Sign In

Một số vướng mắc trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự

14/09/2021

Khiếu nại, tố cáo là quyền của công dân theo luật định. Giải quyết khiếu nại, tố cáo là trách nhiệm của các cấp chính quyền. Giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo là góp phần thực hiện quyền dân chủ, khẳng định bản chất tốt đẹp của nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.Trong công tác Thi hành án dân sự (THADS), kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo những năm gần đây cho thấy chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được nâng lên rõ rệt; đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đều được xem xét giải quyết kịp thời, đúng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn phát sinh nhiều vướng mắc, làm ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng giải quyết, đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
1. Người có đơn xin rút đơn khi người có thẩm quyền chưa thụ lý
Cơ quan thi hành án nhận được đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết. Trong thời gian người có thẩm quyền đang xem xét đơn (chưa ban hành quyết định, thông báo thụ lý giải quyết khiếu nại, tố cáo) thì đương sự có đề nghị rút đơn khiếu nại, tố cáo. Thông thường các trường hợp này cơ quan thi hành án chưa biết xử lý như thế nào (vì chưa có quy định cụ thể) mà sẽ lưu đơn, tuy nhiên việc không làm gì chưa phải là một hình thức xử lý đơn.
2. Về thời hạn thụ lý đơn khiếu nại
Thông tư 02/2016/TT-BTP quy định “Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại lần đầu hoặc từ ngày nhận được báo cáo, hồ sơ, tài liệu có liên quan của cơ quan THADS cấp dưới đối với đơn khiếu nại lần hai, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải vào sổ thụ lý để giải quyết”. Trong đó Điều 27 Luật khiếu nại 2011 quy định “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền … người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết…” và khoản 1 Điều 36 quy định “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình … người giải quyết khiếu nại lần hai phải thụ lý giải quyết…”.
3. Khiếu nại Thông báo về việc không thụ lý giải quyết đơn khiếu nại
Hiện nay, có nhiều trường hợp đương sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan khiếu nại Thông báo về việc không thụ lý giải quyết đơn khiếu nại của người có thẩm quyền. Thông báo về việc không thụ lý giải quyết đơn khiếu nại là một hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án và nó không thuộc những trường hợp khiếu nại không được thụ lý giải quyết. Tuy nhiên, nếu thụ lý giải quyết thì vô hình dung người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 1 không giải quyết (là do đơn khiếu nại không được thu lý để giải quyết theo quy định tại Điều 141 Luật THADS), nhưng người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 2 lại thụ lý giải quyết, tức là phải xem xét toàn diện quá trình tổ chức thi hành án, quá trình giải quyết đơn khiếu nại để xem xét việc không thụ lý giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 1 là đúng hay sai.
Thực tiễn cho thấy, một số cơ quan thi hành án thụ lý giải quyết vì có quan điểm như đã phân tích ở trên, một số cơ quan thi hành án không thụ lý giải quyết vì cho rằng người có thẩm quyền giải quyết lần 1 đã không có cơ sở thụ lý giải quyết khiếu nại lần 1 thì đương nhiên người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 2 cũng không có căn cứ để giải quyết.
4. Dừng, tạm dừng việc giải quyết khiếu nại
Trong thực tiễn giải quyết khiếu nại, có nhiều trường hợp đương sự khiếu nại nhưng vụ việc thi hành án bị khiếu nại đang được Tòa án thụ lý giải quyết; vụ việc có nhiều quan điểm khác nhau giữa các cơ quan có thẩm quyền; vụ việc chờ ý kiến chỉ đạo từ cơ quan cấp trên, chờ giám định... Đối với các vụ việc này cơ quan thi hành án sẽ dừng việc giải quyết khiếu nại, thậm chí phải dừng cả quá trình tổ chức thi hành án để chờ kết quả, chờ ý kiến chỉ đạo... Tuy nhiên thời hạn giải quyết có hạn; Luật THADS và các văn bản hướng dẫn cũng chưa có quy định về tạm dừng, tạm đình chỉ giải quyết khiếu nại. Do đó, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thường vi phạm về thời hạn giải quyết trong trường hợp này.
5. Việc đình chỉ giải quyết khiếu nại khi người khiếu nại rút đơn
Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư số 02/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp thì “Trường hợp người khiếu nại rút một phần hoặc toàn bộ khiếu nại thì người có thẩm quyền giải quyết ra Thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại đối với nội dung khiếu nại đã rút”. Tuy nhiên, Điều 10 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định “Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại khi nhận được đơn xin rút khiếu nại thì đình chỉ việc giải quyết”. Điều 19, Thông tư 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 quy định: “Người giải quyết khiếu nại ban hành quyết định đình chỉ việc giải quyết khiếu nại trong trường hợp người khiếu nại rút khiếu nại. Quyết định đình chỉ việc giải quyết khiếu nại thực hiện theo Mẫu số 12-KN ban hành kèm theo Thông tư này”.
Như vậy, các văn bản hướng dẫn còn có sự mâu thuẫn khi một bên quy định ra Thông báo đình chỉ, một bên quy định ra Quyết định đình chỉ.
6. Việc thông báo đình chỉ giải quyết khiếu nại
Điều 10 Luật khiếu nại năm 2011 quy định: “Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại khi nhận được đơn xin rút khiếu nại thì đình chỉ việc giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại về việc đình chỉ giải quyết khiếu nại”. Tại khoản 1 Điều 10 Thông tư số 02/2016/TT-BTP quy định “Trường hợp người khiếu nại rút một phần hoặc toàn bộ khiếu nại thì người có thẩm quyền giải quyết ra Thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại đối với nội dung khiếu nại đã rút và thông báo cho người khiếu nại biết”. Tuy nhiên, chưa quy định rõ thông báo bằng văn bản hay bằng hình thức nào, đồng thời, phần biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp chưa có mẫu Thông báo đình chỉ giải quyết khiếu nại để áp dụng chung.
7. Tố cáo người đã giải quyết khiếu nại
Do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, đương sự từ việc khiếu nại - đã được người có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định của pháp luật nhưng không đồng ý và quay sang tố cáo người giải quyết khiếu nại. Mặc dù điểm d khoản 1 Điều 29 Luật tố cáo có quy định “Trường hợp tố cáo xuất phát từ vụ việc khiếu nại đã được giải quyết đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật nhưng người khiếu nại không đồng ý mà chuyển sang tố cáo người đã giải quyết khiếu nại thì chỉ thụ lý tố cáo khi người tố cáo cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ để xác định người giải quyết khiếu nại có hành vi vi phạm pháp luật”, nhưng để xác định được người giải quyết khiếu nại có hành vi vi phạm pháp luật hay không thì cũng cần phải xem xét hồ sơ về quá trình tổ chức thi hành án, quá trình giải quyết khiếu nại để có cơ sở trả lời người tố cáo. Việc xem xét hồ sơ hoặc thụ lý giải quyết trong trường hợp này là hình thức giải quyết nhiều lần cùng một nội dung, mất nhiều thủ tục, thời gian của các cơ quan thi hành án.
8. Người tố cáo
Điều 154 Luật THADS quy định người có quyền tố cáo là “Công dân” và Khoản 4 Điều 2 Luật tố cáo quy định “Người tố cáo là cá nhân thực hiện việc tố cáo”. Xét về phạm vi nghĩa thì cá nhân bao trùm cả công dân. Trong cá nhân gồm có công dân, người nước ngoài và người không quốc tịch. Công dân hẹp hơn cá nhân về nghĩa nhưng lại rộng hơn về một số quyền lợi lẫn nghĩa vụ.
Tại các cơ quan THADS, khi nhận được đơn tố cáo, bất kể người đó là “công dân” hay là “cá nhân” thì người có thẩm quyền đều phải xem xét giải quyết, nhưng hai khái niệm nêu trên cũng cần đồng nhất.
9. Thời hạn giải quyết tố cáo
Điều 157 Luật THADS quy định “thời hạn giải quyết tố cáo là 60 người kể từ ngày thụ lý, đối với vụ việc phức tạp thì có thể dài hơn nhưng không quá 90 ngày”. Luật Tố cáo năm 2018 quy định “Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo. Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày. Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày”.
Thông thường, khi giải quyết tố cáo, các cơ quan thi hành án ưu tiên áp dụng Luật THADS, hơn nữa về mặt thời gian có lợi hơn (không phải ban hành các quyết định gia hạn giải quyết tố cáo), tuy nhiên, cũng vì việc không thống nhất trong việc áp dụng pháp luật mà người tố cáo lại tiếp tục hoặc quay sang tố cáo về thời hạn giải quyết tố cáo của người có thẩn quyền (người tố cáo cho rằng thời hạn giải quyết tố cáo là 30 ngày theo quy định của Luật tố cáo mà người có thẩm quyền giải quyết tố cáo trong THADS lại giải quyết quá thời hạn nêu trên).
Tiêu chí xác định việc khiếu  nại, tố cáo phức tạp, kéo dài (tạm thời) đã được Tổng cục THADS quy định tại Quyết định số 1397/QĐ-TCTHADS ngày 30/12/2016. Tuy nhiên, việc áp dụng để xác định đâu là một việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài của các cơ quan THADS vẫn chưa đồng nhất, đặc biệt là tiêu chí về “Quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo có hiệu lực thi hành; nội dung giải quyết khiếu nại, tố cáo được rà soát kiểm tra và có văn bản trả lời nhưng đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn có đơn khiếu nại, công dân vẫn có đơn tố cáo liên quan đến nội dung đã được giải quyết và Quan điểm của các ngành, các cơ quan còn khác nhau về việc gải quyết khiếu nại” (Điều 3), dẫn đến tình trạng gia hạn thời hạn giải quyết đôi khi còn tùy tiện, không thống nhất. Thậm chí có những vụ việc không được gia hạn bằng văn bản, quyết định mà đương nhiên ra hạn theo luật định.
10. Thẩm quyền giải quyết tố cáo
Tại các cơ quan THADS ở địa phương, Thủ trưởng cơ quan THADS thường phân công Phó thủ trưởng ký thay các văn bản, quyết định về thi hành án. Như vậy xét về mặt thẩm quyền thì vẫn là Thủ trưởng ký, nhưng xét về mặt hành chính nhà nước (hoặc theo quy chế hoạt động của đơn vị), việc Phó thủ trưởng ký thay văn bản cho Thủ trưởng là hoàn toàn đúng. Vấn đề ở đây là người tố cáo tố cáo hành vi của người đã ký ban hành văn bản, quyết định. Vậy ai sẽ là người giải quyết lần 1 trong trường hợp này?
Điều 157 Luật THADS quy định “Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật mà người bị tố cáo thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức nào thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm giải quyết”, nhưng khoản 1 Điều 12 Luật tố cáo lại quy định “Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết”.
Trong trường hợp này nếu áp dụng quy định tại Điều 157 Luật THADS để Thủ trưởng giải quyết là không phù hợp, không đảm bảo tính khách quan dưới góc nhìn của các cơ quan giám sát cũng như của người tố cáo.
Nguyên tắc trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS là “...phải đảm bảo chính xác, khách quan, kịp thời, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về THADS và pháp luật về khiếu nại, tố cáo; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc THADS”. Tuy nhiên vì những nguyên nhân khách quan và chủ quan mà người có thẩm quyền còn gặp nhiều vướng mắc khiến cho quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo bị ảnh hưởng.
Riêng về thể chế, vẫn biết rằng khi xây dựng thể chế, người tham mưu hoặc người ban hành thể chế không thể dự liệu hết được những vấn đề xảy ra và phát sinh trong thực tế, vì cuộc sống luôn luôn biến đổi không ngừng. Tuy nhiên, khi đưa thể chế vào áp dụng trong thực tiễn, có những điểm chưa phù hợp hoặc chưa điều chỉnh đến những vấn đề phát sinh thì cũng cần có những bổ sung để hoàn thiện. Những vướng mắc được nêu trên và còn nhiều những vướng mắc trong thực tiễn khác mặc dù có thể đã được hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể (riêng), nhưng cũng cần có những quy định, hướng dẫn chung mang tính pháp quy để đảm bảo quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo được thuận lợi, thông suốt.


Theo Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Thi hành án dân sự

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: