Theo Điều 81 Luật Thi hành án dân sự quy định về thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ:
“Trường hợp phát hiện người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định thu khoản tiền đó để thi hành án. Người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án có nghĩa vụ giao nộp tiền cho Chấp hành viên để thi hành án. Chấp hành viên lập biên bản thu tiền, cấp biên lai cho người thứ ba đang giữ tiền và thông báo cho người phải thi hành án. Trường hợp người thứ ba đang giữ tiền không ký vào biên bản thì phải có chữ ký của người làm chứng”
Trong quá trình tổ chức thi hành án, chấp hành viên xác minh thấy người phải thi hành án (là một công ty chứng khoán) có tiền trong tài khoản của quỹ hỗ trợ thanh toán do Trung tâm lưu ký chứng khoán quản lý. Đây có phải là trường hợp chấp hành viên được áp dụng điều 81 Luật thi hành án dân sự để buộc Trung tâm lưu ký chứng khoán chuyển số tiền đang quản lý trong quỹ hỗ trợ thanh toán của người phải thi hành án cho cơ quan thi hành án để thi hành hay không?
Một vụ việc cụ thể như sau: Chi cục Thi hành án dân sự quận A tổ chức thi hành án mà người phải thi hành án là công ty cổ phần chứng khoán X
Khoản phải thi hành án:
Công ty cổ phần chứng khoán X phải nộp án phí KDTM-ST: 115.337.646 đồng và thanh toán cho người được thi hành án số tiền 7.337.646.185 đồng
Quá trình xác minh, Chấp hành viên biết công ty X được Ủy ban chứng khoán Nhà nước cấp giấy đăng ký kinh doanh và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã cung cấp:
“ – công ty X đã tự nguyện chấm dứt tư cách thành viên lưu ký với VSD từ 31/12/2013;
- Hiện tại số tiền công ty X đã đóng góp Quỹ hỗ trợ thanh toán khoảng 6,3 tỷ đồng. Số tiền này VSD sẽ khấu trừ nợ của công ty X và hoàn trả cho công ty X sau khi công ty X hoàn tất thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận Thành viên lưu ký. Số tiền công ty X nợ VSD đến thời điểm hiện tại khoảng 342 triệu đồng và số nợ hàng tháng phát sinh ( cho đến khi hoàn tất việc thu hồi Giấy chứng nhận thành viên lưu ký ) khoảng 4,8 triệu đồng/tháng.”
Căn cứ Điều 81 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014, Chấp hành viên Chi cục thi hành án dân sự quận A đã ban hành Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp: thu tiền của người phải thi hành án là Công ty cổ phần chứng khoán X đang do người thứ ba giữ là VSD. Số tiền thu giữ là 5.958.000.000đ (Năm tỷ, chín trăm năm mươi tám triệu đồng), đang do VSD giữ để thi hành án.
Tuy nhiên, VSD không thực hiện Quyết định cưỡng chế của Chi cục Thi hành án dân sự quận A và có văn bản trả lời viện dẫn các quy định của Luật chứng khoán cho rằng công ty X chỉ được nhận lại số tiền đóng vào quỹ hỗ trợ thanh toán khi Công ty bị thu hồi Giấy chứng nhận thành viên lưu ký (khi đó mới có thể thực hiện Quyết định cưỡng chế nêu trên). VSD chỉ thực hiện theo luật chứng khoán và không có căn cứ để thực hiện theo Quyết định cưỡng chế.
Khi nghiên cứu vụ việc này, tác giả đã tìm hiểu các quy định pháp luật về quỹ hỗ trợ thanh toán. Theo đó, tại Thông tư số 05/2015/TT-BTC ngày 15/01/2015 của Bộ Tài chính về việc Hướng dẫn hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán, Điều 46. Quản lý quỹ hỗ trợ thanh toán, quy định:
1. Quỹ hỗ trợ thanh toán được hình thành từ các khoản đóng góp bằng tiền của các thành viên lưu ký theo mức cố định ban đầu và mức đóng góp hàng năm.
2. Tiền đóng góp vào quỹ hỗ trợ thanh toán thuộc sở hữu của thành viên lưu ký và được VSD quản lý tách biệt với tài sản của VSD. Thành viên lưu ký chỉ được hoàn trả lại số tiền đóng góp quỹ hỗ trợ thanh toán khi thành viên lưu ký đó bị thu hồi Giấy chứng nhận thành viên lưu ký theo quy định tại quy chế nghiệp vụ của VSD.
Điều 6 Quyết định số 45/QĐ-VSD ngày 22/5/2014 của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam về việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ thanh toán quy định “việc sử dụng tiền hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ thanh toán do VSD trực tiếp thực hiện trong trường hợp Thành viên lưu ký mất khả năng thanh toán tiền giao dịch chứng khoán”
Như vậy, có thể thấy bản chất việc sử dụng quỹ hỗ trợ thanh toán như là quỹ dự phòng rủi ro khi công ty chứng khoán bị mất khả năng thanh toán tiền giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư có tài khoản tại công ty chứng khoán. Số tiền trong tài khoản của quỹ hỗ trợ thanh toán để đảm bảo cho khả năng thanh toán của công ty chứng khoán khi hoạt động trên sàn giao dịch chứng khoán, và số tiền này chỉ có thể được trả lại khi công ty chứng khoán thực hiện các thủ tục để thu hồi Giấy chứng nhận thành viên lưu ký tức là khi công ty chứng khoán đã hoàn tất các nghĩa vụ tài chính. Để đảm bảo cho các nhà đầu tư có tài khoản tại công ty chứng khoán, VSD buộc phải giữ số tiền trong quỹ hỗ trợ thanh toán cho đến khi công ty chứng khoán hoàn tất các thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận thành viên lưu ký mặc dù công ty chứng khoán đã tự nguyện chấm dứt tư cách thành viên lưu ký.
Khi số tiền dùng để đảm bảo cho một nghĩa vụ khác thì Chấp hành viên có thể áp dụng Điều 81 Luật thi hành án dân sự để buộc người thứ ba đang quản lý tài khoản đó phải chuyển tiền cho cơ quan thi hành án không? Theo quan điểm của tác giả bài viết, quỹ hỗ trợ thanh toán được VSD sử dụng như một tài khoản đảm bảo cho nghĩa vụ của của công ty chứng khoán đối với các nhà đầu tư có tài khoản mở tại công ty chứng khoán, bản chất của nó cũng không khác gì tài khoản của công ty mở tại ngân hàng dùng để đảm bảo một nghĩa vụ thanh toán cho một hợp đồng đầu tư. Tài khoản này chỉ dùng để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán đối với hợp đồng này và chỉ được giải tỏa sau khi hoàn tất hợp đồng. Tương tự, số tiền công ty chứng khoán đã đóng góp vào quỹ hỗ trợ thanh toán do VSD quản lý chỉ được trả lại cho công ty khi mà công ty thực hiện các thủ tục để hoàn tất các nghĩa vụ với tư cách là thành viên lưu ký.
Như vậy, không thể áp dụng Điều 81 Luật thi hành án dân sự để buộc Trung tâm lưu ký chứng khoán chuyển số tiền thành viên lưu ký đóng góp vào quỹ hỗ trợ thanh toán do Trung tâm lưu ký chứng khoán quản lý cho cơ quan thi hành án để thi hành khi công ty chứng khoán vẫn chưa hoàn tất các thủ tục để Trung tâm lưu ký chứng khoán thu hồi Giấy chứng nhận thành viên lưu ký.
Công ty X tự nguyện chấm dứt tư cách thành viên lưu ký với VSD từ 31/12/2013 nhưng đến nay vẫn chưa làm thủ tục để thu hồi Giấy chứng nhận thành viên lưu ký. Trên thực tế, Công ty X đã không còn là thành viên lưu ký nhưng VSD vẫn đang quản lý tiền công ty X đóng góp vào quỹ hỗ trợ thanh toán. Theo quan điểm của tác giả đây là bất cập của luật chứng khoán và các văn bản hướng dẫn hiện hành. Đề xuất góp ý sửa đổi luật theo hướng khi thành viên lưu ký tự nguyện chấm dứt tư cách thành viên thì VSD thu hồi Giấy chứng nhận thành viên lưu ký rồi sau đó VSD sẽ khấu trừ nợ của thành viên lưu ký từ quỹ hỗ trợ thanh toán và hoàn trả số tiền còn lại cho thành viên lưu ký. Khi đó, chấp hành viên mới có thể áp dụng Điều 81 Luật Thi hành án dân sự để buộc VSD chuyển số tiền đang giữ của thành viên lưu ký để thi hành án. Hiện nay, khi đang chờ Luật chứng khoán sửa đổi, chấp hành viên xác minh thấy tiền của người phải thi hành án trong quỹ hỗ trợ thanh toán do VSD quản lý thì gửi công văn đề nghị VSD thông báo cho cơ quan thi hành án biết khi VSD thu hồi giấy chứng nhận thành viên lưu ký và tạm giữ số tiền còn lại sau khi người phải thi hành án đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính tại VSD.
Ths.Quỳnh