Sign In

Hệ thống Thi hành án dân sự tiếp tục tinh giản 750 biên chế trong giai đoạn 2017-2021

02/08/2018

Hệ thống Thi hành án dân sự tiếp tục tinh giản 750 biên chế trong giai đoạn 2017-2021
Ngày 24/01/2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã phê duyệt Đề án tinh giản biên chế của Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự địa phương giai đoạn 2015-2021 với mục tiêu chung là nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức và người lao động, thu hút những người có đức, có tài vào làm việc tại Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động của Hệ thống cơ quan thi hành án dân sự, giảm chi thường xuyên, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Hệ thống cơ quan thi hành án dân sự, của Bộ, Ngành Tư pháp và thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính và phục vụ. Đặc biệt, Đề án đã xác định mục tiêu tinh giản cụ thể là số lượng biên chế công chức giảm tối thiểu của 05 năm (2017 - 2021) là 750 biên chế. Về lộ trình, từ năm 2017 đến năm 2021, mỗi năm sẽ tinh giản 150 trường hợp.
Về quan điểm, quá trình tinh giản phải bảo đảm sự lãnh đạo của Tổng Cục trưởng, cấp ủy Tổng cục Thi hành án dân sự, phát huy vai trò giám sát của Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Nữ công của Tổng cục trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế; Thống nhất nhận thức và hành động, quyết tâm, kiên trì thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước và Bộ Tư pháp; Không làm ảnh hưởng đến hoạt động của Hệ thống cơ quan thi hành án dân sự, bảo đảm hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao; Kết hợp với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức và người lao động hợp lý về trình độ chuyên môn, ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức và độ tuổi, giới tính và tiến hành đồng bộ với cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, quan tâm tới đời sống công chức, viên chức và người lao động.
Về nguyên tắc, tinh giản biên chế được tiến hành trên cơ sở rà soát, sắp xếp lại tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Hệ thống cơ quan thi hành án dân sự, thực hiện đánh giá, phân loại công chức, viên chức và người lao động thuộc Hệ thống, bảo đảm phù hợp với vị trí việc làm và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ công chức, viên chức và người lao động; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và theo quy định của pháp luật; bảo đảm chi trả chế độ, chính sách tỉnh giản biên chế kịp thời, đầy đủ. Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tư pháp về kết quả thực hiện tinh giản biên chế của Hệ thống Thi hành án dân sự.
Về giải pháp, Bộ Tư pháp yêu cầu tăng cường công tác phổ biến, quán triệt, làm công tác tư tưởng để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ công chức, viên chức và người lao động về mục tiêu, quan điểm, ý nghĩa, yêu cầu của công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức và người lao động của Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự địa phương; tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế tại đơn vị; xác định trách nhiệm tinh giản biên chế là của mỗi cá nhân, tổ chức trong Hệ thống mà trước hết là người đứng đầu. Bên cạnh đó, Tổng cục Thi hành án dân sự cần tập trung rà soát chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục để loại bỏ những nhiệm vụ không còn phù hợp, điều chỉnh nhiệm vụ trùng lắp và hoàn hiện chức năng nhiệm vụ theo Nghị định số 96/2017/NĐ-CP. Đồng thời, rà soát, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức và người lao động theo ngạch, chức danh nghề nghiệp và Danh mục vị trí việc làm đã được Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp phê duyệt, bảo đảm cơ cấu hợp lý; rà soát trình độ đào tạo, năng lực công chức và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí, sử dụng phụ hợp với vị trí việc làm, Bản mô tả công việc của các vị trí việc làm, Khung năng lực đã được Bộ Tư pháp phê duyệt. Thực hiện tinh giản biên chế đối với công chức, viên chức và người lao động không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, không đạt tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, những người dôi dư do sắp xếp lại tổ chức và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức và người lao động. Thực hiện tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức và người lao động theo đúng yêu cầu vị trí việc làm, Bản mô tả công việc, Khung năng lực vị trí việc làm. Chỉ tuyển dụng, tiếp nhận công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế và không quá 50% số biên chế công chức, viên chức đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định.
Theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về Chính sách tinh giản biên chế, cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế và cán bộ, công chức cấp xã hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật, thuộc đối tượng tinh giản biên chế nếu thuộc một trong các trường hợp sau: (1) Dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự; (2) Dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác; (3) Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn; (4) Có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nên bị hạn chế về năng lực hoàn thành công việc được giao, nhưng không thể bố trí việc làm khácm (5) Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 01 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp, (6) Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, viên chức có 01 năm được phân loại đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp, (7) Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, mỗi năm có tổng số ngày nghỉ làm việc là số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành.
Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ) dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự.
Các trường hợp chưa xem xét tinh giản biên chế bao gồm (1) Những người đang trong thời gian ốm đau có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền, (2) Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, (3) Những người đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
                                                                                                    Xuân Bách

Các tin đã đưa ngày: