Sign In

Tư tưởng Hồ Chí Minh về bình đẳng giới và sự vận dụng của Đảng ta

08/12/2021

Tư tưởng Hồ Chí Minh về bình đẳng giới và sự vận dụng của Đảng ta
 Bình đẳng nam nữ - bình đẳng giới là vấn đề luôn được sự quan tâm của toàn nhân loại, là một mục tiêu quan trọng trong các văn kiện quốc tế về quyền con người, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Do đó bình đẳng nam nữ trở thành một trong những tiêu chí đánh giá trình độ văn minh, tiến bộ của một quốc gia.
Sự nghiệp giải phóng phụ nữ, thực hiện quyền bình đẳng nam nữ đã được Đảng và Nhà nước mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm ngay từ ngày đầu cách mạng. Sinh thời, Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Trong sự nghiệp vì con người, giải phóng con người của Hồ Chí Minh có một nội dung hết sức quan trọng là thực hiện bình đẳng nam nữ. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đồng thời với sự nghiệp giải phóng dân tộc, Người đã trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ giải phóng phụ nữ và thực hiện quyền bình đẳng nam nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
          Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, phụ nữ có vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội và sự nghiệp cách mạng. Trong phát triển xã hội, phụ nữ là lực lượng quan trọng trên tất cả các lĩnh vực quân sự, kinh tế, văn hóa… Bất cứ lĩnh vực nào cũng có bàn tay, khối óc của phụ nữ.
           Bình đẳng nam nữ trên lĩnh vực pháp lý: Hồ Chí Minh khẳng định nam nữ có quyền bình đẳng và đưa vào nội dung các sắc lệnh, nguyên tắc bầu cử, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước. Ngay trong Chánh cương vắn tắt (1930), Hồ Chí Minh đã đặt ra vấn đề “nam nữ bình quyền”.
          Khi Quốc hội khóa I thông qua bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Bản Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: Dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới, phụ nữ Việt Nam đã đứng ngang hàng với đàn ông để hưởng mọi quyền công dân”.Tại Điều 9 đã đề cập đến quyền bình đẳng nam nữ: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông trên mọi phương diện”.
          Năm 1959, khi Luật Hôn nhân và gia đình lần đầu tiên được Quốc hội thông qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Luật Hôn nhân và gia đình có quan hệ mật thiết đến mọi người dân trong nước, đến cả nòi giống Việt Nam ta. Đạo luật ấy làm cho gái trai thật sự bình đẳng, gia đình thật sự hạnh phúc”.
         Trong Di chúc, Người cũng trăn trở về vai trò và vị trí của người phụ nữ: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng có thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ”.
          Bình đẳng trong lĩnh vực kinh tế. Theo Hồ Chí Minh bình đẳng nam nữ trong lĩnh vực kinh tế nghĩa là phụ nữ có cơ hội việc làm, có thu nhập bình đẳng như nam giới trong những công việc giống nhau, phụ nữ bình đẳng với nam giới trong quan hệ tài sản…Và chính Người đã trực tiếp chỉ đạo để thực hiện quyền bình đẳng nam nữ về kinh tế trong đời sống xã hội.
           Bình đẳng trong lĩnh vực văn hóa - xã hội. Hồ Chí Minh coi văn hóa là một mặt trận, ngang hàng với các lĩnh vực kinh tế, chính trị và chú trọng nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân, nâng cao dân trí đặc biệt là nâng cao trình độ dân trí, trình độ văn hóa cho phụ nữ, đối tượng từ lâu đã bị xã hội phong kiến và thực dân kìm kẹp trong dốt nát và lạc hậu.
          Trong lĩnh vực xã hội, Hồ Chí Minh luôn hướng tới việc nâng cao địa vị cho phụ nữ, chú ý quan tâm tới những nét đặc thù riêng của phụ nữ, từ đó đề ra những chính sách ưu đãi để phụ nữ có điều kiện tham gia hoạt động xã hội bình đẳng như nam giới. Đồng thời, Người còn ra sức tuyên truyền giác ngộ để mọi người nhận thức rõ hơn vai trò của phụ nữ trong xã hội, từ đó cùng nhau giúp đỡ để phụ nữ vươn lên khẳng định địa vị của mình, tạo cơ sở cho việc thực hiện bình đẳng nam nữ trong xã hội.
           Bình đẳng trong gia đình. Để tiến tới bình đẳng nam nữ một cách thực sự, theo Hồ Chí Minh cần phải thực hiện bình đẳng nam nữ từ gia đình, hạt nhân của xã hội, phải giải phóng phụ nữ thoát khỏi sự bất công trước hết từ chính gia đình của họ. Bình đẳng nam nữ trong gia đình chính là cơ sở cho bình đẳng nam nữ ngoài xã hội, bởi khi được quan tâm, chia sẻ công việc và được tạo điều kiện thuận lợi, người phụ nữ sẽ có điều kiện tham gia những hoạt động xã hội, công tác xã hội để phát huy hết tài năng trí tuệ của mình, như vậy mới thật là bình đẳng.
          Những quy định, nội dung này đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng về vai trò và địa vị pháp lý của phụ nữ Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, phụ nữ Việt Nam được pháp luật thừa nhận và bảo đảm có những quyền bình đẳng với nam giới trên tất cả các lĩnh vực. Điều này đã thể hiện sự tiến bộ của luật pháp Việt Nam. Đồng thời thể hiện tính nhân văn sâu sắc, tầm nhìn vượt thời đại, tư duy chính trị sắc sảo của lãnh tụ Hồ Chí Minh.
          Quán triệt sâu sắc những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bình đẳng nam nữ, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều văn kiện, nghị quyết, chính sách, pháp luật, nghị định để khẳng định và bảo vệ quyền bình đẳng nam nữ.Điều 63, Hiến pháp năm 1992 quy định: “Công dân nam nữ có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và gia đình. Nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử đối với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ. Lao động nam nữ làm việc như nhau thì hưởng lương như nhau. Nhà nước và xã hội tạo điều kiện để phụ nữ nâng cao trình độ mọi mặt, không ngừng phát huy vai trò của mình trong xã hội”. Điều 26, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt”.
           Nghị quyết 04/NQ-TƯ ngày 12-7-1993 của Bộ Chính trị về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới, với mục tiêu là nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò của phụ nữ trong công cuộc đổi mới đất nước, tạo điều kiện cho phong trào phụ nữ có những bước tiến mới và tăng số lượng, chất lượng cán bộ phụ nữ trong hệ thống Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và các tổ chức kinh tế, xã hội.
            Chỉ thị 37-CT/TƯ ngày 16-5-1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới. Trong đó, Đảng ta xác định rõ: “Nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham gia quản lý nhà nước, tham gia quản lý kinh tế - xã hội là yêu cầu quan trọng để thực hiện quyền bình đẳng, dân chủ của phụ nữ, là điều kiện để phát huy tài năng trí tuệ và nâng cao địa vị xã hội của phụ nữ. Chống lại những biểu hiện lệch lạc, coi thường phụ nữ, khắt khe, hẹp hòi trong đánh giá cán bộ nữ”. Chỉ thị đã nhấn mạnh quan điểm của Đảng là nhằm làm tốt hơn nữa công tác cán bộ nữ và tăng cường sự tham gia lãnh đạo và quản lý của phụ nữ trong thời kỳ đổi mới và xây dựng đất nước.
           Nghị quyết 11-NQ/TƯngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị xác định rõ mục tiêu đề ra là: “Phấn đấu đến năm 2020, phụ nữ được nâng cao trình độ về mọi mặt, có trình độ học vấn chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, có việc làm, được cải thiện rõ rệt về đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần, tham gia ngày càng nhiều hơn công việc xã hội, bình đẳng trên mọi lĩnh vực, đóng góp ngày càng lớn hơn cho xã hội và gia đình. Phấn đấu để nước ta là một trong các quốc gia có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ nhất khu vực”.
           Luật Bình đẳng giới do Quốc hội thông qua ngày 29-11-2006. Điều này thể hiện quyết tâm của Nhà nước và ý chí của toàn dân về vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới và thực hiện quyền phụ nữ. Luật Bình đẳng giới đã khái quát hóa các quyền bình đẳng của phụ nữ được phản ánh trong các văn bản luật pháp đã có trước đây, đồng thời đã đề cao những nguyên tắc cơ bản như: Nam nữ bình đẳng trong các lĩnh vực đời sống xã hội và gia đình, nam nữ không bị phân biệt, đối xử về giới, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới không bị coi là phân biệt đối xử về giới, bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi luật pháp, thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân.
          Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới năm 2011-2020. Nhằm mục tiêu thúc đẩy hơn nữa vấn đề bình đẳng giới: “Đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”.
          Văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng nhấn mạnh: Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ; thực hiện tốt bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển tài năng.
          Nắm vững, nhận thức đúng đắn và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về bình đẳng nam nữ vào việc thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu mới trong xây dựng và phát triển bền vững đất nước là việc làm cần thiết.  90 năm qua, dù trong hoàn cảnh chiến tranh hay hoà bình, Đảng ta luôn nhất quán quan điểm nhằm phát huy vai trò của phụ nữ, vì sự tiến bộ của phụ nữ, đồng thời thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình và xã hội. Đội ngũ cán bộ nữ ngày càng đông đảo, trưởng thành ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực là những minh chứng sinh động về sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam./. 
 
Cử nhân Vũ Thị Sen
Giảng viên khoa Xây dựng Đảng
 

Các tin đã đưa ngày: