Sign In

Đà Nẵng chỉ đạo tập trung tổ chức thi hành án các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng năm 2023

23/11/2022

Đà Nẵng chỉ đạo tập trung tổ chức thi hành án các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng năm 2023
Nhằm đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch tổ chức thi hành án các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng năm 2022 và tháo gỡ khó khăn, đưa ra những giải pháp nâng cao kết quả thi hành án liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng năm 2023, góp phần hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Ngày 22/11/2022 Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng tổ chức họp Tổ công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, Ngân hàng.
       Đồng chí Cục trưởng, Trần Phước Thu chủ trì họp cùng các thành viên Tổ công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng Ngân hàng của Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng được kiện toàn theo Quyết định số 1988/QĐ-CTHADS ngày 25/10/2022. Năm 2022 các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phải thi hành án liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng là 933 việc, tương ứng với số tiền là  4.334 tỷ 982 triệu 189 nghìn đồng (chiếm 7.45% về việc và 26.42% về tiền so với tổng số việc và tiền phải thi hành). Kết quả đã thi hành xong 82 việc, tương ứng với số tiền là  647 tỷ 675 triệu 486  nghìn đồng, đạt tỷ lệ 18.3% về việc và 21.53% về tiền (tăng 2.1% về việc và 18.93%  về tiền so sánh với cùng kỳ năm 2021). Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn có một số ít vụ, việc thi hành án có liên quan đến thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 do vướng mắc về pháp lý đối với tài sản nên cơ quan thi hành án chưa thực hiện việc xử lý tài sản.
        Ngay từ đầu năm công tác Cục Thi hành án dân sự thành phố đã chỉ đạo, yêu cầu các Chấp hành viên xây dựng kế hoạch tổ chức thi hành đối với từng vụ, việc và thường xuyên theo dõi, đôn đốc chỉ đạo Chấp hành viên trên địa bàn tổ chức thi hành án liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng. Quá trình tổ chức thi hành án có những thuận lợi: công tác phối hợp và thực hiện Quy chế phối hợp giữa Thi hành án và Ngân hàng đã đạt kết quả tích cực; từ Cục Thi hành án dân sự thành phố đến các Chi cục thi hành án dân sự các quận, huyện đã nhận thức rõ về trách nhiệm tổ chức thi hành án đối với các vụ việc liên quan đến ngân hàng và các tổ chức tín dụng; tích cực, chủ động, quyết liệt hơn trong việc xác minh, kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án; về phía ngân hàng và các tổ chức tín dụng cũng đã chủ động phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan thi hành án dân sự, với các đơn vị liên quan và giải quyết tháo gỡ các vướng mắc trong việc thi hành án. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thi hành án tín dụng, ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Trước hết xuất phát từ tính phức tạp và đặc thù đối với công tác thi hành án dân sự nói chung và đối với loại vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng nói riêng: tài sản thế chấp là xe ô tô rất khó khăn trong quá trình xác minh, truy tìm tài sản; đối với tài sản thế chấp đặc thù là tàu biển, khi cho vay có giá trị cao nhưng khi xử lý tài sản còn giá trị thấp và rất khó bán , phải hạ giá nhiều lần dẫn đến kéo dài thời gian tổ chức thi hành án; đối với tài sản thế chấp là bất động sản quá trình xử lý cũng rất khó khăn do có trường hợp nhà xây dựng không phép, không được cập nhật, chỉnh lý biến động trong Giấy chứng nhận, đất ở nông thôn đứng tên chủ sở hữu là hộ gia đình, nên khi tiến hành xử lý tài sản phải đảm bảo các quy định pháp luật về đất đai để tránh tình trạng đương sự khiếu nại, hơn nữa thị trường bất động sản thời gian gần đây trầm lắng nên việc bán đấu giá tài sản là bất động sản hầu hết phải giảm giá nhiều lần… ngoài ra tài sản thế chấp là cổ phiếu chưa được niêm yết (phát hành nội bộ) quá trình xử lý rất khó khăn, đã giảm giá nhiều lần nhưng không có người mua. Đặc biệt có những vụ, việc Ngân hàng chính sách cho vay xoá đói giảm nghèo, người phải thi hành án có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng chi trả, số tiền cho vay ít mà tài sản lớn và là tài sản duy nhất, nên khó khăn khi kê biên tài sản.
        Phát biểu kết luận Cục trưởng yêu cầu các Chấp hành viên, các đơn vị xây dựng Kế hoạch tổ chức thi hành án liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng. Lãnh đạo các đơn vị tập trung chỉ đạo, thường xuyên đôn đốc việc tổ chức thực hiện Kế hoạch để đẩy nhanh tiến độ thi hành án. Kịp thời rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành từng vụ việc cụ thể, trường hợp không tháo gỡ được báo cáo Lãnh đạo Cục THADS để chỉ đạo, xử lý. Bên cạnh đó, Tổ công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng họp định kỳ 6 tháng, năm để đánh giá kết quả công tác và triến khai công tác thời gian đến của Tổ nhằm nâng cao hiệu quả chỉ đạo tổ chức thi hành án liên quan đến hoạt động tín dung, ngân hàng góp phần hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao của đơn vị.
                                                                       Mai Phương
                                                                  Văn phòng Cục Thi hành án dân sự
 

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: