Thi hành án dân sự là hoạt động của Nhà nước nhằm đưa bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được thực hiện trên thực tế. Thông qua thi hành án dân sự những phán quyết của Tòa án về dân sự được thi hành, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, trong thực tiễn công tác thi hành án dân sự là công việc khó khăn phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền về tài sản, nhân thân của các bên đương sự và những người liên quan.
Việc chấp hành pháp luật về thi hành án dân sự được quy định tại Điều 9 Luật Thi hành án dân sự đó là hai biện pháp thi hành chủ yếu, tự nguyên và cưỡng chế “1. Nhà nước khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án” và “2. Người phải thi hành án có điều kiện thi hành mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án…” thời hạn để đương sự tự nguyện thi hành án là 10 ngày được quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Thi hành án dân sự. Trên thực tế khi hết thời hạn tự nguyện thi hành thì cơ quan thi hành án chưa thể cưỡng chế ngay được mà còn phải trải qua một số thủ tục cần thiết khác.
Vấn đề đặt ra là khi hết thời hạn tự nguyện thi hành án thì chấp hành viên người tổ chức thi hành án phải lựa chọn áp dụng giải pháp nào để công tác thi hành án đạt được hiệu quả tối ưu, không phải áp dụng biện pháp cưỡng chế, mà vẫn giảm thiểu được lượng án tồn đọng, không tốn kém chi phí cho cho cơ quan thi hành án cũng như các bên đương sự; hạn chế sự tổn thương tình cảm giữa các bên đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi giải quyết xong vụ việc. Do đó, có thể nói công tác vận động, tuyên truyền, thuyết phục trong thi hành án dân sự là tối ưu, xuyên suốt quá trình thi hành án. Ví dụ: Theo Bản án số 25/2018/HNGĐ-ST ngày 12/10/2018 của Tòa án nhân dân huyện Yên Lạc, Quyết định thi hành án số 148/QĐ-CCTHADS ngày 05/12/2018 và Quyết định thi hành án số 219/QĐ-CCTHADS ngày 10/01/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Lạc thì anh Nguyễn Văn H; Địa chỉ: Thôn Dịch Đồng, xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc phải thi hành khoản án phí giá ngạch là 28.444.000đ; Chuyển giao cho chị Nguyễn Thị M (cùng địa chỉ) được quyền sử dụng một phần của thửa đất số: 1653.3 tờ bản đồ số 15 ở thôn Dịch Đồng, xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc có diện tích 124,7m2 và được sở hữu nhà, các tài sản trên đất.
Khi tổ chức giải quyết vụ việc Chấp hành viên gặp rất nhiều khó khăn. Trước khi ly hôn với anh H, chị M và 03 con không ở chung nhà mà về bên ngoại sinh sống trong thời gian dài; anh H không có mặt tại địa phương; người thân và gia đình anh H không đồng ý với nội dung bản án chia đất cho chị M, vì nguồn gốc đất là của bố mẹ đẻ anh H mua cho.
Để giải quyết vụ việc một mặt chấp hành viên thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; mặt khác thực hiện việc gặp gỡ những người thân của anh H, đặc biệt là người có ý kiến trái chiều không đồng tình với việc phải thi hành án của anh H, người có uy tín ảnh hưởng trong gia đình, dòng họ để tuyên truyền giải thích cho họ hiểu về quyền và nghĩa vụ theo bản án; quyền và nghĩa vụ trong việc thi hành án; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, trưởng thôn nơi phải thi hành án để tuyên truyền, vận động, thuyết phục anh H, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người thân tự nguyện thi hành án.
Để làm tốt công việc này chấp hành viên phải nghiên cứu kỹ đối tượng để từ đó xây dựng kịch bản, đề cương tuyên truyền thống nhất với các thành phần tham gia về nội dung tuyên truyền đối với từng đối tượng cụ thể với hình thức phù hợp như: tổ chức hội nghị, thực hiện việc gặp gỡ, qua bản tin truyền thanh của địa phương... và làm việc cả ngoài giờ hành chính nhằm đạt được kết quả, nhưng anh H và gia đình vẫn không tự nguyện thi hành án. Do đó, ngày 11/6/2019 Chấp hành viên đã ban hành Quyết định về cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất số 09/QĐ-CCTHADS đối với anh H và thực hiện tống đạt theo quy định; trao đổi thống nhất với các quan quan liên quan, chính quyền địa phương về kế hoạch phương án và dự kiến thời gian cưỡng chế.
Tuy nhiên, xác định công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục thi hành án là một khâu quan trọng trong quá trình giải quyết vụ việc, nên trong thời gian trước khi tổ chức cưỡng chế chấp hành viên cùng chính quyền địa phương tiếp tục tiếp cận anh H và người thân để tuyên truyền, vận động, thuyết phục việc thi hành án. Qua nhiều buổi kiên trì gặp gỡ tuyên truyền, vận động, thuyết phục anh H đã hiểu và xin được tự nguyện thi hành án; ngày 09/8/2019 Cơ quan thi hành án đã phối hợp các cơ quan liên quan cùng chính quyền địa phương làm thủ tục chuyển giao cho chị M được quyền sử dụng một phần của thửa đất số: 1653.3 tờ bản đồ số 15 ở thôn Dịch Đồng, xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc có diện tích 124,7m2 và được sở hữu nhà, các tài sản trên đất có tổng giá trị là 624.100.000đ, và thu khoản án phí giá ngạch đối với anh H là 28.444.000đ.
cán bộ phòng TN&MT huyện đang xác định mốc giới tài sản đất
Qua kết quả trên có thể thấy nếu thực hiện tốt công tác vận động, tuyên truyền, thuyết phục trong thi hành án dân sự sẽ giúp cho chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự tiết kiệm được thời gian, nhân lực và kinh phí cho việc tổ chức thi hành án; hồ sơ thi hành án được giải quyết triệt để, làm giảm lượng án tồn đọng, không phát sinh vấn đề khiếu nại, tố cáo về thi hành án; góp phần cùng cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt các chỉ tiêu ngành và cấp trên giao cho.
Vũ Duy Cương, Chị cục THADS huyện Yên Lạc