Nghị định 138/2020/NĐ-CP bãi bỏ toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật sau: Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 93/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm, cán bộ công chức lãnh đạo. Đồng thời, Nghị định 138/2020/NĐ-CP bãi bỏ một phần các văn bản quy phạm pháp luật sau: Điều 1 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; Điều 11 Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ quy định những người là công chức.
So với các văn bản trước đó, Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định một số điểm mới liên quan trực tiếp đến công chức trong Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về cơ quan quản lý công chức
Nghị định 138/2020/NĐ-CP cơ bản kế thừa quy định của Nghị định 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 , tuy nhiên đã quy định cụ thể đối với các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương là cơ quản lý công chức, bổ sung Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào cơ quan quản lý công chức. Cụ thể cơ quan quản lý công chức bao gồm:
“a) Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương;
b) Tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương;
c) Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước;
d) Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
đ) Bộ, cơ quan ngang Bộ và các tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập;
e) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.
Thứ hai, về tuyển dụng công chức
1. Điều kiện dự tuyển công chức
Tại Điều 4 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định đối với cơ quan sử dụng công chức xác định các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển thì các điều kiện này phải “phù hợp với khung năng lực vị trí việc làm nhưng không thấp hơn các tiêu chuẩn chung, không được trái với quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo và báo cáo bằng văn bản để cơ quan quản lý công chức xem xét, quyết định”
Trong khi đó, tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 sửa đổi, bổ sung Điều 4 Nghị định 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 quy định đối với cơ quan sử dụng công chức xác định các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển thì các điều kiện này “không được trái với quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, trường công lập, trường ngoài công lập và báo cáo cơ quan quản lý công chức phê duyệt trước khi tuyển dụng”
Như vậy, từ ngày 01/12/2020, điều kiện dự tuyển công chức phải phù hợp với khung năng lực vị trí việc làm và không thấp hơn các tiêu chuẩn chung.
2. Ưu tiên trong tuyển dụng công chức
Theo Điều 5 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định đối tượng và điểm ưu tiên trong thi tuyển công chức như sau:
“a) Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B: Được cộng 7,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2;
b) Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp phục viên, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của thương binh loại B, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động: Được cộng 5 điểm vào kết quả điểm vòng 2;
c) Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, đội viên thanh niên xung phong: Được cộng 2,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2.”.
Như vậy, so với Nghị định 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2020 thì quy định mới đã bãi bỏ trường hợp được cộng điểm ưu tiên đối với con của người hoạt động cách mạng trước tổng khởi nghĩa (từ Điều 519 tháng 8 năm 1945 trở về trước), đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ.
Đồng thời bổ sung trường hợp cộng 5 điểm ưu tiên đối với phục viên, học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị.
3. Thi tuyển công chức
Vòng 1: Thi kiểm tra kiến thức, năng lực chung
Theo Điều 8 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định vòng 1 - kiểm tra kiến thức, năng lực chung được thực hiện trên máy vi tính. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức chưa có điều kiện tổ chức thi trên máy vi tính thì thi trắc nghiệm trên giấy. Nội dung các phần thi có thay đổi như sau:
Đối với Phần I - Kiến thức chung
Nội dung bao gồm “60 câu hỏi hiểu biết chung về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính nhà nước; công chức, công vụ và các kiến thức khác để đánh giá năng lực trong thời gian thi 60 phút”.
So với quy định tại Điều 4 Nghị định 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010(hết hiệu lực từ ngày 01/12/2020) thì phần I đã bãi bỏ nội dung thi về “chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ngành, lĩnh vực tuyển dụng; chức trách, nhiệm vụ của công chức theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển”.
Vòng 2: Chuyên môn nghiệp vụ
Tại Điều 8 Nghị định 138/2020/NĐ-CP “căn cứ vào tính chất, đặc điểm và yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định một trong 03 hình thức thi vòng 2 như sau:Phỏng vấn; Viết; Kết hợp phỏng vấn và viết’”.
Về nội dung thi sẽ bao gồm “kiểm tra kiến thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật về ngành, lĩnh vực tuyển dụng; kỹ năng thực thi công vụ của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển”
Về thời gian: “thi phỏng vấn 30 phút (trước khi thi phỏng vấn, thí sinh dự thi có không quá 15 phút chuẩn bị); thi viết 180 phút (không kể thời gian chép đề). Trường hợp lựa chọn hình thức thi kết hợp phỏng vấn và viết thì thời gian thi phỏng vấn và thời gian thi viết tương tự như thi riêng từng phần.
Trong khi đó, tại Điều 4 Nghị định 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2020 chỉ quy định 02 hình thức thi vòng 2 là phỏng vấn hoặc viết với nội dung gồm kiến thức, năng lực, kỹ năng thực thi công vụ.
Như vậy, từ ngày 01/12/2020, vòng 2 thi tuyển công chức sẽ có thêm hình thức kết hợp phỏng vấn và viết. Đồng thời, nội dung về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật về ngành, lĩnh vực tuyển dụng sẽ được chuyển sang thi tại vòng 2 thay vì vòng 1 như trước đây.
4. Chế độ tập sự đối với công chức
a) Thời gian tập sự
Điểm c khoản 2 Điều 20 Nghị định 138/2020/NĐ-CP bổ sung thêm nội dung về thời gian tập sự: “Trường hợp người tập sự nghỉ ốm đau hoặc có lý do chính đáng dưới 14 ngày mà được người đứng đầu cơ quan, đơn vị nơi người được tuyển dụng vào công chức đang thực hiện chế độ tập sự đồng ý thì thời gian này được tính vào thời gian tập sự”
b) Chế độ, chính sách với người tập sự
Điều 22 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định công chức tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của ngạch tuyển dụng tương ứng với trình độ đào tạo trong các trường hợp sau:
“- Làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (trước đây quy định làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn);
- Làm việc trong các ngành, nghề độc hại nguy hiểm;
- Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp phục viên, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị, đội viên thanh niên xung phong, đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ (bổ sung thêm đối tượng là học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị)”.
5. Đối tượng xét tuyển công chức
Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định cụ thể đối tượng xét tuyển công chức
“1.Việc tuyển dụng công chức thông qua hình thức xét tuyển do cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định và được thực hiện riêng đối với từng nhóm đối tượng sau đây:
a) Người cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
b) Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học;
c) Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.
2. Việc tuyển dụng đối với nhóm đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ”.
Thứ ba, về xét nâng ngạch công chức
Đây là quy định mới nhằm hướng dẫn quy định của Luật cán bộ, công chức được sửa đổi năm 2019, cụ thể Điều 31 Nghị định 138/2020/NĐ-CP nêu rõ:
“Công chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại các điểm a, b và c khoản 3 Điều 30 Nghị định này thì được xét nâng ngạch công chức trong các trường hợp sau đây:
a) Có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ, được cấp có thẩm quyền công nhận;
b) Được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm”.
Về “thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ” và các nội dung khác về nâng nghạch công chức cũng đươc nêu rõ tại Nghị định này.
Thứ tư, về bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý
1) Thời hạn giữ chức vụ
Nghị định 138/2020/NĐ-CP kế thừa quy định của Nghị định 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2020, Quyết định 27/2003/QĐ-TTg ngày 19/02/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các doanh nghiệp nhà nước, theo đó thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cho mỗi lần bổ nhiệm là 05 năm, tính từ thời điểm quyết định bổ nhiệm có hiệu lực, trừ trường hợp thời hạn dưới 05 năm theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Điều 41 Nghị định 138/2020/NĐ-CP đã bổ sung thêm quy định: “Thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được quá hai nhiệm kỳ liên tiếp được thực hiện theo quy định của Đảng và pháp luật chuyên ngành’
2) Xin chủ trương bổ nhiệm
Nghị định 138/2020/NĐ-CP đã bổ sung thêm nội dung về việc xin chủ trương, thời hạn khi bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý, cụ thể khoản 1, Điều 46 nêu rõ:
“a) Cơ quan, tổ chức có nhu cầu bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý phải trình cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm bằng văn bản về chủ trương, số lượng, nguồn nhân sự và dự kiến phân công công tác đối với nhân sự được dự kiến bổ nhiệm;
b) Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về chủ trương bổ nhiệm chậm nhất sau 10 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan, tổ chức;
c) Chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày có văn bản đồng ý về chủ trương bổ nhiệm của cấp có thẩm quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải tiến hành quy trình lựa chọn nhân sự theo quy định”.
Như vậy, từ ngày 01/12/2020, đối với tất cả các trường hợp bổ nhiệm mới chức vụ lãnh đạo, quản lý đều phải xin chủ trương và trong thời hạn quy định.
Ngoài ra, Nghị định 138/2020/NĐ-CP cũng đã quy định cụ thể các nội dung liên quan đến bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý như: trình tự, thủ tục bổ nhiệm công chức từ trung ương tới địa phương (quy trình bổ nhiệm nhân sự tại chỗ, uy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự từ nơi khác đến…); tiêu chuẩn, điều kiên, thẩm quyền, hồ sơ bổ nhiệm……
Thứ năm, về bổ nhiệm lại công chức lãnh đạo, quản lý
Nghị định 138/2020/NĐ-CP kế thừa quy định của Nghị định 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2020, Quyết định 27/2003/QĐ-TTg ngày 19/02/2003 của Thủ tướng Chính phủ về bổ nhiệm lại công chức lãnh đạo, quản lý, tuy nhiên bổ sung thêm quy định Các trường hợp chưa thực hiện quy trình bổ nhiệm lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, cụ thể khoản 5 Điều 49 nêu rõ:
“ a) Công chức lãnh đạo, quản lý đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử;
b) Công chức lãnh đạo, quản lý đang trong thời gian được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cử đi học tập, công tác ở nước ngoài từ 03 tháng trở lên;
c) Công chức lãnh đạo, quản lý đang trong thời gian điều trị nội trú từ 03 tháng trở lên tại các cơ sở y tế hoặc đang trong thời gian nghỉ chế độ thai sản”.
Ngoài ra, Nghị định 138/2020/NĐ-CP cũng đã quy định cụ thể các nội dung liên quan đến bổ nhiệm lại công chức lãnh đạo, quản lý như: tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục, thẩm quyền, hồ sơ… bổ nhiệm lại.
Thứ sáu, về luân chuyển công chức lãnh đạo, quản lý
a) Đối tượng, phạm vi luân chuyển
Bên cạnh việc kế thừa quy định của Nghị định 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2020 về luân chuyển công chức lãnh đạo, quản lý phải nằm trong quy hoạch của cơ quan, tổ chức, Điều 55 Nghị định 138/2020/NĐ-CP còn bổ sung thêm 02 trường hợp luân chuyển:
“b) Công chức lãnh đạo, quản lý giữ các chức vụ cấp trưởng mà theo quy định không được giữ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan;
c) Công chức lãnh đạo, quản lý mà theo quy định không được bố trí người địa phương.”
Việc luân chuyển phải: “2.Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, quy hoạch, kế hoạch sử dụng công chức, công chức lãnh đạo, quản lý được luân chuyển trong hệ thống các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; 3. Chức danh bố trí luân chuyển thực hiện theo chủ trương của Đảng và của cấp có thẩm quyền”.
b) Bổ sung quy định về Điều kiện về độ tuổi luân chuyển (khoản 4 Điều 56)
“- Còn thời gian công tác ít nhất hai nhiệm kỳ (10 năm) tính từ thời điểm đi luân chuyển;
- Riêng công chức lãnh đạo, quản lý luân chuyển để thực hiện quy định không được bố trí người địa phương và để thực hiện quy định không được giữ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị thì phải còn đủ thời gian công tác ít nhất một nhiệm kỳ”.
c) Bổ sung quy định Thời gian luân chuyển (Điều 60)
Thời gian luân chuyển ít nhất 3 năm (36 tháng) đối với một lần luân chuyển. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
d) Bổ sung quy định về đánh giá, nhận xét đối với công chức luân chuyển (Điều 62)
“1. Định kỳ 6 tháng, hằng năm hoặc theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền, cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, tổ chức tiến hành nhận xét, đánh giá công chức luân chuyển đến; báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
2. Khi hết thời gian luân chuyển:
a) Công chức luân chuyển tự kiểm điểm về quá trình công tác trong thời gian luân chuyển;
b) Tập thể lãnh đạo và cấp ủy cơ quan, tổ chức nhận xét, đánh giá công chức luân chuyển trong thời gian công tác tại địa phương, cơ quan, tổ chức;
c) Cấp có thẩm quyền quyết định luân chuyển nhận xét, đánh giá”.
đ) Bổ sung quy định về Bố trí công chức sau luân chuyển (Điều 63)
“Việc xem xét bố trí, phân công công chức sau luân chuyển phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tế, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, tổ chức gắn với trách nhiệm cá nhân của công chức được luân chuyển và kết quả nhận xét, đánh giá cán bộ”.
e) Bổ sung quy định về Chế độ, chính sách đối với công chức luân chuyển (Điều 64) như:
“1. Công chức luân chuyển đến vị trí công tác khác mà phụ cấp chức vụ mới thấp hơn phụ cấp chức vụ đảm nhiệm trước khi luân chuyển thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ hiện hưởng trong thời gian luân chuyển.
2. Công chức luân chuyển đến làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.
3. Công chức luân chuyển được hưởng các chính sách về bố trí nhà ở công vụ, hỗ trợ đi lại, sinh hoạt phí và các chính sách khác (nếu có)…
4. Công chức luân chuyển có thành tích đặc biệt xuất sắc (có sáng kiến, sản phẩm công tác cụ thể được cấp có thẩm quyền công nhận) được xem xét nâng lương trước thời hạn theo quy định của pháp luật; được ưu tiên khi xem xét bố trí công tác sau luân chuyển”.
Ngoài ra, Nghị định 138/2020/NĐ-CP cũng đã quy định cụ thể các nội dung liên quan đến luân chuyển công chức lãnh đạo, quản lý như: tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thẩm quyền, trách nhiệm, hồ sơ… luân chuyển.
Thứ bảy, về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ
Đây là quy định mới của Nghị định 138/2020/NĐ-CP để cụ thể hóa quy định của Luật cán bộ, công chức sửa đổi năm 2019, như: Chính sách về đào tạo, bồi dưỡng; Chính sách về môi trường làm việc, trang thiết bị làm việc; Chính sách về quy hoạch, bổ nhiệm; Chính sách về tiền lương, chế độ phúc lợi và các chính sách khác…
Thứ tám, về thi nâng ngạch công chức
a) Hình thức thi nâng ngạch công chức
Việc thi nâng ngạch công chức Điều 37 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định được thực hiện chỉ có duy nhất 01 vòng thi thay vì trước đây Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đã quy định bao gồm 2 vòng thi riêng biệt.
b) Về phân công tổ chức thi nâng ngạch
Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định thêm nội dung về thầm quyền của Bội Nội vụ, không chỉ có ban hành Nội quy, Quy chế tổ chức kỳ thi nâng ngạch công chức như trước đây, Bộ Nội vụ còn “chủ trì xây dựng và cung cấp ngân hàng câu hỏi, đáp án thi môn kiến thức chung cho các kỳ thi nâng ngạch công chức”.
c) Về bổ nhiệm vào ngạch công chức
Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định lại việc bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên cáo cấp hoặc tương đương, bổ sung thêm nội dung việc bổ nhiệm vào ngạch đối với ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương, ngạch chuyên viên hoặc tương đương, ngạch cán sự hoặc tương đương, cụ thể Điều 40 nêu rõ:
“a) Đối với ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương:
Người đứng đầu cơ quan quản lý công chức ra quyết định bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với công chức trúng tuyển sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ (đối với các cơ quan nhà nước) hoặc Ban Tổ chức Trung ương (đối với các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội).
b) Đối với ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương, ngạch chuyên viên hoặc tương đương, ngạch cán sự hoặc tương đương:
Người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định theo thẩm quyền hoặc phân cấp việc quyết định bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với công chức trúng tuyển kỳ nâng ngạch”.
Trên đây là một số điểm mới liên quan đến công chức trong Nghị định 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức (có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2020).
Theo Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Thi hành án dân sự