Sign In

Tranh chấp nuôi con theo bản án: Phối hợp vận động chấp hành

20/09/2022

(BGĐT) - Khi ly hôn, đạt được quyền nuôi con là mong muốn của nhiều cha mẹ. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề thường xuyên xảy ra tranh chấp. Để không ảnh hưởng xấu đến tâm lý con trẻ, cơ quan thi hành án dân sự (THADS) đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương vận động, thuyết phục các bên.
Mới đây, Cục THADS tỉnh Bắc Giang giải quyết thành công hai việc giao con theo bản án, các bên đều tự nguyện, không làm tổn thương trẻ. Cả hai việc do chấp hành viên Hoàng Thị Thu Trang phụ trách. Chị kể, bản án của TAND tỉnh hồi tháng 4/2022 tuyên chị H.T.H (SN 1997) được ly hôn với anh Đ.K.T (SN 1989) cùng ở xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang).
Vì anh T đang lao động ở nước ngoài nên giao cháu L (SN 2014, con chung) cho chị H chăm sóc, nuôi dưỡng. Sau khi bản án có hiệu lực, Cục THADS tỉnh vận động bà H.T.Y (mẹ chồng chị H) là người đang nuôi dưỡng cháu tự nguyện thi hành. Ban đầu, bà Y không hợp tác vì bà cho rằng nuôi cháu từ nhỏ và dành rất nhiều tình cảm. 
Tại buổi giao con, chấp hành viên cùng đại diện Viện KSND tỉnh, chính quyền địa phương giải thích cho bà Y hiểu rằng, chị H là người giám hộ đương nhiên của con khi đứa trẻ chưa thành niên. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ, bà Y cần có trách nhiệm, nghĩa vụ giao cháu cho chị H theo bản án của TAND tỉnh. 
Sau khi giao con, bà Y vẫn có quyền thăm nom, đón cháu về chơi, phía gia đình chị H không được phép ngăn cản. Sau này, chị H không trực tiếp nuôi dưỡng, giáo dục cháu L thì anh T có quyền nộp đơn yêu cầu thay đổi quyền nuôi con. 
Theo ông Đồng Trương Bào, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa, chính quyền địa phương cũng đã tích cực động viên, thuyết phục người phải thi hành án sao cho vừa có lý vừa có tình. Sau khi giao con thành công, địa phương tiếp tục nắm bắt tình hình, đề nghị các bên phản ánh những bất cập để kịp thời can thiệp, hạn chế tình trạng tranh chấp, gây ảnh hưởng xấu đến tâm sinh lý của trẻ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu ra vấn đề như trong trường hợp nói trên. Thực tế, một số người kiên quyết cản trở, chống đối việc thi hành án và đã bị khởi tố. Tháng 10/2021, TAND huyện Lục Nam tuyên chị L.T.P.A (SN 2002) được ly hôn với anh T.V.T (SN 1992) ở xã Bảo Sơn, anh T phải giao con (lúc đó mới hơn hai tháng tuổi) cho mẹ cháu chăm sóc. 
Khi cơ quan chức năng đến làm việc, bố mẹ đẻ của anh T không hợp tác, khóa cổng, ngăn cản việc thi hành. Khi chấp hành viên ra thông báo đề nghị anh T mang cháu bé đến trụ sở UBND xã để giao con cho chị A chăm sóc, gia đình anh T cũng không chấp hành. Anh T đã bị xử phạt vi phạm hành chính. 
Sau khi ly hôn, nếu đứa trẻ từ 7 tuổi trở lên, tòa án sẽ xem xét mong muốn của trẻ. Nếu đứa trẻ dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao trực tiếp cho người mẹ nuôi, trừ khi người mẹ không có điều kiện kinh tế hoặc có thỏa thuận khác.
Ông Nguyễn Thành Long, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện cho hay, sau nhiều lần vận động, thuyết phục, cưỡng chế, phải làm việc ở ngoài cổng nhưng gia đình anh T vẫn chống đối, buông lời xúc phạm, đe dọa cán bộ. 
Cơ quan thi hành án đã có văn bản đề nghị khởi tố anh này về tội “Không chấp hành án” và được Công an huyện Lục Nam thụ lý, khởi tố đúng quy định.
Năm 2022, TAND hai cấp trong tỉnh thụ lý hơn 4,3 nghìn việc ly hôn, đã giải quyết gần 3,8 nghìn việc; trong có hơn 30 việc xảy ra tranh chấp về quyền nuôi con. Tuy số lượng không nhiều nhưng các vụ việc này đều có điểm chung là bên phải thi hành án không hợp tác, chống đối, gây trì hoãn, kéo dài thời gian giải quyết. 
Thực tế, đã có nhiều vụ việc đứa trẻ bị đe dọa nguy hiểm đến tính mạng, tâm lý hoang mang. Vì liên quan đến quyền con người nên cơ quan THADS đều chú trọng phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể để vận động, giải thích, tuyên truyền cho các bên, mục đích cuối cùng là bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ.
Hiện toàn tỉnh còn 13 việc giao con theo bản án chưa thi hành xong, ngoài khó khăn do đương sự không hợp tác, chống đối cũng có những trường hợp người được giao con không đến nhận, vừa hoàn thành xong thời gian chấp hành án, đi nước ngoài hoặc tử vong… 
Bà Nguyễn Thị Bốn, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Lạng Giang cho biết: “Để giao con theo bản án thành công, không gây dư luận xấu đòi hỏi các chấp hành viên phải khéo léo với từng tình huống, cưỡng chế chỉ là biện pháp cuối cùng. Bên cạnh đó phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, ban, ngành, đoàn thể để phổ biến các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, quyền trẻ em cho người dân” .
Sưu tầm


Theo baobacgiang.com.vn

Các tin đã đưa ngày: