Nhìn lại lịch sử 77 năm hình thành và phát triển các cơ quan Thi hành án dân sự đến nay đã khẳng định được vị trí, vai trò ngày càng quan trọng trong hệ thống chính trị của Đảng và Nhà nước. Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, qua nhiều thời kỳ và biến động, các cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng đã từng bước vượt qua những khó khăn, có nhiều đổi mới và tiến bộ được thể hiện, khẳng định qua từng năm.
Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ra tuyên cáo công bố danh sách nội các thống nhất quốc gia, trong đó có Bộ Tư pháp, đánh dấu sự ra đời của ngành Tư pháp nước ta. Tiếp đó, tại Sắc lệnh số 33/SL ngày 13/9/1945 đã thành lập các Tòa án quân sự, bước đầu thiết lập hệ thống cơ quan xét xử của chế độ mới. Và vào ngày này của 77 năm về trước, ngày 19/7/1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ban hành Sắc lệnh số 130/SL, một văn bản riêng quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án. Sự kiện này đã đánh dấu sự ra đời của Ngành Thi hành án dân sự. Để ghi nhận bề dày truyền thống, sự lớn mạnh, trưởng thành của hệ thống tổ chức thi hành án dân sự, ngày 05/3/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 397/QĐ-TTg công nhận ngày 19 tháng 7 hàng năm là Ngày truyền thống Thi hành án dân sự. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với các cơ quan thi hành án dân sự và mỗi công chức, người lao động trong các cơ quan Thi hành án dân sự, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với công tác thi hành án dân sự, đó chính là nguồn động viên vô giá đối với mỗi cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan Thi hành án dân sự.
Vào tháng 7 năm 1993, thời điểm bàn giao công tác thi hành án từ Toà án nhân dân sang cơ quan Chính phủ quản lý, tại tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng, hệ thống cơ quan Thi hành án trong tỉnh được Bộ Tư pháp Quyết định thành lập gồm Phòng Thi hành án tỉnh và 16 Đội Thi hành án huyện, thị xã, thành phố. Tổng số Chấp hành viên và cán bộ từ các cơ quan Tòa án chuyển sang các cơ quan Thi hành án là 25 người. Đến tháng 01 năm 1997 tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng được chia tách thành 2 đơn vị hành chính: tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Phòng Thi hành án thành phố được thành lập với 32 biên chế. Số lượng việc thi hành án bàn giao sang các cơ quan Thi hành án thành phố Đà Nẵng quản lý để tiếp tục tổ chức thi hành là 6.934 việc với số tiền phải thu hơn 211 tỷ đồng. Đến nay, Cục Thi hành án dân sự thành phố có 112 biên chế và tổng số việc phải thi hành là 12.477 việc, với số tiền phải giải quyết là gần 17.000 tỷ đồng; cán bộ, công chức toàn thành phố đã từng bước được kiện toàn về số lượng và chất lượng, cán bộ, công chức có sự đoàn kết, đồng sức đồng lòng trong việc xây dựng và phát triển ngành ngày càng vững mạnh. Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng đã đạt được những thành tích trong công tác được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp và UBND thành phố tặng Bằng khen. Tuy nhiên, hiện nay công tác thi hành án dân sự rất khó khăn, phức tạp với số thụ lý ngày càng tăng, áp lực công việc rất lớn đặc biệt là việc tổ chức thi hành án hình sự, kinh tế tham nhũng thu hồi tiền, tài sản cho nhà nước, đòi hỏi cần phải có sự đồng lòng, phối hợp hỗ trợ tích cực của các ngành, các cấp để tháo gỡ khó khăn nhằm nâng cao kết quả thi hành án dân sự trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi Lễ Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh ghi nhận, biểu dương những kết quả của Cục Thi hành án dân sự thành phố và Chi cục Thi hành án dân sự các quận, huyện đạt được trong thời gian qua. Cục Thi hành án dân sự đã làm tốt chức năng tham mưu cho UBND thành phố Đà Nẵng trong việc chỉ đạo công tác thi hành án dân sự theo Luật Thi hành án dân sự quy định, các đồng chí đã chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự thành phố giải quyết tốt các vụ việc thi hành án khó khăn, phức tạp; phối hợp tốt với các Sở, Ban, Ngành để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố. Và cũng rất thấu hiểu, chia sẻ những khó khăn, vất vả trong công tác Thi hành án dân sự, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có những vụ việc phức tạp, giá trị thi hành lớn, khó thi hành.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đề nghị Cục Thi hành án dân sự thành phố và Chi cục Thi hành án dân sự các quận, huyện tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, thực hiện nghiệp vụ tuân thủ nghiêm trình tự, thủ tục quy định; phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và Công an để giải quyết các vụ việc thi hành án giá trị lớn, khó khăn, phức tạp và không để xảy ra vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương.
Đồng chí Trần Phước Thu cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố và cá nhân đồng chí Chủ tịch UBND TP, Trưởng Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự; sự phối hợp có hiệu quả của các cơ quan, Sở, Ban, Ngành, các Đoàn thể và cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc thực hiện công tác Thi hành án dân sự thời gian qua. Đồng thời, tiếp thu toàn bộ các nội dung phát biểu của đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và tiếp tục phát huy truyền thống, công chức, người lao động các cơ quan THADS thành phố, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, qua đó góp tích cực trong việc bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, tạo cơ sở nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Tại buổi lễ, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đã vinh dự nhận Giấy khen của Cục trưởng, ghi nhận những nỗ lực, đóng góp cho trong công tác THADS thời gian qua và những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong đợt thi đua cao điểm chào mừng kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống thi hành án dân sự (19/7/1946 – 19/7/2023) và 30 năm chuyển giao công tác thi hành án dân sự (1993-2023).
Mai Phương
Văn phòng Cục THADS TP Đà Nẵng