Sign In

Công tác phối hợp giữa cơ quan Thi hành án dân sự và cơ quan Công an trong thi hành án dân sự - Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả

17/03/2017

Công tác phối hợp giữa cơ quan Thi hành án dân sự và cơ quan Công an trong thi hành án dân sự - Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả
Thi hành án dân sự là hoạt động đưa bản án, quyết định về dân sự của Tòa án ra thi hành. Bản án, quyết định của Tòa án chỉ thực sự có giá trị đối với các bên đương sự khi được thi hành trên thực tế. Hoạt động thi hành án là công đoạn cuối cùng, bảo đảm cho bản án, quyết định của Tòa án được chấp hành, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước. Thực tế đã chứng minh, một mình cơ quan thi hành án dân sự, “đơn thương, độc mã” thì không thể hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao; công tác này có đạt hiệu quả hay không cần có sự quan tâm phối hợp của các cấp, các ngành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Một trong những mối quan hệ phối hợp góp phần rất quan trọng vào kết quả, hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong suốt thời gian qua đó là, sự phối hợp của cơ quan công an các cấp. Thực tiễn mối quan hệ phối hợp trong thi hành án dân sự giữa cơ quan công an và cơ quan thi hành án dân sự rất rộng và đa dạng, nội dung Bài viết này chỉ xin trao đổi về một số kết quả nổi bật, khó khăn, vướng mắc và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thực thi pháp luật và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành về thi hành án dân sự.
Về một số kết quả nổi bật:
(i) Trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế: Các đơn vị thuộc Bộ Công an như Cục Pháp chế & Cải cách thủ tục hành chính, tư pháp (V19); Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII); Tổng cục Cảnh sát … đã phối hợp chặt chẽ, tham gia tích cực và có chất lượng trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự, trong đó có các văn bản liên tịch, điển hình như: Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BCA-BTP ngày 30/3/2012 quy định cụ thể việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế trong thi hành án dân sự; Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC ngày 06/02/2013 hướng dẫn trình tự, thủ tục thu, nộp, quản lý tiền, giấy tờ của người phải thi hành ándân sự và trả tiền, giấy tờ cho người được thi hành án dân sự là phạm nhân (Thông tư liên tịch số 07); Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/9/2015 hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu, nộp ngân sách nhà nước[1]. Để kịp thời phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tiếp tục nâng cao kết quả, hiệu quả công tác THADS và THAHS, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan và hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án theo Nghị quyết số 37/2012/NQ-QH của Quốc hội, được sự đồng ý của Lãnh đạo 02 Bộ, Tổng cục THADS và Tổng cục VIII đã tiến hành xây dựng và ký kết Quy chế phối hợp liên ngành số 911/QCLN/TCTHADS-TCTHAHS ngày 26/11/2015 về phối hợp giữa Tổng cục THADS và Tổng cục VIII trong công tác thi hành án dân sự. Việc ban hành và tổ chức thực hiện quy chế này đã thu được những kết quả rất tích cực, từ công tác phối hợp trong xây dựng thể chế, trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật và đôn đốc, thu, nộp tiền đối với đương sự là phạm nhân; trong xây dựng Báo cáo hàng năm của Chính phủ về công tác thi hành án trình Quốc hội; về công tác phối hợp bảo vệ cưỡng chế THADS... Bên cạnh đó, Tổng cục THADS cũng đã tích cực, chủ động tham mưu, giúp Bộ Tư pháp góp ý vào các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Công an chủ trì xây dựng, ví dụ như: Nghị định số 70/2013/NĐ-CP ngày 02/7/2013 về sửa đổi, bổ sung quy chế quản lý kho vật chứng; Thông tư về quản lý kho vật chứng của Bộ Công an; Thông tư về xuất nhập cảnh…
(ii) Phối hợp trong tổ chức thực thi pháp luật và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành trong thi hành án dân sự, Công an các địa phương đã hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan thi hành án dân sự các cấp trong quá trình tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự. Trong năm 2016 (tính đến hết ngày 30/9), toàn quốc đã tổ chức 5.492 cuộc cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng. Hầu hết các vụ việc cưỡng chế đều thành công, không để xảy ra vụ việc đáng tiếc nào, góp phần quan trọng vào việc nâng cao kết quả, hiệu quả thi hành án dân sự, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, có ý nghĩa răn đe đối với các trường hợp cố tình chây ỳ, chống đối, không tự nguyện thi hành án. Thực hiện Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BCA-BTP-BTC về thu, nộp, trả tiền, tài sản cho đương sự là phạm nhân, các cơ sở giam giữ của Bộ Công an đã tích cực phối hợp, đôn đốc thu tiền, tài sản của các đương sự là phạm nhân thi hành nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự. Công tác phối hợp giữa các cơ quan thi hành án dân sự với Trại tạm giam trong việc thông báo, đôn đốc thi hành án, trả tiền, tài sản, hướng dẫn người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù nhận, nộp tiền, tài sản tại Trại tạm giam đã có những chuyển biến tích cực. Năm 2016, tổng số việc, tiền phải thi hành của người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù là 104.016 việc, tương ứng với số tiền trên 20.206 tỷ đồng. Kết quả: Thi hành xong: 52.751 việc có điều kiện thi hành, thu được số tiền trên 1.372 tỷ đồng[2]. Trong đợt đặc xá 2016, Tổng cục Thi hành án dân sự đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự địa phương thực hiện nghiêm túc pháp luật về đặc xá; phối hợp với các cơ sở giam giữ vận động, thuyết phục người phải thi hành án đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam hoặc thân nhân của họ tích cực thi hành phần trách nhiệm dân sự trong các bản án, quyết định hình sự, đồng thời, có văn bản đề nghị các trại giam, trại tạm giam đóng trên địa bàn thông báo, hướng dẫn người phải thi hành án đang chấp hành án phạt tù hoặc thân nhân của họ nộp tiền, tài sản thi hành án. Kết quả đợt đặc xá năm 2016, đã thi hành xong trên 14.700 vụ việc, thu được số tiền trên 73 tỷ đồng.
