Tháng 1 năm 1997 tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập và đi vào hoạt động theo Nghị quyết kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX, cùng với những thuận lợi là không ít những khó khăn, mà đặc biệt là hệ thống tổ chức bộ máy của các Sở, Ban, Ngành của Tỉnh nói chung và của các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng. Về tổ chức bộ máy, toàn tỉnh chỉ có 33 biên chế (27 nam và 6 nữ ); Phòng Thi hành án Tỉnh có 4 biên chế (3 Chấp hành viên và 1 cán bộ; trong đó có 1 Phó phòng phụ trách), 7 Đội Thi hành án huyện, thị xã với 29 biên chế (7 Chấp hành viên và 22 cán bộ, trong đó có 6 đội trưởng và một đội phó phụ trách); về chức danh Tư pháp có 3 Chấp hành viên cấp tỉnh, 7 Chấp hành viên cấp huyện; về chuyên môn nghiệp vụ; đại học và tương đương đại học 9 đồng chí; đang học đại học tại chức 13 đồng chí, đại học ngành khác 1 đồng chí; trung cấp pháp lý 10 đồng chí; Về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc của các cơ quan thi hành án dân sự trong giai đoạn này hầu như không có gì, Phòng Thi hành án tỉnh và các Đội Thi hành án cấp huyện chưa có trụ sở làm việc riêng phải mượn cơ quan khác để làm việc; các trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu công tác còn gặp rất nhiều khó khăn.
Sau hơn 20 năm, trải qua các thời kỳ chuyển đổi về thể chế (Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1993; Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004; Luật thi hành án dân sự năm 2008), hệ thống tổ chức, bộ máy các cơ quan thi hành án dân sự không ngừng được củng cố tăng cường nhằm triển khai Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 26/6/205 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020. Đến nay ngành Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Phúc đã có 115 biên chế, trong đó Cục Thi hành án dân sự có 27 biên chế; các Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện có 88 biên chế, (chưa tính 33 nhân viên, lái xe, tạp vụ, bảo vệ hợp đồng theo Nghị định 68), về trình độ chuyên môn nghiệp vụ gồm: 07 Thạc sĩ Luật, 04 đang học cao học Luật, 102 Cử nhân, 13 Trung cấp (Trung cấp Kế toán; Trung cấp Luật; Trung cấp văn thư, lưu trữ); trình độ lý luận chính trị có 1 cử nhân, 11 cao cấp, 02 đồng chí đang học cao cấp; về các chức danh Tư pháp và các ngạch công chức khác trong toàn tỉnh hiện nay gồm có: 01 chấp hành viên cao cấp, 11 Chấp hành viên Trung cấp, 34 Chấp hành viên sơ cấp, 13 Thẩm tra viên, 29 Thư ký, 05 Chuyên viên thi hành án dân sự; số cán bộ còn lại gồm các chức danh kế toán trưởng, kế toán viên, văn thư, thủ quỹ. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ Thi hành án dân sự trong tỉnh có tinh thần trách nhiệm đối công việc được giao, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, 9/10 đơn vị Thi hành án dân sự trong tỉnh đã có trụ sở được xây dựng mới qui mô khang trang; Về phương tiện, trang thiết bị làm việc xe ô tô, bàn, ghế, tủ đựng hồ sơ, máy photocopy, máy vi tính và công cụ hỗ trợ... đã được Bộ Tư pháp đầu tư, trang bị tương đối đầy đủ, đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác trong tình hình thực hiện cải cách hành chính và cải cách Tư pháp.
Về kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn: Cùng với sự hoàn thiện về tổ chức bộ máy và tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn tỉnh, kết quả công tác Thi hành án dân sự trong những năm qua đã có những chuyển biến đáng kể, số lượng vụ việc được giải quyết và giá trị tiền, tài sản thu được năm sau đều cao hơn so với năm trước, nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài đã được giải quyết dứt điểm, đặc biệt trong những năm gần đây, kể từ khi có Luật Thi hành án dân sự năm 2008 các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Phúc luôn đạt và vượt các chỉ tiêu được giao, lượng án chuyển kỳ sau giảm mạnh: năm 2009 là 2.922 việc, đến nay (đến hết 9 tháng năm 2015) chỉ còn 1.781 việc, (giảm 1.141 việc = 39%). Trong quá trình tổ chức thực hiện việc thi hành án, các cơ quan thi hành án dân sự trong tỉnh đã thực hiện đầy đủ các trình tự thủ tục theo qui định của pháp luật, các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, tập thể và công dân được đảm bảo theo quyết định của bản án đã tuyên.
Với những thành tích như trên, nhiều tập thể và cá nhân của các cơ quan thi hành án dân sự trong Tỉnh được tặng thưởng danh hiệu, hình thức khen thưởng cao, đối với các tập thể được tặng 01 Bằng khen của Thủ tướng chính phủ; 05 cờ thi đua xuất sắc của Bộ Tư pháp; 02 cờ thi đua xuất sắc và 05 Bằng khen của UBND tỉnh; 22 danh hiệu tập thể Lao động xuất sắc do Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận. Đối với cá nhân được tặng thưởng 02 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 04 Chiến sĩ thi đua Ngành Tư pháp; 14 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; 07 Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và nhiều cán bộ đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở.
Hướng tới kỷ niệm 69 năm ngày truyền thống Ngành THADS (19/7/1946-19/7/2015) và 70 năm ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/1945-28/8/2015), tập thể cán bộ, công chức các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang nỗ lực thi đua phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự năm 2015 mà Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự giao và thực hiện tốt hơn nữa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mà trước tiên là thực hiện lời dạy của người: "các bạn là người phụ trách thi hành pháp luật, lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao cái gương phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư cho nhân dân noi theo''.
Nguyễn Đức Nghĩa
Cục trưởng Cục THADS tỉnh Vĩnh Phúc