Thông tư số 17/2010/TT-BTP ngày 11/10/2010 của Bộ Tư pháp quy định phân cấp quản lý công chức, công chức lãnh đạo cơ quan quản lý thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án dân sự ra đời và có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2010. Đến nay, qua hơn 04 năm triển khai thực hiện cho thấy bên cạnh những kết quả đạt được thì Thông tư số 17/2010/TT-BTP còn một số tồn tại, bất cập. Để tiếp tục hoàn thiện thể chế về tổ chức cán bộ, phân công rành mạch, rõ trách nhiệm giữa các cơ quan trong việc quản lý về tổ chức cán bộ thi hành án dân sự, ngày 26/6/2015, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 09/2015/TT-BTP có hiệu lực kể từ ngày 10/8/2015 để thay thế Thông tư số 17/2010/TT-BTP.
Nhìn chung, về cơ bản Thông tư số 09/2015/TT-BTP vẫn giữ nguyên về bố cục, các nội dung chủ yếu theo Thông tư số 17/2010/TT-BTP nhưng có sửa đổi, bổ sung thêm một số điểm mới như sau:
Thứ nhất, về bố cục: Thông tư số 09/2015/TT-BTP quy định gồm có 03 chương, 12 Điều (Thông tư số 17/2010/TT-BTP có 03 chương, 10 Điều), trong đó có quy định thêm Thẩm quyền của Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự (Điều 6) và Trách nhiệm của Chánh thanh tra Bộ Tư pháp (Điều 9)).
Thứ hai, về phạm vi điều chỉnh: Thông tư 09/2015/TT-BTP mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh bao gồm cả công chức, công chức lãnh đạo cơ quan Thi hành án dân sự và người lao động trong cơ quan thi hành án dân sự (Thông tư số 17/2010/TT-BTP mới chỉ giới hạn trong phạm vi điều chỉnh công chức, công chức lãnh đạo cơ quan Thi hành án dân sự, chưa đề cập đến người lao động trong cơ quan thi hành án dân sự).
Thứ ba, về thẩm quyền phân cấp quản lý liên quan đến công chức, công chức lãnh đạo của cơ quan thi hành án dân sự địa phương, cụ thể:
- Phân cấp cho Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự quản lý đối với chức danh Phó cục trưởng từ khâu quy hoạch đến bổ nhiệm; Quản lý hồ sơ công chức của Cục trưởng, Phó cục trưởng và công chức giữ ngạch Chấp hành viên cao cấp và tương đương thuộc Cục Thi hành án dân sự.
- Phân cấp cho Cục trưởng thực hiện một số nội dung về công tác tổ chức cán bộ:
+ Nâng bậc lương thường xuyên, cho hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề đối với Phó cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (trừ Phó cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh)
+ Quản lý toàn diện đối với Trưởng phòng chuyên môn từ khâu quy hoạch đến bổ nhiệm, luân chuyển, điều động...
+ Điều động, luân chuyển, biệt phái đối với công chức Cục Thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc trong phạm vi địa phương.
Như vậy, Thông tư số 09/2015/TT-BTP quy định vừa cụ thể, vừa rõ ràng về thẩm quyền quản lý liên quan đến công tác tổ chức cán bộ. Tuy nhiên, Thông tư lại chưa quy định thẩm quyền nâng bậc lương trước thời hạn đối với Phó cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (trừ Phó cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh).