Sinh thời, Người luôn quan tâm đến mối quan hệ giữa cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về mối quan hệ gắn bó giữa cán bộ, đảng viên và nhân dân được phản ánh sinh động thông qua hoạt động thực tiễn, trong cuộc sống, trong con người Hồ Chí Minh, và quan trọng hơn là trong phong trào cách mạng của cả một dân tộc, trong sự nghiệp vĩ đại mà Người đã cùng dân tộc mình tạo dựng nên trong thế kỷ XX. Những tư tưởng sâu sắc ấy được phản ánh trong nhiều bài nói, bài viết và những tác phẩm của Người, đặc biệt là tác phẩm "Ðạo đức cách mạng".
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân qua tác phẩm "Ðạo đức cách mạng"
Thứ nhất, cán bộ, đảng viên từ nhân dân mà ra. Dân là gốc của nước, của cách mạng. Với Hồ Chí Minh, nhân dân là chủ thể tích cực của lịch sử, là giá trị quý báu nhất, cao nhất. Tài dân, sức dân là nguồn lực quan trọng nhất của phát triển. Muốn phát huy được nguồn lực quan trọng này để phục vụ sự nghiệp cách mạng đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải "hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng", phải hiểu dân, phải học từ nhân dân. Còn nếu "cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại".
Thứ hai, cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần gương mẫu, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Ðể duy trì mối quan hệ khăng khít giữa đảng viên và nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng để dân tin, dân yêu. Cán bộ, đảng viên "Ðặt lợi ích của Ðảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Ðảng vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc".
Thứ ba, cán bộ, đảng viên chịu sự giám sát, phê bình của nhân dân. Tai mắt của nhân dân ở khắp nơi, chính vì vậy, họ là lực lượng giám sát, phê bình cán bộ, đảng viên sát sao nhất. Cán bộ nào xấu, cán bộ nào tốt, ai làm việc gì hay, việc gì dở, nhân dân đều biết rõ ràng. Vì thế trong công tác cán bộ phải đặc biệt quan tâm tới ý kiến của nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: "Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi".
Thứ tư, nhân dân có nghĩa vụ và trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Không chỉ khẳng định vai trò của nhân dân trong cách mạng, quyền lợi của người làm chủ nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đồng thời nêu rõ, dân chủ không có nghĩa là nhân dân được ban phát những quyền lợi đó và mặc nhiên thụ hưởng; trái lại, chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ, nhưng mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi và thực thi nghĩa vụ của mình. Dù cách mạng là công việc của dân chúng nhưng để sự nghiệp cách mạng thành công, đòi hỏi phải có một chính đảng lãnh đạo. "Lực lượng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động là rất to lớn, là vô cùng vô tận. Nhưng lực lượng ấy cần có Ðảng lãnh đạo mới chắc chắn thắng lợi. Ðồng thời, Ðảng phải đi sát quần chúng, khéo tổ chức và lãnh đạo quần chúng, thì cách mạng mới thành công" .
2. Tầm quan trọng của việc tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Ðảng ta
Theo V.I.Lê-nin, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Người đã từng cảnh báo: "một trong những nguy hiểm lớn nhất và đáng sợ nhất" đối với Ðảng là "tự cắt đứt liên hệ với quần chúng". Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân.
Người khẳng định, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào; đảng ta đại biểu cho lợi ích chung của giai cấp công nhân, của toàn thể nhân dân lao động, chứ không phải mưu cầu lợi ích riêng của một nhóm người nào, của cá nhân nào. Một trong những động lực thúc đẩy phong trào cách mạng chính là đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Là người lãnh đạo, nhưng toàn bộ sức mạnh của Ðảng bắt nguồn từ mối quan hệ mật thiết giữa Ðảng với nhân dân; từ sự đoàn kết thống nhất trong Ðảng. Tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Ðảng với nhân dân chính là nguồn sức mạnh nội lực của Ðảng. Nguồn sức mạnh nội lực ấy lại phụ thuộc vào sự trong sạch, vững mạnh của Ðảng và sự gương mẫu của mọi cán bộ, đảng viên. Thực tế, Ðảng lãnh đạo nhân dân thông qua Nhà nước và đội ngũ cán bộ, đảng viên "là những người đem chính sách của Ðảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành", nên muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ, đảng viên tốt hay kém.
Vì vậy, để phát huy được sức mạnh của mình với vai trò là Ðảng lãnh đạo toàn xã hội thì Ðảng phải thực hiện tốt mối quan hệ mật thiết giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân, và quan hệ đó phải được đặt trong mối quan hệ hai chiều. Ðó là, cán bộ, đảng viên có trách nhiệm trước nhân dân, phục vụ nhân dân và nhân dân có trách nhiệm đối với sự nghiệp cách mạng do Ðảng lãnh đạo. Chỉ khi nào mối quan hệ đó được phát huy từ cả hai phía thì sức mạnh của Ðảng mới được phát huy dựa trên nền tảng nhân dân. Ðiều này cho thấy, do nhu cầu của nhân dân trong sự nghiệp giải phóng và xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, nhân dân rất cần Ðảng dẫn đường - chịu sự lãnh đạo của Ðảng. Nhưng khi Ðảng đã quan liêu, xa dân, "tự đánh mất bản thân mình" thì mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Ðảng và nhân dân tan vỡ; sức mạnh và vai trò lãnh đạo của Ðảng vì thế cũng không còn. Nếu cán bộ, đảng viên quan liêu, tham nhũng, vô kỷ luật, coi thường phép nước, tự cắt đứt mối liên hệ với quần chúng, sa vào chủ nghĩa cá nhân,… thì họ không còn là "công bộc" mà trở thành "những ông quan phụ mẫu". Những người như họ đã làm mất niềm tin của nhân dân, làm cho nhân dân xa Ðảng, làm mất uy tín, danh dự của Ðảng, đe dọa sự sinh tồn của Ðảng và chế độ. Thấu hiểu bài học xương máu của các đảng cầm quyền là nguy cơ tự đánh mất mình, mất quần chúng, nhất là khi chiến tranh kết thúc, đường lối của Ðảng sẽ quan liêu nếu xa thực tế, không phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: "… chủ nghĩa cá nhân đang ám ảnh một số đồng chí. Họ tự cho mình cái gì cũng giỏi, họ xa rời quần chúng, không muốn học hỏi quần chúng mà chỉ muốn làm thầy quần chúng… Họ mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Kết quả là quần chúng không tin, không phục, càng không yêu họ".
Thực tiễn cách mạng Việt Nam hơn 80 năm qua cho thấy, để xứng đáng vừa là người lãnh đạo sáng suốt, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân, Ðảng ta luôn đặc biệt chăm lo củng cố mối liên hệ giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân và mối liên hệ này đã góp phần củng cố và tăng cường sức mạnh của Ðảng về mọi mặt, làm cho Ðảng thật sự trong sạch, vững mạnh. Ðảng ta luôn xác định củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa cán bộ, đảng viên và nhân dân là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quyết định bảo đảm sự lãnh đạo của Ðảng. Ðảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân là thể hiện bản chất giai cấp công nhân, là nguồn sức mạnh, là tiêu chuẩn của một Ðảng mác-xít chân chính và là một trong những vấn đề cơ bản, cấp bách của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng hiện nay.
Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng đã khẳng định: "Củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ mật thiết giữa Ðảng với nhân dân...". Với vai trò là Ðảng cầm quyền, Ðảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định, Ðảng là đội tiền phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc; tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; dựa vào dân để xây dựng Ðảng, đoàn kết và lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng. Ðiều đó khẳng định toàn bộ hoạt động của Ðảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chân chính của nhân dân, sức mạnh của Ðảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân, quan liêu, mệnh lệnh, xa rời nhân dân sẽ đưa đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước.
Ðể thực hiện được điều đó phải đổi mới nội dung và hình thức tập hợp nhân dân; tiếp tục và kiên trì thực hiện tốt Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng Ðảng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tích cực đấu tranh ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Ðảng. Nghị quyết chỉ rõ: "Kiên quyết, kiên trì thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn; phát huy sự chủ động, sáng tạo và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, trong đó cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp là nòng cốt; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" có hiệu quả, nhất là những vụ việc gây bức xúc trong dư luận để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Ðảng".
Theo đó, cán bộ, đảng viên phải thật sự tiên phong, có tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, gần dân, tôn trọng dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, chăm lo lợi ích chính đáng, thiết thực của nhân dân, gương mẫu về đạo đức, lối sống, gương mẫu và làm nòng cốt trong các tổ chức đoàn thể. Không vô cảm trước nỗi khổ của nhân dân; phải thật sự gần dân, sống trong lòng dân... Ðiều này cũng một lần nữa được khẳng định trong Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư (Quy định số 08-QÐi/TW) với những nội dung yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư phải gương mẫu đi đầu hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân; kiên quyết chống các biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân.
Ðồng thời, cần thực hiện tốt việc đấu tranh tự phê bình và phê bình, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện của bệnh quan liêu, xa rời quần chúng. Ðây là giải pháp quan trọng, có ý nghĩa trực tiếp quyết định biện pháp hữu hiệu để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mỗi cán bộ, đảng viên trong giải quyết mối quan hệ với nhân dân, phục vụ nhân dân. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần hiểu sâu sắc và thực hiện tốt việc tự phê bình phải đi đôi với phê bình; phê bình đồng chí, đồng đội để giúp nhau sửa chữa tiến bộ, không che giấu khuyết điểm, không "làm qua quýt cho xong", "làm chiếu lệ", hoặc cho rằng "đó là việc nhỏ, không quan trọng" mà phải thật sự mạnh dạn chỉ cho nhau những hạn chế, khuyết điểm trong quan hệ với nhân dân cả khi làm việc ở cơ quan cũng như khi sinh hoạt ở nơi cư trú.
Thông qua đó, kịp thời ngăn ngừa, đấu tranh khắc phục các hiện tượng quan liêu, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, hay thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Cần phê phán các biểu hiện mị dân, lợi dụng việc gần dân để mưu cầu lợi ích riêng, dân chủ giả hiệu, hoặc theo đuôi quần chúng... Cùng với đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, cần tăng cường tuyên truyền những tấm gương "người tốt việc tốt", những "công bộc" hết lòng đối với dân, vì nhân dân phục vụ; làm cho mối quan hệ máu thịt giữa Ðảng với nhân dân ngày càng được lan tỏa, củng cố, phát triển, niềm tin của nhân dân đối với Ðảng ngày càng được nâng cao.
Gắn bó mật thiết với nhân dân là thể hiện bản chất và sức sống trường tồn của Ðảng Cộng sản Việt Nam, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân là mạch nguồn nuôi dưỡng sức trường tồn của Ðảng. Vì vậy, tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Ðảng hiện nay, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cần nhận thức rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trước nhân dân; không ngừng học tập nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực công tác; thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện, là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức cách mạng.