Thứ nhất, để phù hợp với quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014, liên quan đến trách nhiệm chỉ đạo việc yêu cầu thi hành án, Nghị định quy định:
Hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được thi hành án đối với khoản tiền, tài sản thuộc sở hữu nhà nước không yêu cầu thi hành án thì cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp; cơ quan đại diện chủ sở hữu của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó có trách nhiệm chỉ đạo việc yêu cầu thi hành án.
Thứ hai, về thời hiệu yêu cầu thi hành án
Để giải quyết thực tiễn phát sinh một số doanh nghiệp phải “chuyển giao bắt buộc, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp” mà chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án, dẫn đến việc yêu cầu thi hành án khi đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án. Nghị định đã bổ sung trường hợp trên vào một trong những trở ngại khách quan, không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 4.
Bên cạnh đó, Điều 92 Bộ luật Dân sự có quy định về việc chuyển đổi hình thức của pháp nhân thành pháp nhân khác (theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì có quy định về việc “chuyển đổi loại hình doanh nghiệp”. Trong đó, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp bao gồm việc chuyển đổi từ công ty TNHH sang công ty cổ phần hoặc ngược lại, doanh nghiệp tư nhân sang công ty TNHH).…
Cụ thể, Nghị định quy định:
“Trở ngại khách quan là trường hợp đương sự không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; đương sự đi công tác ở vùng biên giới, hải đảo mà không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn; tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức hoặc đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế; tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi hình thức, chuyển giao bắt buộc, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp mà chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật hoặc do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan, cá nhân khác dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn.”
Do chỉnh lý quy định tại điểm b khoản 3 Điều 4 nên quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 4 (về các tài liệu chứng minh trở ngại khách quan đối với tổ chức) cũng đã được chỉnh lý cho phù hợp, đồng thời, bỏ cụm từ “
đối với tổ chức phải thi hành án” để phù hợp với quy định tại điểm b khoản 3 Điều 4 Nghị định và sửa đổi tài liệu chứng minh trong trường hợp này là “
văn bản hợp pháp chứng minh thời gian chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án”. Cụ thể: “Đối với trường hợp hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi hình thức, chuyển giao bắt buộc, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp thì phải có văn bản hợp pháp chứng minh thời gian chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án.”
Thứ ba, về chủ động ra quyết định thi hành án
Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định:
“1. Thủ trưởng cơ quan THADS ra một quyết định thi hành án chung cho các khoản thuộc diện chủ động thi hành trong một bản án, quyết định, trừ trường hợp: a) Trong một bản án, quyết định có khoản chủ động về trả lại tiền, tài sản thì ra một quyết định thi hành án đối với mỗi người được thi hành án; b) Trong một bản án, quyết định có nhiều người phải thi hành nhiều khoản chủ động khác nhau thì ra một quyết định thi hành án chung cho các khoản thuộc điện chủ động thi hành án đối với mỗi người phải thi hành án”
. Tuy nhiên, chưa quy định rõ việc ra quyết định thi hành án như thế nào trong trường hợp
trong một bản án, quyết định có người vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ. Đồng thời, cách quy định như hiện hành gây khó hiểu và dễ bị hiểu lầm, do đó, Nghị định số 33/2020/NĐ-CP cơ bản giữ nguyên tinh thần về cách thức ra quyết định thi hành án chủ động đối với từng khoản cụ thể như hiện hành. Tuy nhiên, thiết kế lại cho phù hợp hơn, đồng thời, bổ sung thêm quy định tại điểm c về trường hợp
một người vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ thì ra một quyết định thi hành án đối với người đó để giải quyết vướng mắc trên thực tế. Cụ thể:
“Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án chung đối với các khoản thuộc diện chủ động thi hành trong một bản án, quyết định, trừ các trường hợp sau đây:
a) Có người được trả lại tiền, tài sản thì ra một quyết định thi hành án đối với người đó.
b) Có người phải thi hành nhiều khoản khác nhau thì ra một quyết định thi hành án đối với người đó.
c) Một người vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ thì ra một quyết định thi hành án đối với người đó.”
Bên cạnh đó, liên quan đến các khoản thu khác cho Nhà nước thuộc diện chủ động thi hành án, khoản 3 Điều 6 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định:
“Các khoản thu khác cho Nhà nước quy định tại điểm c khoản 2 Điều 36 Luật THADS thuộc diện chủ động ra quyết định thi hành án bao gồm khoản truy thu thuế; khoản viện trợ cho Nhà nước và các khoản bồi thường cho Nhà nước trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; các khoản thu khác nộp trực tiếp vào ngân sách nhà nước”.
Trên thực tế, có trường hợp các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là người được thi hành án trong các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn nhưng lại không làm đơn yêu cầu thi hành án, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của Nhà nước
[1]. Ngoài ra, các loại tội kinh tế, tham nhũng có nhiều khung hình phạt, nếu chỉ quy định khung “đặc biệt nghiêm trọng” là chưa đủ, chưa thu tiền cho nhà nước được triệt để và gây khó khăn cho cơ quan THADS trong việc phải xác định “loại tội phạm” (ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng) trước khi chủ động ra quyết định thi hành án.
Để khắc phục vướng mắc trên, đảm bảo việc thu hồi tiền cho nhà nước, Nghị định số 33/2020/NĐ-CP quy định bổ sung khoản thuộc diện chủ động ra quyết định thi hành án tại điểm c khoản 2 Điều 36 Luật THADS bao gồm cả
khoản tiền bồi thường cho cơ quan nhà nước, doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng ở tất cả các khung hình phạt. Cụ thể:
“Các khoản thu khác cho Nhà nước thuộc diện cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành án quy định tại điểm c khoản 2 Điều 36 Luật thi hành án dân sự bao gồm: khoản truy thu thuế; khoản viện trợ cho Nhà nước; khoản bồi thường cho Nhà nước, cơ quan Nhà nước hoặc doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng; khoản thu nộp trực tiếp vào ngân sách nhà nước.”
Thứ tư, về ra quyết định thi hành án theo yêu cầu
Việc áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP về trường hợp nhiều người được nhận một tài sản cụ thể hoặc nhận chung một khoản tiền theo bản án, quyết định, nhưng chỉ có một hoặc một số người có yêu cầu thi hành án hiện nay đang gặp nhiều vướng mắc, cụ thể:
- Về nội dung quyết định thi hành án: Cơ quan THADS có ra quyết định thi hành án cho người được yêu cầu có bao gồm toàn bộ phần nghĩa vụ cho tất cả những người được thi hành án hay không?
- Quy định hiện hành yêu cầu phải thông báo cho những người được thi hành án chưa có đơn biết để họ yêu cầu thi hành án trong thời hạn 30 ngày. Vậy, nếu trong thời hạn 30 ngày, nếu họ làm đơn thì xử lý như thế nào? Có ra quyết định thi hành án hay không? Có ra quyết định thi hành án mới hay không trong khi đã có Quyết định thi hành án thể hiện đầy đủ nội dung khoản phải thi hành.
Liên quan đến nội dung này, tại Điều 289 Bộ luật dân sự về thực hiện nghĩa vụ đối với nhiều người có quyền liên đới quy định: “Nghĩa vụ đối với nhiều người có quyền liên đới là nghĩa vụ mà theo đó
mỗi người trong số những người có quyền đều có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Bên có nghĩa vụ có thể thực hiện nghĩa vụ của mình đối với bất cứ ai trong số những người có quyền liên đới
[2]. Như vậy, trong trường hợp này, mỗi người trong số những người liên đới cùng được nhận một khoản tiền, tài sản sẽ có quyền yêu cầu cơ quan THADS tổ chức thi hành án; cơ quan THADS tổ chức thi hành và trả lại tiền, tài sản cho bất cứ ai trong số những người có yêu cầu thi hành án. Đồng thời, căn cứ Điều 11 Bộ luật Dân sự
[3] quy định về các phương thức bảo vệ quyền dân sự, Tòa án nhân dân đã giải thích về thời hiệu và quyền yêu cầu thi hành án của đương sự tại bản án, quyết định. Như vậy, để bảo vệ quyền lợi của mình, đương sự phải thể hiện ý chí của mình bằng việc gửi yêu cầu thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Trường hợp họ không yêu cầu thi hành án thì không nên quy định cơ quan THADS có trách nhiệm phải thực hiện việc thông báo cho họ.
Mặc dù vậy, do nội dung của bản án xác định quyền liên đới và không thể tách rời nên các nội dung trong quyết định thi hành án cũng phải có nội dung tương tự. Nghĩa là cơ quan THADS phải ra quyết định thi hành án có cả tên của những người chưa có yêu cầu. Do đó, Nghị định đã quy định rõ hơn về việc ra quyết định thi hành án trong trường hợp này. Cụ thể:
“Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án cho mỗi yêu cầu thi hành án. Trường hợp trong bản án, quyết định có một người phải thi hành án cho nhiều người và các đương sự yêu cầu thi hành án vào cùng thời điểm thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án chung cho nhiều yêu cầu.
Trường hợp nhiều người được nhận một tài sản cụ thể hoặc nhận chung một khoản tiền theo bản án, quyết định, nhưng chỉ có một hoặc một số người có yêu cầu thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án theo đúng nội dung bản án, quyết định.”
Các nội dung liên quan đến việc thực hiện giao tiền, tài sản trong trường hợp này được đưa về khoản 1 Điều 49 (về thanh toán tiền, trả tài sản) cho thống nhất.
Thứ năm, về căn cứ từ chối yêu cầu thi hành án
Quy định viện dẫn điểm a, khoản 5, Điều 31 Luật THADS là quá rộng. Do đó, Nghị định chỉ rõ quy định tại khoản 4 Điều 7 để hướng dẫn quy định về trường hợp “bản án, quyết định không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các đương sự” theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 31 Luật THADS.
Bên cạnh đó, Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định:
“4. Cơ quan THADS từ chối yêu cầu thi hành án theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 31 Luật THADS trong trường hợp bản án, quyết định không xác định cụ thể người phải thi hành án và nghĩa vụ phải thi hành”. Như vậy, với quy định hiện hành, để từ chối yêu cầu thi hành án thì phải đồng thời đáp ứng 02 điều kiện: bản án, quyết định không xác định cụ thể người phải thi hành án và nghĩa vụ phải thi hành.
Tuy nhiên, trên thực tế, trường hợp không xác định “
nghĩa vụ phải thi hành” thì cơ quan THADS không thể tổ chức thi hành án nên cần từ chối yêu cầu thi hành án. Nhưng ngược lại, có một số trường hợp
“không xác định cụ thể người phải thi hành án” nhưng nghĩa vụ phải thi hành là đã được xác định thì vẫn cần chấp nhận yêu cầu thi hành án. Do đó, Nghị định số 33/2020/NĐ-CP đã quy định rõ:
“Cơ quan thi hành án dân sự từ chối yêu cầu thi hành án đối với bản án, quyết định không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các đương sự theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 31 Luật thi hành án dân sự trong trường hợp bản án, quyết định không xác định rõ khoản phải thi hành hoặc không xác định rõ người phải thi hành án, trừ các trường hợp:
a) Giao quyền sở hữu, sử dụng, quản lý tài sản mà tại thời điểm yêu cầu thi hành án, người được thi hành án không được trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản;
b) Giao quyền nuôi dưỡng người chưa thành niên mà tại thời điểm yêu cầu thi hành án, người được thi hành án không được trực tiếp nuôi dưỡng;
c) Giao quyền thăm nom, chăm sóc người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người không có khả năng lao động cho người được thi hành án không trực tiếp nuôi dưỡng.”