Dự họp có các đồng chí: Phạm Minh Huấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hồng Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; đại biểu Quốc hội khóa XIII của tỉnh; đại biểu HĐND tỉnh; lãnh đạo các ban Đảng Tỉnh ủy, các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; Thường trực HĐND, UBND các huyện, thành phố và Thường trực HĐND 71 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đồng chí
Thường trực HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Đây là kỳ họp giữa năm của HĐND tỉnh khoá XVII nhằm đánh giá toàn diện kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, xác định những việc cần tập trung thực hiện 6 tháng cuối năm 2015, nhằm thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra cùng nhiều nội dung quan trọng khác. Đồng chí đề nghị các vị đại biểu HĐND phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, thẳng thắn thảo luận, bàn, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra.
Buổi sáng, HĐND tỉnh đã nghe báo cáo của UBND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh 6 tháng cuối năm; báo cáo của UBND tỉnh về kết quả thực hiện dự toán thu ngân sách Nhà nước, chi ngân sách địa phương; kinh phí Trung ương uỷ quyền; kinh phí của Bộ, ngành Trung ương cấp theo ngành dọc; kinh phí viện trợ và các quỹ do tỉnh quản lý 6 tháng đầu năm 2015; một số nhiệm vụ, biện pháp chủ yếu điều hành thu, chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2015 trên địa bàn tỉnh; báo cáo thẩm tra của các ban: Ban Kinh tế và ngân sách; Ban Văn hoá - xã hội; Ban Dân tộc; Ban Pháp chế về các lĩnh vực thu ngân sách, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số… Tại kỳ họp, Uỷ ban MTTQ tỉnh cũng thông báo về hoạt động tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân 6 tháng đầu năm 2015, một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2015; đại biểu cũng nghiên cứu báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khóa XVII.
Quang cảnh kỳ họp.
Báo cáo của UBND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh 6 tháng cuối năm chỉ rõ: 6 tháng đầu năm kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển, các chỉ tiêu cơ bản tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá cố định 1994) đạt 2.363 tỷ đồng, bằng 36,4% theo kế hoạch, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ 6 tháng đầu năm 2015 đạt 5.567,3 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu hàng hoá đạt 31,3 triệu USD. Tỉnh đã thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; thu hút trên 986 nghìn lượt khách du lịch, tạo việc làm mới cho trên 7.800 lao động và có gần 200 lao động đi làm việc ở nước ngoài; khai trương tuyến xe buýt số 02 từ km20 đường Tuyên Quang - Hà Nội đến thị trấn Tân Yên (Hàm Yên); tiếp tục hoàn thiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển sản xuất bền vững; thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất hàng hoá nông sản tập trung trên địa bàn; sản lượng lương thực đạt trên 154.000 tấn…
Tuy nhiên, do khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước, giá cả hàng hóa và dịch vụ có nhiều biến động, thời tiết diễn biến phức tạp dẫn đến sản lượng một số sản phẩm công nghiệp đạt thấp so với kế hoạch, tiến độ thực hiện một số công trình, dự án, tiến độ xây dựng nông thôn mới, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm. Trong thời gian tới tỉnh sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả thương mại, du lịch và dịch vụ; sản xuất nông lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới; công tác tín dụng; tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xúc tiến đầu tư thương mại; tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm các ngành lễ lớn; các hoạt động chính trị, văn hóa diễn ra trên địa bàn tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, quan tâm thực hiện tốt các chính sách, chương trình về công tác dân tộc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Buổi chiều, các đại biểu tập trung thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh 6 tháng đầu năm 2015; phương hướng, mục tiêu và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh 6 tháng cuối năm 2015.
Tại phiên thảo luận, đại diện lãnh đạo Sở Công Thương đã giải đáp về vấn đề khó khăn trong chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp; lý giải nguyên nhân công nghiệp của tỉnh tuy có bước phát triển nhưng chưa vững chắc, sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các thành phần kinh tế còn thấp. Một số sản phẩm chủ yếu trong lĩnh vực chế biến khoáng sản, lâm sản đạt thấp so với kế hoạch được giao như giấy tráng phấn cao cấp, giấy xuất khẩu, gỗ tinh chế, siliconmangan..
Các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Minh Huấn,
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh tham dự Kỳ họp thứ 10,
HĐND tỉnh khóa XVII.
Lãnh đạo ngành Nông nghiệp và PTNT giải đáp thắc mắc của đại biểu HĐND tỉnh về việc thực hiện kế hoạch khai thác gỗ rừng trồng chậm do Nhà máy giấy và bột giấy An Hoà đã được nquy hoạch vùng nguyên liệu, tuy nhiên nhà máy chưa thực hiện việc đầu tư, liên kết với người dân xây dựng vùng nguyên liệu, chưa mua nguyên liệu trực tiếp với người dân; giá thu mua nguyên liệu có giai đoạn chưa phù hợp với thời điểm khai thác của người dân nên người dân không mặn mà với việc khai thác gỗ. Trước thực trạng đó ngành đã đề nghị Nhà máy giấy An Hoà có kế hoạch mua sản phẩm sát với giá thị trường, xây dựng các trạm nguyên liệu thu mua gỗ, tăng mức tồn kho vào dịp đầu năm và cuối năm; các huyện tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân bán nguyên liệu cho nhà máy. Đối với sản xuất cây mía, còn gặp khó khăn do một số công tác chưa đồng bộ, diện tích mía của tỉnh có 83% là mía đồi nên năng suất thấp, dẫn đến người dân nhiều nơi chưa chú trọng phát triển cây mía. Cuối năm 2014 những thông tin về khó khăn của ngành mía đường tác động đến người dân, nên một số vùng bà con chuyển đổi sang trồng một số loại cây khác. Ngành cũng đã họp với Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương bàn giải pháp: Công ty mía đường phải công khai, minh bạch sớm chính sách hỗ trợ và thu mua mía; các cấp, ngành liên quan cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, có các giải pháp tăng năng suất, niên vụ 2015-2016 phải đạt 65 tấn/ha; coi tăng năng suất là khâu đột phá để phát triển vùng nguyên liệu bền vững; tổ chức lại sản xuất theo nhóm, tổ hợp tác trong dân. Vấn đề xúc tiến thương mại cho sản phẩm nông nghiệp: tỉnh có 23 sản phẩm có nhãn hiệu, thương hiệu về nông nghiệp, hiện đã xúc tiến bán sản phẩm về Hà Nội. Đến nay có 6 sản phẩm nông sản được các siêu thị hợp đồng tiêu thụ cho nông dân.
Một số đại biểu cũng đặt câu hỏi về các vấn đề khó khăn trong thu phí bảo trì đường bộ; giá cả một số mặt hàng nông sản thấp, vẫn còn hiện tượng được mùa mất giá; cơ sở vật chất của nhà văn hoá thôn, xã xuống cấp, cần được quan tâm, tu sửa; tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất, chăn nuôi; vấn đề chậm chi trả hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số vùng khó khăn… Lãnh đạo các cấp, ngành liên quan cũng đã giải đáp thắc mắc của đại biểu HĐND tỉnh nêu ngay tại hội trường.
Ngày mai 15/7, Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVII sẽ tiếp tục chương trình làm việc và bế mạc.
(Theo Cổng Thông tin điện tử Tuyên Quang)