Sign In

Những điểm mới trong Thông tư số 13/2021/TT-BTP ngày 30/12/2021 của Bộ Tư pháp về giải quyết khiếu nại trong Thi hành án dân sự

12/05/2022

Ngày 30/12/2021, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 13/2021/TT-BTP quy định quy trình xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong Thi hành án dân sự, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/02/2022 và thay thế Thông tư số 02/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp (Thông tư số 02). Thông tư số 13/2021/TT-BTP ngày 30/12/2021 của Bộ Tư pháp (Thông tư số 13) có một số điểm mới, sửa đổi, bổ sung như sau:
1. Về phạm vi điều chỉnh
Nếu phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 02 là đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong THADS thì trong Thông tư số 13, tại Điều 1 quy định “Thông tư này quy định việc tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết đối với đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự”. Như vậy, đơn đề nghị không được xem xét, giải quyết theo thủ tục giải quyết khiếu nại nữa.
2. Về việc tiếp nhận đơn
 Ngoài các nguồn đơn được tiếp nhận như tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 02, khoản 1 Điều 5 Thông tư số 13 còn quy định bổ sung đơn được tiếp nhận từ các nguồn “…thông tin được phản ánh qua đường dây nóng được lập thành văn bản; thông tin kiến nghị, phản ánh từ Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Cổng Thông tin điện tử Thi hành án dân sự và Phần mềm hỗ trợ trực tuyến Thi hành án dân sự được lập thành văn bản hoặc có văn bản đính kèm” cũng được tiếp nhận để phân loại, giải quyết theo thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong THADS.
3. Về việc xử lý đơn khiếu nại
Điều 8 Thông tư số 13 quy định “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, người có thẩm quyền xử lý như sau:…”. Như vậy, thời hạn xử lý đơn được quy định là 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, người có thẩm quyền sẽ có kết quả xử lý đơn bằng các hình thức như ban hành thông báo, văn bản trả lời, Phiếu chuyển đơn, lưu đơn... điều này hoàn toàn khác so với Thông tư số 02 quy định “Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, công chức nghiên cứu nội dung đơn khiếu nại đề xuất người có thẩm quyền xử lý như sau…” - quy định này vô hình dung đã không xem xét đến thời gian từ thời điểm nhận đơn đến thời điểm người có thẩm quyền phân công là bao nhiêu ngày, thời điểm từ khi công chức đề xuất đến khi người có thẩm quyền có quyết định xử lý là bao nhiêu ngày. Thông tư số 13 đã làm rõ được điều này, tuy nhiên, trong thời hạn 05 ngày làm việc để người có thẩm quyền xử lý đơn theo khoản 5 “Trường hợp đơn khiếu nại việc không thụ lý giải quyết khiếu nại của cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới thì người có thẩm quyền xem xét xử lý như sau: a) Nếu việc không thụ lý giải quyết khiếu nại của cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới là có căn cứ thì có văn bản trả lời người khiếu nại; b) Nếu nội dung khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới và đủ điều kiện thụ lý thì có văn bản chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới giải quyết theo quy định, đồng thời thông báo cho người khiếu nại biết.” là rất khó bởi lẽ để xác định được việc không thụ lý giải quyết khiếu nại của cơ quan THADS cấp dưới có căn cứ hay không hoặc có đủ điều kiện để chỉ đạo cơ quan THADS cấp dưới thụ lý thì cần phải xem xét quá trình giải quyết khiếu nại, thậm chí là quá trình tổ chức thi hành án của cơ quan THADS cấp dưới, và để làm được việc này cơ quan THADS cấp dưới cần phải cung cấp thông tin, sao gửi hồ sơ để người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét, quyết định. Dù là gửi bằng hình thức nhanh nhất như scan, Fax thì thời gian 05 ngày để thực hiện việc nghiên cứu, quyết định (cùng với các nhiệm vụ chuyên môn khác) là rất khó. Do đó, sẽ gây nhiều áp lực, thiệt thòi cho cơ quan cấp trên, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
Một vấn đề rất nan giải trong suốt thời gian qua khi Thông tư số 13 chưa được ban hành là việc khiếu nại đối với công văn hướng dẫn, trả lời đơn. Vì chưa có quy định cụ thể nên các cơ quan thi hành án đều phải xem xét, giải quyết, trả lời người khiếu nại. Trong Thông tư số 13, ngay từ khâu xử lý đơn, tại khoản 3 Điều 8 đã quy định “Không xem xét, thụ lý giải quyết đối với đơn khiếu nại về việc hướng dẫn, trả lời đơn”, điểm mới này đã tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức của công chức tham mưu, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
Nếu như Thông tư số 02 quy định “Trường hợp đơn khiếu nại đã được chuyển, hướng dẫn, trả lời, giải quyết theo quy định của pháp luật nhưng đương sự vẫn tiếp tục có đơn khiếu nại cùng nội dung; đơn khiếu nại giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ, nhân danh tập thể, không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại; đơn đồng thời gửi nhiều cơ quan, trong đó đã đề gửi cơ quan có thẩm quyền giải quyết; đơn đã mời người khiếu nại hai lần để xác định nội dung khiếu nại, yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu nhưng người khiếu nại không đến, không cung cấp theo yêu cầu mà không có lý do thì lưu đơn” thì tại khoản 4 Điều 8 Thông tư số 13 quy định, ngoài các trường hợp nêu trên, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thực hiện việc lưu đơn đối với các trường hợp sau:
c) Đơn viết bằng tiếng nước ngoài không kèm bản dịch được công chứng;
d) Đơn có nội dung chống đối đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc có nội dung chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo;
đ) Đơn có lời lẽ thô tục, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín của cá nhân, cơ quan, tổ chức;
e) Đơn rách nát, chữ viết bị tẩy xóa, không rõ, không thể đọc được;
h) Đơn không xác định rõ người bị khiếu nại, hành vi bị khiếu nại mà đã mời người khiếu nại hợp lệ hai lần để xác định nội dung khiếu nại hoặc đã có văn bản yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu nhưng người khiếu nại không đến không cung cấp theo yêu cầu mà không có lý do chính đáng.
Đây là những điểm hoàn toàn mới so với Thông tư số 02. Đặc biệt, việc quy định lưu đơn đối với “Đơn có nội dung chống đối đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc có nội dung chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo; Đơn có lời lẽ thô tục, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín của cá nhân, cơ quan, tổ chức” là một quy định thiết thực nhằm bảo vệ danh dự, uy tín của Chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan THADS, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
Theo quy định, khiếu nại, tố cáo là quyền của đương sự, của cá nhân, luôn luôn được nhà nước bảo vệ - điều này cũng nhằm hạn chế sự quan liêu, lợi dụng chức vụ quyền hạn của cán bộ, công chức, thủ trưởng và người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo các cơ quan THADS. Tuy nhiên, nhiều người vì lợi dụng quyền hạn của mình, không nắm được quy định pháp luật thi hành án, quy trình giải quyết đơn thư, ngay từ khi có đơn đã có những lời lẽ xúc phạm, thậm chí là rất thậm tệ đến danh dự, uy tín của Chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại – điều này đã dẫn đến tình trạng người bị khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có tâm lý chán nản, bức xúc gay gắt, mất uy tín, thậm chí là mất cả cơ hội trong bầu cử, ứng cử. Quy định lưu đơn đối với 02 trường hợp nêu trên một phần vẫn bảo vệ quyền lợi của người có đơn, một phần cũng là biện pháp xử lý nhanh gọn đối với những đơn có nội dung không phù hợp về văn hóa ứng xử, đồng thời hướng đến xây dựng một nền văn hóa thi hành án văn minh, xây dựng một xã hội công bằng, phát triển.
Tại khoản 4 Điều 8 Thông tư số 13 cũng quy định “Thời hạn lưu đơn là 01 năm, hết thời hạn lưu đơn thì xem xét quyết định việc tiêu hủy đơn theo quy định của pháp luật.” Đây cũng là một quy định mới nhằm giảm tải được số lượng đơn lưu kho trong khi số lượng đơn thuộc thẩm quyền, đơn đủ điều kiện xem xét giải quyết ngày một nhiều.
Một điểm mới trong Thông tư số 13 là quy định về trường hợp "Người khiếu nại có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc ủy quyền cho người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại. Việc ủy quyền phải bằng văn bản và được chứng thực hoặc công chứng. Trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại" (khoản 6 Điều 8). Quy định này đã mở rộng hơn cho đương sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan thực hiện quyền của mình.
4. Về việc rút khiếu nại
Khoản 1 Điều 10 Thông tư 13 quy định “…trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu rút khiếu nại, người giải quyết khiếu nại đình chỉ giải quyết đối với nội dung khiếu nại đã rút …”; “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có thông báo đình chỉ mà người khiếu nại có đơn khiếu nại trở lại thì người có thẩm quyền thụ lý và giải quyết khiếu nại theo quy định”. Như vậy, thời hạn đã được ấn định là 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu rút khiếu nại, người giải quyết khiếu nại đình chỉ giải quyết đối với nội dung khiếu nại đã rút và trong thời hạn 30 ngày nếu người khiếu nại có đơn khiếu nại trở lại thì người có thẩm quyền thụ lý và giải quyết theo quy định (Thông tư số 02 không quy định thời hạn giải quyết và quy định “việc giải quyết khiếu nại kết thúc khi có thông báo đình chỉ” - khoản 1 Điều 10). Điểm mới này tạo điều kiện và bảo về quyền lợi cho người khiếu nại là sau khi rút khiếu nại vẫn có quyền làm đơn khiếu nại trở lại trong thời hạn luật định.
5. Trường hợp người khiếu nại chết
Trước đây, Thông tư số 02 chưa quy định đối với trường hợp người khiếu nại chết thì sẽ xử lý như thế nào nhưng trong Thông tư số 13, tại khoản 3 Điều 9 quy định “Trường hợp đang giải quyết khiếu nại mà người khiếu nại chết thì người giải quyết khiếu nại đình chỉ giải quyết khiếu nại đối với người đã chết. Nếu quyền, nghĩa vụ về thi hành án của người đó được thừa kế theo quy định của pháp luật thì người thừa kế có quyền khiếu nại; người thừa kế khi khiếu nại phải xuất trình giấy tờ chứng minh quyền thừa kế của mình”. Đây là điểm hoàn toàn mới.
6. Ra quyết định giải quyết khiếu nại
Về việc ra quyết định giải quyết khiếu nại, tại khoản 2 Điều 13 Thông tư số 13 bổ sung thêm trường hợp được gia hạn thời hạn giải quyết khiếu nại đối với “Trường hợp ở vùng sâu, vùng xa, đường sá xa xôi, đi lại khó khăn…thì thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại”. 
7. Về việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại
Khoản 2 Điều 14 Thông tư số 13 quy định thời hạn thực hiện việc công khai quyết định giải quyết khiếu nại được quy định là 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định giải quyết khiếu nại, thời hạn được quy định dài hơn so với quy đinh tại Thông tư số 02 “trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày ra quyết định giải quyết khiếu nại…”. Ngoài ra, việc gửi quyết định giải quyết khiếu nại được bổ sung thêm trường hợp “gửi cho cơ quan cấp trên trực tiếp” là bắt buộc.


Theo Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Thi hành án dân sự

Các tin đã đưa ngày: