Sign In

Gương người tốt, việc tốt: Đội trưởng Đội THAHS và HTTP nhiệt tình trách nhiệm trong công tác phối hợp thi hành án dân sự.

09/07/2020

Khi nói đến công tác phối hợp bảo vệ cưỡng chế thi hành án ở Chi cục THADS huyện Tân Yên, các vụ cưỡng chế thành công, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản thì ai cũng nhắc đến sự tham gia phối hợp nhiệt tình, trách nhiệm của đồng chí Thiếu tá Phạm Văn Mạnh - Đội trưởng Đội Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Công an huyện Tân Yên.
Trong hoạt động công tác thi hành án dân sự thì biện pháp cưỡng chế thi hành án là biện pháp nghiêm khắc nhất mà Chấp hành viên cơ quan thi hành án áp dụng khi thực thi các bản án, quyết định do đương sự không tự nguyện thi hành, cản trở, chống đối việc thi hành án. Do đó, vấn đề cưỡng chế THADS là để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của đương sự, cơ quan thi hành án sớm hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ được giao.
Thực tế nhiệm vụ của Chấp hành viên luôn đối diện với rất nhiều khó khăn, phức tạp, trong đó việc tổ chức cưỡng chế là công việc khó khăn, phức tạp nhất. Để việc cưỡng chế thành công đòi hỏi phải có sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và đặc biệt là sự phối hợp hỗ trợ của cơ quan Công an.
Ngay sau khi lập Kế hoạch cưỡng chế gửi cho Công an huyện, lãnh đạo Công an giao nhiệm vụ cho Đội Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp tham mưu phương án phối hợp, phân công lực lượng bảo vệ an ninh trật tự trong việc cưỡng chế thi hành án dân sự.
Trong công tác phối hợp với Chi cục thi hành án dân sự, đối với những vụ việc khó khăn, phức tạp, người phải thi hành án có biểu hiện không chấp hành, chống đối, cản trở việc cưỡng chế thi hành án là đồng chí Mạnh trực tiếp tham mưu lập phương án bảo vệ cưỡng chế, có nhiều vụ việc trước khi tổ chức cưỡng chế, đồng chí Mạnh đã đến gặp người phải thi hành án để vận động thuyết phục có tình có lý để người phải thi hành án chấp hành pháp luật, đồng thời cùng rất cứng rắn đưa ra các tình huống để xử lý nghiêm khi người phải thi hành án có thái độ không hợp tác, thách thức pháp luật.
Trong giải quyết công việc, thi hành nhiệm vụ, đồng chí rất nghiêm khắc với đồng chí đồng nghiệp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ, từng vị trí bảo vệ theo phương án, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh trong cưỡng chế. Điển hình qua một số vụ việc cưỡng chế, người phải thi hành án chống đối, cản trở quyết liệt như vụ: Giáp Văn Hùng – sinh năm 1975; Địa chỉ: thôn Hàng Cơm, xã Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang phải giao đất cho bà Thân Thị Minh Bẩy. Tại buổi cưỡng chế, gia đình ông Giáp Văn Hùng huy động đông người chống đối, dùng xăng dầu đốt cản trở đoàn thi hành án…trước diễn biến phức tạp của vụ việc nhưng với quyết tâm nhiệm vụ phải bảo vệ tuyệt đối an toàn cho đoàn cưỡng chế để thực hiện xong công việc, không lùi bước trước khó khăn, nguy hiểm, với bản lĩnh của mình và nghiệp vụ chuyên môn, đồng chí Mạnh đã trực tiếp khống chế các đối tượng chống đối, đưa về trụ sở UBND xã xử lý, sau đó việc cưỡng chế giao quyền sử dụng đất được tiến hành thành công. Vụ bà Vi Thị Huệ, ông Thân Văn Hải ở thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang phải giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá. Vụ việc kéo dài nhiều năm không giải quyết dứt điểm, do ông Hải bà Huệ không tự nguyện thi hành, gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người trúng đấu giá và sự nghiêm minh của pháp luật. Tại buổi cưỡng chế, phía ông Hải, bà Huệ huy động người cản trở, chống người thi hành công vụ. Trước tình huống ông Hải có hành vi vi phạm pháp luật, lực lượng hỗ trợ tư pháp do động chí Mạnh chỉ huy đã kịp thời ngăn chặn, khống chế đối tượng, đưa về nơi xử lý. Kể từ khi lực lượng công an đưa ông Hải ra khỏi nơi cưỡng chế thì việc thực hiện thủ tục cưỡng chế được tổ chức thành công. Ngoài ra còn rất nhiều trường hợp có kế hoạch cưỡng chế nhưng không phải tổ chức kê biên tài sản, do người phải thi hành án được Đội Hỗ trợ tư pháp Công an huyện tiến hành vận động, thuyết phục tự nguyện thi hành như vụ ông  Lục Văn Thanh ở xã Nhã Nam; Vụ Trịnh Thanh Hải ở Ngọc Châu, Tân Yên...
Năm 2018 đơn vị đã áp dụng biện pháp cưỡng chế 25 vụ. 12 vụ cưỡng chế thành công. Qua công tác vận động, tuyên truyền, thuyết phục các đối tượng phải thi hành án thì có 13 vụ tự nguyện thực hiện nghĩa vụ xong trước ngày cưỡng chế.
Năm 2019 đơn vị đã áp dụng biện pháp cưỡng chế 12 vụ. Cưỡng chế thành công 8 vụ. có 02 vụ tự nguyện thực hiện nghĩa vụ xong trước ngày cưỡng chế.
Năm 2020 đơn vị đã ban hành 16 Quyết định cưỡng chế. Cưỡng chế thành công 10 vụ. có 02 vụ tự nguyện thực hiện nghĩa vụ xong trước ngày cưỡng chế, còn 04 vụ đang vận động.
Đằng sau thành công của các vụ việc tổ chức cưỡng chế còn có tác dụng trực tiếp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật rất hiệu quả, thiết thực, không phải tổ chức hội nghị tuyên truyền mà vẫn có tác dụng phổ biến rộng rãi, răn đe đối với những đối tượng phải thi hành án khác để họ có nhận thức đúng đắn về thi hành án và từ đó tự nguyện thi hành, trong đó có sự góp phần rất lớn của Công an huyện, Đội Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp do đồng chí Phạm Văn Mạnh – Đội trưởng trực tiếp phối hợp cùng Chi cục THADS, tạo sức mạnh trong công tác bảo vệ pháp luật và sự vững tin, yên tâm thi hành nhiệm vụ của chấp hành viên để hàng năm công tác thi hành án dân sự đều đạt và vượt chỉ tiêu nhiệm vụ được giao. Năm  2019 đơn vị được Bộ Tư pháp tặng cờ thi đua.
Nguyễn Minh Hoàng – Phó chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Tân Yên

Các tin đã đưa ngày: