa học và các lĩnh vực khác.

Phong trào thi đua đua yêu nước sôi nổi đã tạo nên sức mạnh tổng hợp giúp cho các cá nhân, đơn vị và toàn Ngành vượt qua mọi khó khăn, thử thách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thực hiện thành công Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, Chiến lược cải cách tư pháp, cải cách hành chính, hoàn thiện bộ máy nhà nước và xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Đi đôi với việc đổi mới và đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng cũng được đổi mới, đảm bảo nguyên tắc có phong trào thi đua mới xét khen thưởng và khen thưởng kịp thời để động viên phong trào. Ghi nhận những đóng góp và những thành tích xuất sắc của các tập thể, cá nhân trong Ngành Tư pháp, trong 05 năm qua, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Tư pháp đã tặng: 01 Huân chương Độc lập hạng Nhất; 01 Huân chương Độc lập hạng Nhì; 02 Huân chương Độc lập hạng ba; 13 Huân chương lao động hạng nhất; 35 Huân chương lao động hạng nhì; 107 Huân chương lao động hạng ba; 15 Cờ thi đua Chính phủ; 367 Bằng khen Thủ tướng Chính phủ; 249 tập thể được tặng Cờ thi đua ngành Tư pháp; 03 Chiến sĩ thi đua toàn quốc; 243 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành Tư pháp; 2,102 tập thể, 3,855 lượt cá nhân được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen; 5,037 cá nhân được tặng Kỷ niệm chương “vì sự nghiệp tư pháp”; 1,534 lượt tập thể được tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc.

Bộ Tư pháp đã trở thành một trong những đơn vị tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước, được các bộ, ngành trong Khối thi đua các đơn vị Nội chính Trung ương suy tôn và được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc năm 2010, năm 2013; tặng Bằng khen năm 2014. Đặc biệt, kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp (28/8/1945-28/8/2015), Bộ Tư pháp đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, đây tiếp tục là một trong những phần thưởng cao quý nhất của Đảng, Nhà nước và nhân dân trao tặng cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Tư pháp.
Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong 5 năm liền với 103 tập thể và 122 cá nhân được tôn vinh là gương điển hình tiên tiến ngành Tư pháp năm 2010-2015.

Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương đã biểu dương và chúc mừng những thành tích đạt được trong phong trào thi đua yêu nước của ngành Tư pháp. Theo đồng chí, 5 năm qua, các phong trào thi đua đã được ngành Tư pháp tổ chức rộng khắp, bài bản, bám sát các nhiệm vụ chính trị được giao, ngày càng đi vào chiều sâu và có sự lan tỏa. Vị trí của công tác Tư pháp tiếp tục khẳng định, vị thế của ngành ngày càng được tăng cường, được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Đồng chí đề nghị thời gian tới ngành Tư pháp tiếp tục phát động các phong trào thi đua thiết thực trong toàn ngành đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành, đảm bảo thực thi quyền con người, lợi ích chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Quá trình thực hiện, phải bám sát các nội dung chính trị; cần xây dựng nội dung, tiêu chí thi đua cụ thể, chú trọng công tác tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, sơ kết, tổng kết, nhân rộng mô hình điển hình tiên tiến.

Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV xác định giai đoạn 2015-2020, Ngành Tư pháp tập trung tổ chức các phong trào thi đua: củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức Ngành, xây dựng đơn vị trong sạch, vững mạnh; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Ngành; tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới” và “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Phong trào thi đua phải được duy trì thường xuyên, liên tục, toàn diện. Tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức tổ chức phong trào thi đua; nội dung phong trào thi đua phải gắn liền với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương và đơn vị. Lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ để đánh giá thành tích của tập thể, cá nhân, đánh giá hiệu quả của phong trào. Kết hợp thi đua với khen thưởng; công tác biểu dương, khen thưởng phải kịp thời, chính xác, khách quan, đúng người, đúng thành tích. Kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, làm cho phong trào thi đua ngành Tư pháp không ngừng phát triển, thực sự trở thành động lực mạnh mẽ động viên cán bộ, công chức ra sức phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tạo khí thế sôi nổi, rộng khắp trong toàn ngành.

Tại Đại hội, Bộ Tư pháp đã phát động phong trào thi đua trong toàn Ngành giai đoạn 2016-2020 với chủ đề: “Toàn ngành Tư pháp đoàn kết, sáng tạo, kỷ cương thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao giai đoạn 2016-2020”.
Đại hội đã công bố Quyết định công nhận các tập thể cá nhân điển hình tiên tiến ngành Tư pháp giai đoạn 2010-2015, công bố các quyết định khen trưởng, trao Huân chương Độc lập các hạng, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tưởng Chính phủ, danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc, Chiến sỹ thi đua ngành Tư pháp cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Tư pháp thời gian qua.


Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp

Các tin đã đưa ngày: