Năm 2022 là năm khó khăn với Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Linh: chỉ tiêu nhiệm vụ được giao thuộc dạng cao nhất tỉnh, chỉ tiêu biên chế thiếu 2 người cùng với 2 công chức nữ nghỉ thai sản trong năm, có nhiều tháng cơ quan thiếu tới 4 người, chỉ có 63% công chức đang làm việc so với chỉ tiêu biên chế được giao. Với quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu được giao, Lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Linh đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể triển khai các biện pháp tích cực để động viên toàn thể cán bộ, công chức nhất là Chấp hành viên, Thư ký thi hành án tích cực giải quyết việc thi hành án với tinh thần quyết liệt, năng động, sáng tạo để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án, thông qua các đợt thi đua cao điểm, thi đua nước rút. Chi cục Thi hành án dân sự cũng đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện và sự phối hợp có hiệu quả của các cơ quan hữu quan… Nhờ vậy, năm 2022, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Linh đã hoàn thành những chỉ tiêu được giao.
Qua hoạt động năm 2022, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Linh tổng hợp lại một số giải pháp giúp cơ quan hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ trong tình hình thiếu biên chế :
1. Tạo sự đoàn kết, nhất trí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ
Ngay từ đầu năm, xác định đây là một năm khó khăn, lãnh đạo cơ quan cùng toàn thể công chức đã quyết tâm hết sức mình thực hiện nhiệm vụ. Sự đoàn kết, quyết tâm nhất trí của toàn cơ quan là động lực cho mỗi công chức trong cơ quan cố gắng khắc phục khó khăn, tiến lên hoàn thành nhiệm vụ.
2. Tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương
Với sự thuận lợi là Huyện ủy, UBND huyện, Ban chỉ đạo THADS luôn quan tâm đến công tác thi hành án dân sự, cơ quan đã tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương để sự phối hợp trong công tác thi hành án dân sự giữa cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan ban ngành liên quan, UBND các xã thị trấn được thuận lợi, nhất là trong công tác xác minh, áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế. Sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương về tinh thần và vật chất đã góp phần rất lớn trong việc hoàn thành nhiệm vụ của Chi cục.
3. Huy động công chức làm thêm giờ
Với tình hình nhân lực vô cùng bất lợi như đã nêu, ngay từ đầu năm công tác, cơ quan đã huy động các công chức làm thêm giờ để giải quyết những tồn đọng. Ưu tiên trong giờ hành chính các công tác tiếp công dân, đương sự, đi công tác cơ sở,… còn những công việc khác như: nhập liệu vào phần mềm, thẩm tra hồ sơ xong, lên bút lục, photo, scan tài liệu… thì để các công chức sắp xếp làm thêm giờ. Ngoài ra, các công chức còn kết hợp những ngày trực lễ, tết ở cơ quan vừa trực cơ quan vừa giải quyết công việc.
4. Phân bố công việc hợp lý
Trong công việc hàng năm, có những công việc quan trọng phải hoàn thành ngay, có những công việc trọng tâm, có những công việc tuy quan trọng nhưng có thể bố trí thời gian linh động… Trong điều kiện thiếu nhân lực, cơ quan đã tập trung ưu tiên những công việc: thụ lý thi hành án đúng hạn, đẩy mạnh đôn đốc thi hành án, xác minh, áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế… để tập trung vào mục tiêu hoàn thành chỉ tiêu do ngành giao, ngoài ra, những báo cáo đột xuất do cấp trên yêu cầu cũng là những công việc được ưu tiên. Những việc khác thì tùy thời gian mà bố trí. Những công việc cần thực hiện thường xuyên như: cập nhật thông tin về người phải thi hành án vào phần mềm để kết chuyển sang Trang thông tin điện tử cũng cần chú ý, tránh để dồn lại.
5. Tăng cường phối hợp giữa các bộ phận
Về sự phối hợp trong nội bộ cơ quan thi hành án bao gồm:
- Phối hợp giữa các chấp hành viên với nhau trong công tác cưỡng chế thi hành án, hoặc khi có trường hợp một người là người phải thi hành án tại hồ sơ của chấp hành viên này đồng thời là người được thi hành án tại hồ sơ của chấp hành viên khác, các chấp hành viên trao đổi, thống nhất với nhau để giải quyết công việc nhịp nhàng và hiệu quả. Phối hợp giữa các chấp hành viên trong công tác tiêu hủy vật chứng, đảm bảo kịp thời và tiết kiệm.
- Phối hợp giữa chấp hành viên, kế toán, thủ kho, thủ quỹ trong việc lập phiếu thu, chi, nhập xuất kho, báo cáo đối chiếu kết quả thi hành án... đảm bảo hoạt động kế toán phản ánh kịp thời, đầy đủ, chính xác với hồ sơ thi hành án của chấp hành viên.
Sự phối hợp giữa các bộ phận trong cơ quan cần thực hiện thường xuyên, để kịp thời phát hiện ra những sai sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và có biện pháp khắc phục.
Trong những khoảng thời gian thiếu nhân lực trầm trọng thì các công chức phải làm thêm những phần việc của người khác ngoài nhiệm vụ riêng của mình thì sự phối hợp trong nội bộ lại càng cần thiết hơn nữa.
5. Đa dạng các phương thức liên hệ với đương sự
Ngoài việc thông báo bắt buộc cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, các công chức của Chi cục đã chủ động đa dạng các phương thức liên hệ với đương sự: bằng cách gửi bưu điện, bằng điện thoại, bằng Zalo, bằng Messenger… Các phương thức liên lạc hiện đại rất thuận tiện trong việc hướng dẫn các thủ tục về thi hành án, ví dụ như: gửi bản PDF các thông báo, gửi mẫu đơn…, đặc biệt trong thời gian dịch Covid-19 tăng cao.
Kết luận
Năm qua, mặc dù có những khó khăn, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Linh cũng gặp những thuận lợi như: sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Huyện ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp của Tòa án các cấp; một số lớn đương sự có thái độ hợp tác, tự nguyện thi hành án … Bằng các biện pháp nêu trên, cơ quan đã hoàn thành chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm.
Qua công tác thi hành án dân sự năm 2022, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Linh đạt được một số kết quả khả quan, nhưng xét kết quả toàn tỉnh thì kết quả của Chi cục chưa cao bằng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hàm Tân, huyện Tuy Phong... Do vậy, trong thời gian tới, toàn thể cơ quan vẫn cần tiếp tục nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu được giao.
Nguyễn Thị Hồng
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Linh.