Thi hành án dân sự là hoạt động đưa bản án, quyết định về dân sự của Tòa án ra thi hành. Bản án, quyết định của Tòa án chỉ thực sự có giá trị đối với các bên đương sự khi được thi hành trên thực tế. Hoạt động thi hành án là công đoạn cuối cùng, bảo đảm cho bản án, quyết định của Tòa án được chấp hành, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước. Thực tế đã chứng minh, một mình cơ quan thi hành án dân sự, “đơn thương, độc mã” thì không thể hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao; công tác này có đạt hiệu quả hay không cần có sự quan tâm phối hợp của các cấp, các ngành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Một trong những mối quan hệ phối hợp góp phần rất quan trọng vào kết quả, hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong suốt thời gian qua đó là, sự phối hợp của cơ quan công an các cấp. Thực tiễn mối quan hệ phối hợp trong thi hành án dân sự giữa cơ quan công an và cơ quan thi hành án dân sự rất rộng và đa dạng, nội dung Bài viết này chỉ xin trao đổi về một số kết quả nổi bật, khó khăn, vướng mắc và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thực thi pháp luật và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành về thi hành án dân sự.