Sign In

Nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác thi hành án dân sự

19/12/2013

Phối hợp trong công tác Thi hành án dân sự (THADS) là một trong những yếu tố quan trọng quyết định bản án có được thi hành dứt điểm hay không. Hiện nay hệ thống pháp luật quy định khá đầy đủ về vấn đề này, sự phối hợp với các cơ quan trong khối nội chính, các cơ quan chuyên môn trong công tác THADS trên địa bàn tỉnh ta nhiều năm qua đã được các cơ quan THADS thực hiện nhưng trên thực tế cơ quan THADS vẫn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với những vụ việc phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế.
Sau mỗi bản án, THADS là giai đoạn thể hiện tính công minh của luật pháp, hiệu quả công tác THADS còn liên quan nhiều đến hiệu lực của bản án, quyết định đã tuyên của tòa án cũng như ý thức chấp hành pháp luật của người dân nói chung, người phải THA nói riêng. Để làm tốt vấn đề này, trong những năm qua, ngành THADS tỉnh ta luôn coi trọng công tác phối hợp với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp trong việc tiếp nhận bản án, quyết định; giải thích bản án, quyết định; trả lời kiến nghị khi cơ quan THA có yêu cầu; xét miễn giảm nghĩa vụ THA; giải quyết yêu cầu của cơ quan THADS về xác định quyền sở hữu, phân chia tài sản hoặc giải quyết tranh chấp tài sản phát sinh trong quá trình THADS. Bên cạnh đó, công tác kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân đối với việc tuân thủ pháp luật trong THA nhằm hỗ trợ cơ quan THADS thực hiện đúng quy định pháp luật trong việc thụ lý; xác minh; phân loại hồ sơ; hoàn thiện hồ sơ THA, chuyển giao vật chứng, tài sản tịch thu sung công, xử lý tiêu huỷ tang vật, xác định giá đối với tài sản kê biên tạm giữ để đảm bảo THA, cung cấp kịp thời thông tin, số liệu về tài khoản, các khoản thu nhập của người phải THA; lập hồ sơ, dự trù tổ chức cưỡng chế THA và các thủ tục liên quan khác cũng được ngành đặc biệt quan tâm. Đồng thời thường xuyên phối hợp với UBND các cấp, các ngành hữu quan trong việc THA ở địa phương; tham gia vào việc xác minh điều kiện THA, công tác cưỡng chế tại địa phương; cung cấp địa chỉ, tài liệu, điều kiện về thu nhập, tài sản của người phải THA là công dân, tổ chức thuộc phạm vi địa phương mình quản lý và các việc khác theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, cơ quan THADS luôn gặp phải sự chống đối quyết liệt từ phía đương sự, từ trực tiếp đối mặt bằng cách chửi bới, đe dọa đến lợi dụng việc khiếu nại để hoãn THA hoặc dùng vũ lực cản trở việc THA khiến cơ quan chức năng phải phối hợp với lực lượng Công an, chính quyền địa phương trong khi thi hành nhiệm vụ. Theo thống kê của cơ quan THA, số án, vụ việc phải thi hành mỗi năm một tăng, không chỉ về số lượng mà mức độ, tính chất ngày càng phức tạp. Tìm hiểu các vụ việc THADS, trong quá trình tổ chức THA cho thấy, nhiều đương sự có điều kiện THA nhưng vẫn cố tình chây ỳ, không tự nguyện thi hành như vụ việc của Nguyễn Chi Quang và Bùi Thị Tâm ở xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu phải thi hành án đối với Quỹ tín dụng nhân dân xã Hồng Tiến, đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Hoặc có nhiều trường hợp không hiểu trình tự thủ tục THA hoặc lợi dụng quyền tự do dân chủ của công dân làm đơn khiếu nại, tố cáo không đúng qui định của pháp luật, nhằm để trì hoãn việc THA. Nhiều trường hợp khiếu nại, tố cáo, nhưng cơ quan THA đã giải quyết khiếu nại hết thẩm quyền nhưng các đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại gửi đến nhiều ngành, nhiều cấp. Để đối phó với cơ quan chức năng, nhiều đối tượng đã tìm cách tẩu tán tài sản dưới nhiều hình thức ngay khi có dấu hiệu vỡ nợ. Do đó, đến giai đoạn trả nợ, bồi thường, nhiều đối tượng đã không còn tài sản hoặc còn rất ít để thực hiện nghĩa vụ dân sự, khiến việc THA không