Về xử lý đối với các khoản tiền các cơ sở giam giữ thu của đương sự là phạm nhân còn tồn từ trước Thông tư liên tịch số 07: các cơ quan thi hành án dân sự và các cơ sở giam giữ đã tích cực phối hợp rà soát, đối chiếu và thống kê số tiền do đương sự là phạm nhân nộp còn tồn đọng ở các cơ sở giam giữ để có giải pháp xử lý dứt điểm, cụ thể: tháng 10/2014, Tổng cục VIII cung cấp số liệu còn tồn đọng tại các trại giam là 12 tỷ đồng, Tổng cục Thi hành án dân sự đã chỉ đạo các Cục Thi hành án dân sự rà soát thu về 9/12 tỷ đồng; tháng 6/2016, Tổng cục VIII cung cấp số liệu còn tồn đọng tại các trại giam là 22 tỷ đồng, Tổng cục Thi hành án dân sự đã chỉ đạo các Cục Thi hành án dân sự phối hợp với cơ sở giam giữ đóng trên địa bàn rà soát, tiếp nhận toàn bộ về để xử lý, giải quyết theo quy định. Hiện nay Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tiếp nhận toàn bộ các khoản tiền tồn đọng trong các cơ sở giam giữ và đang tập trung phân loại, xử lý theo quy định. Về phối hợp trong công tác giao, nhận tang vật, vật chứng thi hành án dân sự, về cơ bản bảo đảm chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật[3].
(iii) Bên cạnh kết quả nổi bật nêu trên, một số mặt công tác khác cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận, cần tiếp tục phát huy. Tổng cục THADS và Tổng cục VIII đã phối hợp chặt chẽ, cùng với các đơn vị chức năng khác giúp Lãnh đạo 02 Bộ và Chính phủ trong việc xây dựng và hoàn thiện, bảo đảm có chất lượng Báo cáo hàng năm của Chính phủ trước Quốc hội về công tác thi hành án; chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Năm 2015 và 2016, Tổng cục Thi hành án dân sự đã phối hợp với Tổng cục VIII tiến hành kiểm tra việc triển khai, tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT/BTP-BCA-BTC tại Phú Thọ, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, thành phố Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Nguyên và các trại giam: Tân Lập, Xuân Nguyên, A2, Xuân Lộc, Thủ Đức, Mỹ Phước, Phước Hòa, Ngọc Lý, Phú Sơn 4... Qua kiểm tra đã trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở và trên cơ sở đó có văn bản chỉ đạo chung đối với các trại giam, trại tạm giam và cơ quan thi hành án dân sự địa phương.
Với những kết quả đáng khích lệ trong công tác phối hợp như trên không có nghĩa là đánh giá về công tác này toàn là mảng sáng, mà theo chiều ngược lại, công tác phối hợp cũng còn bộc lộ một số mặt hạn chế, tồn tại, nhất là phối hợp trực tiếp giữa cơ quan THADS địa phương với các cơ sở giam giữ, trong đó có việc thực hiện một số nội dung tại Thông tư liên tịch số 07 và việc trả tài sản cho đương sự là phạm nhân; trong thống nhất kế hoạch cưỡng chế thi hành án trong một số vụ việc cụ thể ở một vài nơi... Song có thể khẳng định rằng, kết quả tích cực đã đạt được là vẫn là chủ đạo,cần tiếp tục phát huy một cách đầy đủ, rộng rãi hơn nữa, còn hạn chế, tồn tại chỉ là số ít, xảy ra trong một số trưởng hợp và ở một vài nơi nhất định, có thể khắc phục được.
Về một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình phối hợp:
- Khối lượng công việc của các cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan công an luôn trong tình trạng quá tải, nên việc dành thời gian, nhân sự thỏa đáng cho công tác phối hợp, trong đó có công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự trong một số trường hợp còn ở chừng mực nhất định; một số trường hợp liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu, yêu cầu gấp về thời gian...
- Công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự và trại giam trong việc thực hiện Thông tư liên tịch số 07 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Về phía trại giam, theo phản ánh của cơ quan thi hành án dân sự, vẫn còn có một số trường hợp trại giam khi tiếp nhận phạm nhân vào chấp hành hình phạt tù hoặc phạm nhân được chuyển trại nhưng chưa kịp thời thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự nơi xét xử sơ thẩm về nơi chấp hành hình phạt tù của người phải thi hành án, khiến cho cơ quan thi hành án dân sự không nắm được thông tin về đương sự, dẫn đến rất khó khăn trong quá trình tổ chức thi hành án.
- Công tác phối hợp với trại giam trong việc trả tài sản cho người phải thi hành án dân sự là phạm nhân đang chấp hành án còn nhiều khó khăn. Thông tư liên tịch số 07 không quy định việc trả tài sản cho phạm nhân; việc trả tài sản cho phạm nhân được thực hiện theo quy định tại Luật Thi hành án dân sự và Luật Thi hành án hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế trại giam cũng thường từ chối đề nghị phối hợp trả tài sản cho phạm nhân, lý do là không xác định được chất lượng của tài sản được trao trả có đúng như Tòa án đã tuyên trả hay không. Chính vì vậy, đối với các trường hợp này, cơ quan thi hành án dân sự thường hướng dẫn phạm nhân làm văn bản ủy quyền cho thân nhân đến nhận thay, trường hợp không nhận được sự hỗ trợ, cộng tác của phạm nhân hoặc thân nhân của họ thì rất khó xử lý (đặc biệt là những trường hợp tài sản trả lại có giá trị không lớn, thậm chí không còn giá trị).
- Việc thu tiền của người phải thi hành án dân sự là phạm nhân tại trại giam còn gặp vướng mắc, bất cập trên thực tế. Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07, trại giam sẽ tiến hành thu tiền thi hành án của phạm nhân theo mẫu biên lai của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, qua tiến hành rà soát, chưa có mẫu biên lai phục vụ việc thu tiền thi hành án, dẫn đến trại giam thu tiền thi hành án của phạm nhân thông qua phiếu thu. Định kỳ hàng tháng, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh cử cán bộ đến trại giam để chuyển từ phiếu thu sang biên lai tạm thu thi hành án (mẫu C28), tuy vậy, việc làm như trên chỉ là biện pháp giải quyết tạm thời, bởi vì mẫu biên lai tạm thu chỉ dùng trong cơ quan thi hành án dân sự.
- Việc thu tiền của người phải thi hành án là phạm nhân, nhất là việc thu tiền trước khi có Thông tư liên tịch số 07 còn nhiều hạn chế, thiếu sót, như: không ghi rõ tên, địa chỉ của đương sự, số bản án sơ thẩm, phúc thẩm, dẫn đến việc cơ quan thi hành án dân sự không thể xử lý được do không có thông tin về người nộp tiền. Một số khoản tiền người phải thi hành án đã nộp tại cơ quan thi hành án dân sự nhưng đến giai đoạn đặc xá họ lại tiếp tục nộp cho các cơ sở giam giữ khiến cho một khoản phải thi hành án nhưng lại nộp 02 lần, gây khó khăn cho cơ quan thi hành án dân sự khi xử lý sau này.
- Một số vụ việc thi hành án liên quan đến án tham nhũng, kinh tế, trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng chưa kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, phong tỏa tài khoản, kê biên, cấm chuyển dịch tài sản là nhà, đất, động sản có giá trị lớn... đến giai đoạn thi hành án gặp rất nhiều khó khăn, do đương sự không còn tài sản để xử lý hoặc phải chứng minh đương sự thực hiện hành vi tẩu tán tài sản mới có thể tiến hành kê biên xử lý được.
Nhận diện, đánh giá một cách chính xác, đầy đủ về những khó khăn, vướng mắc, sẽ giúp các chủ thể có liên quan đưa ra được các giải pháp khắc phục hiệu quả, phù hợp, qua đó, làm cho công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan công an ngày càng chặt chẽ và phát huy hiệu quả tốt hơn, góp phần thiết thực vào việc nâng cao kết quả công tác thi hành án dân sự, đồng thời, tiếp tục khẳng định ý nghĩa, vai trò của mối quan hệ phối hợp trong công tác này.
Về một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan công an trong công tác thi hành án dân sự
Một là, Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự và Lãnh đạo Tổng cục VIII tiếp tục quan tâm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương và các cơ sở giam giữ trong toàn quốc nghiên cứu, nắm vững các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự và thi hành án hình sự, nhận thức thật sâu sắc về vai trò quan trọng của công tác phối hợp, trên cơ sở đó, tổ chức thực hiện đúng, đủ chức năng nhiệm vụ được giao, vì chỉ cần thực hiện đúng, đủ chức năng nhiệm vụ được giao cũng có nghĩa là đã thực hiện tốt công tác phối hợp; thường xuyên nghiên cứu, rà soát để kịp thời phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp, những vấn đề pháp luật chưa điều chỉnh, trên cơ sở đó kiến nghị, đề xuất có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự.
Hai là, Tổng cục Thi hành án dân sự và Tổng cục VIII tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC ngày 06/02/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Bộ Tài chính trong việc thi hành án dân sự đối với người phải thi hành án và người được thi hành án là phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù; Quy chế phối hợp liên ngành số 911/QCLN/TCTHADS-TCTHAHS ngày 26/11/2015. Đồng thời, thường xuyên rà soát, đánh giá về những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Quy chế để kịp thời sửa đổi, bổ sung và tiếp tục hoàn thiện; chỉ đạo các cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh, nơi có trại giam đóng, nghiên cứu, phối hợp xây dựng quy chế phối hợp (nếu thấy cần thiết); tổ chức trao đổi thông tin, làm việc trực tiếp hoặc giao ban định kỳ giữa cơ quan thi hành án dân sự và cơ sở giam giữ trên địa bàn.
Ba là, hai Tổng cục tăng cường kiểm tra liên ngành đối với các cơ quan thi hành án dân sự địa phương và các cơ sở giam giữ; kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh khắc phục những hạn chế, tồn tại và đôn đốc, chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao kết quả, hiệu quả công tác phối hợp cũng như thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc, nhân rộng điển hình tiên tiến, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp để xảy ra sai sót, vi phạm, yếu kém trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ.
Bốn là, các cấp có thẩm quyền tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế pháp luật nói chung, trong đó có pháp luật về thi hành án dân sự và thi hành án dân sự, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ cho công tác thi hành án dân sự; tiếp tục quan tâm đầu tư, củng cố các nguồn lực về tổ chức, con người, cơ sở vật chất, kinh phí…, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan thi hành án dân sự, cũng như các cơ quan thi hành án hình sự hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
Năm là, phát huy tốt hơn nữa vai trò của các tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở cơ sở trong công tác thi hành án dân sự và thi hành án hình sự; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện nghiêm kỷ cương pháp luật, lấy vận động, thuyết phục đương sự thi hành án là cốt yếu, kiên quyết áp dụng các biện pháp cứng rắn theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng cố tình chống đối, không tự nguyện thi hành án.
Nội dung trao đổi trên đây chỉ là góc nhìn rất nhỏ của cá nhân tôi về công tác phối hợp công tác thi hành án dân sự. Thiết nghĩ, với quyết tâm chính trị cao của đội ngũ lãnh đạo, cũng như công chức, sự chủ động, sáng tạo của từng đơn vị, cá nhân, sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thủ trưởng các đơn vị trong toàn hệ thống cơ quan thi hành án án dân sự trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, toàn diện theo chương trình công tác trọng tâm và kế hoạch công tác thi hành án dân sự hàng năm của Bộ Tư pháp, đặc biệt là sự phối hợp ngày càng chặt chẽ, thực chất hơn của cơ quan công an, cùng với sự quan tâm hỗ trợ, phối hợp của cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan ở cơ sở, chắc chắn công tác thi hành án dân sự sẽ đạt được những kết quả tích cực, đóng góp thiết thực vào việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và rộng hơn nữa là công cuộc đổi mới của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Nguyễn Tuấn (TCTHADS)
 
[1] Thông tư này thay thế Thông tư liên tịch số 10/2010/TTLT-BTP-BTC-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/5/2010, mặc dù Bộ Công an không tham gia ký Thông tư liên tịch này, nhưng đã rất tích cực khi tham gia ý kiến vào nội dung Thông tư.
[2] Báo cáo số 426/BC-CP ngày 17/10/2016 của Chính phủ về công tâc thi hành án năm 2016
[3] Nguồn: Tổng cục Thi hành án dân sự.


Theo cổng thông tin điện tử Tổng cục Thi hành án dân sự

Các tin đã đưa ngày: