Sign In

Ngành Tư pháp góp phần xây dựng và phát triển đất nước

09/09/2020

Ngành Tư pháp góp phần xây dựng và phát triển đất nước
Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Truyền thống ngành Tư pháp (28/8/1945- 28/8/2020), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã chia sẻ về chặng đường đầy vinh quang của Bộ, ngành đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Ngành Tư pháp đã cống hiến nhiều công sức và trí tuệ cho đất nước
- Là 1 trong 12 bộ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập, trải qua chặng đường phát triển 75 năm vinh quang và tự hào, Bộ trưởng nhìn nhận như thế nào về vị thế, vai trò của ngành Tư pháp trong giai đoạn hiện nay?
Bộ trưởng Lê Thành Long: Kể từ ngày thành lập 28/8/1945 đến nay, trải qua chặng đường 75 năm xây dựng và trưởng thành, với không ít khó khăn, thử thách nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, toàn ngành đã bám sát thực tiễn cuộc sống, vững vàng gánh vác trọng trách về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, đóng góp trực tiếp vào thành tựu chung của đất nước, nhất là những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của thời kỳ Đổi mới.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, trong điều kiện cuộc kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ, Ngành Tư pháp đã khắc phục mọi khó khăn tập trung tham mưu xây dựng và thi hành bản Hiến pháp đầu tiên của nước nhà được Quốc hội thông qua ngày 9/11/1946, xây dựng nền tảng pháp lý của chế độ mới và đề xuất thực hiện công cuộc cải cách tư pháp lần thứ nhất vào năm 1950, góp phần đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi, được Hồ Chủ tịch gửi thư khen ngợi. Năm 1986, Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện. Ngành Tư pháp đã kịp thời tham mưu với Chính phủ xây dựng các đạo luật mang tư duy pháp lý tiến bộ và phù hợp với thực tiễn Việt Nam, tạo tiền đề cho việc chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hội nhập. Ngành Tư pháp đã đề xuất, chủ trì giúp Chính phủ soạn thảo, trình Bộ Chính trị khóa IX ban hành “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” (Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005); đồng thời tham gia tích cực vào việc xây dựng “Chiến lược cải cách tư pháp đến 2020” (Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005).
Bám sát hai chiến lược này và từ thực tiễn đất nước, Ngành Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các ngành hữu quan giúp Chính phủ trình Quốc hội ban hành những đạo luật mang tính rường cột của nước nhà về dân sự, hình sự, xử lý vi phạm hành chính cùng các luật về luật sư, công chứng, giám định tư pháp, hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, thi hành án dân sự… Huy động trí tuệ, tâm huyết của toàn Ngành, Bộ Tư pháp làm tốt vai trò đầu mối tham mưu cho Chính phủ tích cực tham gia xây dựng bản Hiến pháp được Quốc hội thông qua năm 2013, mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển của đất nước. Tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Ngành Tư pháp năm 2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá cao những đóng góp của Ngành Tư pháp.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Quốc hội đã ban hành 72 luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành 2 Pháp lệnh, Chính phủ đã ban hành hơn 670 Nghị định trong đó Bộ, Ngành Tư pháp đã tham gia một cách trách nhiệm từ giai đoạn lập chương trình, soạn thảo, góp ý, thẩm định đến chỉnh lý, thông qua. Riêng Bộ Tư pháp đã chủ trì tham mưu với Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua các Luật về tiếp cận thông tin, đấu giá tài sản, trợ giúp pháp lý, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự, Luật Giám định tư pháp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính. Pháp chế các bộ ngành, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố cũng đã làm tốt công tác tham mưu xây dựng thể chế của mình. Qua từng năm, chất lượng các đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được cải thiện; công tác thẩm định ngày càng đi vào chiều sâu nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật. Bộ, Ngành Tư pháp luôn đề cao việc tìm hiểu khảo sát thực tiễn, phát huy dân chủ, lấy ý kiến rộng rãi của người dân, doanh nghiệp, các đối tượng chịu sự tác động của văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ, ngành Tư pháp đã triển khai nghiêm túc việc tổng kết 15 năm thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, tạo tiền đề tham mưu với Đảng xác định tầm nhìn về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật và cải cách tư pháp đến năm 2030 thể hiện trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, phù hợp với yêu cầu phát triển mới của đất nước trong tiến trình hội nhập.
Cùng với việc làm tốt công tác xây dựng pháp luật, việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tôn trọng trật tự, kỷ luật, kỷ cương là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay. Bộ Tư pháp đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” giai đoạn 2018 - 2022. Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất và theo dõi thi hành pháp luật được triển khai bài bản, phát hiện kịp thời những hạn chế, bất cập để kiến nghị các cấp có thẩm quyền có phản ứng chính sách phù hợp. Thông qua hoạt động của Bộ Tư pháp, pháp chế các bộ, ngành, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố, toàn ngành đã rà soát được hơn 200 nghìn văn bản quy phạm pháp luật, kiến nghị xử lý đối với các văn bản không có lợi cho sự phát triển của đất nước.
Bộ, ngành Tư pháp cũng chủ động hưởng ứng thông điệp của Chính phủ về “hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp”, kịp thời tham mưu với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng thời, Bộ, Ngành Tư pháp từ Trung ương đến địa phương thực hiện nhiều giải pháp tăng cường quản lý nhà nước trong các lĩnh vực quốc tịch, hộ tịch, lý lịch tư pháp; nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự, hành chính; tiếp tục xã hội hóa việc cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, qua đó góp phần đưa các lĩnh vực công tác tư pháp thực sự đến gần với người dân, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2015-2020, kết quả thi hành án dân sự của cả nước đều đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; số đã thi hành về việc và tiền đều cao hơn nhiều so với giai đoạn trước, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp đồng thời khơi thông các dòng vốn trong xã hội cho phát triển kinh tế.
Công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp có nhiều cải cách về thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức cho người dân, doanh nghiệp, nhất là trong cấp phiếu lý lịch tư pháp, công chứng, chứng thực, đăng ký giao dịch bảo đảm... Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được đổi mới theo hướng thiết thực hiệu quả, ưu tiên những địa bàn trọng điểm, vùng đặc thù, khó khăn.
Công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về pháp luật có nhiều bước phát triển mới, tiếp tục thực hiện các dự án hợp tác với nước ngoài, tổ chức quốc tế trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật. Nhờ công tác này, Việt Nam đã gia nhập Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp, gia nhập Tổ chức quốc tế về Luật Phát triển và tổ chức thành công Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia; ký Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Việt Nam và Hung-ga-ri. Bộ cũng tổ chức tốt việc thẩm định các điều ước quốc tế, tiếp nhận, xử lý hàng chục ngàn hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự, chủ trì và đại diện pháp lý cho Chính phủ trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế và phòng ngừa các tranh chấp quốc tế. Nhiều vụ kiện lớn về đầu tư quốc tế đã được giải quyết dứt điểm, bảo vệ tối đa uy tín và quyền lợi của quốc gia.
Việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực pháp luật được ngành Tư pháp đặc biệt chú trọng, góp phần cung cấp, xây dựng đội ngũ cán bộ Tư pháp có trình độ, bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp ngày càng cao, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của xã hội và công cuộc cải cách pháp luật, cải cách tư pháp. Hoạt động nghiên cứu khoa học, thông tin, báo chí, xuất bản có nhiều khởi sắc.
Có thể nói, Bộ, Ngành Tư pháp đã chủ động, tích cực tham gia sâu vào việc giải quyết các bài toán phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế, bảo đảm thể chế trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ngành Tư pháp tự hào đã tận tụy cống hiến nhiều công sức và trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những đóng góp to lớn của Ngành Tư pháp đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và trao tặng nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao quý.
Thực hiện nhiều giải pháp để ngành Tư pháp ngày càng gần dân
Tại Lễ Kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống ngành Tư pháp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra một số phương hướng, nhiệm vụ cho ngành Tư pháp trong giai đoạn mới. Vậy sau nhiệm kỳ 5 năm, toàn ngành đã thực hiện những giải pháp nào để người làm công tác tư pháp "phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy?
Bộ trưởng Lê Thành Long: Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, toàn ngành đã tập trung ưu tiên hàng đầu cho việc xây dựng, hoàn thiện thể chế gắn với nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật. Đội ngũ cán bộ ngành Tư pháp luôn nhận thức đầy đủ và sâu sắc là trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đều phải kiên định lập trường tư tưởng, giữ vững mục tiêu, quan điểm, đường lối của Đảng ta trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống pháp luật của nước nhà.
Ngành Tư pháp đặc biệt coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất, đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ngành đã quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của người lãnh đạo, quản lý.
Toàn ngành đã siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thị công vụ; nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm pháp luật, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp, rà soát, xử lý kịp thời, dứt điểm các vụ khiếu kiện, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài.
Toàn ngành cũng đã bám sát sự chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, bảo đảm sự điều hành thông suốt từ trung ương tới cơ sở và luôn được Ban Chỉ đạo của Chính phủ xếp thứ hạng cao về Chỉ số cải cách hành chính hàng năm. Toàn ngành đẩy mạnh việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, bảo đảm tinh gọn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành trung ương Đảng (Khóa XII) về “Một số vấn đề cấp bách về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Bộ, Ngành cũng tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường phối hợp công tác với các cơ quan của Đảng, các Bộ, Tòa án nhân dân tối cao, các đoàn thể ở trung ương, Liên đoàn luật sư Việt Nam để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chung trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật.
- Nhân dịp Kỷ niệm 75 năm ngày Truyền thống ngành Tư pháp, xin Bộ trưởng gửi gắm đôi lời nhắn nhủ với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành?
Bộ trưởng Lê Thành Long: Trước hết, thay mặt Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã và đang công tác trong Ngành Tư pháp vì những đóng góp trí tuệ, tâm huyết và kết quả đã đạt được trong thời gian qua.
Đất nước ta đang đứng trước những thời cơ và vận hội mới, nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường. Công cuộc xây dựng, hoàn thiện thể chế gắn với nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật tiếp tục là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Phát huy truyền thống vẻ vang trong suốt 75 năm qua, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu để thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII và tới đây là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030; tham mưu, đề xuất giải quyết những vấn đề pháp lý mới của đất nước; góp phần xây dựng hệ thống pháp luật có sức cạnh tranh cao, nâng cao chất lượng thi hành pháp luật, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước.
Kế thừa truyền thống tốt đẹp mà lớp lớp thế hệ cán bộ của ngành từ trung ương tới cơ sở đã dày công vun đắp, tôi mong muốn toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp đồng tâm nhất trí, tâm huyết, yêu nghề, tận tụy trong công việc, nỗ lực vượt khó hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, dựng xây cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân.
- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng! 

                        Thu Hằng - Hoàng Thư (thực hiện)

 

Các tin đã đưa ngày: