Một số vấn đề lý luận gắn với việc thực hiện pháp luật về thi hành án hành chính

09/01/2024


1. Khái quát chung
1.1. Khái niệm
* Thi hành án hành chính
Điểm khác biệt căn bản giữa tranh chấp hành chính so với tranh chấp khác trong đời sống xã hội là luôn có một bên tham gia thuộc nhóm chủ thể quản lý hành chính nhà nước. Tranh chấp hành chính khi được đưa ra Tòa án phân xử thì trở thành vụ án hành chính, kết quả phân xử được hiện thực hóa qua quá trình tổ chức thi hành án. Tuy nhiên, trong cùng một bản án, quyết định hành chính có thể có nội dung thi hành theo cơ chế thi hành án hành chính nhưng lại có nội dung thi hành theo cơ chế thi hành án dân sự. Theo Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và pháp luật Việt Nam hiện hành thì những phán quyết về tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính (như án phí, bồi thường thiệt hại, trả lại tài sản, giao lại đất đai được tuyên cụ thể trong bản án, quyết định của Tòa án) không theo cơ chế “tự thi hành” của người phải thi hành án mà sẽ được tổ chức thi hành thông qua cơ quan thi hành án dân sự, thuộc nội dung của thi hành án dân sự. Do đó, có thể thấy rằng, thi hành án hành chính là việc đưa phần nội dung liên quan tới trách nhiệm quản lý, trách nhiệm công vụ của người phải thi hành án trong các bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án về vụ án hành chính ra thi hành trên thực tế.
* Pháp luật về thi hành án hành chính
Từ cách hiểu về pháp luật nói chung, có thể rút ra khái niệm: Pháp luật về thi hành án hành chính là hệ thống các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thi hành các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính.
Trong hoạt động thi hành án hành chính, nhiều mối quan hệ xã hội đan xen tồn tại (ví dụ: quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước về thi hành án hành chính với các Bộ, ngành, địa phương; quan hệ giữa cơ quan theo dõi thi hành án hành chính với người phải thi hành án; quan hệ giữa cơ quan kiểm sát thi hành án hành chính với người phải thi hành án và cơ quan theo dõi thi hành án hành chính; quan hệ giữa người được thi hành án với người phải thi hành án….). Các quan hệ đó khi vận hành hiệu quả, nhịp nhàng sẽ phát huy những ý nghĩa tích cực của hoạt động thi hành án, đặc biệt là bảo vệ những nỗ lực của Tòa án và các bên đương sự trong quá trình giải quyết vụ án; củng cố niềm tin của người dân về hệ thống pháp luật và hoạt động của bộ máy nhà nước. Do đó, các quan hệ thi hành án hành chính cần thiết phải điều chỉnh bằng hệ thống quy phạm.
* Thực hiện pháp luật về thi hành án hành chính
Theo Giáo trình lý luận chung về nhà nước và pháp luật- Trường Đại học Luật Hà Nội: “Thực hiện pháp luật là hành vi thực tế, hợp pháp, có mục đích của các chủ thể được hình thành trong quá trình hiện thực hóa các quy định của pháp luật” [10, tr.401]. Kết hợp định nghĩa trên với 04 hình thức cơ bản của thực hiện pháp luật, có thể khái quát như sau:
Thực hiện pháp luật về thi hành án hành chính là hành vi thực tế, hợp pháp, có mục đích của các chủ thể được hình thành trong quá trình sử dụng, tuân thủ, thi hành (chấp hành) hoặc áp dụng các quy định của pháp luật về thi hành án hành chính.
1.2. Đặc điểm
Một là, thực hiện pháp luật về thi hành án hành chính là hành vi thực tế do các chủ thể thực hiện pháp luật làm hoặc không làm theo quy định của pháp luật. Những hành vi hợp pháp đó đều hướng tới mục đích đưa các quy định pháp luật về thi hành án hành chính đi vào đời sống; phát huy được vai trò, ý nghĩa của hoạt động thi hành án hành chính trên thực tế.
Hai là, chủ thể thực hiện pháp luật về thi hành án hành chính tương đối đa dạng như: người được thi hành án (thường là cơ quan hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước); cơ quan quản lý hoặc cơ quan cấp trên của người phải thi hành án; người phải thi hành án (cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội); Tòa án; các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động thi hành án hành chính…
Ba là, thực hiện pháp luật về thi hành án hành chính được tiến hành theo những hình thức khác nhau nhưng quan trọng nhất là hình thức tuân thủ và chấp hành pháp luật của người phải thi hành án. Điều này phù hợp với cơ chế tự thi hành của hoạt động thi hành án hành chính.
1.3. Vai trò
- Thực hiện pháp luật tạo nên những chuyển biến trên thực tế về mặt hành vi và nhận thức theo đúng mong muốn của nhà quản lý ngành, lĩnh vực. Có thể ví dụ như sau:
+ Thông qua hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, các chủ thể liên quan hiểu rõ hơn các quyền và nghĩa vụ của mình từ đó có những hành động phù hợp với quy định của pháp luật.
+ Thông qua hoạt động tổ chức thi hành án của người phải thi hành án hành chính, phán quyết của Toà án hành chính mới được thực thi;
+ Thông qua hoạt động theo dõi, kiểm sát thi hành án hành chính của các cơ quan có thẩm quyền, việc tổ chức thi hành án của người phải thi hành án bảo đảm đi vào nền nếp; đấu tranh với hành vi không chấp hành hoặc chậm chấp hành án, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án.
- Bằng việc thực hiện pháp luật về thi hành án hành chính, những thiếu sót, bất cập của pháp luật về thi hành án hành chính được bộc lộ, được phát hiện và xử lý, nhờ đó, pháp luật về thi hành án hành chính ngày càng hoàn thiện và phù hợp hơn với thực tế cuộc sống.
2. Nội dung của thực hiện pháp luật về thi hành án hành chính
2.1. Về chủ thể
* Chủ thể quản lý nhà nước
Ở nước ta, vai trò quản lý nhà nước về thi hành  thuộc về Chính phủ theo Điều 313 Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Chịu trách nhiệm làm đầu mối, tham mưu giúp Chính phủ thực hiện chức năng này thuộc về Bộ Tư pháp với các nhiệm vụ cụ thể được quy định tại khoản 2 Điều 313 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
* Chủ thể có quyền và nghĩa vụ trực tiếp trong việc thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính
Nhóm chủ thể này bao gồm: người được thi hành án (được hưởng quyền lợi) và người phải thi hành án (phải thực hiện nghĩa vụ). Trong đó, người phải thi hành án hành chính luôn là cơ quan nhà nước hoặc cá nhân có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước (chủ yếu là Uỷ ban nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân). Việc thực hiện pháp luật về thi hành án của hai chủ thể này nhằm bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của chính bản thân chủ thể theo đúng nội dung bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính.
* Các chủ thể khác tham gia với vai trò thúc đẩy hoạt động thi hành án hành chính, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn pháp luật về thi hành án hành chính giao cho, gồm: Người đứng đầu và người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án; Tòa án nhân dân xét xử vụ án hành chính; Viện kiểm sát nhân dân; Cơ quan Thi hành án dân sự.
2.2. Về thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể thực hiện pháp luật
* Chủ thể quản lý nhà nước về thi hành án hành chính
Cơ quan quản lý nhà nước về thi hành án hành chính chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật (hướng dẫn, chỉ đạo về nghiệp vụ; tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm…); tính toán các nguồn lực cho việc tổ chức thực hiện pháp luật (kinh phí, biên chế, cơ sở vật chất…) và tham mưu hoặc kiến nghị, đề xuất văn bản quy phạm liên quan bảo đảm thi hành pháp luật về thi hành án hành chính.
* Người được thi hành án
- Về quyền, cũng giống như người được thi hành án dân sự, người được thi hành án hành chính bảo vệ lợi ích hợp pháp được Toà án công bằng quyền yêu cầu thi hành án (dù vậy, việc thực hiện quyền này giữa thi hành án dân sự và thi hành án hành chính khác nhau ở người tổ chức thi hành án, cụ thể: yêu cầu thi hành án dân sự thì sẽ do cơ quan Thi hành án dân sự thụ lý, tổ chức thi hành còn yêu cầu thi hành án hành chính sẽ do cơ quan phải thi hành án hành chính tổ chức thi hành). Bên cạnh quyền yêu cầu thi hành án, trong thi hành án hành chính, người được thi hành còn có quyền yêu cầu Toà án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành án hành chính. Ngoài ra, người được thi hành án hành chính có các quyền cơ bản khác như : được thông báo về thi hành án hay yêu cầu Toà án đã ra bản án, quyết định giải thích, đính chính bản án, quyết định; khiếu nại, tố cáo về thi hành án; uỷ quyền thực hiện quyền của người được thi hành án….
- Về nghĩa vụ, người được thi hành án có các nghĩa vụ phải phối hợp với các cơ quan có liên quan trong quá trình thi hành án như: phối hợp trong quá trình người phải thi hành án tổ chức thi hành án (bản chất thi hành án hành chính là việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan quản lý nhà nước, thường là giải quyết dịch vụ hành chính công, do đó, người được thi hành án cần phối hợp trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục giải quyết…) hay thông báo cho người phải thi hành án, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi có thay đổi các thông tin cá nhân đã được ghi trong bản án, quyết định (như về địa chỉ, nơi cư trú….).
* Người phải thi hành án
Tòa án xét xử vụ án hành chính tuyên nghĩa vụ cho đối tượng nào thì đối tượng đó được xác định là người phải thi hành án. Trên thực tế, bản án có được thi hành hay không, hiệu quả thi hành án đến đâu phụ thuộc rất lớn vào người phải thi hành án chấp hành quy định pháp luật về thi hành án hành chính như thế nào.
Quyền và nghĩa vụ của người phải thi hành án hành chính cơ bản cũng tương tự như quyền và nghĩa vụ của người phải thi hành án hình sự hay dân sự. Điểm khác ở chỗ, do cơ chế “tự thi hành”, người phải thi hành án hành chính có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin, các tài liệu có liên quan về quá trình và kết quả thi hành án theo yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự và các cơ quan có thẩm quyền.
* Đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân của người phải thi hành án và người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án
Do tranh chấp hành chính nảy sinh từ hoạt động công vụ và bản chất thi hành án hành chính cũng là hoạt động thực thi công vụ, vì vậy, sự tham gia của cơ quan quản lý cấp trên hoặc người đứng đầu trong hoạt động thi hành án hành chính cũng gắn với trách nhiệm của những chủ thể này trong quan hệ quản lý như: trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thi hành án hành chính; xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, đơn vị thuộc phạm vi quản lý có sai phạm trong quá trình thi hành án hành chính…
* Đối với các chủ thể khác
- Tòa án nhân dân: Bên cạnh việc xét xử và thực hiện trách nhiệm liên quan tới bản án, quyết định mình xét xử như việc giải thích, đính chính bản án, quyết định thì trong thi hành án hành chính, Toà án còn có trách nhiệm ra quyết định buộc thi hành án hành chính trong trường hợp người được thi hành án có yêu cầu.
- Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật về thi hành án của các chủ thể tham gia hoạt động thi hành án hành chính, đồng thời có quyền kiến nghị các biện pháp tổ chức thi hành án đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành án hành chính hoặc cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án.
- Cơ quan Thi hành án dân sự tham gia theo dõi việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, tuy nhiên, theo Luật Tố tụng hành chính năm 2015, phạm vi theo dõi của hệ thống cơ quan này chỉ giới hạn ở các quyết định buộc thi hành án hành chính của Toà án.
2.3. Về trình tự, thủ tục thực hiện pháp luật về thi hành án hành chính
* Những bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính được đưa ra thi hành
Để được đưa ra thi hành thì bản án hoặc phần bản án, quyết định của Toà án phải đáp ứng tiêu chí là đã có hiệu lực pháp luật. Dựa trên tiêu chí này, Điều 309, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định các bản án, quyết định hành chính được thi hành gồm: (1) Bản án, quyết định có hiệu lực sau thời gian Luật định - bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong thời hạn do Luật định thì có hiệu lực pháp luật theo khoản 1 Điều 11 Luật Tố tụng hành chính năm 2015; (2) Bản án, quyết định có hiệu lực ngay: Bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm; Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Tòa án; Quyết định theo thủ tục đặc biệt của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao quy định tại Điều 296 của Luật Tố tụng hành chính năm 2015; Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án .
* Thi hành án hành chính trong trường hợp người phải thi hành án tự nguyện thi hành án
Theo quy định tại khoản 2 Điều 311 Luật Tố tụng hành chính năm 2015; Điều 10 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, ta thấy, có trường hợp người phải thi hành án được cho một khoảng thời gian tối đa để tự nguyện thi hành án nhưng có trường hợp để bảo đảm tính kịp thời, cần khắc phục ngay hậu quả thì người phải thi hành án phải thi hành ngay: (1) Trong các bản án, quyết định về vụ án hành chính thông thường, người phải thi hành án có trách nhiệm thi hành bản án, quyết định của Tòa án trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án; (2) Một số trường hợp phải thi hành ngay như: Bản án, quyết định tuyên buộc cơ quan lập danh sách cử tri sửa đổi, bổ sung danh sách cử tri và quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
* Thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án Bước 1: Yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính
Theo Điều 312 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Điều 11 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP:
- Người có quyền yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính: Như đã phân tích ở trên, bên cạnh quyền yêu cầu thi hành án, người được thi hành án còn có quyền yêu cầu Toà án có thẩm quyền ra quyết định buộc thi hành án hành chính.
- Thời điểm thực hiện quyền: khi hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành (như đã phân tích, thời hạn tự nguyện này thông thường là 30 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được bản án, quyết định của Tòa án;
- Thời hiệu thực hiện quyền: 01 năm kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án;
- Hình thức thực hiện: tự mình hoặc ủy quyền bằng hình thức trực tiếp nộp đơn, trình bày bằng lời nói, gửi đơn qua dịch vụ bưu chính hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
 Bước 2: Sau khi có quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án, người phải thi hành án có trách nhiệm thi hành ngay và thông báo kết quả cho Toà án đã xét xử sơ thẩm, Viện kiểm sát và cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm đồng thời báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp (Điều 12 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP).
* Thi hành án hành chính trong một số trường hợp cụ thể theo quy định tại Điều 311 của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 như:
- Trường hợp Tòa án đã hủy quyết định kỷ luật buộc thôi việc thì quyết định kỷ luật buộc thôi việc bị hủy không còn hiệu lực, điều đó có nghĩa rằng, các cơ quan nhà nước đã ban hành quyết định kỷ luật đó phải ban hành hoặc không ban hành quyết định hành chính mới bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.
- Trường hợp Toà án tuyên hành vi hành chính đã thực hiện là trái pháp luật thì người phải thi hành án phải đình chỉ (chấm dứt, dừng lại) hành vi đó kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Toà án. Ngược lại, trường hợp Toà án tuyên hành vi không thực hiện nhiệm vụ, công vụ (ví dụ: không tiếp nhận hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính, không giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của công dân) là trái pháp luật thì người phải thi hành án phải thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định pháp luật kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Toà án.
2.4. Về kiểm sát hoạt động thi hành án hành chính, theo dõi thi hành án hành chính
* Kiểm sát thi hành án hành chính
Theo chức năng, nhiệm vụ, Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật về tố tụng và thi hành án hành chính của các đối tượng: đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm bảo đảm pháp luật được tôn trọng, thực thi một cách nghiêm minh, đầy đủ. Nội dung kiểm sát gồm:
+ Kiểm soát hoạt động tuân theo pháp luật về thi hành án hành chính của Toà án nhân dân các cấp, trong việc:
 (1) Cấp, gửi trích lục bản án, bản án cho đương sự, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp, cơ quan cấp trên trực tiếp của người bị kiện (Điều 196 Luật Tố tụng hành chính năm 2015);
(2) Sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định (Điều 197 Luật Tố tụng hành chính năm 2015);
(3) Giải thích bản án, quyết định khi có yêu cầu bằng văn bản của các đương sự, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền liên quan đến việc thi hành án (Điều 310 Luật Tố tụng hành chính năm 2015);
(4) Ra quyết định buộc thi hành án hành chính khi có đơn yêu cầu của người được thi hành án hành chính (Điều 312 Luật Tố tụng hành chính năm 2015);
(5) Xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án theo quy định pháp luật (Điều 14 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP).
+ Kiểm sát hoạt động tuân theo pháp luật về thi hành án hành chính của cơ quan Thi hành án dân sự, trong việc: (1) Tiếp nhận bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính (kiểm tra, vào sổ nhận bản án, quyết định) [14],[15]; (2) Phân công CHV và tổ chức thực hiện việc theo dõi thi hành án hành chính.
+ Kiểm sát hoạt động tuân theo pháp luật về thi hành án hành chính của các đương sự trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo bản án, quyết định về thi hành án hành chính của Toà án; quyền và nghĩa vụ khác theo pháp luật về thi hành án hành chính.
 + Kiểm sát hoạt động tuân theo pháp luật về thi hành án hành chính của thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án trong việc thực hiện trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm của người phải thi hành án theo quy định pháp luật.
* Theo dõi thi hành án hành chính
Theo dõi thi hành án hành chính là nhiệm vụ của các cơ quan Thi hành án dân sự nhằm nắm thông tin về tình hình thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính. Trên cơ sở thông tin nắm bắt được, cơ quan Thi hành án dân sự đề nghị người phải thi hành án chấp hành nghiêm bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có giải pháp bảo đảm thực thi bản án, quyết định của Tòa án trên thực tế [14],[15]. Theo đó, nội dung chính của công tác theo dõi thi hành án hành chính gồm: (1) Tiếp nhận và phân công Chấp hành viên thực hiện theo dõi việc thi hành án; (2) Thông báo về việc tự nguyện thi hành án gửi người phải thi hành án; (3) Kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án; (4) Gửi hoặc đăng tải công khai Quyết định buộc thi hành án hành chính. Ngoài ra, trong từng trường hợp thi hành án hành chính cụ thể, cơ quan Thi hành án dân sự có quyền triệu tập các bên đương sự để lập biên bản về việc không thi hành bản án, quyết định tuyên hủy quyết định buộc thôi việc (khoản 2 Điều 17 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP); lập biên bản về việc không thi hành án theo yêu cầu của người được thi hành án.
2.5. Về xử lý vi phạm trong thi hành án hành chính
Để bảo đảm thực hiện pháp luật về thi hành án hành chính, việc xây dựng các biện pháp chế tài liên quan là hết sức cần thiết. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP đã lần đầu tiên quy định cụ thể về xử lý kỷ luật, bồi thường thiệt hại, và công khai thông tin đối với cán bộ, công chức khi có hành vi vi phạm trong thi hành án hành chính.
* Các biện pháp xử lý kỷ luật, trách nhiệm vật chất và công khai thông tin
- Xử lý kỷ luật: Việc quy định biện pháp xử lý kỷ luật xuất phát từ đặc thù về chủ thể chấp hành pháp luật thi hành án hành chính, vi phạm trong thi hành án hành chính không chỉ là vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước mà còn là vi phạm bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có hiệu lực thi hành. Theo Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, các hành vi của công chức, viên chức vi phạm trong THAHC bị xử lý kỷ luật bao gồm: chậm thi hành án; chấp hành, chấp hành không đúng nội dung bản án, quyết định của Toà án trong thời hạn tự nguyện và sau khi đã có quyết định buộc THAHC; cản trở việc thi hành án; để xảy ra việc chậm/không chấp hành/chấp hành không đúng bản án, quyết định trong cơ quan, đơn vị mình; không phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền (cơ quan Thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan giám sát….) trong việc cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu về quá trình, kết quả thi hành án;....
Tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, mức độ hậu quả gây ra của hành vi vi phạm (nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng) mà công chức, viên chức vi phạm nghĩa vụ thi hành án hành cính bị xử lý bằng các hình thức: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Riêng đối tượng là cán bộ có hành vi vi phạm trong thi hành án hành chính, Nghị định 71/2016/NĐ-CP quy định viện dẫn thực hiện theo quy định của pháp luật, điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
- Trách nhiệm vật chất: Theo nguyên tắc gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng vật chất, trường hợp người phải thi hành án trong quá trình thi hành án mà có lỗi gây ra thiệt hại, có quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi vi phạm thì phải khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, pháp luật về dân sự (Điều 314 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Điều 29 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP).
- Công khai thông tin: Theo Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, việc công khai thông tin về việc không chấp hành án được thực hiện bằng hình thức đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Cục Thi hành án dân sự / Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp và Cổng thông tin điện tử Chính phủ (tuỳ thuộc vào đối tượng người phải thi hành án) [15].
- Ngoài ra, theo Điều 31 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP còn có quy định về việc đưa việc tổ chức thi hành án hành chính là một trong những tiêu chí để xem xét, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức.
* Về xử phạt vi phạm hành chính
Điều 314 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Điều 27 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án, quyết định buộc thi hành án của Tòa án có thể bị xử phạt vi phạm hành chính; người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, pháp luật về thi hành án hành chính hiện hành chưa có quy định về hành vi vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án hành chính.
* Về xử lý hình sự
Liên quan đến các tội danh về thi hành án, Bộ luật hình sự năm 2015 quy định 03 tội danh, gồm: (1) Tội không thi hành án (quy định tại Điều 379); tội không chấp hành án (quy định tại Điều 380) và tội cản trở việc thi hành án (quy định tại Điều 381). Điểm khác biệt ở ba tội danh này là chủ thể phạm tội, theo đó, trong hoạt động thi hành án hành chính, những vi phạm đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ có thể bị truy cứu ở 02 tội danh, gồm tội không chấp hành án và tội cản trở việc thi hành án. Riêng tội danh không thi hành án, do chủ thể phạm tội phải là người có thẩm quyền ra quyết định thi hành án hoặc tổ chức thi hành án, trong khi hoạt động thi hành án hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành không có chủ thể ra quyết định thi hành án và cũng không có chủ thể thứ ba đứng ra tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, vì vậy, tội danh này không bị áp dụng trong hoạt động thi hành án hành chính.
Về khung hình phạt áp dụng đối với từng tội danh: Điều 380 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định tội không chấp hành án theo đó, người phạm tội tùy từng trường hợp cụ thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm, cao nhất bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.
3. Các yếu tố ảnh hưởng đến tổ chức thực hiện pháp luật về thi hành án hành chính
3.1. Yếu tố chính trị
Về quan điểm, Đảng ta luôn coi vấn đề “Tôn trọng và bảo vệ quyền con người” là định hướng quan trọng trong xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật hình sự, dân sự và tố tụng tư pháp. Hiến pháp năm 2013 cũng đặt “quyền con người, quyền công dân” lên vị trí hàng đầu với việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó có quyền được bình đẳng trước pháp luật, không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội (theo Điều 16 Hiến pháp năm 2013). Cùng với đó, công cuộc cải cách tư pháp, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước xác định là nhiệm vụ trọng tâm.
Quan điểm chỉ đạo của Đảng, thể chế của Nhà nước, nỗ lực của Chính phủ đã tạo ra những biến chuyển tích cực trong nhận thức, hành động của các cơ quan công quyền trong ứng xử và giải quyết các công việc liên quan tới người dân, doanh nghiệp.
3.2. Yếu tố kinh tế
Trong điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, nhiều dự án quốc gia, công trình trọng điểm được tập trung triển khai thực hiện, đi liền với đó là việc Nhà nước phải quy hoạch, thu hồi đất… theo đó, khiếu kiện hành chính ngày càng gia tăng, dự báo số lượng bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính mà người phải thi hành án là cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước sẽ ngày càng nhiều. Khối lượng công việc lớn có thể có thể gây ra những tác động không tích cực tới hiệu quả thực hiện pháp luật về thi hành án hành chính.
Ở khía cạnh tích cực, sự phát triển của nền kinh tế kéo theo sự phát triển trong nhận thức và ý thức tôn trọng pháp luật của các chủ thể pháp luật. Thích ứng với biến đổi của kinh tế xã hội trong xu thế hội nhập, bộ máy nhà nước không chỉ tinh gọn, vận hành hiệu quả mà từng con người trong bộ máy đó phải trở nên năng động, chuyên nghiệp, minh bạch và hiểu rõ về sứ mệnh phục vụ xã hội của mình. Bản thân mỗi cá nhân, công dân cũng dễ dàng, thuận lợi hơn trong việc tiếp cận những kiến thức pháp lý cần thiết khi tham gia vào các quan hệ với cơ quan nhà nước. Điều này có thể không khiến các tranh chấp hành chính có xu hướng giảm đi nhưng có thể khiến ý thức thực hiện pháp luật về thi hành án hành chính của các chủ thể tăng lên. Mặt khác, sự phát triển kinh tế dẫn theo sự phát triển về nguồn lực đầu tư cho khu vực công (bao gồm kinh phí, cơ sở vật chất, công nghệ thông tin dành cho công tác thi hành án hành chính) sẽ được bảo đảm hơn.
3.3. Yếu tố nhận thức
Trong thi hành án hành chính luôn tồn tại hai chủ thể gồm: người phải thi hành án hành chính thường là cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước mang quyền lực nhà nước, chủ thể kia là bên được thi hành án là các tổ chức, cá nhân, công dân. Do ảnh hưởng của yếu tố văn hóa – xã hội, người dân khi khởi kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính vẫn còn tâm lý e dè. Ngược lại, đối với cơ quan nhà nước khi thua kiện, trở thành bên phải thi hành án vẫn mang tâm lý không sẵn sàng chấp nhận mình sai... dẫn tới chậm chạp trong tổ chức thi hành án hoặc tìm lý do bao biện cho việc không chấp hành án.
Trên thực tế các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức là bên phải thi hành án thường dựa vào tính phức tạp, thậm chí không rõ thời hạn trong các quy định pháp luật quản lý chuyên ngành để “bao biện” quá trình thi hành án đang được thực hiện. Bên cạnh đó, các chủ thể khác có liên quan trong quan hệ pháp luật hành chính vẫn còn tâm lý kiêng dè hoặc chưa dành sự quan tâm thích đáng để nghiên cứu, tìm hiểu... dẫn đến một số trở ngại trong quá trình nhận thức để có hành động đúng đắn, phù hợp với pháp luật về thi hành án hành chính, hiện thực hóa bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật. Chẳng hạn như: nhận thức về trách nhiệm chấp hành án của người phải thi hành án (thường là các cơ quan nhà nước) trong các bản án, quyết định về vụ án hành chính vẫn còn hạn chế, luôn có xu hướng bảo vệ quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình đã ban hành/thực hiện; các cơ quan thực hiện theo dõi thi hành án hành chính (cơ quan thi hành án dân sự), kiểm sát hoạt động thi hành án hành chính (cơ quan viện kiểm sát) còn nể nang, thiếu quyết liệt .... Vì vậy, để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thi hành án hành chính, các giải pháp nhằm nâng cao trình độ, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của chủ thể thực hiện pháp luật về thi hành án hành chính cần được quan tâm thực hiện.
3.4. Yếu tố pháp luật
Các quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động thi hành án hành chính là yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến hiệu quả của hoạt động thi hành án hành chính. Sự ảnh hưởng của các quy định của pháp luật đối với hiệu quả hoạt động thi hành án hành chính biểu hiện như sau: 
+ Sự phù hợp của các quy định của pháp luật: Các quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động thi hành án hành chính đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, phù hợp với đặc thù của quan hệ thi hành án hành chính và đặc biệt là phù hợp với bối cảnh, đặc điểm của nền chính trị, pháp lý ở mỗi một quốc gia, mỗi một thời kỳ sẽ phát huy được hiệu quả trong điều chỉnh các quan hệ pháp luật thi hành án hành chính. Trái lại, sự không phù hợp trong các quy định của pháp luật về thi hành án hành chính không những không phát huy hiệu quả điều chỉnh các quan hệ thi hành án hành chính trên thực tế thậm chí còn trở thành rào cản đối cho các quan hệ thi hành án hành chính.
+ Tính rõ ràng, cụ thể trong các quy định của pháp luật: Tính rõ ràng, cụ thể trong các quy định của pháp luật về thi hành án hành chính là yếu tố then chốt để thực hiện có hiệu quả hoạt động thi hành án hành chính, là căn cứ cho việc thực hiện các hoạt động thi hành án hành chính đồng thời là cơ sở để tiến hành đánh giá và giám sát quá trình thực hiện công tác thi hành án hành chính. Để hoạt động thi hành án hành chính được thực thi một cách thuận lợi, các quy định của pháp luật điều chỉnh nội dung này cần phải rõ ràng, cụ thể. Nếu các quy định của pháp luật về công tác thi hành án hành chính thiếu rõ ràng, cụ thể sẽ dẫn đến sự khó khăn trong thực hiện, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động thi hành án hành chính.
+ Pháp luật có quy định về chế tài xử lý đối với các chủ thể không thực hiện quy định pháp luật về thi hành án hành chính: Các quy định chế tài tác động tới ý thức thực hiện pháp luật về thi hành án hành chính. Cá nhân, tổ chức buộc phải nghiêm chỉnh chấp hành án nếu không muốn phải chịu các hậu quả pháp lý bất lợi.
Ở nước ta, pháp luật về thi hành án hành chính đã từng bước được hoàn thiện với 03 dấu mốc gắn với sự ra đời của 03 văn bản pháp lý quan trọng về tố tụng hành chính đó là: Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996; Luật Tố tụng hành chính năm 2010 và Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Việc hoàn thiện pháp luật Tố tụng hành chính đã bám sát đường lối, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, thể chế nguyên tắc Hiến định“quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”, bảo đảm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân ở Việt Nam.
Theo pháp luật về thi hành án hành chính, cơ chế thi hành án hành chính thường là cơ chế tự thi hành. Điều này khiến cho kết quả thi hành án hành chính phụ thuộc nhiều vào nhận thức, ý thức trách nhiệm tự nguyện thi hành của các cơ quan, tổ chức phải thi hành án hành chính. Bên cạnh đó, đối tượng của thi hành án hành chính là quyết định hành chính, hành vi hành chính, vì vậy, quá trình tổ chức thi hành còn chịu sự điều chỉnh của pháp luật về quản lý nhà nước trong ngành, lĩnh vực phát sinh tranh chấp. Trong khi đó, tranh chấp hành chính phát sinh ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, điều này khiến cho việc theo dõi, kiểm soát hoạt động chấp hành án của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức trên thực tế gặp không ít khó khăn.
 Phạm Văn Tâm - Vụ NV3