đạt hiệu quả như mong muốn, do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan THA với các cơ quan hữu quan trong việc thực thi pháp luật. Đặc biệt, sự phối hợp với chính quyền cơ sở là rất quan trọng. Vụ việc có giải quyết dứt điểm hay không cũng do sự phối kết hợp với chính quyền địa phương có được chặt chẽ không. Vai trò của chính quyền cơ sở, của MTTQ và các đoàn thể địa phương như Hội CCB, phụ nữ, thanh niên đã đóng góp tích cực trong công tác THADS. Qua tìm hiểu tại Cục và một số Chi cục THADS các huyện trong tỉnh cho thấy tình trạng chung mà các đơn vị này đang gặp phải khi tổ chức cưỡng chế là việc phối hợp với lực lượng công an để bảo vệ cưỡng chế. Tại điều 8 Pháp lệnh THADS quy định rõ: “Cơ quan công an có nhiệm vụ giữ gìn trật tự, kịp thời ngăn chặn những hành vi cản trở, chống đối việc THA. Trong trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế THA thì cơ quan công an và các cơ quan hữu quan khác có nhiệm vụ phối hợp thực hiện theo yêu cầu của Thủ trưởng Cơ quan THA hoặc Chấp hành viên” nhưng trên thực tế, THA lại phải phụ thuộc vào kế hoạch công tác của lực lượng công an. Mà quy trình báo cáo của cơ quan Công an thì cũng lắm rối rắm, phức tạp, tham gia cưỡng chế phải được cấp trên chỉ đạo. Từ chủ động cơ quan THA thành bị động, nhiều kế hoạch cưỡng chế THADS đã bị đổ bể vì không có lực lượng công an.
Ngoài việc phối hợp cung cấp thông tin xác minh, vận động người phải THA thực thi nghĩa vụ, chính quyền sở tại và các cơ quan, đoàn thể còn phối hợp trong việc tuyên truyền, vận động người được THA, người phải THA và những người liên quan hòa giải để tìm ra biện pháp giải quyết vừa đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp, vẫn giữ gìn sự đoàn kết, tình cảm của các bên đương sự. Tuy nhiên, theo như ông Nguyễn Huy Xiêm, Phó Chi cục trưởng, Chi cục THADS huyện Khoái Châu cho biết: không chỉ trên địa bàn huyện Khoái Châu nói riêng mà các địa phương khác trong tỉnh nói chung hiện nay ý thức trách nhiệm của một số địa phương chưa cao, còn ngại việc. Đối với một số vụ việc về kinh tế, thương mại, số tiền phải thi hành lớn, cơ quan THA đã áp dụng biện pháp cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản của người phải THA và bán đấu giá nhưng lại bị Toà án, Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị yêu cầu xét xử lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, có trường hợp kéo dài nhiều năm liền nhưng vụ án vẫn chưa được xét xử xong hoặc bị Tòa án yêu cầu hoãn, tạm đình chỉ, kháng nghị bản án. Nhiều trường hợp cơ quan THA đã tổ chức thi hành xong thì lại có kháng nghị của cơ quan có thẩm quyền hoặc quyết định giám đốc thẩm của Tòa án tuyên hủy bản án mà cơ quan THA vừa thi hành xong. Bên cạnh đó pháp luật hiện hành vẫn chưa quy định thống nhất, đồng bộ về cơ chế kiểm tra, giám sát, quản lý nguồn thu nhập, tài sản của người phải THA nên gây khó khăn cho công tác THA trong quá trình xác minh, kê biên và xử lý tài sản.
Một số khó khăn khác trong quá trình phối hợp với các cơ quan hữu quan cũng phần nào ảnh hưởng đến công tác THA. Chính vì vậy, cần tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp liên ngành tạo sự đồng thuận, nhất quán trong quá trình tổ chức thực hiện công tác THADS, đặc biệt là việc phát huy vai trò của Ban chỉ đạo THADS trong kết nối các thành viên, chỉ đạo THA, phát huy vai trò tham mưu của cơ quan THA đối với những vụ việc khó khăn, phức tạp. Thường xuyên trao đổi thông tin, tổ chức các hoạt động phối hợp trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, xử lý các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ giữa cơ quan THA với các ngành liên quan. Đối với những trường hợp không hợp tác với cơ quan THA phải được xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.

Tác giả bài viết: Hồng Ngọc

Các tin đã đưa ngày: