Sign In

Các biện pháp ngăn chặn, đảm bảo thi hành án

29/10/2021

Nguồn Báo Đồng Nai:

Các biện pháp ngăn chặn, đảm bảo thi hành án

Cập nhật lúc 22:04, Thứ Tư, 27/10/2021 (GMT+7)

 

Luật Thi hành án (THA) dân sự năm 2018 cho phép chấp hành viên có quyền tự mình hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của đương sự áp dụng ngay biện pháp bảo đảm THA. Còn Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cho phép đương sự yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong giai đoạn nộp đơn, tòa án mới thụ lý đơn khởi kiện hoặc trong giai đoạn xét xử.

Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự H.Cẩm Mỹ kê biên tài sản trong quá trình tổ chức thi hành án tại TT.Long Giao, H.Cẩm Mỹ. Ảnh: Tư liệu
Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự H.Cẩm Mỹ kê biên tài sản trong quá trình tổ chức thi hành án tại TT.Long Giao, H.Cẩm Mỹ. Ảnh: Tư liệu

Luật sư Nguyễn Đức, Hội Luật gia tỉnh cho hay, việc áp dụng các biện pháp bảo đảm, ngăn chặn khẩn cấp trên nhằm mục đích ngăn chặn đương sự có hành vi chuyển quyền sở hữu, sử dụng, tẩu tán, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản, trốn tránh việc THA.

* Áp dụng biện pháp bảo đảm trong THA

Trong năm 2021, toàn ngành THA dân sự tỉnh thụ lý trên 27 ngàn việc; qua phân loại có trên 20 ngàn việc có điều kiện thi hành. Mặc dù bị tác động rất lớn bởi dịch bệnh Covid-19, toàn ngành THA dân sự tỉnh vẫn nỗ lực thi hành xong trên 15 ngàn việc (tỷ lệ 73,33% trong tổng số án có điều kiện thi hành).

Cục THA dân sự tỉnh đánh giá, để có được kết quả này, toàn ngành THADS tỉnh nỗ lực vượt khó, chỉ đạo quyết liệt trong việc thi hành những việc có đủ điều kiện thi hành, cưỡng chế, vận động thuyết phục…, nhất là áp dụng các biện pháp bảo đảm như: phong tỏa tài khoản; tạm giữ tài sản, giấy tờ; tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản nhằm mục đích ngăn chặn đương sự có hành vi chuyển quyền sở hữu, sử dụng, tẩu tán, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản, trốn tránh việc THA theo yêu cầu của đương sự.

Chánh Văn phòng Cục THA dân sự tỉnh Nguyễn Ngọc Cưỡng cho biết, việc phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ được thực hiện trong trường hợp người phải THA có tài khoản, tài sản gửi giữ. Chấp hành viên đang thực hiện nhiệm vụ THA có quyền tạm giữ tài sản, giấy tờ liên quan đến việc THA mà đương sự, tổ chức, cá nhân khác đang quản lý, sử dụng. Trường hợp cần ngăn chặn hoặc phát hiện đương sự có hành vi chuyển quyền sở hữu, sử dụng, tẩu tán, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản, trốn tránh việc THA, chấp hành viên ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của người phải THA, tài sản chung của người phải THA với người khác…

“Việc chấp hành viên có quyền tự mình hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của đương sự áp dụng ngay biện pháp bảo đảm THA trong thời gian qua đã góp phần rất lớn vào việc ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc THA của người phải THA; giúp cho việc thi hành các bản án, phán quyết có hiệu lực của tòa thuận lợi” - ông Nguyễn Ngọc Cưỡng cho hay.

* Khi nào áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời?

Ông P.V.M. (ngụ PTrảng Dài, TP.Biên Hòa) nợ ông H.T.L. (ngụ cùng địa phương) 500 triệu đồng nhưng không chịu trả, dẫn đến việc ông L. khởi kiện ông M. ra tòa để đòi nợ. Ông L. hỏi: “Có biện pháp nào để tránh việc ông M. tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ THA dân sự ngay trong giai đoạn tòa án mới thụ lý đơn khởi kiện của ông không?”.

Luật sư Nguyễn Đức, Hội Luật gia tỉnh giải thích, khi tòa án tiến hành thủ tục tố tụng, pháp luật về tố tụng dân sự đã có quy định về việc ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Biện pháp này cũng nhằm mục đích ngăn ngừa đương sự tẩu tán, trốn tránh nghĩa vụ THA khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Cụ thể, tại Khoản 10, Điều 70, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định, đương sự có quyền đề nghị tòa án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Đồng thời, tại Khoản 1, Điều 111, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cũng quy định, trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của bộ luật này có quyền yêu cầu tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ  tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc THA.

“Theo quy định trên, để tránh trường hợp đương sự có thể tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ THA dân sự, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được THA, pháp luật đã quy định quyền yêu cầu tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 ngay trong giai đoạn nộp đơn, tòa án mới thụ lý đơn khởi kiện hoặc trong giai đoạn xét xử” - luật sư Nguyễn Đức nói.

Ngoài ra, luật sư Nguyễn Đức cho biết thêm, trường hợp cần ngăn chặn hoặc phát hiện đương sự có hành vi chuyển quyền sở hữu, sử dụng, tẩu tán, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản, trốn tránh việc THA, chấp hành viên ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của người phải THA, tài sản chung của người phải THA với người khác. Quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản phải được gửi ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đó (Điều 69, Luật THA dân sự năm 2018).

Đoàn Phú

Các tin đã đưa ngày: