Sign In

Tư tưởng Hồ Chí Minh về gắn lý luận với thực tiễn

03/05/2019

Tư tưởng Hồ Chí Minh về gắn lý luận với thực tiễn
Tuyenquang.gov.vn: Kế thừa, tiếp thu những quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về lý luận, thực tiễn, sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát triển sáng tạo, làm rõ hai khái niệm lý luận và thực tiễn. Đặc biệt, Người đã gắn khái niệm thực tiễn với nhiệm vụ cụ thể của cách mạng Việt Nam và người luôn khẳng định lý luận phải gắn với thực tiễn.

Hồ Chí Minh nêu ra mục đích học tập lý luận rất toàn diện, bao gồm bốn nội dung:
Thứ nhất, học để sửa chữa tư tưởng; thứ hai, học để tu dưỡng đạo đức cách mạng;
thứ ba, học để tin tưởng; thứ tư, học để hành.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh lý luận được hiểu là “Đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc đấu tranh, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận, rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính”. “Thực tế là các vấn đề cần mình cần phải giải quyết, là mâu thuẫn của sự vật. Chúng ta là những người cán bộ cách mạng, thực tế của chúng ta là những vấn đề mà cách mạng đề ra cho ta phải giải quyết. Thực tế bao gồm rất rộng, nó bao gồm kinh nghiệm công tác và tư tưởng của cá nhân, chính sách và đường lối của Đảng, kinh nghiệm lịch sử của Đảng cho đến các vấn đề trong nước và thế giới”.
  
Từ quan niệm về “Lý luận” và “Thực tế” cũng như mối quan hệ của chúng, Hồ Chí Minh đi tới nguyên tắc “lý luận liên hệ với thực tế” trong nghiên cứu học tập lý luận của chủ nghĩa Mác- Lênin. Nguyên tắc đó là: “Khi học tập lý luận thì nhằm mục đích học để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận, hoặc vì tạo ra cho mình một cái vốn lý luận để sau này đưa ra mặc cả với Đảng. Tất cả những động cơ học tập không đúng đắn đều phải tẩy trừ cho sạch”. Nhiều lần Người nhấn mạnh: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, học lý luận là để trở thành những cán bộ hoàn chỉnh, “hoàn toàn”   “ … tức là suốt đời làm đầy tớ trung thành của nhân dân”, để có thể phục vụ tốt hơn cho Đảng, cho nhân dân, cho cách mạng. Hồ Chí Minh nêu ra mục đích học tập lý luận rất toàn diện, bao gồm bốn nội dung: Thứ nhất, học để sửa chữa tư tưởng; thứ hai, học để tu dưỡng đạo đức cách mạng; thứ ba, học để tin tưởng; thứ tư, học để hành.

Theo Hồ Chí Minh, để quán triệt tốt sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn thì trước hết cần khắc phục “bệnh kém lý luận, bệnh coi khinh lý luận, bệnh lý luận suông” trong cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên rằng, quán triệt tốt sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn cũng có nghĩa là góp phần khắc phục và ngăn ngừa bệnh giáo điều, sách vở cũng như bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa. Biện pháp cơ bản để khắc phục và ngăn ngừa cả hai loại giáo điều này là phải gắn lý luận với thực tiễn cách mạng nước ta, học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tiễn cách mạng nước nhà. Nói cách khác là phải quán triệt tốt trên thực tế nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn.

Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 9/2/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp, trong đó nhấn mạnh phải: “Phát huy dân chủ trong công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; tôn trọng tính sáng tạo và nâng cao ý thức trách nhiệm của nhà khoa học, tăng cường trao đổi, đối thoại trong nghiên cứu lý luận.
Ðổi mới cơ chế và tăng cường đầu tư cho tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận”. Đây chính là sự cụ thể hóa và vận dụng quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lý luận gắn với thực tiễn, qua đó nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực sự hiệu quả, thiết thực trong việc học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Phùng Thị Khánh Lệ         
Trường Chính trị Tuyên Quang

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: