"Cán bộ nữ công tài năng, duyên dáng"… Một số trường THPT đã thực hiện việc mặc đồng phục áo dài vào ngày thứ 2 hàng tuần như trường: THPT Chuyên, THPT Tân Trào… Cùng với đó, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã trích kinh phí để may đồng phục áo dài cho cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên nữ. Các cửa hàng, tiệm may đo, bán sẵn và cho thuê áo dài cũng đã góp phần gìn giữ, phát triển, quảng bá vẻ đẹp của trang phục áo dài, tôn lên vẻ đẹp phụ nữ.
Trên địa bàn thành phố Tuyên Quang hiện có khoảng gần 30 cửa hàng may đo, bán sẵn và cho thuê áo dài. Chị Nguyễn Thị Quỳnh Lan, tổ 7, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang), chủ cửa hàng áo dài Tâm Lan cho biết, gần 30 năm lăn lộn với thị trường, đến nay chị vẫn một lòng gìn giữ và phát triển những nét đẹp văn hóa của tà áo dài truyền thống. Trung bình mỗi năm, chị sản xuất được khoảng trên 1.000 bộ áo dài. Theo chị Lan, áo dài là một “ngôn ngữ” trang phục riêng biệt, chỉ cần diện chiếc áo dài lên đã khiến cho chị em trở nên đẹp hơn, duyên dáng, tự tin hơn. Ước mơ của chị là sẽ có một bộ sưu tập áo dài để tham gia trình diễn tại một sân chơi thời trang lớn nào đó. Tới đây, nếu có cơ hội, chắc chắn chị sẽ cố gắng hiện thực hóa ước mơ đó.
Nhiều hoạt động ý nghĩa
Chị Phạm Thị Thúy Hà, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, Hội LHPN tỉnh đã gửi công văn yêu cầu Hội LHPN các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc và đề nghị LĐLĐ tỉnh chỉ đạo bộ phận nữ công tăng cường tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa lịch sử Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 và khởi nghĩa Hai Bà Trưng, gắn với tuyên truyền tôn vinh giá trị “Văn hóa áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” trên các phương tiện thông tin đại chúng và trang thông tin của Hội. Các tổ chức hội lựa chọn hình thức tổ chức sinh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế và tình hình phòng, chống dịch Covid-19, hạn chế các hoạt động tập trung đông người. Đồng thời, thông tin rộng rãi về Cuộc vận động “Sáng tác và thiết kế áo dài” đến hội viên phụ nữ và nhân dân; vận động các nhà thiết kế, nhà may, người dân tại địa phương đăng ký tham gia; hướng dẫn các nhà thiết kế tại địa phương đăng ký sở hữu trí tuệ những sản phẩm thuộc sở hữu cá nhân có liên quan đến áo dài. Các cấp hội cũng vận động nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hội viên, phụ nữ mặc áo dài đồng loạt vào ngày 6-3-2020 và khuyến khích mặc áo dài trong các hoạt động ở công sở, trường học, các sự kiện trong gia đình và xã hội.
Lãnh đạo, cán bộ Hội LHPN tỉnh hưởng ứng Tuần lễ áo dài Việt Nam năm 2020.
Hội LHPN tỉnh đã thực hiện hoạt động hưởng ứng tuần “Áo dài Việt Nam”, thực hiện mặc áo dài các ngày trong tuần (từ 2-3 đến 6-3) và mặc áo dài vào ngày thứ 2 hàng tuần trong năm. Đồng thời, mỗi chị em thực hiện chọn ảnh mặc áo dài làm ảnh đại diện trên trang facebook, zalo cá nhân.
Hội LHPN các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc, LĐLĐ tỉnh đã triển khai chỉ đạo, hướng dẫn của Hội LHPN tỉnh đến 100% các cơ sở Hội, LĐLĐ các huyện, thành phố, công đoàn các cơ quan, đơn vị trong ngày 6-3 vận động chị em đồng loạt hưởng ứng thực hiện việc mặc áo dài tại nơi làm việc.
Công đoàn Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh là một trong những cơ quan cấp kinh phí cho 36 đoàn viên công đoàn nữ may áo dài đồng phục để mặc đồng loạt vào ngày 6-3. Chị Phan Thị Hồng Hải, Trưởng ban nữ công phấn khởi chia sẻ, cơ quan kiểm sát là được coi là ngành “cứng”, nam cũng như nữ thường xuyên phải mặc trang phục của ngành. Thế nên, ngày 6-3 là một ngày đặc biệt khi chị em toàn cơ quan mặc áo dài. Chị cảm giác được là chính mình, mới đúng là người phụ nữ Việt Nam nữ tính, dịu dàng, xinh đẹp, ngày làm việc cũng vui vẻ, hiệu quả hơn.
Phụ nữ thành phố Tuyên Quang duyên dáng trong tà áo dài truyền thống. Ảnh: Quang Hòa.
Hưởng ứng hoạt động này, Hội LHPN xã Tứ Quận (Yên Sơn) đã tổ chức Hội thi “Nét đẹp áo dài phụ nữ xã Tứ Quận qua ảnh”. Chị Vũ Thị Toan, Chủ tịch Hội LHPN xã Tứ Quận cho biết, thực hiện chỉ đạo của Hội LHPN tỉnh, căn cứ vào tình hình thực tế, Hội LHPN xã đã lựa chọn hình thức tổ chức Hội thi “Nét đẹp áo dài phụ nữ xã Tứ Quận qua ảnh”. Thực hiện chấm giải dựa trên số lượt thích, chia sẻ trên trang fanpage của Hội Phụ nữ xã. Hình thức tổ chức này, vừa đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa đảm bảo tiết kiệm mà vẫn trang trọng, ý nghĩa. Thông qua hội thi nhằm tôn vinh trí tuệ, vẻ đẹp, sự duyên dáng, khơi dậy và phát huy tinh thần trách nhiệm, vai trò của phụ nữ trong giai đoạn đổi mới.
Có thể khẳng định, các hoạt động tôn vinh áo dài Việt đã thể hiện tâm huyết, sự cố gắng của các cấp hội phụ nữ đối với việc gìn giữ và quảng bá vẻ đẹp đặc sắc của chiếc áo dài truyền thống. Qua đó, tôn vinh phẩm chất đạo đức người Phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.
Theo Báo Tuyên Quang