1.Quy định pháp luật về tổ chức thi hành án đối với nghĩa vụ liên đới
Theo quy định tại khoản Điều 7 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS, đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 33/ 2020/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định số 62/2015/NĐ-CP); Điều 1 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC) thì đối với trường hợp thi hành quyền, nghĩa vụ liên đới, cơ quan thi hành án dân sự (THADS) ra một quyết định thi hành án chung cho những người có quyền, nghĩa vụ liên đới.Trường hợp người được thi hành án chỉ yêu cầu một hoặc một số người trong những người phải thi hành án thực hiện toàn bộ nghĩa vụ liên đới thì cơ quan THADS ra quyết định thi hành án đối với người đó.
Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên nghĩa vụ liên đới nhưng không xác định hoặc xác định rõ phần nghĩa vụ của từng người, thì trong quá trình tổ chức thi hành án, cơ quan THADS có quyền yêu cầu một hoặc một số người bất kỳ có điều kiện thi hành án trong số những người phải thi hành án thực hiện toàn bộ nghĩa vụ liên đới. Người đã thực hiện thay phần nghĩa vụ thi hành án có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ liên đới khác thanh toán lại phần nghĩa vụ mà người đó đã thực hiện thay cho họ theo quy định của pháp luật dân sự. Trường hợp người được thi hành án có ý kiến bằng văn bản đồng ý cho một hoặc một số người trong số những người phải thi hành nghĩa vụ liên đới không thi hành phần nghĩa vụ của họ thì phần nghĩa vụ không yêu cầu thi hành án được đình chỉ theo quy định[1].
Theo đó, trong trường hợp thi hành nghĩa vụ liên đới thì một hoặc một số người trong số những người phải thi hành án đã thi hành xong phần nghĩa vụ của mình mà có điều kiện thi hành thì Chấp hành viên vẫn có quyền yêu cầu họ phải thi hành phần nghĩa vụ thay cho người khác (người không có điều kiện thi hành án) trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì có thể bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án[2].
2. Những bất cập từ thực tiễn tổ chức thi hành nghĩa vụ liên đới.
Mặc dù Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 (Luật THADS) và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có các quy định về thi hành nghĩa vụ liên đới, tuy nhiên, việc tổ chức thi hành án đối với nghĩa vụ dân sự liên đới trong thực tiễn vẫn còn nhiều bất cập.
Một là: Khó tổ chức thi hành nghĩa vụ liên đới
Thực tiễn tổ chức thi hành án cho thấy, việc thực hiện nghĩa vụ liên đới là rất khó khăn, đặc biệt là đối với trường hợp bản án, quyết định đã xác định rõ nghĩa vụ của từng người (nghĩa vụ liên đới đã phân chia theo phần),
Ví dụ: A, B, C cùng bị xử phạt tù về hành vi cố ý gây thương tích cho D, Tòa án tuyên buộc cả A, B, C phải cùng liên đới bồi thường cho D số tiền 90.000.000 đồng, trong đó phần của A, B, C mỗi người là 30.000.000đ. Sau khi chấp hành hình phạt tù, A, B bỏ đi khỏi địa phương, không xác định được địa chỉ, tại địa phương cũng không có bất cứ tài sản gì để thi hành án. Chỉ có mình C trở về cư trú tại địa phương và bị kê biên tài sản để thi hành án cho toàn bộ nghĩa vụ là 90.000.000 đồng. Theo quy định của pháp luật, sau khi đã thực hiện thay phần nghĩa vụ thi hành án C có quyền yêu cầu A, B thanh toán lại phần nghĩa vụ C đã thực hiện thay. Tuy nhiên, trong trường hợp này thì C sẽ yêu cầu A, B hoàn lại như thế nào và ai sẽ bảo về quyền lợi cho C?
Thực tế, việc yêu cầu một hoặc một số người bất kỳ có điều kiện thi hành án trong số những người phải thi hành án thực hiện toàn bộ nghĩa vụ liên đới thường chỉ có thể thực hiện được nếu họ tự nguyện thi hành thay cho người khác. Trường hợp họ không tự nguyện thi hành thay thì rất khó có thể thực hiện được vì họ đã thi hành xong phần nghĩa vụ của mình theo quyết định của bản án, để họ thi hành tiếp phần nghĩa vụ của người khác là rất khó khăn. Trong những trường hợp này, người phải thi hành án thường không tự nguyện thi hành, thậm chí còn khiếu nại gay gắt, chống đối việc thi hành án[3].
Một vấn đề đặt ra là sau khi một người đã thực hiện thay phần nghĩa vụ thi hành án cho những người khác thì người đó sẽ yêu cầu những người khác hoàn lại như thế nào? Mặc dù Điều 288 BLDS năm 2015 có quy định“Trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình.”Tuy nhiên hành trình khởi kiện để đòi thanh toán khoản tiền này là rất gian nan, và khả năng thu hồi gần như là bằng không, nhất là khi người được thi hành thay không hề có điều kiện thi hành án.
Hai là: Vướng mắc trong việc đình chỉ thi hành án liên quan đến nghĩa vụ liên đới
Điểm a Điều 50 Luật THADS quy định: Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án chết không để lại di sản hoặc theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế. Tuy nhiên việc đình chỉ thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án trong trường hợp thi hành nghĩa vụ liên đới bị chết theo quy định tại Điều 50 Luật THADS còn có nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng trường hợp một trong số những người có nghĩa vụ liên đới chết mà không để lại tài sản và cũng không có người thừa kế thì không có căn cứ để đình chỉ thi hành án (vì nghĩa vụ đó vẫn có người liên đới có trách nhiệm thực hiện); Quan điểm khác lại cho rằng: vẫn đình chỉ được việc thi hành án (đối với nghĩa vụ của người phải thi hành án mà bản án, quyết định đã xác định nghĩa vụ của từng người), còn đối với trường hợp nghĩa vụ liên đới không phân chia được theo phần thì không đình chỉ thi hành án được. Do còn có nhiều quan điểm và cách hiểu khác nhau nên việc áp dụng pháp luật chưa thống nhất, đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này.
Theo quy định tại Điều 11 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC:Trường hợp người được thi hành án chỉ yêu cầu một hoặc một số người trong những người phải thi hành án thực hiện toàn bộ nghĩa vụ liên đới thì cơ quan THADS ra quyết định thi hành án đối với người đó. Theo đó, đối với trường hợp người có nghĩa vụ liên đới chết mà người được thi hành án yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ liên đới thi hành toàn bộ nghĩa vụ thì ai sẽ là người thực hiện phần nghĩa vụ hoàn lại cho người đã thi hành toàn bộ nghĩa vụ?
Quy định này cũng gặp vướng mắc khi thực hiện chuyển giao nghĩa vụ thi hành án. Theo Điều 54 Luật THADS và Điều 15 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì trường hợp người được thi hành án, người phải thi hành án là cá nhân chết thì quyền, nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao cho người khác theo quy định của pháp luật về thừa kế. Tuy nhiên, trong trường hợp một người đã thi hành nghĩa vụ liên đới mà muốn yêu cầu những người thừa kế của người có nghĩa vụ liên đới khác hoàn trả phần nghĩa vụ mà họ đã thực hiện thay thì phải thực hiện như thế nào? Theo quy định thì trường hợp này có thể phải khởi kiện ra Tòa án để thụ lý giải quyết theo một vụ việc khác, tuy nhiên việc khởi kiện tại Tòa án là rất gian nan và sẽ là “ bất hợp lý” đối với người có ý thức chấp hành pháp luật đã thi hành xong nghĩa vụ của mình nhưng vẫn phải thi hành thay cả phần của những người có nghĩa vụ liên đới.
Do đó, đa số quan điểm cho rằng, khi xét xử, giải quyết các vụ án Tòa án không nên áp dụng cứng nhắc việc nhận định và buộc thi hành phần nghĩa vụ dân sự liên đới, mà nên xác định cụ thể nghĩa vụ của từng người trong khối nghĩa vụ liên đới – nhận định rõ trong Bản án, Quyết định để thuận lợi cho việc tổ chức thi hành án, đảm bảo quyền lợi của người có quyền và người có nghĩa vụ.
Đối với việc một trong số những người có nghĩa vụ liên đới bỏ địa phương, đi đâu không xác định được địa chỉ hoặc chết (không để lại tài sản và cũng không có người thừa kế) - cần có hướng dẫn thi hành đối với trường hợp này[4]. Mặt khác đối với nghĩa vụ liên đới đã phân chia được theo phần cần có phương án giải quyết phù hợp như có thể tuyên rõ trong bản án đối với nghĩa vụ liên đới đã phân chia theo phần, người đã thi hành xong phần nghĩa vụ của mình không phải thi hành thay phần nghĩa vụ của người khác, đảm bảo tính khả thi trong việc thi hành án[5] và cũng đảm bảo quyền lợi cho những người phải thi hành án có ý thức chấp hành pháp luật, đã tự nguyện thi hành xong nghĩa vụ thi hành án của mình.
Ba là: Vướng mắc trong ủy thác thi hành án đối với nghĩa vụ liên đới
Theo Điều 55 Luật THADS, trường hợp thi hành nghĩa vụ liên đới mà người phải thi hành án cư trú hoặc có tài sản ở các địa phương khác nhau thì Thủ trưởng cơ quan THADS ủy thác toàn bộ nghĩa vụ thi hành án đến cơ quan THADS thuộc một trong các địa phương nơi người phải thi hành án có điều kiện thi hành.
Trường hợp những người phải thi hành nghĩa vụ liên đới có tài sản ở nhiều nơi, cơ quan THADS thực hiện ủy thác theo thứ tự quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP( được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 33/2020/NĐ-CP) để lựa chọn nơi ủy thác thi hành án. Cụ thể: Thứ nhất,theo thỏa thuận của đương sự; Thứ hai, nơi có tài sản đủ để thi hành án; Thứ ba: Nơi có tổng giá trị tài sản lớn nhất[6].
Trường hợp ủy thác thi hành nghĩa vụ liên đới mà người phải thi hành án cư trú hoặc có tài sản ở nhiều địa phương khác nhau mà tài sản ở địa phương nhận ủy thác không đủ để thi hành án thì cơ quan THADS nơi nhận ủy thác có quyền áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án đối với tất cả những người, tài sản có liên quan đến việc thi hành án để tránh trường hợp tẩu tán, trốn tránh việc thi hành án (Điều 34 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP).
Tuy nhiên, việc xác định được nơi có điều kiện thi hành ánvẫn còn có nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian do việc xác minh điều kiện thi hành án phải tiến hành ở nhiều địa phương khác nhau. Việc lựa chọn nơi để ủy thác đối với các trường hợp nhiều người cùng liên đới thực hiện nghĩa vụ cũng gặp vướng mắc do chưa có quy định pháp luật cụ thể trong việc xác định giá trị tài sản cũng như chi phí cho việc xác định giá trị tài sản đối với các trường hợp này. Do đó, đề nghị xem xét bỏ điều kiện “tài sản ở địa phương nhận ủy thác không đủ để thi hành án” mà quy định ngắn gọn: “Trường hợp ủy thác thi hành nghĩa vụ liên đới mà người phải thi hành án cư trú hoặc có tài sản ở nhiều địa phương khác nhau thì cơ quan THADS nơi nhận ủy thác có quyền áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án đối với tất cả những người, tài sản có liên quan đến việc thi hành án để tránh trường hợp tẩu tán, trốn tránh việc thi hành án” (Điều 34 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP) để tăng thẩm quyền cho cơ quan thi hành án và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật đối với những trường hợp này.
Bốn là: Về việc xác nhận kết quả thi hành án đối với trường hợp thi hành nghĩa vụ liên đới.
Theo khoản 2 Điều 6 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ( sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 33/2020/ NĐ-CP) trường hợp thi hành nghĩa vụ liên đới thì thủ trưởng cơ quan THADS ra một quyết định thi hành án chung cho những người có quyền, nghĩa vụ liên đới. Trường hợp người được thi hành án chỉ yêu cầu một hoặc một số người trong những người phải thi hành án thực hiện toàn bộ nghĩa vụ liên đới thì Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định thi hành án đối với người đó( Khoản 2 điều 1 Thông tư số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC). Vậy trong trường hợp thi hành nghĩa vụ liên đới mà một người đã thi hành toàn bộ nghĩa vụ cho những người còn lại thì việc xác nhận kết quả thi hành án đối với các đối tượng còn lại sẽ được thực hiện như thế nào? Đây là một vấn đề cần có hướng dẫn cụ thể hơn. Có quan điểm cho rằng: Cần bổ sung quy định trên về việc ra quyết định thi hành án, bởi vì khi theo quy định tại Điều 53 Luật THADS “đương sự có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự xác nhận kết quả thi hành án” ,( đương sự bao gồm người được thi hành án và người phải thi hành án[7]) nếu cơ quan thi hành án chỉ ra quyết định thi hành án đối với một người trong số những người có nghĩa vụ liên đới sẽ không có căn cứ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của những người có nghĩa vụ liên đới còn lại. Do đó đối với trường hợp người được thi hành án chỉ yêu cầu một người thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì quyết định thi hành án vẫn cần ghi rõ tất cả những người có nghĩa vụ liên đới để đảm bảo tính liên đới và có căn cứ xác định quyền và nghĩa vụ của họ đối với việc thi hành án, đồng thời cũng là căn cứ để thực hiện việc xác nhận kết quả thi hành án sau này.
Mục đích của việc xác định nghĩa vụ liên đới nhằm đảm bảo tối đa quyền và lợi ích của người bị thiệt hại. Tuy nhiên để đảm bảo thi hành nghĩa vụ này trong thực tiễn cần có những giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật để nâng cao hiệu quả thi hành án đối với những vụ việc này.
Ths. Hoàng Thanh Hoa
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Xuyên, Hà Nội
[1]Điều 11 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC
[6] TS. Nguyễn Xuân Thu & Ths. Nguyễn Thị Phíp( đồng chủ biên), giáo trình Nghiệp vụ Thi hành án Dân sự Tập 2,NXB Tư pháp, năm 2016, trang 24