Sign In

CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRONG THI HÀNH ÁN DÂN SỰ - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP ( Nguyễn Hữu Đức - Phó trưởng Phòng NV & TCTHA)

29/05/2018

Khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân, cũng là một trong những hình thức dân chủ trực tiếp để nhân dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân
Khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân, cũng là một trong những hình thức dân chủ trực tiếp để nhân dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân, đây là quyền hiến định của công dân được Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 ghi nhận. Được đánh giá là một trong những kênh thông tin quan trọng góp phần vào việc hoàn thiện hoạt động quản lý nhà nước, những năm qua, công tác tiếp nhận, xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng. Hệ thống pháp luật qui định về vấn đề này ngày càng được hoàn thiện, bảo đảm việc khiếu nại, tố cáo của công dân được xem xét kịp thời, đúng chính sách, pháp luật, góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy, duy trì trật tự, kỷ cương pháp luật, giữ vững ổn định tình hình chính trị - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, hiện nay ở một số ngành, một số lĩnh vực nhất định, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn đang có chiều hướng phức tạp cả về số lượng lẫn tính chất; nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp, chưa bảo đảm đúng trình tự, thủ tục cũng như thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo (một vụ việc khiếu nại nhưng gửi cho rất nhiều cơ quan, cả Trung ương và địa phương) và thi hành án dân sự là một trong những lĩnh vực nằm trong xu hướng như vậy.
Thực tế cho thấy, công tác thi hành án dân sự là hoạt động đặc thù có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, trực tiếp ảnh hưởng đến quyền về tài sản, nhân thân của các bên đương sự và những người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Việc tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án sẽ làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ về tài sản của các bên đương sự trên thực tế. Chính vì vậy, nhiều trường hợp đương sự luôn cảm thấy bức xúc trước những quyết định, hành vi của Thủ trưởng, Chấp hành viên thi hành án khi họ thực thi nhiệm vụ. Mọi thủ tục của cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thực hiện điều có thể bị khiếu nại. Tất cả các khâu trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự, từ việc nhận đơn yêu cầu thi hành án, ra quyết định, thông báo, xác minh, cưỡng chế thi hành án, trả tiền thi hành án… đến giai đoạn kết thúc việc thi hành án đều có thể làm phát sinh khiếu nại, tố cáo. Từ tính chất công việc phức tạp như vậy, việc khiếu nại, tố cáo trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự là điều khó tránh khỏi.
 Kể từ khi Luật Thi hành án dân sự năm 2008 ra đời, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được đề cao, coi trọng, đây một nhiệm vụ quan trọng trong công tác thi hành án dân sự. Với việc tăng cường, tập trung giải quyết và chỉ đạo giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là các vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài, hạn chế phát sinh mới, chú trọng tiến độ, thời hạn, chất lượng giải quyết, tăng cường đối thoại, giải thích, giáo dục, thuyết phục, việc khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số lãnh đạo chi cục thi hành án dân sự chưa thật sự coi trọng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, còn có tình trạng đùn đẩy, né tránh; việc phân công bố trí người làm công tác tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế về nghiệp vụ; công tác tiếp dân ở một số chi cục thi hành án dân sự cấp huyện tuy có duy trì nhưng chưa được thường xuyên, hiệu quả. Một số đơn vị giải quyết khiếu nại, tố cáo, chưa chặt chẽ, làm cho đương sự bức xúc khiếu nại, tố cáo nhiều lần, vượt cấp.
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự, như trường hợp người phải thi hành án có điều kiện thi hành án nhưng vẫn cố tình chây ỳ, không tự nguyện thi hành, hay đương sự không hiểu trình tự, thủ tục thi hành án hoặc lợi dụng quyền tự do dân chủ của công dân, làm đơn khiếu nại, tố cáo không đúng qui định nhằm trì hoãn việc thi hành án. Nhiều trường hợp khiếu nại, tố cáo đã được cơ quan thi hành án dân sự giải quyết khiếu nại hết thẩm quyền nhưng các đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại gửi đến nhiều ngành, nhiều cấp từ Trung ương đến địa phương, gây xáo trộn, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan thi hành án dân sự, có trường hợp làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Tuy vậy, vẫn phải thấy rằng, còn khá nhiều trường hợp người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có khiếu nại, tố cáo mà nguyên nhân xuất phát từ chính sự chủ quan, sai sót về quy trình, thủ tục của Chấp hành viên; một số lãnh đạo chi cục thi hành án dân sự trước đây quản lý lỏng lẻo, không tập trung kiểm tra, đôn đốc, theo dõi và chỉ đạo dẫn đến phức tạp, kéo dài. Trong đó, có những vụ điển hình như: Vụ Phùng Thị Kim Oanh; Vụ Trần Thị Hiền; vụ Võ Thị Hiền; Vụ Tô Ngọc Sơn, Lê Thị Bắc;...
Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, để thực hiện tốt việc quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới cần thực hiện tốt những nội dung cơ bản sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự, về khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự cho quần chúng nhân dân. Tạo điều kiện thuận lợi để quần chúng nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về thi hành án dân sự, giúp họ tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong lĩnh vực thi hành án dân sự; góp phần hạn chế việc khiếu nại, tố cáo không đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết, khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp trái với qui định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở địa phương.
Hai là, tăng cường, quán triệt sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự cho Thủ trưởng, Chấp hành viên và công chức làm công tác thi hành án dân sự, nhất là đối với Thủ trưởng các đơn vị. Bởi vì, Thủ trưởng có quan tâm đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thì mới có kế hoạch, biện pháp thúc đẩy nhiệm vụ này.
Ba là, đối với các trường hợp lợi dụng khiếu nại, tố cáo để kích động, gây rối; khiếu nại, tố cáo sai sự thật thì phải tiến hành làm rõ, xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Cần quy định chế tài đối với hành vi cố tình khiếu nại, tố cáo không đúng sự thật. Điều này giúp cho người khiếu nại, tố cáo thận trọng hơn về việc khiếu nại, tố cáo của mình, chỉ khi nào thật sự cần thiết, chắc chắn rằng quyết định, hành vi đó của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên có căn cứ là trái pháp luật, họ mới tiến hành việc khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, điều này cũng góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức về pháp luật thi hành án dân sự đối với đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Bốn là, khắc phục sự bất cập của những qui định pháp luật chung và pháp luật chuyên ngành để thống nhất cách hiểu và áp dụng pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự.
Năm là, chú trọng giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng thời hạn, đúng pháp luật ngay từ cơ sở, hạn chế đến mức thấp nhất khiếu nại, tố cáo mới phát sinh, khiếu nại vượt cấp; đảm bảo việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phải tuân thủ các qui định pháp luật về thi hành án dân sự và pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Sáu là, tăng cường tập huấn cho cán bộ, công chức làm công tác thi hành án, nhất là những cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện đúng những quy định của pháp luật về thi hành án, hạn chế đến mức thấp nhất những khiếu nại, tố cáo phát sinh trong quá trình tổ chức việc thi hành án.
Bảy là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về thi hành án dân sự, nhất là những nơi có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, thiếu sót trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, để giải quyết nhanh chóng, dứt điểm, công khai, khách quan các vụ việc; kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận kiểm tra, thanh tra, quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo một cách nghiêm túc, kịp thời.
Tám là, nắm vững tình hình, nguyên cứu và kịp thời phản ánh với Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp và các cơ quan có thẩm quyền những vấn đề thực tiễn đặt ra và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tóm lại, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự nói riêng trong thời gian qua đã được Đảng và nhà nước chú trọng. Luật Thi hành án dân sự năm 2008 ra đời đã dành trọn một chương, 20 điều để quy định trình tự, thủ tục, cách thức giải quyết khiếu nại, tố cáo, điều đó đã phản ánh được tầm quan trọng của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự. Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Hiện nay, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hệ thống Thi hành án dân sự, làm tốt nhiệm vụ này, các cơ quan thi hành án dân sự sẽ đóng góp vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của ngành, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, tiến tới xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh. Muốn đạt được kết quả như vậy, các cơ quan thi hành dân sự phải thực sự coi trọng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời phải khắc phục kịp thời những bất cập, tồn tại trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đối với mỗi cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự cần phải thường xuyên học tập, trau dồi đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp để hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh sự nổ lực của đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn Hệ thống Thi hành án dân sự thì trách nhiệm của Đảng, Nhà nước cũng cần tạo ra những cơ chế, chính sách pháp luật đúng đắn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hệ thống Thi hành án dân sự. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thi hành án dân sự nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự và thực hiện tốt nhiệm vụ, chỉ tiêu do Quốc hội, chính phủ giao. Từ đó, góp phần hoàn thiện, xây dựng một chính phủ kiến tạo, minh bạch, liêm chính và phục vụ như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu và đặt ra đối với nền hành chính nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Các tin đã đưa ngày: