Sign In

Gỡ khó trong thi hành án dân sự

27/04/2016

TQĐT - Theo Cục Thi hành án dân sự tỉnh, từ tháng 10 - 2015 đến hết tháng 3 - 2016, đơn vị thụ lý tổng số 3.336 vụ việc, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2015.

Cán bộ Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hàm Yên họp triển khai nhiệm vụ năm 2016.


Sau xác minh phân loại, 2.272 việc có điều kiện giải quyết, tăng 3% so với 2015, đến nay đã giải quyết xong 1.701 vụ, vượt 9,2% so với cùng kỳ năm 2015. Đạt được kết quả trên là do ngành đã có nhiều đổi mới trong quản lý và điều hành như: Tổ chức các đợt cao điểm thi hành án; tăng cường kiểm tra và tự kiểm tra, rà soát phân loại án; nhanh chóng triển khai các kết luận chỉ đạo của Tổng cục Thi hành án dân sự; thực hiện tốt việc luân chuyển công chức hợp lý; hỗ trợ giải quyết án tồn đọng nhanh, góp phần hoàn thành kế hoạch của ngành.

Tuy nhiên, công tác thi hành án dân sự còn một số tồn tại. Cụ thể, một số địa phương có số án được giải quyết còn thấp, án tồn từ trước chuyển sang còn cao, đặc biệt là thi hành án về tiền. Tổng số tiền thụ lý phải thi hành trong 6 tháng, về tiền trên 89 tỷ đồng, tăng hơn 13 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015; số thụ lý mới 38 tỷ đồng, tăng hơn 14,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015. Số việc thụ lý mới có số tiền phải thi hành lớn, tính chất của các vụ việc phức tạp hơn như án kinh doanh thương mại, án liên quan đến ngân hàng và các tổ chức tín dụng tài sản đảm bảo... Việc xử lý tài sản để thi hành án chủ yếu là bất động sản như nhà ở, quyền sử dụng đất... rất khó bán, giảm giá nhiều lần nhưng vẫn không có người mua. 

Trong các vụ việc loại này, cơ quan thi hành án gặp nhiều khó khăn do thủ tục kê biên, thẩm định giá tài sản mất nhiều thời gian, người dân có tâm lý e ngại khi mua tài sản liên quan đến thi hành án. Đồng chí Trần Xí Nghiệp, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Sơn cho biết: Có vụ việc thi hành về tiền, định giá tài sản chờ bán đấu giá phải hạ giá đến 14 lần mà vẫn không có người mua gây rất nhiều khó khăn trong việc thi hành án. Nói thêm về khó khăn trong công tác thi hành án dân sự, đồng chí Cao Trọng Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Tuyên Quang cho rằng, khi quyết định kê biên tài sản thì tài sản của người phải thi hành án lại có tranh chấp ra tòa thì buộc thi hành án lại phải dừng lại. 

Mặt khác, công tác thi hành án dân sự tại mỗi một địa phương trong tỉnh cũng có những khó khăn và hạn chế riêng theo đặc thù khu vực. Như huyện Hàm Yên, đội ngũ cán bộ, công chức của chi cục ít, có 7 biên chế, trong đó có 2 chấp hành viên. Trung bình mỗi năm, 1 chấp hành viên phải thi hành khoảng trên 200 việc, ngoài ra còn phải kiêm nhiệm thêm các công việc khác của đơn vị. Do vậy, việc cán bộ, chấp hành viên phải thường xuyên đến nhà người có trách nhiệm thi hành án để đôn đốc, xác minh gặp nhiều khó khăn nên chất lượng công việc chưa đạt hiệu quả cao.

Đồng chí Nguyễn Tuyên, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh cho biết: Để khắc phục những khó khăn trong công tác thi hành án, Cục đã tiến hành bố trí, sắp xếp, kiện toàn cán bộ theo hướng tăng cường cán bộ về cơ sở, đồng thời tiến hành kiểm tra công tác chuyên môn, thẩm tra hồ sơ thi hành án theo kế hoạch công tác năm. Ngành tập trung thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết kịp thời các đơn thư của công dân, không để đơn thư tồn đọng. Ngành tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị chức năng, địa phương để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyết tâm đạt mục tiêu đưa tỷ lệ án dân sự xong trên 73% về việc và trên 30% về tiền trên tổng số án có điều kiện thi hành.       

Bài, ảnh: Trang Tâm


Theo Tuyên Quang điện tử

Các tin đã đưa ngày: