Sign In

Bộ trưởng Lê Thành Long trình bày báo cáo công tác thi hành án năm 2016

28/10/2016

Bộ trưởng Lê Thành Long trình bày báo cáo công tác thi hành án năm 2016
Sáng 28/10, trong phiên họp toàn thể tại hội trường, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2016.
Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, năm 2016 tổng số việc phải thi hành là 821.216 việc. Kết quả phân loại có 675.429 việc có điều kiện thi hành, chiếm tỷ lệ 82,25%. Thi hành xong 530.428 việc (tăng 30.388 việc), đạt tỷ lệ 78,53% .
Tổng số tiền phải thi hành là 133.618 tỷ đồng. Kết quả phân loại có 86.253 tỷ đồng có điều kiện thi hành, chiếm tỷ lệ 64,55%. Thi hành xong 29.097 tỷ đồng (tăng 7.800 tỷ đồng), đạt tỷ lệ 33,74%.
Về thi hành các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, đã thi hành xong 3.348 việc, thu được 19.654 tỷ đồng (tăng 305 việc, tăng 3.860 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015), đạt tỷ lệ 17,35% về việc và 24,99% về tiền.
Về xét miễn, giảm thi hành án, đã xét miễn, giảm tổng số 7.171 việc, tương ứng với 152 tỷ đồng (giảm 1.067 việc và giảm 113 tỷ đồng).
Về tổ chức cưỡng chế thi hành án, đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với 11.901 trường hợp (giảm 673 trường hợp so với cùng kỳ năm 2015), sau khi có quyết định cưỡng chế có 1.428 trường hợp đương sự tự nguyện thi hành án.
Về số án chuyển kỳ sau: Số việc có điều kiện nhưng chưa thi hành xong chuyển kỳ sau là 145.001 việc, tương ứng với hơn 57.156 tỷ đồng (giảm 14,66% về việc và 19,05% về tiền).
Công tác xác minh, phân loại án được chú trọng thực hiện, ngày càng chính xác hơn và đạt tỷ lệ tương đối cao: 82,25% về việc và 64,55% về tiền. Đồng thời, các cơ quan THADS đã thực hiện nghiêm túc việc công khai thông tin người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành trên Cổng, Trang thông tin điện tử THADS, qua đó giúp người dân và đương sự giám sát tốt hơn việc phân loại án.
Công tác phối hợp thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự: Đã thi hành xong 52.751 việc, thu được 1.372 tỷ đồng (tăng 4.557 việc, giảm 2.701 tỷ đồng).
Kết quả thi hành án hành chính, đã có văn bản đôn đốc đối với 274 việc việc (đạt 100%); đã thi hành xong 179 việc, còn 95 việc chưa thi hành xong.
Kết quả phối hợp với Thừa phát lại: Các cơ quan THADS đã phối hợp với Thừa phát lại thực hiện tống đạt 264.884 văn bản và tổ chức thi hành án đối với 82 việc.
Công tác hoàn thiện thể chế: Đã ban hành 01 Nghị định, 07 Thông tư liên tịch, 04 Thông tư và 01 Đề án.
Công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ: Đã giải quyết xong 209/217 vụ việc đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ, đạt tỷ lệ 96,31%. Tổng kết những vướng mắc trong thực tiễn, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn chung để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động THADS.
Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo: Đã tiếp nhận 8.822 đơn, thư khiếu nại tố cáo, giảm 303 đơn so với năm 2015. Kết quả: đã giải quyết xong 3.393 việc/3.517 việc thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 96,44%; một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài đã được tập trung giải quyết dứt điểm, hiện còn 16 việc.
Công tác tổ chức, cán bộ: Hệ thống THADS đã thực hiện 9.467/9.807 biên chế; với tổng số 4.044 Chấp hành viên, 659 Thẩm tra viên, 1.760 Thư ký thi hành án. Các cơ quan thi hành án trong Quân đội hiện có 34 Chấp hành viên và 28 Thẩm tra viên.
Công tác phối hợp liên ngành tiếp tục được chú trọng ở cả Trung ương và địa phương, nhất là việc phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam... trong việc thực hiện rà soát, tổng hợp các vụ việc án tuyên không rõ, giải thích bản án, chỉ đạo giải quyết những vụ án lớn, phức tạp, án kinh tế, tham nhũng.
Bộ trưởng Lê Thành Long cũng chỉ rõ những hạn chế: Số việc và tiền có điều kiện nhưng chưa thi hành xong phải chuyển kỳ sau tuy giảm so với năm 2015 (giảm 14,66% về việc và 19,05% về tiền) nhưng vẫn còn 145.001 việc với số tiền trên 57.000 tỷ đồng; Các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng (thường có giá trị lớn) kết quả thi hành đạt thấp; một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài chưa được xử lý dứt điểm; Tiến độ xây dựng, ban hành một số văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS còn chậm; Số lượng công chức bị xử lý kỷ luật vẫn còn nhiều (96 trường hợp) và có dấu hiệu tăng (tăng 14 trường hợp so với năm 2015).
Bên cạnh đó, khó khăn, vướng mắc là còn tương đối lớn lượng án chưa có điều kiện thi hành, án không thi hành được đã tồn đọng từ nhiều năm trước; đặc biệt, điều kiện để thi hành các án trọng điểm, phức tạp, kéo dài đã thay đổi so với thời điểm giải quyết, cần sự phối hợp, thống nhất nhiều cấp, nhiều ngành; Thị trường bất động sản chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt nên kết quả xử lý tài sản thi hành án đạt thấp; việc bán, giao tài sản cho người mua trúng đấu giá gặp nhiều khó khăn (từ chối mua, chống đối, không nhận tài sản...); Tình trạng pháp lý của tài sản phức tạp và việc xác định giá tài sản khi giao dịch không sát với giá trị thực tế, nhất là trong các vụ án tín dụng ngân hàng; Một số việc liên quan đến án kinh tế, tham nhũng có giá trị rất lớn nhưng không có điều kiện thi hành (tài sản bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán trong các vụ án kinh tế, tham nhũng...); Công tác phối hợp với cơ quan tố tụng, cấp ủy chính quyền địa phương trong một số trường hợp hiệu quả chưa cao; Cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, vẫn còn thiếu kho vật chứng, trụ sở làm việc (49 Chi cục chưa được xây dựng trụ sở riêng, 03 Cục và 509 Chi cục chưa có kho vật chứng); Nhiều trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành, thậm chí chống đối quyết liệt, trong khi hiệu quả áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm còn rất hạn chế
Về Kết quả triển khai thi hành Nghị quyết số 107/2015/QH13 Bộ trưởng cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết; Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết, hướng dẫn các UBND triển khai thực hiện Nghị quyếtNhiều địa phương đã xây dựng Đề án để thực hiện hoặc mở rộng việc thực hiện chế định Thừa phát lại.
Công tác hoàn thiện thể chế: Chính phủ đang tập trung xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP và hiện cùng với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tập trung xây dựng quy chế phối hợp.
Về xây dựng đội ngũ và hoạt động của Thừa phát lại: Đến nay, Bộ Tư pháp đã bổ nhiệm 373 Thừa phát lại, hành nghề tại 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ban hành Chương trình khung đào tạo nghề Thừa phát lại. Cả nước hiện có 53 Văn phòng Thừa phát lại hoạt động với tổng doanh thu trên 48 tỷ đồng.
Nhìn chung, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, năm 2016, Chính phủ đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện và công tác THADS, hành chính, hình sự, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 cũng như tích cực triển khai thực hiện chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 107/2015/QH13. Với những kết quả đạt được, có thể khẳng định công tác thi hành án tiếp tục có những chuyển biến tích cực, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Phân tích những nguyên nhân của tồn tại hạn chế trong công tác Thi hành án dân sự, Bộ trưởng đề nghị Quốc hội quan tâm, tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế liên quan đến công tác thi hành án, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án trong thực tiễn. Đồng thời, quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành, cấp ủy địa phương triển khai phù hợp và hiệu quả Nghị quyết số 107/2015/QH13.
Đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm bố trí ngân sách để bảo đảm điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho cơ quan thi hành án, nhất là các đơn vị mới thành lập hoặc còn phải thuê, mượn trụ sở; xây dựng, nâng cấp các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ đã xuống cấp hoặc quá tải, chưa đủ diện tích giam giữ.
Đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp tăng cường giám sát theo thẩm quyền, nhất là giám sát chuyên đề, tập trung vào một số vụ việc gặp khó khăn trong phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp liên ngành; tăng cường giám sát đối với hoạt động cho vay và các hoạt động liên quan đến tín dụng, ngân hàng, siết chặt quản lý đối với hoạt động này, hạn chế tối đa tỷ lệ nợ xấu không thể thi hành án; yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng tăng cường các biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của các đối tượng phạm tội ngay từ giai đoạn điều tra để chống tẩu tán tài sản đối với các vụ án kinh tế, tham nhũng.
                                                                                     Thu Hằng 


Theo cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp

Các tin đã đưa ngày: